14:41 15/11/2022

Sẽ thí điểm thành lập Hội đồng kỹ năng nghề ở nhóm ngành trọng điểm

Phúc Minh

Một trong những hoạt động quan trọng trong giải pháp gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động là thí điểm thành lập một số hội đồng kỹ năng nghề/nhóm nghề trọng điểm trong giai đoạn 2021 – 2025, từ đó có thể mở rộng cho các nghề/nhóm nghề khác trong giai đoạn tiếp theo…

Sẽ thí điểm thành lập Hội đồng kỹ năng nghề thuộc nhóm ngành trọng điểm. Ảnh - ND.
Sẽ thí điểm thành lập Hội đồng kỹ năng nghề thuộc nhóm ngành trọng điểm. Ảnh - ND.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay thị trường lao động ngày càng  yêu cầu cao về lao động có kỹ năng nghề, song lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế khi tỷ lệ qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ vẫn chiếm đa số, với gần 74% trong lực lượng lao động. Lao động thiếu hụt các kỹ năng cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, nhất là ở các lĩnh vực, ngành, nghề có sự thâm dụng về lao động.

DOANH NGHIỆP - NHÀ TRƯỜNG CÓ HỢP TÁC NHƯNG HIỆU QUẢ CHƯA CAO

Vì vậy, gắn kết hiệu quả giữa giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp là một trong những giải pháp được đẩy mạnh để cải thiện kỹ năng của người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết một trong những trọng tâm của giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới là thúc đẩy sự gắn kết hơn nữa giữa doanh nghiệp, các bên liên quan với giáo dục nghề nghiệp thông qua mô hình Hội đồng ngành, hoặc các mô hình tương tự.  

Theo ông Bình, dù đã triển khai việc thúc đẩy hoạt động gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, song sự tham gia của các bên liên quan trong giáo dục nghề nghiệp còn chưa thật sự hiệu quả.

Chính vì vậy, một trong những hoạt động quan trọng trong giải pháp gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động là thí điểm thành lập một số Hội đồng kỹ năng nghề/nhóm nghề trọng điểm trong giai đoạn 2021 – 2025. Trên cơ sở đánh giá, tổng kết sẽ mở rộng cho các nghề/nhóm nghề khác trong giai đoạn 2026 – 2030.

Chia sẻ về mô hình Hội đồng kỹ năng, bà Afsana Rezaie, Phó Giám đốc Chương trình đổi mới giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh rằng việc gắn kết doanh nghiệp được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm trong phát triển nghề nghiệp.

“Sự tham gia của các đối tác xã hội trong việc tư vấn và triển khai các chính sách về giáo dục nghề nghiệp còn thấp. Sinh viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp hiện chưa có đầy đủ kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phù hợp với ngành. Sự phát triển, chuyển đổi số và chuyển đổi kinh tế bền vững đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, cần thiết phải thành lập Hội đồng kỹ năng”, bà Afsana Rezaie nói.

Theo bà Afsana Rezaie, thành viên Hội đồng kỹ năng gồm có: Người sử dụng lao động, hiệp hội ngành nghề, phòng thương mại; đại diện người lao động, công đoàn; các cơ quan bộ ngành Chính phủ; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan chuyên môn.

Hội đồng kỹ năng có chức năng tư vấn cho chiến lược và xây dựng chính sách giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ thông tin thị trường lao động – dự báo kỹ năng; xây dựng và cập nhật trình độ và tiêu chuẩn nghề nghiệp; tạo điều kiện hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học viên và nhà tuyển dụng.

Đồng thời, cùng tham gia tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ cho học viên và người lao động; tạo điều kiện việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; hỗ trợ đảm bảo chất lượng của các nhà cung cấp đào tạo, các khoá học và người đánh giá.

ĐƯA DOANH NGHIỆP THAM GIA VÀO VIỆC ĐÁNH GIÁ KỸ NĂNG NGHỀ

Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, bà Afsana Rezaie cho rằng, Việt Nam cần thành lập Hội đồng kỹ năng ở các cấp khác nhau với đại diện của chính quyền/hành chính quốc gia, tỉnh và địa phương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, công đoàn và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tư cách là cơ quan tư vấn.

Sinh viên thực hành kỹ năng nghề. 
Sinh viên thực hành kỹ năng nghề. 

Thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông qua Hội đồng kỹ năng nghề cũng từng được Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đề cập tại Hội nghị phát triển thị trường lao động diễn ra hồi tháng 8. Theo ông Công, cần đẩy mạnh tăng cường hiệu quả hợp tác doanh nghiệp, nhà trường, VCCI đề xuất áp dụng đánh giá ở Việt Nam mô hình giáo dục nghề nghiệp do ngành dẫn dắt.

Trong đó, việc xác định các kỹ năng, cập nhật các kỹ năng mới, thiết kế chương trình cho học viên của một ngành nhất định được thực hiện với sự tham gia của chính các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong ngành đó, thông qua Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề.

“Đây là cơ chế phối hợp đa ngành nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề được lập theo từng ngành, cung cấp thông tin thị trường lao động của ngành, tư vấn thiết kế việc thực hiện đánh giá chương trình hoạt động nghề nghiệp sát với từng ngành”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển thị trường lao động.

Việc này phải làm cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như: Trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối…

Song song đó, cần tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.