10:52 24/05/2024

Nhiều quan điểm trái chiều về quy định ưu tiên lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề

Nhật Dương

Có ý kiến doanh nghiệp cho rằng không nên thiên vị hay ưu tiên đối với người lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia so với các lao động khác, trong khi chất lượng và vị trí công việc của họ đều như nhau...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi),, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quy định ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công đối với những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.  

Quy định này trong dự thảo Luật sau khi đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều quan điểm trái chiều, cho rằng nên cân nhắc kỹ để đảm bảo phù hợp với pháp luật lao động hiện hành.

Góp ý vào dự thảo Luật, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản đề xuất bỏ quy định về chế độ ưu tiên trong tuyển dụng, trả lương và sắp xếp việc làm đối với những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Hiệp hội này cho rằng quy định trên không phù hợp với Bộ luật Lao động đang yêu cầu doanh nghiệp phải đối xử công bằng với người lao động. Do đó, doanh nghiệp không thể thiên vị hay ưu tiên đối với người lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia so với các lao động khác, khi chất lượng và vị trí công việc của họ đều như nhau.

Quy định này cũng không phù hợp với thực tiễn, bởi các doanh nghiệp đều thực hiện đào tạo người lao động, đến khi đạt được trình độ theo yêu cầu trước khi làm công việc liên quan, mà không cần có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia…

Bên cạnh đó, mỗi doanh nghiệp tuyển dụng, bố trí công việc và trả lương cho người lao động dựa trên trình độ, khả năng đáp ứng nhu cầu công việc thực tế, và tiêu chí của doanh nghiệp để làm sao cho hiệu quả nhất, mà không cần phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Hơn nữa, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia này bị hạn chế bởi một số ngành nghề, chưa đáp ứng được đầy đủ các vị trí công việc mà doanh nghiệp yêu cầu. Xã hội ngày càng phát triển thì ngày càng có nhiều công việc mới trong doanh nghiệp.

Mặt khác, chất lượng đào tạo tại các trường nghề chưa phù hợp với đặc thù sản xuất của doanh nghiệp, việc yêu cầu bắt buộc sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là chưa phù hợp với thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp, gây lãng phí cho cả doanh nghiệp và toàn xã hội.

Ngoài ra, quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế, do hiện hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xây dựng mô hình về giáo dục nghề nghiệp, và đào tạo để phát triển kỹ năng cho người lao động, nhưng không có quy định bắt buộc về việc doanh nghiệp tuyển dụng/sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và chính sách ưu tiên đối với lao động có chứng chỉ này.

Phỏng vấn tuyển dụng lao động tại sàn việc làm Hà Nội. Ảnh: N.Dương.
Phỏng vấn tuyển dụng lao động tại sàn việc làm Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Với nội dung này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng góp ý việc dự thảo Luật yêu cầu chính sách ưu tiên, đối với những người lao động đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, cho thấy sự không phù hợp với Bộ luật Lao động.

Theo Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp phải đối xử công bằng với người lao động, không có trường hợp thiên vị hay ưu tiên đối với người lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, yêu cầu bắt buộc là người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy phép hành nghề. Như vậy nếu quy định về chính sách ưu tiên sẽ không phù hợp với mối quan hệ lao động tại cơ sở y tế.

Ngoài ra, dự thảo Luật đưa ra quy định yêu cầu phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia trong các công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người lao động và cộng đồng, điều này cũng chưa phù hợp.

Tổ chức Công đoàn cho rằng việc yêu cầu có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia sẽ gây nên chồng lấn pháp lý, làm gia tăng thủ tục hành chính, tài chính và các yêu cầu không cần thiết đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để xin cấp, và duy trì chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Về nội dung này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản đánh giá quy định trên có thể dẫn đến hàng triệu lao động của Việt Nam (đang có việc làm hoặc sẽ xin việc làm trong hầu hết các ngành nghề của xã hội) sẽ phải đi học và thi để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, mới có thể tiếp tục đi làm, gây lãng phí chi phí và thời gian cho người lao động.

Đồng thời, có thể khiến sản xuất của hàng trăm ngành nghề đình đốn sản xuất khi thiếu lao động.

Theo hiệp hội này, chỉ riêng tính trong ngành chế biến thủy sản (là ngành liên quan đến an toàn thực phẩm), số lượng công nhân phải xin cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đã lên tới gần 1 triệu lao động, với gần 1.000 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. Trong khi đó, các công nhân này đều đã có Giấy Chứng nhận kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm.