14:21 30/09/2022

Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD lần thứ 4 trong năm

Trước áp lực từ giá USD thế giới và nhu cầu ngoại tệ tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đang cố tìm điểm can thiệp tỷ giá mới...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ghi nhận trong sáng 30/9, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bán USD tại Sở Giao dịch tăng 225 VND, từ mức 23.700 VND lên mức 23.925 VND.

Tính từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 4 Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD. Tổng cộng mức tăng thêm là 905 VND, tương đương tăng 3,9%.

Diễn biến tăng giá bán này diễn ra trong bối cảnh chỉ số đo lường sức mạnh đồng bạc xanh DXY dao động quanh ngưỡng 111,9 điểm, vùng giá cao nhất trong 20 năm.

Theo đó hầu hết các đồng tiền trên thế giới đều giảm giá so với USD, bao gồm cả VND. Trong cùng ngày 30/9, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank đang được niêm yết ở mức 23.660-23.970 VND/USD, tăng 20 VND so với cuối ngày hôm qua. Thậm chí, tại Sacombank và ACB, giá bán USD đã chính thức vượt qua mốc 24.000 VND.

Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc tăng giá bán USD hỗ trợ thị trường của Ngân hàng Nhà nước vẫn giống như những lần trước với mục tiêu là tìm điểm cân bằng mới.

Bởi lẽ, hiện nay cầu ngoại tệ tại Việt Nam khá lớn và có một phần tích lũy từ trước chuyển vào giai đoạn này. Phần tích luỹ này đến từ các khoản đi tiền bị hoãn, một số nợ phải trả được cố tình kéo…

“Nhiều doanh nghiệp trước đó cố gắng hoãn lại các đợt thanh toán tiền hợp đồng bằng USD với kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt. Hoặc cũng có trường hợp muốn mua USD nhưng lúc đó lại không mua được. Giờ đây, họ không thể kéo dài việc thanh toán được nữa nên nhu cầu ngoại tệ tăng vọt. Trên liên ngân hàng, một số thành viên còn phải chấp nhận giao dịch trên giá bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước trong vài phiên trở lại đây”, chuyên gia này nói.

Trong khi đó, nguồn cung ngoại tệ đang thiếu dòng tiền mạnh và kịp thời. Cụ thể, một số dòng tiền từ đầu tư, kiều hối, trái phiếu quốc tế, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài… rất trầm lắng.

“Quan trọng là dòng tiền đối ứng, lúc cần thì không có nguồn vào kịp. Vì vậy, chỉ còn nguồn dự trữ ngoại hối để cân đối. Và nguồn này thì có hạn nên Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp theo dạng điều tiết và chỉ dành cho những nhu cầu cụ thể, cần thiết”, vị chuyên gia ngân hàng nói và đánh giá: “Dự trữ ngoại hối đang mỏng dần. Tuy nhiên, một số áp lực cũng đang dần đến đỉnh. Chỉ cần nhà điều hành vượt qua 3 tháng cuối năm nay thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ lại thoải mái, khi đó họ có một số điểm tựa như chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới… Nhìn chung, thị trường vẫn chưa quá căng, hồi 10 năm trước, dự trữ ngoại hối bị bán mất ½ thì mới thật sự đáng báo động”.

Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD lần thứ 4 trong năm 2022
Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD lần thứ 4 trong năm 2022

Trong một diễn biến liên quan, trước tình trạng USD bị tuồn ra "chợ đen", Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối thực hiện nghiêm túc các quy định quản lý ngoại hối.

Theo đó, để kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định quản lý ngoại hối về thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới, đặc biệt các hành vi mua, chuyển, mang ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối thực hiện hai nội dung sau chính.

Thứ nhất, thực hiện nghiêm túc các quy định quản lý ngoại hối đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới, các quy định liên quan đến việc bán, chuyển ngoại tệ cho các cá nhân với mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài, đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc các quy định về việc bán ngoại tệ tiền mặt và cấp Giấy xác nhận cho cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt ra nước ngoài cho các mục đích được phép theo quy định của pháp luật.