11:21 26/02/2016

Một chút ngẫu hứng nơi Cổ Tự

PV

Một chút ngẫu hứng nơi Cổ Tự - Ảnh 1

Như một lần gần đây tôi có dịp đi theo đoàn quân BIDV hùng mạnh xuôi về miền Lệ Thủy, Quảng Bình để dự khánh hạ khu chùa Hoằng Phúc chẳng hạn. Hoằng Phúc, một cái tên xa ngái, mơ hồ mà tôi, một kẻ lười đi lười đọc chưa một lần được nghe, một lần được thấy dẫu rằng nó đã vang danh trong lịch sử với những biệt danh xôn xao cổ tự: Am Tri Kiến, chùa Kính Thiên, Vô song phúc địa, Phúc lớn hằng hà…Thì ra ngẫm trong trời đất, phàm cái gì càng lớn lao, càng sâu thẳm lại càng ẩn giữa mênh mông tăm tích mà con mắt phàm tục hữu hạn rất khó nhận ra. Và làm sao có thể nhận ra khi trải qua bao biến thiên lịch sử, bao can qua dâu bể, ngôi chùa có từ đời nhà Lý này cũng đã bao phen còn mất, hoang tàn rồi lại dựng xây vẫn thủy chung giữ được dòng chảy bất biến, âm thầm, bền bỉ như giáo lý nhân văn, giáo lý nhà Phật phiêu diêu tịnh độ cùng sông núi nước Nam. Để bây giờ, một buổi chiều giá lạnh, đứng giữa văn cảnh cô tịch, bao la trời đất, sóng nước mênh mang, tĩnh lặng đến không cùng, ta như cảm thấy thời gian đang ngưng tụ ở đây, lịch sử đang kết tủa nơi này và đó đây vẳng nghe trong gió cuối năm có cả tiếng rì rầm của đất đai, sông nước, của các bậc tiền nhân rì rầm vọng về.

Một chút ngẫu hứng nơi Cổ Tự - Ảnh 2

Bức tranh “Trúc lâm đại sĩ trúc sơn chi đồ” được mô tả tại chùa Hoằng Phúc.

Trong đó, nổi lên như một âm hưởng chủ đạo, âm hưởng mạch chính là tư tưởng sâu xa, vi diệu cùng những vần thơ trác tuyệt của thi nhân, Phật Hoàng Trần Nhân Tông vĩ đại. Ngẫm ra trong những trang sử oai hùng dựng nước và giữ nước của tổ tiên, tư tưởng thiền định và pháp công nhập thế của đạo thiền đã là một sức mạnh tinh thần, một giá trị cội nguồn vô giá không gì có thể thay đổi được để dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác thay nhau làm nên những chiến công hiển hách soi tỏ khí phách, lòng tự trọng trong tư thế Đại Việt.

Một chút ngẫu hứng nơi Cổ Tự - Ảnh 3

Lại trộm nghĩ, có triều đại nào rạng rỡ nhân tình như triều đại nhà Trần không, một triều đại thấm đẫm tính nhân văn, sâu thẳm tinh thần nhà Phật, thắng không kiêu bại không nản, giàu sang phú quý không che lấn được cõi vô vi, hướng thiện, quyền lực bạc vàng không làm lay chuyển được nét bao dung, lòng vị tha nhân thế. Một triều đại lấy đạo lý cương thường và yêu thương con người làm trọng, vua không thích ngự trên ngai vàng lấp lánh mà chỉ thích bỏ lên núi Phù Vân tu luyện tích đức cho non sông xã tắc, để rồi khi có giặc, trước câu nói thao thiết, bất hủ của Thái sư Trần Thủ Độ, một con người sau này hậu thế còn tranh cãi nhiều :”Vua ở đâu triều đình ở đó”, nhà vua lại buộc phải xuống núi cầm quân diệt hung nô như một Phật gia diệt ác làm điều thiện cho quảng đại chúng sinh được mãi an lành; và khi giang sơn hết giặc, nhà vua lại một mình lên núi thầm lặng lần tràng hạt giữa bao la rừng núi cũng vì sự ấm no trường tồn của xã tắc trong cảm hứng chay tịnh, vô vi vô thường mãnh liệt. Như thế, trong cõi trần gian điêu linh và xáo trộn, nhà vua đã trở thành vua Phật, thành Phật Hoàng, thành bức tượng đài lồng lộng minh chứng cho một điều xa xăm mà gần gũi, thiêng liêng mà gan ruột, đó là đạo Phật chỉ thực sự là đạo khi biết nhập thế, biết tham gia vào cuộc sống của nhân quần, biết đặt tinh thần, giáo lý nhà Phật chính giữa tâm can của mình, Phật ở trong tâm chứ không ở đâu khác.

Một chút ngẫu hứng nơi Cổ Tự - Ảnh 4

Dấu tích Cổng tam quan của chùa

Chỉ có thấm sâu tư tưởng thiền định trong tâm mới có được một triều đình như thế. Một triều đình rất uy nghiêm nơi triều chính nhưng lại vô cùng bình dị chốn đời thường khi vua tôi có thể nằm gác chân lên bụng nhau làm một giấc, khi cần phạt chết một con người lầm lạc, vua ngầm sai đao phủ chỉ đánh mũi gậy xuống đất rồi bí mật đày đi xa để sau đó, chính con người này đã trở thành một thủy sư đô đốc tài ba, dũng lược đánh chìm đoàn chiến thuyền chở lương của giặc tại bến Vân Đồn góp công lớn trong đại cuộc đánh thắng rợ Nguyên Mông lần thứ hai, Trần Khánh Dư.

Một chút ngẫu hứng nơi Cổ Tự - Ảnh 5

Một triều đình chỉ vì nghĩa cả chứ không màng danh lợi. Mãi sau này sử xanh sẽ còn ghi cảnh tắm sông tráng lệ mà hai anh em Trần Quang Khải, Trần Hưng Đạo vốn cừu thù lại cứ khăng khăng nhường ngôi tiết chế cho nhau trong vó ngựa xâm lăng đang tràn tới. Và trước vực thẳm hiểm nguy của đất nước, chỉ có những con người lãnh đạo tận trung với nước tận hiếu với dân như thế mới tạo nên, thổi hồn được vào Hội nghị Diên Hồng vọng vang hai tiếng "Sát Thát" thấu tới cao xanh; mới có được Hội nghị Bình Than đặt ra những quyết sách kháng chiến theo tinh thần Hịch tướng sĩ còn vang vọng đến muôn sau của soái vương Trần Hưng Đạo. Một triều đình như thế là một triều đình nhà Phật. Và chắc chắn, nói điều này không hiểu có võ đoán quá chăng, với những con người cầm cân nảy mực đang nắm giữ những quyền năng tối thượng như thế, sẽ không thể tồn tại ngang nhiên những tệ nạn tham nhũng, nhóm lợi ích, lòng tham

Nhà văn Chu Lai