10:33 12/05/2025

Bổ sung quy định về miễn học phí, đề xuất bỏ Bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở

Đỗ Như

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bỏ Bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở và giao thẩm quyền cho Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục Trung học Cơ sở xác nhận hoàn thành chương trình thay cho việc Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cấp Bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Hồ sơ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục năm 2019 gồm 9 chương, 115 điều, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và thay thế Luật Giáo dục năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Trong quá trình thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy một số bất cập, hạn chế cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số ngày càng sâu rộng như hiện nay. Trong đó, một số điều được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo có tác động trực tiếp đến người học.

ĐỀ XUẤT BỔ SUNG TRUNG HỌC NGHỀ LÀ MỘT CẤP HỌC

Điều 6 (Hệ thống giáo dục quốc dân) được sửa đổi, bổ sung theo hướng xác định rõ các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Giáo dục mầm non; Giáo dục phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục đại học.

Hướng sửa đổi này tiếp cận theo Phân loại chuẩn quốc tế về giáo dục (ISCED 2011) của Unessco, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Điểm mới trong quy định này là bổ sung trung học nghề là cấp học.

Theo dự thảo, không có trường trung cấp (chuyển sang trung học nghề: chương trình tích hợp kiến thức trung học phổ thông). Không cấp bằng trung cấp (thay bằng bằng trung học nghề); Định nghĩa giáo dục đại học để đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống.

Như vậy, trong chương trình trung học nghề học sinh có 2 lựa chọn: được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc trung cấp nghề. Hết lớp 9 có 3 lựa chọn: vào trung học phổ thông, học trung học nghề với chứng chỉ sơ cấp, học trung học nghề với chứng chỉ trung cấp nghề.

Việc sửa đổi, bổ sung theo hướng như trên tạo cơ hội cho người học có nhiều lựa chọn sau trung học cơ sở; tạo cơ hội học liên thông, học suốt đời…

SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH VỀ VĂN BẰNG, CHỨNG CHỈ

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất bỏ Bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở và giao thẩm quyền cho Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục Trung học Cơ sở xác nhận hoàn thành chương trình thay cho việc Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện cấp Bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở.

Bộ cũng giao thẩm quyền cho hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục Trung học Phổ thông cấp Bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông thay cho việc Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp Bằng.

Nội dung sửa đổi nêu trên phù hợp với thực tiễn, thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền, tuân thủ nguyên tắc “nơi nào đào tạo nơi đó cấp bằng”, phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều này cũng đảm bảo phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục và xu thế quốc tế.

Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, Canada, Anh, Australia, Phần Lan) không cấp Bằng tốt nghiệp Trung học Cơ sở mà sử dụng xác nhận của Hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng. Việc xác nhận hoàn thành chương trình Trung học Cơ sở không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học.

BỔ SUNG QUY ĐỊNH VỀ MIỄN HỌC PHÍ

Dự thảo quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trong trường công lập, hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (Điều 99).

Nội dung sửa đổi, bổ sung này nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị tại Công văn số 13594-CV/VPTW ngày 3/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng tại phiên họp ngày 28/2/2025.

Đồng thời làm rõ nội hàm “dịch vụ hỗ trợ giáo dục” (bổ sung nội dung khoản 2 Điều 99): Dịch vụ hỗ trợ giáo dục gồm việc cung cấp các dịch vụ giáo dục nhưng không phải là dịch vụ giảng dạy để hỗ trợ về hệ thống hoặc phương pháp giáo dục không trùng với các hoạt động được ngân sách nhà nước hoặc nguồn thu học phí đảm bảo thì được xác định mức thu theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí.

Dự kiến nguồn lực để thực hiện chính sách miễn học phí từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và từ nguồn lực hợp pháp khác.

Đối với chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, Chính phủ bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện, trong đó ngân sách nhà nước bổ sung tăng thêm ngoài 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo theo Luật Giáo dục; nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn.

 

Dự thảo Luật quán triệt tinh thần Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 09/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ, đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ và bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết trong lĩnh vực giáo dục.

Các quy định hiện hành gây cản trở hoạt động của cơ sở giáo dục và nhà đầu tư sẽ được rà soát, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, thuận lợi cho quá trình thực thi.