22:07 20/10/2022

Thu ngân sách năm 2022 dự kiến vượt dự toán 14,3% nhưng phần lớn ở thu từ đất đai

Ánh Tuyết

Dù thu ngân sách năm nay ước tăng 14,3% so với dự toán nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng cơ cấu tăng thu ngân sách nhà nước vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất còn lớn và nhiều địa phương thu không đạt dự toán...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV chiều 20/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục nghe báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

THU NGÂN SÁCH ƯỚC VƯỢT DỰ TOÁN 14,3%

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước đạt 94% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Theo đó, cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán. 

Cùng với đó, tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước đạt 17,2% GDP, từ thuế, phí đạt 13,9% GDP.

Về chi ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ước thực hiện hết tháng 9 đạt 60,9% dự toán, trong đó chi đầu tư, phát triển đạt 48,1% dự toán. Cả năm, chi ngân sách nhà nước bằng 114,1% dự toán; trong đó, giải quyết vốn đầu tư công ước đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Còn chi trả nợ lãi đạt 96,1%, chi thường xuyên đạt 100,7% dự toán.

Đến hết tháng 9, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương chủ yếu là để bổ trợ cho các địa phương chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân. Số dự phòng còn lại tiếp tục ưu tiên cho các công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, hỗ trợ người dân và các nhiệm vụ cấp bách khác trong các tháng cuối năm.

Toàn thể phiên họp.
Toàn thể phiên họp.

Bội chi tăng thêm cho nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi và dự án cần đẩy nhanh tiến độ của Nghị quyết 43 là 0,41% GDP. Theo đó, bội chi ngân sách năm 2022 ước thực hiện bằng 4,5% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép.

 

"Trong điều hành, Chính phủ và đang chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách, rà soát tiết kiệm chi, cắt giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết để tiếp tục giảm mức bội chi so với báo cáo", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Về Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách đảm bảo bám sát mục tiêu kế hoạch tài chính 5 năm, nhằm thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng như: kinh phí cho quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội; cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác.

CƠ CẤU TĂNG THU NGÂN SÁCH THIẾU BỀN VỮNG

Trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước vượt dự toán khá cao, tăng 14,3% so với dự toán, tăng 2,9% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng lưu ý một số vấn đề như: công tác dự trong xây dựng dự toán; đánh giá kỹ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

"Cơ cấu tăng thu ngân sách nhà nước vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất còn lớn. Thu ngân sách địa phương không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán; tồn tại bất cập trong phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương", ông Cường lưu ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, lưu ý bối cảnh năm 2023 dự kiến thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng.

 

"Vẫn còn một số vấn đề nổi lên trong việc phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển. Đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng năm 2022, khả năng hoàn thành dự toán, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Trong nước, nền kinh tế tiếp tục phục hồi; tuy nhiên, áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; diễn biến bất thường thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, an ninh nguồn nước... là những thách thức, áp lực rất lớn đối với việc thực hiện các chỉ tiêu thu, chi ngân sách nhà nước.

Về phương án phân bổ ngân sách trung ương, ngoài các nguyên tắc nêu trong báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị quán triệt một số nguyên tắc: phân bổ ngân sách trung ương phải bám sát các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn tại các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

"Đẩy nhanh tiến độ giao vốn, chỉ bố trí vốn cho các dự án đủ thủ tục đầu tư; bố trí trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn tối đa vốn ứng trước và đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội", Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị.

Đồng thời, dành nguồn dự phòng để chủ động xử lý các tình huống cấp bách; bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.

NHẤT TRÍ TĂNG LƯƠNG CƠ SỞ LÊN 1,8 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG

Tại phiên họp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng cho ý kiến về việc tăng lương cơ sở.

Theo đó, đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước, lương cơ sở chưa được điều chỉnh từ năm 2020 trở lại đây.

 

"Nếu tiếp tục giữ mức 1.490.000 đồng/tháng như năm 2019 sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp".

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Về kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết qua thẩm tra nhận thấy việc lập kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025 bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, phù hợp Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; đảm bảo được nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn.

Đây sẽ là căn cứ bước đầu đánh giá khả năng dự kiến hoàn thành kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025. Vì vậy, để bảo đảm việc đánh giá, đề nghị bổ sung phụ lục số liệu đánh giá việc dự kiến thực hiện các chỉ tiêu được quy định trong Nghị quyết số 23/2021/QH15.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát, xây dựng Kế hoạch tài chính 3 năm bảo đảm tính thực tế, khả thi.