Năm 2023 khép lại với rất nhiều sóng gió đối với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục kéo dài, đứng trước nguy cơ hủy niêm yết, tạm dừng hoạt động hay giải thể, phá sản. Trong bối cảnh này, ông đánh giá như thế nào về “sức kháng cự” của doanh nghiệp Việt Nam trước những cú sốc của nền kinh tế trong và ngoài nước?
Chúng ta vừa trải qua một năm rất nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Nhu cầu thế giới suy giảm đã tác động khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm 4,4% trong năm 2023, sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 3,02%, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83% đều thấp hơn so với tốc độ tăng GDP cả nước là 5,05%. Kinh tế khó khăn khiến số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng 24% trong năm vừa qua, tác động đến việc làm và thu nhập dân cư, từ đó ảnh hưởng đến cầu trong nước. Bên cạnh đó, ngành bất động sản khó khăn cũng là một tác nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu những cú sốc trong năm 2023.
Trong điều kiện khó khăn đó, cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm, đạt được kế hoạch kinh doanh đặt ra, thậm chí có những doanh nghiệp ngược dòng tăng trưởng. Điều đó cho thấy sức kháng cự của doanh nghiệp Việt Nam đã tốt hơn, nhất là đã có trải nghiệm qua những năm Covid-19, thực hành tốt các kế hoạch duy trì kinh doanh trong môi trường khó khăn.
Chúng ta đang hướng tới một năm 2024 nhiều triển vọng hơn với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt nhu cầu hàng hóa đến từ các nền kinh tế phát triển, nơi được dự báo lạm phát sẽ được kiềm chế, lãi suất điều hành dự kiến sẽ giảm để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và việc làm.
Quản trị công ty - một trong những nhân tố giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, theo đánh giá của ông, có những cải thiện nào hơn so với giai đoạn trước hay không?
Cùng với sự phát triển của thị trường vốn và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước qua giai đoạn nhận thức ban đầu về quản trị công ty và đang bắt đầu bước vào tiến trình áp dụng và thực hành những phương pháp và thông lệ quản trị tiên tiến trên thế giới như của OECD, IFC, phù hợp với môi trường và bối cảnh Việt Nam, đặc biệt các thực hành tốt về vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (gọi là thực hành ESG) đang rất được chú trọng.
Theo nghiên cứu của Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), chất lượng quản trị công ty đang được cải thiện tập trung nhiều tại các doanh nghiệp đại chúng, niêm yết có quy mô lớn trong khi các doanh nghiệp có vốn hóa vừa và nhỏ chưa cho thấy nhiều nỗ lực và phân bổ nguồn lực cho việc nâng cấp quản trị công ty.
Vậy còn những điểm trừ trong quản trị công ty của Việt Nam thì sao, thưa ông?
VIOD đang là đối tác của Ủy ban chứng khoán đại diện cho Việt Nam tham gia vào chương trình Thẻ điểm quản trị công ty khối ASEAN (ACGS). Kết quả gần nhất của chương trình ACGS công bố vào năm 2022 thì Việt Nam đang xếp thứ sáu trong 6 quốc gia thuộc khối ASEAN tham gia. Điều này cho thấy chất lượng quản trị công ty của các công ty đại chúng, doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam còn có khoảng cách cần lấp đầy khi so với các quốc gia có thị trường tài chính phát triển tốt trong khu vực.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả này.
Đầu tiên, vấn đề đến từ chính bản thân nội tại của doanh nghiệp, trong đó nhận thức chưa đầy đủ về sự cần thiết phải cải thiện quản trị công ty của lãnh đạo, đặc biệt của hội đồng quản trị, cần phải thay đổi đáng kể. Từ đó, nguồn lực mà doanh nghiệp dành cho quản trị công ty cũng chưa thực sự được ưu tiên dẫn tới những hạn chế làm suy giảm chất lượng của quản trị.
Thứ hai, hành lang pháp lý về quản trị công ty. Chúng ta đã ban hành được những quy định và hướng dẫn về quản trị công ty trong các văn bản hướng dẫn Luật Doanh nghiệp (2020), Luật Chứng khoán (2020), nhưng vẫn còn khoảng cách so với những thông lệ quốc tế thực hành tốt về quản trị công ty.
Thứ ba, nhận thức và tính giám sát về quản trị công ty của các bên hữu quan cũng như các chủ thể tham gia thị trường tài chính, thị trường kinh doanh còn thấp. Điều đó dẫn tới một thực tế nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng vai trò của quản trị công ty trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, minh bạch bảo vệ quyền lợi của cổ đông và các bên hữu quan, hoặc đóng góp của quản trị đến doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn tốt hơn với chi phí vốn thấp hơn.
Trong bối cảnh tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững đang trở thành một xu hướng, việc áp dụng mô hình quản trị theo hướng ESG cũng được coi trọng hơn. Ông nhận thấy có sự chuyển đổi nào ở các doanh nghiệp Việt Nam hay chưa? Nếu có, sự chuyển đổi này đang diễn ra như thế nào? Những vướng mắc doanh nghiệp thường gặp là gì?
Chuyển đổi xanh để tăng trưởng xanh là xu thế bắt buộc và không thể đảo ngược đối với các doanh nghiệp Việt Nam nếu chúng ta muốn tham gia vào cuộc chơi toàn cầu. Với độ mở của nền kinh tế hiện tại (200% GDP), các doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được các điều kiện về ESG để có thể tăng trưởng kinh doanh, nói một cách đơn giản là “phải làm ESG thì mới bán được hàng”. Tại COP 26 năm 2021, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải khí nhà kinh về bằng không vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, nỗ lực của từng doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh là đặc biệt quan trọng để hướng tới phát triển bền vững. Theo đó, chúng ta có thể nhận thấy rõ sự chuyển biến trong các doanh nghiệp Việt Nam để đáp ứng nhu cầu toàn cầu cũng như cam kết của Việt Nam trong cuộc chơi xanh toàn cầu.
Điểm nổi bật trong sự chuyển đổi này của các doanh nghiệp Việt Nam đó là sự dịch chuyển năng lượng, từ năng lượng hoá thạch, gây ô nhiễm sang năng lượng tái tạo, đo lường lượng phát thải khí nhà kính, đầu tư các hệ thống tiết kiệm năng lượng và số hóa trong quản trị năng lượng.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, là khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện về phân loại thế nào là lĩnh vực xanh, các quy định về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, đặc biệt là phân loại xanh vì đây là nền tảng cho các vấn đề khác. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu liên thông, minh bạch giữa bộ, ngành, địa phương cũng chưa hỗ trợ cho quá trình báo cáo, đo lường, phân loại xanh làm nền tảng cho chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Từ đó, sự thay đổi trong nhận thức chuyển đổi xanh của doanh nghiệp cũng bị cản trở do bản thân doanh nghiệp chưa thấy rõ được lợi ích.
Theo đó, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp để việc áp dụng mô hình quản trị hiện đại, các nguyên tắc quản trị theo thông lệ tốt, phù hợp và thuận lợi hơn?
Trong thực hành ESG, quản trị sẽ đóng vai trò dẫn dắt, theo đó, để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, nâng cấp quản trị công ty là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Để cải thiện chất lượng quản trị công ty, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý:
Một, nâng cao nhận thức của cấp lãnh đạo cao nhất về vai trò và các thông lệ thực hành quản trị công ty tiên tiến như của OECD, IFC.;
Hai, xây dựng văn hóa hội đồng quản trị và văn hóa quản trị công ty xuyên suốt từ cấp quản trị cao nhất cho đến các cấp bậc quản lý điều hành, một văn hóa hướng tới sự minh bạch, tuân thủ, và kiến tạo giá trị vượt trên sự tuân thủ.
Ba, nỗ lực và phân bổ nguồn lực dành cho việc tiếp cận, xây dựng, cập nhật thực hành những thông lệ tiên tiến về quản trị công ty nhằm mục tiêu tạo nền tảng để doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Doanh nghiệp nhận biết được kỳ vọng từ tất cả các bên hữu quan, từ đó các vấn đề về môi trường và xã hội được đưa vào là một phần trọng yếu trong cấu trúc quản trị công ty cũng như chiến lược phát triển bền vững.
Bốn, xây dựng lộ trình tăng trưởng xanh, gắn với quản trị công ty để vừa tối ưu hiệu quả nhưng đáp ứng được yêu cầu của môi trường kinh doanh toàn cầu.
VnEconomy 15/02/2024 07:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam