07:54 25/02/2023

Ngân sách nhà nước năm 2022 và dự toán 2023

Phạm Minh Thụy

Thu ngân sách nhà nước đạt được kết quả tốt chủ yếu là do năm 2022 ở Việt Nam hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan...

Ngân sách nhà nước là bộ phận chủ đạo, là điều kiện vật chất, công cụ quan trọng nhất để Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ điều tiết vĩ mô nền kinh tế và xã hội. Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,76% dự toán (trong đó ngân sách trung ương đạt 125,8% dự toán; ngân sách địa phương đạt 129,9% dự toán), tăng 14,99% so với ước thực hiện năm 2021. Mức thu này đã đạt tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước khoảng 18,96% GDP (năm 2021 đạt 18,50%, năm 2020 đạt 18,78%).

Thu ngân sách nhà nước đạt được kết quả tốt chủ yếu là do năm 2022 ở Việt Nam hoạt động kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi và tăng trưởng khả quan: GDP tăng 8,02%; tổng mức bán lẻ tăng 19,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,8%; xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%; xuất siêu 12,4 tỷ USD… Bên cạnh đó, giá dầu và một số hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tăng cao đã góp phần tăng thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu.

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DỰ TOÁN THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC 2022 

Trong 7 năm qua, số thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2022 tốt hơn của 6 năm trước rất nhiều. Trong đó, về số thực hiện so với dự toán thì năm 2022 đạt tỷ lệ cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2022; về số thực hiện so với năm trước thì năm 2022 chỉ đạt thấp hơn năm 2017 và cao hơn các năm còn lại.

Năm 2022, hoạt động tài chính – ngân sách nhà nước đạt được một số điểm nổi bật.

Tình hình thế giới năm 2022 tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động không thuận đến nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Lạm phát tăng cao đột biến bắt buộc các nước lớn điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt, tăng lãi suất, tiềm ẩn nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản khó khăn... Các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2022-2023, trong đó một số quốc gia như Anh, Đức, Italia... đã có dấu hiệu rơi vào suy thoái.

Những diễn biến này cũng tác động tới tình hình kinh tế - xã hội trong nước, đến việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2022 nói chung và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước nói riêng.

Ngân sách nhà nước năm 2022 và dự toán 2023 - Ảnh 1

Để kịp thời ứng phó với các tác động do dịch bệnh, đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện ngay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 do Quốc hội ban hành, với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Trong đó, các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 83% tổng giá trị chương trình. Các chính sách thuế trong chương trình đã hỗ trợ cụ thể, như: giảm 2% thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát với số tiền hỗ trợ khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 135 nghìn tỷ đồng…

Ngoài các chính sách ưu đãi thuế, tài khóa thuộc chương trình này, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều chính sách, như giảm lệ phí trước bạ; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí…

Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng, dầu diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Bộ Tài chính hai lần trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn; đề xuất giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu… Các chính sách này đã có tác dụng tích cực kiềm chế lạm phát của Việt Nam ở dưới mức 4%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao.

Ước tính việc thực hiện các giải pháp này đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 15/12/2022, đã thực hiện miễn giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là số tiền giãn, giảm thuế, phí, lệ phí lớn nhất trong lịch sử ngành Tài chính.

Từ biểu đồ 2 cho thấy so với dự toán 2022, thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt thành tích tốt nhất về thu từ dầu thô (đạt 275,92% so với dự toán); tiếp đó là thu từ xuất nhập khẩu (đạt 143,94%); thu nội địa (đạt 121,85%). Nếu so với số thực hiện năm 2021, thu ngân sách nhà nước năm 2022 cũng đạt thành tích tốt nhất về thu từ dầu thô (đạt 174,31% so với năm 2021); tiếp đó là thu từ xuất nhập khẩu (đạt132,71%); thu nội địa (đạt 109,90%).

Khoản thu từ dầu thô năm 2022 tăng rất mạnh so với dự toán năm 2022 và thực hiện năm 2021, chủ yếu là do giá dầu thô năm 2022 tăng rất mạnh so với năm 2021: giá dầu thô thế giới bình quân khoảng 105 USD/thùng (tăng 45 USD/thùng so với giá ước tính khi lập dự toán); giá dầu thô xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2022 đạt 829,9 USD/tấn, tăng 47,09% so với năm trước (năm 2021 tăng 68,77%, năm 2020 giảm 34,56%)…

Biểu đồ 3 cho thấy cơ cấu thu ngân sách nhà nước ước năm 2022 có thay đổi khá nhiều so với thực hiện trong giai đoạn 2016- 2022. Đặc biệt, cơ cấu thu ngân sách nhà nước ước năm 2022 có thay đổi khá rõ so với thực hiện năm 2021 và cả so với dự toán 2022 (đó là tỷ trọng thu từ nội địa giảm khá mạnh và bù vào đó là sự tăng lên của tỷ trọng thu từ dầu thô, thu từ xuất nhập khẩu).

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do năm 2022 giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng mạnh, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt. Đồng thời, Việt Nam dành ưu tiên rất lớn cho phục hồi kinh tế sau đại dịch bệnh Covid-19, chính sách tài chính thực hiện miễn, giảm thuế cho nhiều đối tượng... Vì vậy, số thu ngân sách nhà nước từ nội địa đạt thấp là điều khó tránh khỏi.

Quý vị độc giả có thể đặt mua ấn phẩm Kinh tế 2022-2023: Việt Nam và Thế giới tại đây.

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngân sách nhà nước năm 2022 và dự toán 2023 - Ảnh 2