12:09 01/03/2023

Số thu từ đất đai đạt 160.000 tỷ đồng mỗi năm nhưng vẫn chưa sát thực tiễn

Trâm Anh

Tại Hội nghị Lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài chính tổ chức ngày 28/2, các đại biểu dành nhiều mối quan tâm về các quy định liên quan đến các khoản thu tài chính về đất đai, cách xác định bảng giá đất… 

Trong 9 năm qua có khoảng 1,6 triệu tỷ đồng tiền thu từ đất.
Trong 9 năm qua có khoảng 1,6 triệu tỷ đồng tiền thu từ đất.

Dự thảo Luật Đất đai gồm 16 chương, 236 điều; trong đó, có 1 chương với 18 điều, từ Điều 147 - Điều 164 quy định về vấn đề “Tài chính về đất đai, giá đất”, quy định các nguyên tắc, nội dung cơ bản về các khoản thu tài chính từ đất đai và giá đất như: các khoản thu từ đất đai; điều tiết nguồn thu từ đất; căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nguyên tắc, phương pháp định giá đất; bảng giá đất; giá đất cụ thể…

Ngoài ra, dự thảo Luật còn có các quy định không phải về tài chính về đất đai nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề này như: phân loại đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công nhận (cấp giấy chứng nhận) quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng…

QUY ĐỊNH VỀ TÀI CHÍNH ĐẤT ĐAI CHƯA THEO KỊP THỰC TIỄN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai nói chung và tài chính đất đai nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng. Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, chặt chẽ cho việc huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả.

 

Trong đó, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện và là cơ sở để huy động các khoản thu vào ngân sách nhà nước, với số thu từ đất đai giai đoạn từ năm 2013 - 2020 trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm trung bình khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước.

Như vậy, trong 9 năm qua đã có khoảng 1,6 triệu tỷ đồng tiền thu từ đất.

Cùng với đó, chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn.

Chính sách đất đai về nhà ở xã hội cũng đạt được một số kết quả quan trọng.

Ngoài ra, khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng sau gần 10 năm thi hành, các quy định tại Luật Đất đai năm 2013, trong đó có các quy định về tài chính đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.

Đặc biệt, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 cũng chỉ ra một số hạn chế về chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững.

Bên cạnh đó, các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế...

NHIỀU TRANH CÃI VỀ VIỆC ĐỊNH GIÁ ĐẤT 

Trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một nội dung quan trọng là bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó là định giá đất phù hợp với giá trị thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề tài chính đất đai.

Góp ý vào dự thảo luật, một số đại biểu kiến nghị giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành thực hiện để đảm bảo sát với giá thị trường, tuy nhiên, cũng cần cân nhắc thêm về đề xuất này.

Còn ông Phạm Đình Cường, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, nêu quan điểm Nhà nước là đại diện sở hữu toàn dân, Nhà nước quyết định giá đất là hợp lý nên không thể chuyển việc định giá đất sang một tổ chức khác. Chủ tài sản phải quyết định giá tài sản.

Liên quan đến Bảng giá đất quy định tại Điều 154, đại diện Cục Quản lý công sản cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn theo quy định có khả năng thực hiện không. Đồng thời, cần những điều kiện và lộ trình thực hiện ra sao hay có cần quy định về phương pháp xác định giá đất trong dự thảo Luật hay không...

Nhiều đại biểu kiến nghị cần bổ sung đầy đủ các khoản thu như thuế sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, như tại Điều 147 của dự thảo quy định các khoản thu tài chính từ đất đai. 

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, cho biết các trường hợp sử dụng đất hỗn hợp, đa mục đích thì sẽ thực hiện các khoản nghĩa vụ, tài chính như thế nào thì trong dự thảo luật mới quy định phải nộp tiền sử dụng đất, tuy nhiên mục đích sử dụng có nhiều mục đích khác nhau, thuộc hình thức giao đất, thuê đất khác nhau.

Một số đại biểu cũng cho rằng, các vấn đề tài chính về đất đai chủ yếu liên quan đến giá đất và thuế. Tuy nhiên, hai lĩnh vực này lại đang được quy định tại 3 luật khác nhau là Luật Đất đai, Luật thuế và Luật Ngân sách, do vậy đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất quy định đồng bộ để đảm bảo cơ chế thu từ đất.

Theo ý kiến các đại biểu, việc sửa đổi Luật Đất đai bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả sẽ nâng cao công tác quản lý, sử dụng đất đai về lĩnh vực tài chính, góp phần khắc phục những hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.