08:46 23/05/2022

Thêm một nước châu Âu bị Nga cắt khí đốt

An Huy

Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga vào ngày thứ Bảy vừa rồi đã cắt cung cấp khí đốt cho nước láng giềng Phần Lan...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga vào ngày thứ Bảy vừa rồi đã cắt cung cấp khí đốt cho nước láng giềng Phần Lan, động thái leo thang mới nhất trong mâu thuẫn xung quanh vấn đề thanh toán tiền mua khí đốt giữa Moscow với các nước phương Tây trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.

Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một sắc lệnh yêu cầu các nước châu Âu mua khí đốt Nga phải thanh toán bằng đồng Rúp. Yêu cầu này là một sự đáp trả của Nga đối với việc các nước phương Tay áp các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine. Tuy nhiên, Phần Lan không đáp ứng yêu cầu này của phía Nga.

Việc Nga cắt khí đốt đối với Phần Lan cũng diễn ra vào đúng thời điểm nước mới chính thức công bố sẽ nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - một quyết định được cho là bắt nguồn từ việc Nga tấn công Ukraine.

“Nhập khẩu khí đốt thông qua điểm Imatra đã bị dừng”, công ty vận hành hệ thống khí đốt Phần Lan Gasgrid Finland cho biết trong một tuyên bố vào hôm thứ Bảy. Imatra là điểm đầu mối để khí đốt từ Nga nhập khẩu vào Phần Lan.

Việc cắt cung cấp khí đốt này sau đó cũng được Gazprom xác nhận vào ngày thứ Bảy.

Gasum, công ty bán buôn khí đốt quốc doanh Phần Lan, cho biết sẽ cung cấp khí đốt cho khách hàng bằng các nguồn khác thông qua đường ống Balticconnector kết nối giữa Phần lan với mạng lưới khí đốt của nước láng giềng Estonia.

68% lượng khí đốt mà Phần Lan tiêu thụ là nhập khẩu từ Nga, nhưng khí đốt chỉ chiếm khoảng 3% tổng tiêu thụ năng lượng của nước này – theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Hầu hết các hợp đồng cung cấp khí đốt giữa các nước châu Âu với Nga đều quy định thanh toán bằng đồng Euro hoặc USD. Trước Phần Lan, Nga đã cắt cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan vào tháng trước vì hai nước này cũng không chấp nhận thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp.

Chính phủ và các nhà cung cấp khí đốt ở Phần Lan cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc bị Nga cắt khí đốt và nước này sẽ chống chọi được với việc không có khí đốt Nga.

Dựa trên sắc lệnh của ông Putin, Gazprom đã yêu cầu các khách hàng châu Âu mua khí đốt Nga phải mở hai tài khoản tại ngân hàng Gazprombank, gồm một tài khoản Euro hoặc USD và một tài khoản Rúp, để thực hiện việc thanh toán. Đến nay, giới chức Liên minh châu Âu (EU) cùng các chính phủ và công ty năng lượng ở khu vực này vẫn loay hoay xác định xem liệu cơ chế thanh toán mới này có vi phạm các biện pháp trừng phạt mà EU đang áp dụng đối với Nga.

Trong lúc mọi thứ còn thiếu rõ ràng, một số công ty năng lượng lớn của châu Âu đã bắt đầu quy trình mở tài khoản mới tại Gazprombank để thực hiện cho việc thanh toán, duy trì dòng chảy khí đốt. Hôm thứ Ba tuần trước, công ty Eni của Italy cho biết sẽ mở hai tài khoản tại Gazprombank, một là tài khoản Euro và một là tài khoản Rúp.

Nhưng trong hướng dẫn của Uỷ ban châu Âu (EC) vào tuần trước, việc một công ty khí đốt châu Âu mở tải khoản Rúp tại Gazprombank sẽ vi phạm lệnh trừng phạt. Trưởng phát ngôn Eric Mamer của EC nói rằng động thái như vậy là xung đột với các biện pháp trừng phạt mà EU đang áp lên Nga.

Hướng dẫn mà EU đưa ra cho các quốc gia thành viên chỉ bao gồm việc mở một tài khoản Euro hoặc USD tại Gazprombank và chuyển tiền vào tài khoản đó, rồi đưa ra tuyên bố rằng đã hoàn tất việc thanh toán. “Bất kỳ việc gì vượt quá điều này đều vi phạm trừng phạt”, ông Mamer nói.

Một số nước châu Âu đang gấp rút cần một giải pháp vì đã tới hạn thanh toán cho một loạt hợp đồng mua khí đốt Nga. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt Nga cho dù đã giảm được sự phụ thuộc vào khí đốt Nga còn 35% từ mức 55% trước khi xảy ra chiến tranh.

Cũng trong tuần trước, EU tuyên bố sẽ chi 210 tỷ Euro, tương đương 222 tỷ USD, để “cai” khí đốt Nga. Kế hoạch mang tên “REPowerEU” đặt ra mục tiêu đến cuối năm nay cắt giảm 66% tiêu thụ khí đốt Nga và đến năm 2027 hoàn toàn không còn phụ thuộc vào khí đốt Nga, thông qua các biện pháp bao gồm tiết kiệm năng lượng, tìm các nguồn năng lượng thay thế và đẩy nhanh việc dịch chuyển sang năng lượng tái sinh.