Ngành hải quan siết quản lý ngăn chiêu thức buôn lậu mới, tăng thu ngân sách gần 300 tỷ đồng
Trước diễn biến phức tạp về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma tuý, ngành hải quan siết chặt công tác quản lý, chống thất thu 287,9 tỷ đồng thông qua xử lý hơn 6.500 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan...
Thông tin về tình hình công tác tháng 5, Tổng cục Hải quan cho biết lũy kế thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 1/1 đến 31/5 đạt 152.942 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
THU NGÂN SÁCH CHẬT VẬT ĐẠT 36% DỰ TOÁN
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 55,86 tỷ USD, nhích tăng 5,3% so với tháng trước (tương ứng tăng 2,79 tỷ USD).
Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD, tăng 4,3% (tương ứng tăng 1,19 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 26,81 tỷ USD, tăng 6,4% (tương ứng tăng 1,6 tỷ USD).
Với kết quả trên, lũy kế 5 tháng, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% (tương ứng giảm 45,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6%, tương ứng giảm 17,93 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022. Còn trị giá nhập khẩu ước đạt 126,37 tỷ USD, với tốc độ giảm sâu hơn gần 18%, tương ứng giảm 27,49 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, theo tính toán của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 5 năm 2023 ước tính thặng dư 2,24 tỷ USD. Tựu trung, lũy kế 5 tháng từ đầu năm 2023, cả nước ước tính thặng dư 9,8 tỷ USD.
Cũng theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 5 đạt 28.614 tỷ đồng. Lũy kế đến cuối tháng 5, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 152.942 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Theo quan sát của giới phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với lạm phát và việc suy thoái kinh tế ở hầu hết các quốc gia khiến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, đặc biệt tại những thị trường chủ lực, sẽ tác động bất lợi đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Điều này gây thách thức đến việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu do ngành hải quan quản lý.
Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu vẫn giữ tốc độ sụt giảm nhanh, điều này cho thấy sản xuất trong nước tiếp tục gặp khó. Mặt khác, một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm mạnh với nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như: than, hóa chất và sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt may, linh kiện điện tử, linh kiện ô tô… tiếp tục kéo thu ngân sách do ngành hải quan quản lý tụt dốc.
LỘ DIỆN NHIỀU MÁNH KHOÉ, THỦ ĐOẠN BUÔN LẬU MỚI
Thông tin về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan cho biết hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua tuyến biên giới đường bộ Việt Nam – Lào như: gia cầm, đường kính, lâm sản, động thực vật, hoang dã, thuốc lá..., hay Việt Nam – Campuchia như: ma túy, pháo nổ, vàng, thuốc lá điếu, ngoại tệ, thực phẩm... qua biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa gửi kho ngoại quan tại TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai quá cảnh đi Trung Quốc, Campuchia tiếp tục tiềm ẩn rủi ro trong việc đánh tráo, rút ruột thẩm lậu vào nội địa.
Trên tuyến đường biển, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới tập trung vào mặt hàng có lợi nhuận cao như: xăng dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh qua sử dụng, phế liệu, hàng đông lạnh, gia cầm... sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, các chiêu thức mới, hoạt động có tổ chức.
"Các đối tượng ngụy trang tàu chở hàng lậu thành khai thác thủy sản, gia cố các bồn bể trên các phương tiện xuất nhập cảnh để che đậy việc mua bán, vận chuyển trái phép hàng lậu...", Tổng cục Hải quan nêu rõ mánh khoé của các đối tượng.
Đặc biệt, mặt hàng động vật hoang dã là ngà voi, sừng tê giác có chiều hướng chuyển dịch từ các cảng biển thuộc khu vực miền Nam, miền Trung ra các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh.
Trên tuyến đường hàng không, lợi dụng quy định về định mức miễn thuế của hành khách xuất nhập cảnh, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hoá, hành lý…, các đối tượng trong và ngoài nước móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua các cảng hàng không quốc tế như: ma túy, vũ khí, chất nổ, động vật hoang dã quý hiếm, rượu, thuốc lá, các mặt hàng thuốc tân dược, mỹ phẩm, đồ điện tử, hàng tiêu dùng qua sử dụng, các loại hàng hoá khác có trị giá cao…
Lũy kế 5 tháng năm 2023 (từ 16/12/2022 đến 15/5/2023), toàn ngành hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý: 6.540 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.119,8 tỷ đồng. Cơ quan hải quan cũng khởi tố 12 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 59 vụ.
Theo tính toán của Tổng cục Hải quan, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt 287,9 tỷ đồng thông qua xử lý hơn 6.500 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan.
Như vậy, so sánh với cùng kỳ năm trước, dù số lượng vụ việc và trị giá hàng hoá vi phạm thấp hơn rõ rệt nhưng ngành hải quan mạnh tay siết vi phạm, tăng thu ngân sách cao hơn cùng kỳ.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp.
Các đối tượng tội phạm ma túy thường lợi dụng đường biên giới dài, địa hình rừng núi phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở và kẽ hở, sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách tạo thuận lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quy trình thủ tục hải quan và các chính sách quản lý liên quan để trà trộn, cất giấu, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nam Bộ.
Các vụ việc về ma túy do cơ quan hải quan bắt giữ qua tuyến đường bộ tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm như các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Trung Quốc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Lào gồm: Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Trị, Quảng Ngãi và các cửa khẩu tuyến biên giới giáp với Campuchia như: Tây Ninh, Bình Phước, An Giang.
Tuyến đường biển cũng được đánh giá là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ xuất, nhập lậu chất ma túy, các loại tiền chất có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần không có giấy phép của cơ quan chức năng dưới danh nghĩa hàng kinh doanh.
Tuyến hàng không là địa bàn trọng điểm diễn ra hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vào Việt Nam, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa.
Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính ban hành công văn số 06/BCĐ389 – ĐVTT ngày 28/4/2023 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và thất thu thuế trong thời gian tới.
Đồng thời chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại như: tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và thất thu thuế trong thời gian tới; tăng cường công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, ma túy qua đường hàng không.
Ngành hải quan cũng ban hành các văn bản cảnh báo về thực phẩm nhập khẩu có dấu hiệu chứa thành phần cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe và cảnh báo việc lợi dụng đường hàng không để buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa vi phạm.