Châu Âu loay hoay bên bờ vực khủng hoảng khí đốt
Chỉ còn ít ngày nữa là đến thời hạn để một loạt quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) đáp ứng yêu cầu mà phía Nga đưa ra về dùng đồng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt của Nga...
Việc Moscow cắt khí đốt đối với Bulgaria và Ba Lan là lời cảnh báo cứng rắn rằng châu Âu có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng nếu yêu cầu này không được đáp ứng.
Cho tới thời điểm hiện tại, EU vẫn nói rằng nếu các nước thành viên trong khối chấp nhận trả bằng Rúp để có được khí đốt của Nga, đó sẽ là một sự vi phạm các biện pháp trừng phạt mà EU đã áp lên Nga nhằm đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Tuy nhiên, các hướng dẫn của Ủy ban châu Âu (EC) trong vấn đề này vẫn còn thiếu rõ ràng, và việc tìm kiếm các nguồn cung khác để thay thế cho khí đốt nhập khẩu từ Nga tiếp tục là một bài toán hóc búa. Trong bối cảnh như vậy, nhiều quốc gia trong EU đã cho thấy họ sẵn sàng thanh toán bằng Rúp để dòng chảy khí đốt từ Nga đến người tiêu dùng ở nước mình không bị gián đoạn.
CÁC NƯỚC CHÂU ÂU NHƯ “NGỒI TRÊN ĐỐNG LỬA”
Hôm 10/5, nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng VNG - một trong những nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Đức - đã mở một tài khoản Rúp tại Gazprombank. Trong phương thức thanh toán mà Nga vạch ra, mỗi khách hàng mua khí đốt của Nga phải mở hai tài khoản khác nhau tại Gazprombank, một tài khoản Euro hoặc USD và một tài khoản Rúp. Thanh toán được thực hiện ở tài khoản thứ nhất, sau đó tiền được đổi sang Rúp và chuyển vào tài khoản thứ hai.
VNG là công ty Đức thứ hai mở tài khoản đồng Rúp tại Gazprombank. Trước đó, vào tháng 4, Công ty Uniper của Đức tuyên bố đang chuẩn bị các tài khoản cần thiết để thanh toán bằng Rúp. Có nhiều ý kiến cho rằng cách thanh toán như trên vừa đáp ứng được yêu cầu được trả bằng Rúp mà Nga đưa ra, vừa không vi phạm các biện pháp trừng phạt của EU.
Hồi cuối tháng 4, hãng tin Bloomberg tiết lộ rằng một số công ty châu Âu đã đáp ứng yêu cầu thanh toán bằng Rúp mà phía Nga đưa ra. Nguồn tin cho biết đã có 4 công ty thực hiện thanh toán bằng Rúp và 10 công ty mở tài khoản Rúp. Hãng năng lượng khổng lồ Eni SpA của Italy ở thời điểm đó cũng tuyên bố đang chuẩn bị các bước cần thiết để có thể mua khí đốt của Nga bằng đồng Rúp. Tiếp đó, Công ty năng lượng MOL của Hungary và Công ty OVM của Áo cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Có vẻ như các nước trong EU đang như “ngồi trên đống lửa” vì thời hạn mà phía Nga đưa ra đang đến gần, nhất là sau khi Moscow đã thể hiện rõ quan điểm “đã nói là làm” bằng cách cắt cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan. Nga đã cắt cung cấp khí đốt cho hai quốc gia này từ ngày 27/4 sau khi hai nước từ chối dùng đồng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga. Cần phải nói thêm rằng Bulgaria và Ba Lan là hai trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường trừng phạt Nga.
Những diễn biến mới nhất càng khiến tình hình thêm phần căng thẳng. Ngày 11/5, Nga trừng phạt 31 công ty năng lượng có trụ sở ở các nước đã trừng phạt Nga vì cuộc chiến tranh ở Ukraine. Động thái này diễn ra vào đúng thời điểm dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu qua Ukraine giảm 1/4 do ảnh hưởng của các cuộc giao tranh. Đây là lần đầu tiên dòng khí đốt từ Nga trung chuyển qua Ukraine bị gián đoạn kể từ khi chiến tranh nổ ra.
Đến nay, nhập khí đốt từ Nga vào châu Âu được thanh toán 60% bằng đồng Euro và số còn lại bằng đồng USD. Việc Nga đòi thanh toán bằng Rúp không chỉ đe dọa nguồn cung năng lượng của EU mà còn giúp củng cố sức mạnh cho đồng Rúp trong bối cảnh chiến tranh. Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá đồng Rúp tăng hơn 11% so với đồng USD tại thị trường Nga, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới.
NỘI BỘ EU “MẤT ĐOÀN KẾT”
Nhiều nhà phân tích cho rằng, yêu cầu của Nga về thanh toán tiền mua khí đốt bằng Rúp còn được cho là nhằm mục đích chia rẽ các nước phương Tây.
