![Mở cơ hội mới từ kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon - Ảnh 1](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/01/22/emag-pv-dang-hong-hanh-so-xuan-tr-9293-2025-01.png)
![Mở cơ hội mới từ kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon - Ảnh 2](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/01/22/emag-pv-dang-hong-hanh-so-xuan-tr-9293-2025-02.png)
Thưa bà, theo danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024 vừa được Chính phủ ban hành, sẽ có 2.166 doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Vậy, các nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính được quy định cho đối tượng nào và với các mốc báo cáo hiện nay được yêu cầu ra sao?
Thực hiện kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính là một nghĩa vụ rất mới đối với doanh nghiệp. Đây là yêu cầu xuất phát từ thực hiện cam kết quốc gia giảm phát thải khí nhà kính với quốc tế thể hiện qua các mục tiêu nêu tại Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC) nộp cho Công ước khung của Liên hợp quốc (UNFCCC), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Các bên lần thứ 26 của UNFCCC (COP26).
Đối với quốc gia, nguồn phát thải khí nhà kính chính là từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch, có phát thải lớn như: sản xuất sắt thép, xi măng, nhiệt điện than... Do đó, việc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính phải bắt đầu từ các doanh nghiệp.
Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon của Chính phủ đã quy định nghĩa vụ báo cáo chính thức về hiện trạng phát thải khí nhà kính của các cơ sở sản xuất, kinh doanh (kiểm kê khí nhà kính).
Để thực hiện kiểm kê khí nhà kính, có được số liệu báo cáo sẽ phát sinh các chi phí mới, yêu cầu về kỹ thuật, nhân sự... Nếu áp dụng với tất cả các doanh nghiệp, chi phí tuân thủ sẽ rất lớn. Do vậy, quy định hiện nay không áp dụng với tất cả các doanh nghiệp mà chỉ áp dụng cho 2.166 cơ sở là các đơn vị nằm trong ngưỡng phát thải lớn đã được Chính phủ quy định.
Những doanh nghiệp phát thải lớn này sẽ phải thực hiện báo cáo lần đầu tiên về hiện trạng phát thải vào tháng 3/2025. Sau đó, các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của mình và thông báo kế hoạch giảm phát thải cho giai đoạn 2026-2030. Tiếp đó, đến năm 2027, các doanh nghiệp này phải báo cáo việc thực hiện kế hoạch giảm phát thải này và cập nhật kế hoạch nếu có thay đổi.
Theo Luật Bảo vệ môi trường và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, số lượng cơ sở phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo sẽ được điều chỉnh 2 năm một lần và ngưỡng quy định sẽ tăng dần lên. Hiện nay, quy định áp dụng các cơ sở tiêu thụ năng lượng khoảng 1.000 tấn dầu tương đương (1.000 TOE) phải thực hiện báo cáo nhưng trong tương lai sẽ giảm xuống 200 TOE trở lên.
![Mở cơ hội mới từ kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon - Ảnh 3](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/01/22/emag-pv-dang-hong-hanh-so-xuan-tr-9293-2025-03.png)
Theo bà, việc thực hiện nghĩa vụ này sẽ mang lại lợi ích gì cho các doanh nghiệp?
Đồng thời cùng với việc thực hiện nghĩa vụ do Nhà nước quy định liên quan đến quản lý và giảm phát thải khí nhà kính, việc thực hiện kiểm kê và xây dựng được cơ sở dữ liệu khí nhà kính chính xác và minh bạch sẽ cung cấp thông tin cho thấy doanh nghiệp về hiệu quả sử dụng tài nguyên để ra các quyết định liên quan đến đầu tư và áp dụng công nghệ tiên tiến có phát thải thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp có thông tin minh bạch về phát thải và có các sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính để đóng góp vào nỗ lực phát triển bền vững toàn cầu ngày càng được coi trọng. Thế mạnh này sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi gia nhập hoặc mở rộng thị trường cũng như chinh phục các khách hàng có yêu cầu cao về các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường.
Việc kiểm kê khí nhà kính không chỉ dừng lại ở nội bộ doanh nghiệp, mà còn giúp có thông tin liên quan đến dữ liệu phát thải của nguyên liệu đầu vào. Trước tình hình áp dụng Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) tại châu Âu áp dụng cho 6 loại hàng hóa nhập khẩu vào EU (sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện, hydrogen), doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị sẵn sàng thông tin để đáp ứng yêu cầu từ phía nhà nhập khẩu.
