07:12 05/04/2023

Đóng bảo hiểm thất nghiệp bao lâu thì được hưởng trợ cấp

Nhật Dương

Chế độ bảo hiểm thất nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng giúp người lao động giải quyết khó khăn tạm thời về tài chính…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ đặc biệt dành cho người lao động nhằm bù đắp một phần thu nhập khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

THAM GIA LIÊN TỤC HAY NGẮT QUÃNG ĐỀU ĐƯỢC TÍNH HƯỞNG TRỢ CẤP

Một trong những quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp là người tham gia được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, tuy nhiên họ phải đáp ứng đủ các điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định trước khi thất nghiệp. Trong đó có điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi nghỉ việc sẽ được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện được nêu tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013.

Cụ thể, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật; người lao động hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng; đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng; sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà vẫn chưa tìm được việc.

Trừ trường hợp gồm: người lao động hực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học từ 12 tháng trở lên; định cư nước ngoài, xuất khẩu lao động…

Căn cứ quy định trên, người lao động đóng từ đủ 12 tháng trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng thời thì được xem xét giải quyết trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc.

Đáng chú ý, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp dù đóng bảo hiểm liên tục hay ngắt quãng cũng đều được tính hưởng trợ cấp bởi thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp xét hưởng trợ cấp được xác định tại khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm 2013.

Theo đó, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục, hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp, cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

HỖ TRỢ MỘT PHẦN THU NHẬP CHO NGƯỜI MẤT VIỆC

Như vậy, chỉ cần tích lũy từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong 24 tháng trước khi nghỉ việc và đáp ứng đủ các điều kiện còn lại, người lao động sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp thất nghiệp.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Tuy nhiên mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Số liệu thống kê của bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, trong năm 2022, số người có quyết định hưởng mới trợ cấp thất nghiệp do cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp nhận từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh là 963.550 người, trong đó mức hưởng bình quân với lao động nam là hơn 23,2 triệu đồng; lao động nữ bình quân hơn 21 triệu đồng. Thời gian được giải quyết hưởng bình quân là 5,54 tháng đối với nam, 5,56 tháng với nữ.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, mức hưởng, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện nay nhìn chung hợp lý, góp phần hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp. Đồng thời đảm bảo được tính công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng, cũng như khắc phục được việc lợi dụng, trục lợi chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Mặc dù vậy, Luật Việc làm quy định mức hưởng đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở không còn phù hợp với định hướng trong giai đoạn tới về thực hiện chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Vì vậy, Bộ cho rằng cần sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở.