Mỹ đẩy Nga thêm một bước đến bờ vực vỡ nợ
“Động thái của Mỹ sẽ khiến cho khả năng Chính phủ Nga vỡ nợ trở nên rất lớn. Từ trước tới nay, Mỹ chưa từng làm như thế này với bất kỳ một nền kinh tế nào"...
Bộ Tài chính Mỹ ngày 24/5 có một động thái lớn nhằm đẩy Nga rơi vào một cuộc vỡ nợ, tuyên bố không gia hạn một biện pháp cho phép điện Kremlin tiếp tục thanh toán các khoản nợ trái phiếu chính phủ Nga mà các nhà đầu tư ở Mỹ nắm giữ.
Theo tờ Washington Post, quyết định này của Chính phủ Mỹ sẽ khiến cho việc Nga thực thi các nghĩa vụ nợ quốc gia trở thành một việc khó hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là không thể. Trong khi đó, vỡ nợ là điều Nga đã cố gắng hết sức để tránh xảy ra kể từ khi nước này mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine.
Không lâu sau khi chiến tranh nổ ra, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp lệnh trừng phạt lên Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), nhưng cấp một giấy phép đặc biệt cho phép Moscow tiếp tục thanh toán nợ trái phiếu cho các trái chủ ở Mỹ. Giấy phép này hết hạn trong tuần này, và Bộ Tài chính Mỹ vừa tuyên bố sẽ không gia hạn. Điều này có nghĩa là các ngân hàng Mỹ sẽ không thể thực hiện quy trình thanh toán nợ cho phía Nga khi được Nga đề nghị.
Tổng cộng, Chính phủ Nga hiện có số nợ trái phiếu quốc tế trị giá khoảng 20 tỷ USD, chủ yếu là trái phiếu phát hành bằng USD. Trong vòng 1 tháng tới đây, Chính phủ Nga phải thanh toán số tiền lãi trái phiếu trị giá khoảng 500 triệu USD cho các nhà đầu tư nước ngoài – theo chuyên gia cấp cao Gerard DiPippo thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington.
“Động thái của Mỹ sẽ khiến cho khả năng Chính phủ Nga vỡ nợ trở nên rất lớn”, chuyên gia Adam Smith thuộc công ty Gibson Dunn nhận định. “Từ trước tới nay, Mỹ chưa từng làm như thế này với bất kỳ một nền kinh tế nào.
Tuyên bố mà Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa ra là một phần trong chiến dịch tài chính quy mô lớn nhằm vào Nga để đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Theo một dự báo của Nhà Trắng, dưới sức ép của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh của Mỹ đã áp lên Nga - bao gồm đóng băng tài sản của các nhân vật thân cận với điện Kremlin, đóng băng hơn một nửa dự trữ ngoại hối của Nga, và chặn xuất khẩu các công nghệ chủ chốt sang Nga… - nền kinh tế Nga có thể giảm tới 15% trong năm nay.
Bị đẩy vào cảnh vỡ nợ sẽ khiến uy tín của Nga giảm sút trong mắt giới đầu tư toàn cầu, cho dù các chuyên gia đưa ra những đánh giá khác nhau về ảnh hưởng tức thì của một sự kiện như vậy đối với nền kinh tế Nga.
Tại một hội nghị của các quan chức kinh tế thuộc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Đức vào tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng một vụ vỡ nợ của Nga sẽ không gây ảnh hưởng lớn. Bà Yellen chỉ ra rằng ở thời điểm hiện tại, Nga đã gần như mất khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế do các biện pháp trừng phạt đã có và do tâm lý dè chừng của nhà đầu tư trong bối cảnh chiến tranh.
“Hiện tại, Nga không thể vay tiền trên thị trường tài chính toàn cầu. Họ đang mất khả năng tiếp cận thị trường vốn”, bà Yellen nói với các nhà báo. “Nếu Nga không tìm được một phương thức hợp pháp để thực hiện việc thanh toán các khoản nợ đáo hạn này và họ rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật, tôi không cho là việc đó sẽ dẫn tới thay đổi lớn trong tình trạng của nước Nga. Họ dã bị loại khỏi thị trường vốn toàn cầu rồi, và điều đó vẫn tiếp tục”.
Tuy nhiên, một vụ vỡ nợ của Nga vẫn sẽ đánh dấu sự suy giảm vị thế quốc tế quốc tế của nước này. Các chính phủ phát hành nợ để vay tiền, nhưng họ phải thanh toán nợ đầy đủ và đúng hạn để giữ uy tín và duy trì được lãi suất đi vay ở mức thấp. Đến hiện tại, dù chịu sự trừng phạt khắc nghiệt từ cuối tháng 2, Nga vẫn tránh được cảnh vỡ nợ cấp quốc gia. Cần lưu ý thêm rằng Nga có tiền để trả nợ và sẵn sàng trả nợ, nhưng các biện pháp trừng phạt đang khiến cho việc trả nợ ngày càng khó.
Theo nhiều chuyên gia, thất bại trong nỗ lực trả nợ sẽ gây ra những hệ quả dài hạn đối với Nga, khiến cho các nhà đầu tư dè chừng với trái phiếu nước ngoài ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc.
Nga được cho là sẽ xoay sở đủ mọi cách để có thể thanh toán những khoản nợ sắp đáo hạn, nhưng hiện chưa rõ nước này có thành công hay không. Chuyên gia Ariel Cohen thuộc Atlantic Council Eurasia Center cho rằng có thể Nga - nhờ nguồn thu đang dồi dào từ xuất khẩu năng lượng - có thể không cần đến các định chế tài chính Mỹ mà vẫn trả được nợ đến trái chủ. Tuy nhiên, ông Cohen nói ông nghi ngờ về khả năng này.
“Động thái của Mỹ phản ánh chiến lược nhằm bóp nghẹt kinh tế Nga và khiến Nga phải trả giá trong dài hạn”, ông Mark Sobel, một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, phát biểu. “Nga sẽ suy thoái sâu và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không rót vốn vào Nga nữa. Vỡ nợ chỉ là một phần của câu chuyện”.