Năm nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng - Ảnh 1
Năm nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng - Ảnh 2

Phát triển năng lượng tái tạo, xanh, sạch hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững là xu hướng không thể đảo ngược. Xin ông cho biết Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những hành động cụ thể như thế nào để hiện thực hóa mục tiêu này?

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn quan tâm đến phát triển năng lượng quốc gia, thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn với mục tiêu năng lượng cần phải đi trước một bước để tạo nền tảng hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, nổi bật là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm định hướng là “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch”.

Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định ngành công nghiệp năng lượng là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng cần được ưu tiên chú trọng phát triển, nhất là ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 76-KL/TW ngày 24/4/2024 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó cũng đã đề ra một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghiệp điện khí, điện gió, điện mặt trời ngoài khơi, ven biển...

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình nhằm triển khai, tập trung vào quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Đồng thời, ký kết Thỏa thuận Hợp tác đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm huy động nguồn lực quốc tế đẩy nhanh việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8), Chính phủ cũng đã nhấn mạnh đến việc ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi năng lượng công bằng. Đồng thời, hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.

Năm nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng - Ảnh 3

Thưa ông, với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, năng lượng tái tạo tại Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, gần đây đang có dấu hiệu chững lại. Vì sao có tình trạng này?

Trong những năm trở lại đây, sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể. Báo cáo “Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không” công bố tháng 6/2024, cho thấy tại Việt Nam điện mặt trời và điện gió đã có sự phát triển nhanh chóng, đóng góp đáng kể vào cơ cấu năng lượng.

Cụ thể, tổng công suất đặt điện gió đã tăng từ 538 MW năm 2020 lên 5.059 MW năm 2023; điện mặt trời đã tăng từ 8.852 MW năm 2020 lên 16.568 MW năm 2023. Tổng công suất của các nguồn năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) chiếm trong tổng công suất đặt toàn hệ thống đã phát triển nhanh, tăng từ 15,6% năm 2020 lên 27,1% năm 2023. Quy mô hệ thống điện Việt Nam hiện đứng đầu khu vực ASEAN.

Việc tăng nhanh các nguồn cung điện gió, điện mặt trời đã góp phần tăng cường khả năng tự chủ về năng lượng, góp phần tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây là những bước tiến rất tích cực, tuy nhiên tốc độ chuyển dịch năng lượng của Việt Nam để đạt mục tiêu chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh vẫn cần phải đẩy nhanh hơn nữa.

Năm nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng - Ảnh 4

Về nguyên nhân năng lượng tái tạo chững lại trong thời gian qua, tôi cho rằng xuất phát từ một số tồn tại, hạn chế sau:

Thứ nhất, công tác thể chế hóa các chủ trương của Đảng nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đến nay vẫn chưa được triển khai, hoặc triển khai còn chậm so với tình hình thực tiễn.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP năm 2020 trong đó đề ra 8 nhóm mục tiêu, 10 nhóm giải pháp, 39 Đề án và giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương để thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW. Tuy nhiên, theo thống kê của Ban Kinh tế Trung ương, trong số 39 Đề án đã được giao cho các bộ, ngành, tính đến nay mới có 12 Đề án hoàn thành, nhưng hầu hết đều chậm từ 2-3 năm so với kế hoạch. 27 đề án, nhiệm vụ còn lại đều trong tình trạng đang triển khai hoặc chưa được triển khai thực hiện.

Thứ hai, công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và khai thác các dự án điện gió, điện mặt trời còn bất cập, phát triển chưa đồng bộ, dẫn đến hạ tầng truyền dẫn không theo kịp tốc độ tăng trưởng công suất gây ra sự kìm hãm; năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế.

Thứ ba, tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng còn thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế và khả năng phát triển các nguồn năng lượng mới gắn với nhu cầu, định hướng, mục tiêu cụ thể hơn nữa.

Năm nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng - Ảnh 5

Thưa ông, từ những tồn tại trên, thời gian tới cần có những giải pháp cụ thể như thế nào để lộ trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam được triển khai theo đúng tiến độ?

Để hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030, tiến tới Net Zero vào năm 2050, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như của các chuyên gia trong ngành để làm sao hiện thực hóa, thể chế hóa mục tiêu Nghị quyết, Quy hoạch thành cơ chế, chính sách, biện pháp cụ thể, thiết thực, khả thi là rất quan trọng.

Trong thời gian tới cần triển khai năm nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng nói chung và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới nói riêng trong tiến trình chuyển dịch năng lượng.

Theo đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển ngành năng lượng, chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng cường năng lực tự chủ, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo thiết bị năng lượng, các dịch vụ chuyên ngành để tăng cường tỷ lệ nội địa hóa theo yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 55.

Hai là, qua thực tiễn triển khai Nghị quyết 55 trong thời gian qua, cần tập trung phân tích, đánh giá các kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế chủ yếu trong quá trình chuyển dịch năng lượng và phương hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới. Trong đó, cần quan tâm đến những nội dung cốt lõi trong quá trình dịch chuyển năng lượng nhằm đáp ứng các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26, chú trọng đến sự hợp tác, các hỗ trợ quốc tế để giúp Việt Nam thực hiện tốt nhất những cam kết này.

Năm nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng - Ảnh 6

Ba là, tập trung nghiên cứu, triển khai các chính sách thúc đẩy hoạt động cải tiến và phát triển khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo. Hình thành cơ chế các quỹ đầu tư, các trung tâm nghiên cứu cơ bản và trung tâm phát triển về năng lượng tái tạo, năng lượng mới, thúc đẩy công nghiệp môi trường gắn với yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành năng lượng.

Bốn là, triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho phát triển năng lượng tái tạo. Hình thành các cơ chế carbon xanh, tài chính xanh để khuyến khích đầu tư cải tiến công nghệ cho phát triển năng lượng tái tạo.

Năm là, chủ động nghiên cứu đầu tư, triển khai các dự án năng lượng tái tạo mới như các dự án thí điểm sản xuất khí hydrogen, amoniac, nhất là hydrogen và acmoniac xanh tại các khu vực có tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo.

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Ban Kinh tế Trung ương sẽ luôn đồng hành và kịp thời phối hợp với ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương có các kiến nghị tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách phát triển năng lượng quốc gia, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả và bền vững.

Năm nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng - Ảnh 7

VnEconomy 23/07/2024 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30-2024 phát hành ngày 22/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Năm nhiệm vụ trọng tâm đẩy nhanh chuyển dịch năng lượng - Ảnh 8