15:44 13/09/2022

"Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá"

Vũ Phong

Kiềm chế lạm phát của Việt Nam đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỷ giá. Sự ổn định tỷ giá giúp ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam...

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, trái với các quốc gia trên thế giới, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức thấp, khoảng 3,6% so với đầu năm. Kết quả này bắt nguồn từ việc Chính phủ quản lý giá rất tốt, đồng thời có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỷ giá từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Nhìn chung, ông Phước nhận định, sự ổn định tỷ giá đã ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định tỷ giá trước các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

"Gần như chắc chắn ngày 21/9 tới đây, Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất này suy cho cùng là để phục vụ cho tỷ giá tăng. Lẽ đó, thời gian tới, nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá", ông Phước nhấn mạnh.

Nêu quan điểm thêm về chính sách tiền tệ thời gian tới, ông Phước đánh giá, tại Việt Nam, cung ứng tiền thể hiện qua room tín dụng, đây là kênh gần chủ chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế.

"Vừa rồi việc Ngân hàng Nhà nước thông báo bổ sung tăng trưởng tín dụng. Tôi cho là rất thích hợp. Tôi tin nhà điều hành tiền tệ sẽ tạo ra thanh khoản của thị trường thông qua nhiệm vụ bơm rút tiền trên thị trường mở hoặc thông qua buôn bán ngoại tệ để tạo mặt bằng lãi suất ổn định", ông Phước chia sẻ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia khuyến nghị, hiện tại việc duy trì room tín dụng là rất quan trọng nhưng cũng cần theo dõi chặt chẽ để có lộ trình bỏ công cụ này trong tương lai.

Đánh giá sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khoá, ông Phước cho hay, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào sự xung đột của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ gần như rất là phổ biến.

Thậm chí, cấu trúc tài chính của thị trường Việt Nam là nguyên nhân chính tạo sự xung đột ngày càng gay gắt hơn. Có thể nói chính sách tiền tệ là định hướng của dòng chảy tín dụng thời gian vừa qua, cũng đã giúp cho yếu tố lạm phát thấp xuống.

Vì vậy, thời gian tới, chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Việc xác định room tín dụng cho các ngân hàng cần dựa vào cơ cấu tín dụng và các hệ số rủi ro.

"Nếu ngân hàng cho vay với các ngành nghề rủi ro nhiều thì hệ số rủi ro cao. Đây là một cách hỗ trợ cho chính sách tài khóa một cách gián tiếp, vì nếu như dòng vốn đi vào nền kinh tế, nếu làm cho lạm phát thấp xuống sẽ làm cho nguồn thu tăng lên", ông Phước nói.

Về chính sách tài khóa, thị trường vốn hiện nay vẫn còn hạn chế, nhất là thị trường trái phiếu. Ông Phước đề nghị thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo. Hiện nay, hình thức này đang được Mỹ và châu Âu phát triển rất nhiều để tránh tình trạng trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả.

Theo ông Phước, Việt Nam cần tổ chức một thị trường vốn "không chặt quá, không lỏng quá, không cầu toàn". Mục đích là làm sao để giải tỏa bớt áp lực lên thị trường tiền tệ. Nếu không thì dòng tiền từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra qua chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến tăng trưởng, rơi vào "vòng luẩn quẩn trong xung đột chính sách".