Những chi phí liên quan đến CBAM có thể được phía nhập khẩu tìm cách phân bổ một phần sang doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, việc minh bạch số liệu khí nhà kính và chủ động giảm thiểu phát thải sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực chi phí, duy trì lợi thế cạnh tranh.
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp đầu tư hiệu quả vào các giải pháp giảm phát thải có thể tham gia vào thị trường carbon thông qua giao dịch tín chỉ hoặc hạn ngạch phát thải mà phù hợp với các tiêu chí đưa ra, khi đó các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon hoặc hạn ngạch trên thị trường sẽ mang lại doanh thu bổ sung cho doanh nghiệp.
![Mở cơ hội mới từ kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon - Ảnh 4](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/01/22/emag-pv-dang-hong-hanh-so-xuan-tr-9293-2025-04.png)
Kiểm kê khí nhà kính là nghĩa vụ mới đối với các doanh nghiệp. Là đơn vị tư vấn và tăng cường năng lực về kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp, theo bà, đâu là những khó khăn thách thức lớn nhất trong lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh, đặc biệt với hơn 2.000 cơ sở nằm trong danh mục kiểm kê khí nhà kính?
Thời gian qua, công ty chúng tôi đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Phát triển hợp tác Nhật Bản (JICA) ủy quyền là đơn vị tổ chức và triển khai các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực như: sắt, thép, xi măng, dệt may, rượu, bia, nước giải khát, giấy và bột giấy, giao thông… Tại các khóa đào tạo này, các học viên không chỉ được học các nguyên tắc và lý thuyết cơ bản về kiểm kê và tính toán giảm phát thải khí nhà kính, mà còn được thực hành trên các công cụ tính toán bao gồm cả trực tuyến được ban tổ chức xây dựng theo các tiêu chuẩn quốc tế và phù hợp với hướng dẫn của các Bộ phụ trách lĩnh vực.
Qua các khóa đào tạo, chúng tôi nhận thấy khó khăn lớn nhất chính là nhận thức và sự quan tâm đúng mức của doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức rằng kiểm kê khí nhà kính là yêu cầu bắt buộc trong thời gian tới nhưng khi tuân thủ thực hiện sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và có khả năng giúp các đơn vị thực hiện sớm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, kiểm kê khí nhà kính là một lĩnh vực rất mới nên doanh nghiệp cần phải sắp xếp nhân sự phụ trách và bố trí kinh phí để triển khai thực hiện không chỉ trong một năm mà là liên tục.
Tuy vậy, qua các khóa đào tạo đã thực hiện cũng cho thấy các doanh nghiệp có thể tự thực hiện kiểm kê khí nhà kính nếu tham gia các chương trình đào tạo và áp dụng công cụ tính toán đã được xây dựng và cung cấp. Hơn nữa, để thực hiện nghiệp vụ này, các doanh nghiệp có thể thuê tư vấn thực hiện, nhưng lưu ý ngay cả khi thuê tư vấn thì việc thu thập dữ liệu nội bộ vẫn phải do doanh nghiệp thực hiện.
Chúng tôi nhận thấy thách thức lớn nhất đặt ra với hơn 2.000 cơ sở trong danh mục thực hiện kiểm kê là vấn đề giảm phát thải. Sau khi kiểm kê, các doanh nghiệp sẽ phải đánh giá, đưa ra biện pháp và đầu tư, áp dụng công nghệ giảm phát thải phù hợp với năng lực tài chính, công nghệ của mình. Các công nghệ hiện đại để giảm phát thải hiệu quả cao sẽ có chi phí lớn, trong khi phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.
![Mở cơ hội mới từ kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon - Ảnh 5](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/01/22/emag-pv-dang-hong-hanh-so-xuan-tr-9293-2025-05.png)
Trước những khó khăn thách thức này, theo bà, cần có cơ chế chính sách, giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính, áp dụng các công nghệ mới, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển bền vững?
