19:00 12/12/2024

Nghiên cứu, tạo ra các công nghệ mới đột phá phục vụ mục tiêu NetZero

Tùng Dương

Chương trình nghiên cứu kỳ vọng tạo ra các giải pháp đột phá về các công nghệ giảm phát thải khí nhà kính; công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn; các giải pháp quản lý, kỹ thuật phục vụ mục tiêu giảm phát thải, hướng tới chuyển đổi xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, giảm phát thải, góp phần thực hiện mục tiêu NetZero vào năm 2050...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 12/12/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố “Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, mã số KC.16/24-30” (Chương trình khoa học và công nghệ Net Zero)

Sự kiện nhằm thông tin rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ, Viện, Trường đại học và các chuyên gia, nhà khoa học với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, đổi mới và ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới các giải pháp chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.

HƯỚNG TỚI CÔNG NGHỆ XANH, GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH

Đây là một trong những chương trình hành động nhanh chóng, kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hình thành ngay một chương trình khoa học và công nghệ quốc gia phục vụ trực tiếp mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.

Chương trình sẽ song hành cùng với các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp khoa học và công nghệ, đặc biệt là hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

Sau thời gian nghiên cứu, đề xuất của các nhà khoa học, công nghệ và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước theo định hướng của Đảng, Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết 3 mục tiêu chính của Chương trình khoa học và công nghệ Net Zero đã được xác định.

Nghiên cứu, tạo ra các công nghệ mới đột phá phục vụ mục tiêu NetZero - Ảnh 1

Thứ nhất, cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước liên quan với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.

Thứ hai, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, phát triển nguồn nhân lực nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.

Thứ ba, nghiên cứu, ứng dụng, giải mã, đổi mới và chuyển giao công nghệ, các giải pháp quản lý và kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến trong các ngành, lĩnh vực. Qua đó, góp phần quản lý, kiểm kê phục vụ giảm phát thải khí nhà kính; góp phần phát triển công nghệ xanh, sạch, tuần hoàn; góp phần giảm tiêu thụ, chuyển dịch và chuyển đổi năng lượng; góp phần nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tận dụng và lưu trữ carbon.

Chương trình đặt kỳ vọng tạo ra các giải pháp đột phá về công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực như công nghệ về thu giữ và lưu trữ carbon; công nghệ giảm phát thải khí nhà kính; công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn.

Cùng với đó sẽ tạo ra các giải pháp quản lý, kỹ thuật phục vụ mục tiêu giảm phát thải, hướng tới chuyển đổi xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam để giảm đáng kể lượng phát thải của quốc gia, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ đa dạng sinh học; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ đề xuất các các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong khuôn khổ Chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero gửi về Bộ trước ngày 10/01/2025 để triển khai ngay các nhiệm vụ trong năm 2025.

ƯU TIÊN CHỌN CÁC NHIỆM VỤ NETZERO NỔI TRỘI, CÓ TÍNH ỨNG DỤNG CAO, CÓ KHẢ NĂNG NHÂN RỘNG

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết tại chuyến công tác Hoa Kỳ vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Thời gian qua, Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm của mình đối với các công việc chung của cộng đồng quốc tế bằng những đóng góp tích cực, chủ động. Việt Nam được Liên Hiệp Quốc coi là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NetZero) vào năm 2050".

Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia khẩn trương xây dựng và ban hành Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia với mã số KC.16/24-30, nhằm phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (NetZero).

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Chương trình khoa học và công nghệ Net Zero sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần...
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Chương trình khoa học và công nghệ Net Zero sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần...

Theo Bộ trưởng, đây là một trong những chương trình hành động nhanh chóng, kịp thời của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chương trình này sẽ song hành cùng với các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia khác đã và đang thực hiện để chung tay thúc đẩy các giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26).

"Chương trình khoa học và công nghệ Net Zero sẽ là nền tảng, cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam; thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam", ông Đạt nhấn mạnh.

Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn Chương trình được thông tin rộng rãi tới tất cả cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước để cùng nhau nghiên cứu, phát triển, giải mã, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính trong mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Cùng với đó, chung tay nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn thúc đẩy các mô hình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ cùng Ban Chủ nhiệm Chương trình Net Zero chủ động bố trí nguồn lực, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhanh nhất, thuận lợi nhất trong việc xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia.

Đồng thời ưu tiên lựa chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về NetZero nổi trội, có tính ứng dụng và thực tiễn cao, có khả năng nhân rộng, áp dụng cả về chiều rộng và chiều sâu để tổ chức triển khai có kết quả ngay trong năm 2025.

Mục tiêu của chương trình là khá rộng, cũng như việc yêu cầu cần phải tìm ra các giải pháp công nghệ mới, công nghệ xanh là một nhiệm vụ rất khó.

Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và sự quyết liệt vào cuộc, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ trưởng tin tưởng sẽ tìm ra được các kết quả, giải pháp khoa học, công nghệ thiết thực, có bước tiến rõ rệt trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, sớm hoàn thành mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam.