17:34 19/06/2023

Nhiều hạn chế trong lập, chấp hành dự toán ngân sách, đặc biệt là dự toán thu tiền sử dụng đất

Trâm Anh

Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Quốc hội nêu rõ bên cạnh kết quả đạt được, kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành các quy định pháp luật và thực hiện việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước chưa nghiêm. Công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất của nhiều địa phương chưa sát so với thực hiện...

Nghị quyết đề nghị chú trọng công tác dự báo, lập dự toán thu tiền sử dụng đất bảo đảm bám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ và khả năng thực hiện.
Nghị quyết đề nghị chú trọng công tác dự báo, lập dự toán thu tiền sử dụng đất bảo đảm bám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ và khả năng thực hiện.

Chiều ngày 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên toàn thể tại hội trường và biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 với 473 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội.

SIẾT KỶ CƯƠNG, XỬ NGHIÊM VI PHẠM

Các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Chính phủ và báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Kiểm toán Nhà nước.

Các ý kiến góp ý chủ yếu liên quan đến việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính không nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế trong lập, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước kéo dài nhiều năm cần chấn chỉnh khắc phục. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày tóm tắt báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Ảnh: Quochoi.vn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày tóm tắt báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021. Ảnh: Quochoi.vn.

Trình bày tóm tắt báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, cho biết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia thực hiện chưa nghiêm; nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm đã được nêu trong báo cáo kiểm toán quyết toán và báo cáo thẩm tra chưa được khắc phục.

 

Đồng thời, "Chính phủ cần có các biện pháp, giải pháp quyết liệt tăng cường kỷ luật, kỷ cương để khắc phục các tồn tại, hạn chế này; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị .

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nêu rõ những tồn tại, hạn chế chủ yếu trong lập, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước tại Điều 1 và yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập dự toán thu tiền sử dụng đất; chấn chỉnh khắc phục các tồn tại, hạn chế trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước; gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước chậm…

CHẤN CHỈNH TÌNH TRẠNG GIẢI NGÂN CHẬM, CHI CHUYỂN NGUỒN LỚN

Về thu chi ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nêu rõ các kết quả, thành tích đạt được và các tồn tại, hạn chế liên quan đến thu ngân sách nhà nước và đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá khi xem xét, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước đối với đề xuất của đại biểu Quốc hội; tiếp tục tăng cường công tác dự báo, lập dự toán thu tiền sử dụng đất và quản lý chặt chẽ hơn số tăng thu ngân sách nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để nêu rõ các tồn tại, hạn chế trong công tác giải ngân vốn đầu tư công và yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng, số chi chuyển nguồn năm 2021 sang 2022 lớn, tăng cả quy mô, tỷ trọng và có xu hướng gia tăng. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nhất trí với ý kiến đại biểu Quốc hội liên quan đến việc chi chuyển nguồn lớn, tăng cả quy mô và tỷ trọng.

Trong thời gian vừa qua, các Nghị quyết của Quốc hội liên tục yêu cầu chấn chỉnh tình trạng này nhưng đến nay cơ bản chưa có biến chuyển. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nêu rõ các tồn tại, hạn chế và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị đại biểu Quốc hội cho quyết toán số chi ngân sách nhà nước, số chi chuyển nguồn năm 2021 sang năm 2022 theo số liệu đề xuất của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.

Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm về tính hợp lý, chính xác các thông tin, số liệu quyết toán ngân sách nhà nước và khoản chi chuyển nguồn bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Trường hợp sau khi Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, phát hiện các khoản thu, chi, chuyển nguồn không đúng quy định sẽ xử lý theo quy định tại Điều 73 Luật Ngân sách nhà nước.

NGHIÊN CỨU LỘ TRÌNH RÚT NGẮN THỜI GIAN QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH

Sau khi nghe trình bày báo cáo, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 với 473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 95,75% tổng số đại biểu Quốc hội.

Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 với đa số đại biểu Quốc hội tán thành.
Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 với đa số đại biểu Quốc hội tán thành.

Theo đó, Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước; bội chi ngân sách nhà nước bằng 2,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Quốc hội giao Chính phủ công khai quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện các biện pháp quyết liệt, đồng bộ để tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng, quyết toán ngân sách nhà nước, không lặp lại các tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm.

 

"Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 năm 2023 để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước", nghị quyết nêu.

Trong năm 2023, tiếp tục thực hiện các quyết nghị chưa hoàn thành tại các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước và có các giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế.

"Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, các tập thể, cá nhân thuộc các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước có vi phạm trong lập, chấp hành dự toán, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; lập, gửi báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 chậm so với thời gian quy định", nghị quyết nêu rõ.

Cùng với đó, tiếp tục chú trọng công tác dự báo, lập dự toán thu tiền sử dụng đất bảo đảm bám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từng thời kỳ và khả năng thực hiện. Quản lý, sử dụng chặt chẽ số tăng thu ngân sách nhà nước bảo đảm hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Quan tâm, chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư, lập, phân bổ, giao dự toán, tổ chức, triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Đẩy nhanh công tác thanh toán khối lượng hoàn thành và quyết toán các chương trình, dự án. Rà soát, xác định chính xác số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, "quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn ngân sách nhà nước. Tiếp tục kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước, nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô. Khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và năm 2020 trở về trước", nghị quyết nêu rõ.

Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội cũng giao nhiệm vụ cụ thể đối với Kiểm toán Nhà nước; Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

 

Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 nêu rõ:

Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.387.906 tỷ đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2020 chuyển sang năm 2021, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2020, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.484.439 tỷ đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022.

Bội chi ngân sách nhà nước là 214.053 tỷ đồng, bằng 2,52% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương.

Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 455.927 tỷ đồng.