Theo tôi, với hoạt động kiểm kê khí nhà kính, Nhà nước cần có các hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn chi tiết và thường xuyên đào tạo để đảm bảo số liệu kiểm kê giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành có độ chính xác, tương đương. Hiện nay các bộ, ngành liên quan đang xây dựng ban hành các hướng dẫn này, tạo cơ sở cho các doanh nghiệp chi tiết thành các quy trình kiểm kê có độ chính xác cao nhất có thể.
Cân bằng giữa chính xác của các dữ liệu kiểm kê với chi phí của doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện kiểm kê cũng như thẩm định kết quả của các cơ quan quản lý là một thách thức không nhỏ. Nếu dữ liệu báo cáo kiểm kê không chính xác sẽ không mang lại giá trị, ý nghĩa, hiệu quả sử dụng, thậm chí có thể dẫn tới những quyết định sai lệch trong quản lý giảm phát thải như trong phân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp cần kiểm soát phát thải.
Do đó, theo tôi, nên áp dụng cả hai công cụ là “cây gậy và củ cà rốt”, khuyến khích, tuyên dương các doanh nghiệp thực hành tốt nhưng đồng thời có công cụ xử lý các trường hợp vi phạm kiểm kê và báo cáo kiểm kê. Bên cạnh đó cũng cần sự tham gia của cơ quan độc lập thẩm định kết quả, dữ liệu kiểm kê và đảm bảo chính xác.
Sau kiểm kê, việc áp dụng các giải pháp công nghệ giảm phát thải sẽ là khó khăn thách thức với doanh nghiệp bởi đây là bài toán chi phí đầu tư. Nhà nước đã có những cơ chế khuyến khích hoạt động đầu tư thông qua chính sách thí điểm phát triển thị trường carbon trong nước.
Thị trường carbon là một trong những biện pháp quản lý của Nhà nước giúp chi phí tuân thủ giảm phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp cũng như của xã hội thấp và tối ưu hơn. Khi đó các doanh nghiệp có thể có thêm doanh thu bổ sung từ các giao dịch hạn ngạch hoặc tín chỉ trên thị trường carbon.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, cần thực hiện song song các chính sách thúc đẩy công nghệ chuyển đổi xanh khác, hỗ trợ vốn mồi, hỗ trợ thực hiện nghiên cứu khả thi ban đầu của Nhà nước để giảm rủi ro cho doanh nghiệp. Cần thúc đẩy áp dụng các công cụ tài chính xanh với các tiêu chí ưu tiên giảm phát thải khí nhà kính, giúp doanh nghiệp tiếp cận những nguồn tài chính với chi phí thấp hơn để đầu tư áp dụng công nghệ phát thải carbon thấp và xanh hơn.
![Mở cơ hội mới từ kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon - Ảnh 6](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/01/22/emag-pv-dang-hong-hanh-so-xuan-tr-9293-2025-06.png)
Bà có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp để có thể đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn, quy định của pháp luật cũng như thị trường về vấn đề môi trường, giảm phát thải, phát triển bền vững?
Đây là một cuộc chơi mới, yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp phải vào cuộc tham gia. Để tuân thủ, trước tiên các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực, chủ động tìm hiểu, tham gia các khóa đào tạo, nâng cao nhận thức về vấn đề này. Các doanh nghiệp phải biết thực trạng phát thải của đơn vị mình đang ở đâu trong ngành, lĩnh vực để có chiến lược, kế hoạch hành động phù hợp. Sau đó, doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng các chiến lược thích ứng để không chỉ tuân thủ mà còn có thể nắm bắt cơ hội mới từ xu thế phát thải carbon thấp.
Nếu doanh nghiệp nào chậm vào cuộc sẽ bất lợi, bị động, không thể thích nghi với yêu cầu, đòi hỏi mới cũng như không khai thác cơ hội của thị trường. Chúng tôi đã đánh giá phát thải cho Danh mục đầu tư của một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2015 và thấy tiêu chí “phát thải thấp” đã được các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào để lựa chọn đầu tư ở Việt Nam. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị sẵn sàng, ưu tiên cả về nhân lực và vật lực để chủ động tham gia sớm nhất có thể.