Sau khi bị của Nga cắt khí đốt, Ba Lan nói EU nên trừng phạt những nước dùng Rúp để thanh toán tiền mua khí đốt Nga. Bộ trưởng Bộ Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa chỉ rõ Đức, Hungary và Áo là những nước đang phản đối cấm vận khí đốt của Nga. “Chúng tôi cho là sẽ có hậu quả đối với những nước chấp nhận thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng Rúp. Đó sẽ là kết cục đối với họ nếu họ nhượng bộ”, bà Moskwa nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy hôm 11/5 thẳng thừng nói rằng các công ty châu Âu hoàn toàn có thể thanh toán cho các hợp đồng mua khí đốt từ Nga bằng đồng nội tệ của Nga mà không hề vi phạm các biện pháp trừng phạt của EU áp lên Moscow. “Chẳng hề có một quy định chính thức về việc như thế nào là vi phạm trừng phạt cả. Chưa có ai nói bất kỳ điều gì về việc dùng Rúp để thanh toán có vi phạm trừng phạt hay không”, ông Draghi phát biểu tại một cuộc họp báo. Ông cũng nói “hầu hết các nhà nhập khẩu khí đốt” đều đã mở tài khoản đồng Rúp tại ngân hàng Nga Gazprombank, đúng như yêu cầu mà phía Nga đưa ra.
Về phần mình, EC đến nay mới chỉ đưa ra được những cảnh báo miệng về việc vi phạm các biện pháp trừng phạt nếu các nước trong khối thanh toán bằng Rúp Nga cho khí đốt từ Nga, và cũng chưa đưa ra được giải pháp trước mắt nào nếu cả khối bị Nga cắt khí đốt.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen gọi việc Nga cắt khí đốt đối với Bulgaria và Ba Lan là hành động “tống tiền”, đồng thời kêu gọi các nước trong khối đoàn kết. “Các công ty có hợp đồng mua khí đốt Nga không nên ngả theo yêu sách của Nga. Đó sẽ là một sự vi phạm trừng phạt, đặt ra rủi ro cao cho các công ty đó”, bà nói hôm 27/4.
Đầu tháng 5, uỷ viên phụ trách vấn đề năng lượng của châu Âu, bà Kadri Simson, tiếp tục đưa ra lời kêu gọi các quốc gia trong EU không chấp nhận yêu cầu của Nga, cho dù rủi ro gián đoạn nguồn cung khí đốt là rất lớn. Sau một cuộc họp của toàn thể các bộ trưởng Bộ Năng lượng trong EU, bà Simson nói rằng tất cả các bộ trưởng đều nhất trí rằng việc thanh toán tiền mua khí đốt từ Nga bằng Rúp là vi phạm trừng phạt. Bà nói thêm rằng bà chưa nghe thấy có bất kỳ công ty năng lượng châu Âu nào đang chuẩn bị cho việc dùng Rúp để trả tiền mua khí đốt từ Nga – trái ngược với những gì mà truyền thông đưa tin hay tuyên bố của một số công ty năng lượng trong EU.
CHÂU ÂU TRƯỚC CÚ SỐC NĂNG LƯỢNG
Ngày 20/5 là thời hạn tiếp theo để các công ty năng lượng châu Âu đáp ứng yêu cầu thanh toán mà Nga đưa ra. Bức tranh năng lượng của châu Âu càng thêm phần ảm đạm khi EU đề xuất một kế hoạch cắt giảm dần để tiến tới xoá bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu dầu thô từ Nga vào cuối năm nay. Kế hoạch này cần có sự phê chuẩn của tất cả các nước thành viên EU, trong khi một số nước như Hungary đang có quan điểm phản đối. Nếu cùng lúc mất đi cả nguồn cung khí đốt và dầu từ Nga, kinh tế châu Âu có thể hứng chịu một cú sốc vào đúng thời điểm tăng trưởng giảm tốc và lạm phát cao nhất 3 thập kỷ.
Năm 2021, EU nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí tự nhiên từ Nga, chiếm 45% tổng nhập khẩu khí đốt và 40% tổng tiêu thụ khí đốt toàn khối. Dầu thô của Nga chiếm 35% tổng nhập khẩu dầu của EU trong năm 2020. Với mức độ phụ thuộc lớn như vậy vào nguồn cung từ Nga, việc tìm được nguồn cung thay thế hoàn toàn năng lượng Nga là điều không thể đối với châu Âu trong một sớm một chiều.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đã cảnh báo rằng chỉ riêng việc cấm vận dầu Nga đã đủ để dẫn đến một cú sốc kinh tế và khiến giá cả tăng cao ở châu Âu. Phát biểu hồi đầu tháng 5, ông nói Đức không còn phản đối việc cấm vận dầu Nga, nhưng cảnh báo châu Âu cần chuẩn bị sẵn sàng cho những hậu quả có thể xảy đến, và một số quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với một số nước khác.
“Rõ ràng là chúng ta sẽ tự gây hại cho mình. Nói rằng lệnh trừng phạt không gây ra hệ quả gì đối với nền kinh tế và giá cả ở đất nước của chúng ta là không đúng. Châu Âu cần chuẩn bị để gánh chịu những hệ quả đó”, ông Habeck phát biểu.