08:57 17/05/2022

EU “bật đèn xanh” cho các nước thành viên tiếp tục mua khí đốt Nga

An Huy

Động thái này cho thấy một lập trường bớt cứng rắn của EU trong cuộc đối đầu với Nga xung quanh vấn đề nguồn cung năng lượng...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Liên minh châu Âu (EU) vừa tuyên bố các công ty năng lượng trong khối có thể tiếp tục mua khí đốt từ Nga mà không vi phạm các biện pháp trừng phạt mà khối đang áp dụng đối với Moscow liên quan đến cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Động thái này cho thấy một lập trường bớt cứng rắn của EU trong cuộc đối đầu với Nga xung quanh vấn đề nguồn cung năng lượng.

Một người phát ngôn của Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết cơ quan này đã gửi hướng dẫn điều chỉnh đến các nước thành viên EU từ hôm thứ Sáu tuần trước – Bloomberg đưa tin. Trong hướng dẫn cập nhật này, EC nói các công ty năng lượng châu Âu mua khí đốt Nga cần có một tuyên bố rõ ràng rằng họ xem các nghĩa vụ của bên mua đã được hoàn tất sau khi thực hiện thanh toán cho phía Nga bằng đồng Euro hoặc đồng USD.

 

Đây là một diễn biến theo chiều hướng tích cực nhằm “tháo ngòi” cuộc khủng hoảng khí đốt đối với EU – khu vực mà 40% nhu cầu tiêu thụ khí đốt được đáp ứng bởi Nga. Giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã tụt giảm trong phiên đầu tuần, với giá khí đốt giao tháng 6 tại thị trường Hà Lan đóng cửa với mức giảm 4,2%...

Lệnh trừng phạt của EU “không ngăn cấm các nhà vận hành kinh tế mở một tài khoản ngân hàng tại một ngân hàng cụ thể để phục vụ cho việc thanh toán các hợp đồng cung cấp khí đốt với một nước cung cấp khí đốt, bằng đồng tiền được nêu trong các hợp đồng đó”, EC viết trong hướng dẫn. “Các nhà vận hành cần đưa ra tuyên bố rõ ràng rằng họ dự định hoàn tất nghĩa vụ của mình trong các hợp động đang có và xem việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng liên quan đến thanh toán là đã được hoàn tất bằng việc trả bằng Euro hoặc USD, phù hợp với các hợp đồng hiện hữu”.

Hướng dẫn này không cấm các công ty mở một tài khoản tại ngân hàng Nga Gazprombank và sẽ cho phép các công ty mua khí đốt từ Nga miễn sao không vi phạm các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga. Tuy nhiên, hướng dẫn không đề cập đến yêu cầu mà phía Nga đã đưa ra là công ty châu Âu mua khí đốt Nga phải mở một tài khoản thứ hai là tài khoản Rúp tại Gazprombank. Đòi hỏi này của Nga đã được nêu trong sắc lệnh hồi tháng 3 của Tổng thống Nga Vladimir Putin và là một điều kiện để phía Nga xem là việc thanh toán đã hoàn tất.

Dù sao, đây là một diễn biến theo chiều hướng tích cực nhằm “tháo ngòi” cuộc khủng hoảng khí đốt đối với EU – khu vực mà 40% nhu cầu tiêu thụ khí đốt được đáp ứng bởi Nga. Giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã tụt giảm trong phiên đầu tuần, với giá khí đốt giao tháng 6 tại thị trường Hà Lan đóng cửa với mức giảm 4,2%.

Với hướng dẫn mới của EU, các công ty năng lượng châu Âu có thể triển khai các biện pháp để đáp ứng yêu cầu của phía Nga và duy trì dòng chảy khí đốt.

Hãng năng lượng khổng lồ Eni của Italy dự kiến sẽ mở tài khoản Rúp và Euro tại Gazprombank trước ngày thứ Tư tuần này để có thể thực hiện việc thanh toán đúng hạn và tránh bất kỳ rủi ro nào về nguồn cung khí đốt – theo tiết lộ của nguồn thạo tin. Nguồn tin nói rằng Eni muốn hướng dẫn mới của EU được công bố chính thức rồi mới bắt tay vào việc.

Trước đó, hãng năng lượng Uniper của Đức và OMV của Áo cũng nói rằng họ kỳ vọng việc mua khí đốt Nga sẽ tiếp tục.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck ngày thứ Hai bày tỏ lạc quan rằng các công ty năng lượng của Đức sẽ có thể tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt Nga, mặc các biện pháp trừng phạt của EU và những quy định mới mà phía Nga đưa ra.

“Các công ty sẽ trả hoá đơn khí đốt tiếp theo bằng đồng Euro”, ông Habeck phát biểu trước báo giới ở Đức. Lệnh trừng phạt của EU vẫn sẽ cho phép các ngân hàng Nga chuyển đổi nội bộ số tiền này sang các tài khoản gọi là “tài khoản K” – ông Habeck nói, nhưng không nói rõ đó là tài khoản Euro hay Rúp.

“Theo quan điểm của tôi, quy định như vậy là phù hợp với các biện pháp trừng phạt”, vị Bộ trưởng kết luật.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki chỉ trích EU vì trở nên bớt cứng rắn trước yêu mà phía Nga đưa ra.

“Tôi thất vọng khi thấy trong EU có sự đồng tình thanh toán tiền mua khí đốt bằng Rúp”, ông Morawiecki nói hôm Chủ nhật. “Ba Lan sẽ giữ vững nguyên tắc và không ngả theo sự ‘tống tiền’ của phía Nga”.

Cùng với Bulgaria, Ba Lan - nước láng giềng với Nga – đã bị Nga cắt khí đốt từ hồi cuối tháng 4 vì không chấp nhận thanh toán bằng Rúp.