11:56 16/04/2023

Lý do khiến người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp

Nhật Dương

Trong nhiều trường hợp, do chưa nắm rõ các thủ tục cần thiết như về thời gian nộp hồ sơ, điều kiện hưởng khiến người lao động lỡ cơ hội được hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giúp người lao động ổn định cuộc sống, duy trì hỗ trợ tìm kiếm việc làm, học nghề, hỗ trợ người lao động lúc khó khăn.

CHÚ Ý MỐC THỜI GIAN NỘP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ HƯỞNG

Là đơn vị trực tiếp hỗ trợ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, trong quá trình hỗ trợ cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, có nhiều tình huống xảy ra khiến người lao động không được hưởng quyền lợi của mình.

Theo bà Liễu, có nhiều nguyên nhân của tình trạng này. Đơn cử, sau 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động có việc làm. Như vậy, người lao động cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hoặc người lao động không đóng đủ 12 tháng bảo hiểm thất nghiệp trở lên, trong vòng 24 tháng đối với người có hợp đồng lao động có xác định thời hạn, hoặc không xác định thời hạn, hoặc không đóng đủ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng đối với lao động mùa vụ, hoặc có công việc nhất định từ 3 tháng trở lên đến dưới 12 tháng.

Trường hợp khác là người lao động phải đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 3 tháng kể từ khi mất việc, nhưng người lao động quên mất. Khi nộp thì quá thời hạn 3 tháng, nên cũng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, một số người lao động không đáp ứng yêu cầu tháng liền kề trước khi mất việc mà đã tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp, thì người lao động cũng không được hưởng.

“Một trong những điều kiện để người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp là trong vòng 3 tháng, kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, thì người lao động phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở các tỉnh để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Còn nếu đã hết hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp vẫn được bảo lưu để tính tiếp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tới, nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chứ không bị mất đi”, bà Liễu thông tin.

KIỂM TRA THÔNG TIN ĐÓNG – HƯỞNG ĐỂ ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI

Theo quy định hiện hành, hàng tháng, người lao động bị trừ một khoản nhất định để tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Vì vậy, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, để đảm bảo quyền lợi cũng như nhằm kiểm tra doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho mình hay chưa, người lao động hãy truy cập vào các ứng dụng để kiểm tra.

Chẳng hạn như truy cập vào trang web, đường link của cơ quan Bảo hiểm xã hội, tra cứu trực tuyến sẽ biết được doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm cho mình hay chưa. Hoặc tra cứu qua ứng dụng VssID, sử dụng điện thoại di động, đăng nhập tài khoản bằng mã số bảo hiểm xã hội…

Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc Làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), pháp luật có quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động là hàng năm phải thông tin về việc đóng cho người lao động. Do đó, người lao động có thể yêu cầu người sử dụng lao động thông tin việc đóng, chứng minh rằng đã đóng các khoản đóng bắt buộc.

Hoặc thông qua các tổ chức công đoàn đại diện cho quyền lợi của người lao động để đối thoại, yêu cầu người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin về việc tham gia đúng trách nhiệm của mình.

Về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, hiện nay, theo quy định tại Điều 57 Luật Việc làm 2013, người lao động đóng 1% tiền lương, có quy định mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Trường hợp người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, thì nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì sẽ đóng bằng mức 20 lần tháng lương cơ sở. Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định, nếu tiền lương cao hơn 20 lần mức lương tối thiểu vùng thì đóng bằng mức 20 lần tháng lương tối thiểu vùng.

Người sử dụng lao động đóng 1% trên tổng quỹ tiền lương của những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị.

Về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo quy định, mức hưởng của người lao động là bằng 60% bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng phụ thuộc vào thời gian đóng. Nguyên tắc của bảo hiểm thất nghiệp là đóng - hưởng, hưởng trên mức đóng và thời gian đóng.

Về thời gian đóng của bảo hiểm thất nghiệp, tối đa là 12 tháng, tối thiểu là 3 tháng. Người lao động đóng từ đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó, cứ thêm 12 tháng đóng thì được thêm 1 tháng trợ cấp, tối đa không quá 12 tháng trợ cấp.

Tính đến cuối năm 2022, có khoảng 14,3 triệu người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Mức độ bao phủ của bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 31,18%.