19:14 21/08/2018

Mối liên quan giữa giấc ngủ và bệnh gan

Hoài Phương

Từ 21 giờ đêm, các hệ miễn dịch và các cơ quan đào thải chất độc như gan, mật, phổi, ruột già, ruột non… bắt đầu hoạt động. Các cơ quan này sẽ hoạt động có hiệu quả nhất khi chúng ta đi ngủ sớm và có giấc ngủ say.


Những người thông minh là những người dành 1/3 cuộc sống cho việc ngủ. Nghe có vẻ lãng phí, nhưng thật ra, trong khi ngủ, cơ thể hoạt động như một "công cụ làm sạch nhà" theo đúng nghĩa đen. Hoạt động thần kinh trong khi ngủ gần như xảy ra với cùng một mức độ như khi còn thức. Bên cạnh các chức năng mà cơ thể thực hiện không tự nguyện trong khi ngủ như tiêu hóa thức ăn, thở, gửi tín hiệu đến các cơ quan…, thì thời gian đó, não còn tiến hành quá trình nhận thức tích cực hơn.
Mối liên quan giữa giấc ngủ và bệnh gan - Ảnh 1.
Thức đêm là nguyên nhân gây hại cho gan và sức khỏe bản thân. Bởi vì hormone vỏ thượng thận và hormone tăng trưởng đều tiết ra vào ban đêm khi con người chìm vào giấc ngủ. Hormone vỏ thượng thận tiết ra vào lúc sáng sớm trước khi bình minh, có tác dụng thúc đẩy trao đổi chất đường trong cơ thể, đảm bảo cơ thịt phát triển; Hormone tăng trưởng sau khi ngủ mới sản sinh ra, vừa thúc đẩy tăng trưởng ở thanh thiếu niên mà cũng kéo dài quá trình lão hóa ở người già. Vì vậy thời gian ngủ tốt nhất trong ngày là buổi tối từ 10 giờ đến sáng sớm lúc 6 giờ.Theo đồng hồ sinh học, khoảng thời gian từ 23h đến 1h sáng là thời gian của tế bào gan hoạt động để thực hiện các chức năng thải độc, trao đổi chất, chuyển hóa các chất trong cơ thể. Còn trong khoảng thời gian từ 1h đến 3h sáng, túi mật trong gan giúp cơ thể tiêu hóa chất béo, cholesterol trong gan và trong máu. Gan và mật sẽ thực hiện tốt vai trò này khi con người ngủ say nhất. Từ 3 – 5 giờ sáng, gan sẽ hoàn thành quá trình thanh lọc và nghỉ ngơi. Nếu trong giai đoạn này cơ thể không ở trong trạng thái ngủ sâu giấc thì gan sẽ không đủ điều kiện tốt để làm việc, gây ra sự thiếu hụt lượng máu trong gan, từ đó làm tổn thương các tế bào, khó hồi phục và sửa chữa những tế bào hỏng. Sau đó, từ 5 – 7 giờ sáng là thời điểm vàng để thức dậy và vệ sinh cá nhân để thải độc tố ra bên ngoài. Vì đồng hồ của sinh học của cơ thể ấn định như vậy nên nếu bạn thức quá khuya hay dậy quá trễ đều gây hại đến việc thải độc và nghỉ ngơi của gan.
Mối liên quan giữa giấc ngủ và bệnh gan - Ảnh 2.
Ngược lại nếu trong khoảng thời gian này bạn vẫn còn thức thì không những không giúp gan thải độc mà còn gây ra các phẩn ứng oxy hóa sản sinh ra các chất trung gian độc hại ROS Reactive Oxygen Species kích hoạt tế bào Kupffer phóng ra các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β và Interleukin, làm suy giảm vai trò của gan và ảnh hưởng đến tế bào gan và dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan.Lời khuyên dành cho người mắc bệnh gan chính là: bạn nên cân bằng giữa thời gian nghỉ ngơi và làm việc, từ bỏ thói quen thức khuya sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của gan. Mỗi ngày bạn nên đi ngủ trước 22h để có được một giấc ngủ sâu, vì đây là khoảng thời gian tốt nhất nuôi dưỡng máu trong gan, giúp gan khỏe mạnh.
Mối liên quan giữa giấc ngủ và bệnh gan - Ảnh 3.
Nếu bạn bị khó ngủ, hãy làm ấm cơ thể bằng cách ngâm chân vào chậu nước ấm để tăng khả năng lưu thông máu. Điều chỉnh nhiệt độ trong phòng thích hợp để dễ ngủ hơn. Khi ngủ, không nên mặc quần áo chật, bó sát gây khó chịu, bí bách, thay vào đó nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái sẽ giúp bạn cảm thấy dễ ngủ hơn. Nếu bạn không chìm vào giấc ngủ sau 20 phút đi ngủ, bạn không nên đi ra khỏi giường mà chỉ cần nằm thư giãn đọc một vài trang sách. Bạn đừng sử dụng thiết bị công nghệ hoặc ti vi, khiến não làm việc, sẽ kích thích bạn và bạn sẽ tăng cảm giác bồn chồn. Sau khi đọc sách khoảng 10 - 15 phút, hãy nhắm mắt lại và ru mình chìm vào ngủ càng sớm càng tốt.