Nên thận trọng khi quyết định cấy chỉ
Cấy chỉ thực chất chỉ là một hình thức tác động vào huyệt vị như các phương pháp tác động khác. Điểm khác biệt là do sự tồn lưu của chỉ khâu phẫu thuật trong khoảng thời gian nhất định.
Cấy chỉ là phương pháp đưa một đoạn chỉ catgut vào huyệt vị thích ứng với bệnh tật, gây kích thích liên tục ở kinh huyệt để chữa bệnh. Đây là một phương pháp mới áp dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trên cơ sở kế thừa những lý luận và kinh nghiệm chữa bệnh của châm cứu. Tuy nhiên, cách giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu hiện nay chưa thống nhất, cách giải thích được nhiều người công nhận nhất là giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu theo học thuyết thần kinh - thể dịch (YHHĐ) và học thuyết kinh lạc (YHCT).Chỉ catgut là loại chỉ dùng trong phẫu thuật ngoại khoa, bản chất là một protit tự tiêu, được đưa vào các huyệt vị bằng đầu mũi kim. Chỉ catgut trong quá trình tự tiêu, phản ứng hóa - sinh tại chỗ, sẽ làm tăng tái tạo protein, hydratcarbon và tăng dinh dưỡng tại chỗ, cải thiện tuần hoàn máu cho vùng cấy chỉ và làm tăng trương lực các sợi cơ.Chỉ catgut bản chất là một protit tự tiêu trong vòng 20-25 ngày, khi đưa vào cơ thể (cấy vài lần, mỗi lần cách nhau 15 - 20 ngày), như một dị nguyên kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể bao vây không đặc hiệu làm thay đổi cách đáp ứng miễn dịch và vì vậy mà không xuất hiện các triệu chứng dị ứng.
Giải thích cơ chế tác dụng của cấy chỉ, BS Lê Hoàng Sơn, giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, nói: "Trong châm cứu bình thường, người ta châm kim vào huyệt đạo để một hồi rồi rút ra, như thế tác dụng chỉ nhất thời. Còn với cấy chỉ, chỉ lưu lại nhiều ngày rồi mới tiêu, tác dụng sẽ kéo dài hơn. Trước đây người ta cấy nhau, nhưng bây giờ cấy nhau rất phiền phức và độ an toàn không cao, nên chuyển sang cấy chỉ catgut".Cấy chỉ huyệt vị được cho là có khả năng điều trị nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh lý dị ứng (hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm xoang di ứng); Các chứng liệt: liệt dây thần kinh VII, liệt nửa người do tai biến mạch máu não, bại liệt...; Các chứng đau, thoát vị đốt sống cổ, khớp vai, thoái hóa cột sống, đĩa đệm, bệnh về vận động, bệnh cơ, xương, khớp,... cũng là các bệnh có thể chữa bằng phương pháp cấy chỉ huyệt đạo.Tuy nhiên, theo giới chuyên môn tây y, chưa có bằng chứng khoa học nào về chuyện này. PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, chủ tịch hội Hô hấp TP.HCM, nói: "Hen suyễn có đợt, nếu cấy chỉ vào thời điểm không có đợt, bệnh nhân nghĩ là do tác dụng của cấy chỉ, nhưng thật ra đó chỉ là ngẫu nhiên. Phương pháp này không có cơ sở khoa học, chưa kể người hen suyễn rất dễ bị dị ứng, đưa một chất lạ vào cơ thể họ có thể tạo ra phản ứng dữ dội".
Cũng đáng lo khi cấy chỉ có thể dẫn đến những hậu quả chưa được nói đến. Năm 2011, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM từng chữa trị một bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng sau khi được cấy chỉ vào người để chữa hen suyễn. Theo một bác sĩ khoa hô hấp của bệnh viện này, đây không phải trường hợp cá biệt, ngoài ra bệnh viện còn gặp không ít trường hợp "tiền mất, tật mang" vì đã tốn nhiều tiền cho cấy chỉ nhưng hen suyễn vẫn không hết, thậm chí tính mạng còn bị đe doạ do bệnh nhân không dùng thuốc tây để cắt cơn.
"Mặc dù đây là thủ thuật khá đơn giản và dễ làm, tuy nhiên không phải ai cũng có quyền được thực hiện châm cứu cấy chỉ chữa bệnh," một giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM nhận định. "Những trường hợp không được áp dụng là người bệnh đang sốt, tăng huyết áp, trên 180/140mmHg, phụ nữ có thai, bệnh nhân có chống chỉ định về châm cứu..."Biến chứng không mong muốn và thường gặp nhất ở cấy chỉ là nhiễm khuẩn. Nguyên nhân do thực hiện không tốt công tác vô khuẩn như thầy thuốc không rửa tay sạch, không đi găng tay bảo vệ, cơ thể bệnh nhân không sạch sẽ, sau cấy chỉ bệnh nhân nhanh chóng tiếp xúc với môi trường ô nhiễm… Để tránh biến chứng này, người thực hiện cần tuân thủ việc đảm bảo vô khuẩn khi tiến hành thủ thuật cấy chỉ cho bệnh nhân.
Dù chữa bệnh gì cũng đòi hỏi kỹ thuật phải chính xác, an toàn tuyệt đối... Vì vậy, người dân cần đến các cơ sở cấy chỉ chuyên khoa uy tín, tin cậy có các y bác sĩ được đào tạo bài bản thuần thục về châm cứu, cấy chỉ huyệt đạo để họ vừa làm vừa theo dõi và xử lý khi bệnh nhân có biểu hiện khác thường.Cho đến nay số lượng nghiên cứu khoa học về cấy chỉ công bố ở nước ta chưa thấy nhiều, chưa kể hầu như không có nghiên cứu nào công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế dù nó được ca ngợi không hết lời trên... mạng.