![Mở cơ hội mới từ kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon - Ảnh 7](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/01/22/emag-pv-dang-hong-hanh-so-xuan-tr-9293-2025-07.png)
Liên quan đến thị trường tín chỉ carbon, theo lộ trình kế hoạch dự kiến trong năm 2025 Việt Nam sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và chính thức vận hành vào năm 2028. Theo bà, đâu là yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam vận hành thành công sàn giao dịch tín chỉ carbon?
Việt Nam sẽ vận hành thử nghiệm thị trường carbon vào năm 2025 và sẽ vận hành đầy đủ từ năm 2028. Thị trường carbon của Việt Nam sẽ có hai loại là thị trường tuân thủ bắt buộc và thị trường tự nguyện.
Thị trường tự nguyện là nơi các tổ chức, công ty hoặc quốc gia thỏa thuận giao dịch tự nguyện để mua bán tín chỉ carbon để bù trừ cho các mục tiêu giảm phát thải tự nguyện. Tín chỉ carbon là giảm phát thải đạt được từ các dự án đầu tư công nghệ như năng lượng tái tạo, thu hồi khí metan từ bãi rác để phát điện hay hấp thu carbon từ bảo tồn rừng, các tín chỉ này phải được đăng ký và ban hành tự nguyện theo một cơ chế nhất định. Tín chỉ carbon cho 1 tấn CO2 tương đương (tCO2e) đã được tránh hoặc loại bỏ.
Tất nhiên, có những tiêu chí và phương pháp chặt chẽ để ban hành tín chỉ (tính bổ sung, lâu dài và không bị đảo ngược), không phải hoạt động giảm phát thải nào cũng có thể tạo ra tín chỉ và được công nhận.
Thị trường tuân thủ bắt buộc là nơi giao dịch các hạn ngạch phát thải khí nhà kính và một số tín chỉ carbon bù trừ được Nhà nước cho phép để giúp doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính được nhà nước áp lên cho các doanh nghiệp này với chi phí tối ưu hơn.
Hạn ngạch do cơ quan quản lý ETS cấp và cho phép chủ sở hữu hạn ngạch (cơ sở/doanh nghiệp được quản lý) phát thải 1 tCO2e. Tổng hạn ngạch là mức phát thải trần của doanh nghiệp được giao trong một thời gian nhất định (thường là 1 năm). Hạn ngạch sẽ được giao dịch trên sàn giao dịch bắt buộc do Nhà nước quản lý.
Theo một số nghiên cứu, các công cụ định giá carbon, đặc biệt là ETS được chứng minh có hiệu quả trong giảm lượng phát thải carbon. Tuy nhiên, giá carbon cần phải được đặt ở mức phù hợp để có tác động đáng kể đến việc giảm phát thải. Giá carbon càng cao thì tác động đến giảm phát thải càng lớn.
Các nước EU đã bắt đầu từ năm 2005, Hàn Quốc từ năm 2015 và một số quốc gia ASEAN đang thiết lập và vận hành thử nghiệm thị trường này.
Theo tôi, thị trường carbon là một thị trường mới và rất phức tạp về kỹ thuật, thiết kế nên cần có thời gian và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi vận hành, đồng thời tăng cường nhận thức cho doanh nghiệp, các bên liên quan để tăng cường sự sẵn sàng của thị trường.
Để điều hành, thúc đẩy thị trường sôi động hơn, cơ quan quản lý cần có nhiều biện pháp khác nhau trong đó có việc điều tiết cung - cầu thị trường; có các biện pháp để các bên tạo lập thị trường tham gia đầu tư. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các nước, việc áp dụng các biện pháp này đòi hỏi phải có quy định khung, sự minh bạch và không lạm dụng can thiệp vào thị trường.
![Mở cơ hội mới từ kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon - Ảnh 8](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/01/22/emag-pv-dang-hong-hanh-so-xuan-tr-9293-2025-08.png)
Vậy, bà đánh giá thế nào về tiềm năng, cơ hội của các doanh nghiệp từ thị trường carbon thông qua việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính?
Hiện nay, rất khó để đánh giá điều này khi chúng ta chưa có báo cáo cấp quốc gia cũng như chưa có kiểm kê phát thải cũng như hiện trạng công nghệ của 2.166 cơ sở này. Chúng ta mới chỉ dựa vào dữ liệu ban đầu về mức tiêu thụ năng lượng để xây dựng danh sách cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính. Chúng tôi kỳ vọng sau tháng 3/2025, Việt Nam lần đầu tiên sẽ có dữ liệu quốc gia từ doanh nghiệp, khi đó có thể có bức tranh rõ nét hơn về trình độ cũng như tiềm năng giảm phát thải của các doanh nghiệp khác nhau.
Để xác định cơ hội cho các đơn vị trong giảm phát thải khí nhà kính phải chờ kết quả kiểm kê và các doanh nghiệp phải có kế hoạch hành động giảm phát thải. Với những doanh nghiệp tham gia ETS và bị áp trần phát thải, nếu không tuân thủ sẽ phải nộp phạt hoặc phải đi mua hạn ngạch của các bên khác để đảm bảo tuân thủ. Việc giảm phát thải là tự nguyện đối với các doanh nghiệp nằm ngoài ETS nhưng quy mô cho các doanh nghiệp tham gia ETS sẽ dần được mở rộng.
Dựa trên kết quả kiểm kê khí nhà kính, các doanh nghiệp sẽ có chiến lược hành động cụ thể, hoặc là đầu tư sớm để giảm phát thải hoặc đi mua từ các đơn vị khác dư thừa để bù trừ tín chỉ hoặc là nộp phạt.
Tất cả các doanh nghiệp đang cùng xuất phát điểm, bắt đầu kiểm kê và đánh giá cơ hội, tiềm năng giảm phát thải. Theo tôi, các cơ hội, tiềm năng giảm phát thải phụ thuộc vào đặc thù của doanh nghiệp, trong từng ngành, lĩnh vực sản xuất.
Khi có dữ liệu kiểm kê khí nhà kính, có thể xây dựng được đường cơ sở, mức trung bình cho doanh nghiệp, qua đó đánh giá được tiềm năng cơ hội và đưa ra các chính sách định hướng để giảm phát thải khí nhà kính.
Thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ hội để các doanh nghiệp đánh giá mình đang ở đâu trong bức tranh chung của ngành, từ đó đưa ra kế hoạch, chiến lược hành động cụ thể. Qua kiểm kê, các doanh nghiệp nắm bắt được nguồn phát thải chính để có giải pháp tập trung giảm phát thải.
Bà có thể chia sẻ về lộ trình triển khai và xây dựng thị trường carbon ở Việt Nam?
Cho đến nay, nhiều quy định chi tiết để xây dựng và vận hành ETS và thị trường carbon vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và kỳ vọng được chi tiết trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP sửa đổi.
Tuy nhiên, qua các tham vấn công chúng của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các bản dự thảo cho thấy đối tượng tham gia ETS thí điểm từ năm 2025 đến năm 2027 sẽ là các cơ sở phát thải lớn trong số 2.166 cơ sở nằm trong danh mục kiểm kê khí nhà kính.
Theo đó, dự kiến sẽ chỉ có khoảng hơn 150 doanh nghiệp ở 3 lĩnh vực sắt thép, xi măng và nhiệt điện tham gia ETS. Về loại hình tín chỉ carbon trong nước cũng như tín chỉ sẽ được sử dụng để bù trừ với hạn ngạch để tuân thủ cũng chưa được quy định chi tiết.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp dự kiến tham gia ETS thí điểm cần phải phân tích chi phí - cơ hội, có chiến lược kinh doanh, áp dụng giải pháp công nghệ nào để giảm phát thải để có thể tuân thủ với chi phí thấp nhất.
Với các doanh nghiệp chưa tham gia ETS cũng cần có sự quan sát, chuẩn bị cho việc ETS sẽ mở rộng phạm vi, tăng số lượng doanh nghiệp sau khi giai đoạn thí điểm kết thúc. Thực tế hiện nay, sự quan tâm, nhận thức của các doanh nghiệp về vấn đề này vẫn còn rất hạn chế.
![Mở cơ hội mới từ kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon - Ảnh 9](https://media.vneconomy.vn/images/upload/2025/01/22/emag-pv-dang-hong-hanh-so-xuan-tr-9293-2025-09.png)
VnEconomy 31/01/2025 06:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194
![Mở cơ hội mới từ kiểm kê khí nhà kính và thị trường carbon - Ảnh 10](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/01/22/92-93-1.png)