Chuyên gia chỉ ra 2 nhóm cổ phiếu an toàn trước cơn bão thuế quan từ Mỹ càn quét chứng khoán Việt
Giữa lúc thị trường hoảng loạn hơn 500 cổ phiếu bay màu, chuyên gia chứng khoán của SSI Research đưa ra 2 nhóm ngành an toàn cho nhà đầu tư...

Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Giám đốc SSI Research, những doanh nghiệp an toàn trong bối cảnh này là hoàn toàn liên quan thị trường trong nước như ngành điện. Ngành điện có nhiều thông tin đang chờ đợi kỳ vọng như quy hoạch điện 8, việc xử lý đối với giá FIT của nhiều dự án điện năng lượng tái tạo. Giá điện gần đây đã có nghị định từ Chính phủ, câu chuyện của ngành liên quan chủ yếu trong nước, đây là ngành thú vị mang tính chất an toàn ở thời điểm này.
Đối với ngành Ngân hàng, tăng trưởng tín dụng chủ yếu liên quan đến thị trường nội địa là chính chứ không liên quan đến xuất khẩu. Room tín dụng 16% có thể cao hơn do đầu tư trong nước được đẩy mạnh, lợi nhuận tương đối tương đối tích cực cho ngành ngân hàng. Đôi khi sự khó khăn từ thị trường xuất khẩu lại làm cho mình quay trở lại với nội địa.
Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Đầu tiên là thủy sản, thuế quan lên cao ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam nhưng lựa chọn khác của nhà nhập khẩu Mỹ không có quá nhiều khi các quốc gia khác cũng bị đánh thuế. Nếu mức thuế 46% này không kéo dài thì câu chuyện ảnh hưởng mang tính chất ngắn hạn hơn.
Đối với ngành thép, tôn mạ: Ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu thép nhiều. Tuy nhiên, xuất khẩu thép của Việt Nam không chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng doanh thu toàn ngành. Các mặt hàng liên quan đến thép không bị áp thuế đối kháng quá cao và có các cơ chế thuế riêng do đó ngành thép toàn cầu không bị ảnh hưởng quá nhiều. Lo ngại nhất vẫn là dư cung từ Trung Quốc nếu có. Tuy nhiên, Việt Nam đã có các công cụ bảo hộ thị trường nội địa khỏi thép giá rẻ tràn vào Việt Nam. Các chính sách mang tính bảo hộ ngành thép vẫn là điều quan trọng.
Đối với ngành bất động sản khu công nghiệp, các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu không thể thay đổi ngày một hai. Thuế đánh 60 nước do đó không tìm ra nổi một quốc gia nào có thể thay thế Việt Nam để chuyển phần xuất khẩu đi. Việc đưa ra quyết định mang tính dài hạn thì với nhà đầu tư FDI không thể nào thực hiện được nếu chỉ dựa trên thông tin mang tính chất ngắn hạn. Ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển FDI vào Việt Nam hiện tại. Xu hướng đầu tư của các dự án vừa và nhỏ rất nhiều, các dự án vài chục triệu USD vài trăm triệu USD. Ngay khi nhìn thấy số FDI có giảm thì số dự án vẫn tăng thì đây vẫn là điểm tích cực cho ngành khu công nghiệp trong bối cảnh chúng ta không còn nhiều đất sạch, khả năng hấp thụ của Việt Nam không phải là lớn.
Đối với ngành vận tải biển, theo ông Hưng, nhà đầu tư kỳ vọng có thể có sự gia tăng nhu cầu tạm thời do các doanh nghiệp "front-loading" (đẩy mạnh xuất khẩu) trước khi thuế có hiệu lực nhưng thời gian còn tương đối ngắn để có thể tăng trưởng xuất khẩu. Nhu cầu vận tải ngắn hạn cao nhưng dài hạn vẫn chờ kết quả đàm phán cuối cùng. Trước mắt tiêu cực nhưng dài hạn là tích cực để cơ hội cho hệ thống thương mại toàn cầu tái cấu trúc.
Đối với ngành cao su, ông Hưng cho rằng cần phải theo dõi thêm. Thuế liên quan đến ô tô, từ phía Mỹ các nhà sản xuất ô tô cũng có phản ứng nhất định vì họ cho rằng họ cũng không hưởng lợi vì phải đi nhập phụ kiện về để sản xuất ô tô. Phản ứng ban đầu có vẻ mọi người nghĩ là tiêu cực nhưng đối với chính sách từ chính quyền Mỹ có thể thay đổi sau khi nghĩ rằng cần phân biệt giữa link kiện và ô tô nguyên chiếc để có thể hỗ trợ ngành ô tô trong nước. Chính sách có thể sẽ nới hơn với link phụ kiện, do đó với cao su sẽ không ảnh hưởng lắm.
Đối với ngành công nghệ, cụ thể là cổ phiếu FPT, ông Hưng cho rằng ảnh hưởng trực tiếp từ thuế không có, vì thuế chủ yếu đánh vào hàng hóa, trong khi FPT cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, nếu thuế quan gây suy thoái kinh tế, đặc biệt nền kinh tế Mỹ đang xấu sẵn, ngân sách chi cho công nghệ sẽ giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng của FPT. Bên cạnh đó, xu hướng định giá cổ phiếu công nghệ toàn cầu giảm cũng gây áp lực lên cổ phiếu FPT. Yếu tố tích cực là FPT vẫn hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong nước.
"Hôm nay không phải là ngày bán đối với tôi. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư danh mục rủi ro hơi nhiều thì giảm bớt mức độ như chuyển sang ngành có liên quan đến sản xuất trong nước nhiều hơn, margin không để mức cao. Vị thế để về mức hợp lý để không bị ngã trước thiên đường", ông Hưng nhấn mạnh.