Những bài học mới từ các vụ sụp đổ ngân hàng - Ảnh 1
Những bài học mới từ các vụ sụp đổ ngân hàng - Ảnh 2

Từ một ngân hàng khu vực Mỹ cho tới ngân hàng lớn thứ nhì Thụy Sỹ, sự đổ vỡ xảy ra khó lường và chóng vánh, khiến dư luận đặt câu hỏi liệu có phải những kinh nghiệm rút ra từ lần khủng hoảng năm 2008 đã bị phớt lờ. Cho rằng các quy chế giám sát đã được thắt chặt hơn trước và sức khoẻ của hệ thống ngân hàng toàn cầu đã được cải thiện nhiều so với cách đây 15 năm, nhiều người đã tin những vụ sụp đổ như vậy là không thể xảy ra. Sau những biến cố vừa rồi, đã có những ý kiến cho rằng nhà chức trách và các ngân hàng đã chủ quan, không nắm chắc bài học quá khứ. Dù vậy, mỗi cuộc khủng hoảng lại bắt nguồn từ những nguyên nhân mới và mang tới những bài học mới.

Sau cuộc khủng hoảng 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các nhà lãnh đạo chính trị và giới đầu tư tin rằng các sản phẩm chứng khoán phức tạp (giống như chứng khoán đảm bảo bằng nợ dưới chuẩn), những ngân hàng quá lớn để đổ vỡ, hoặc những tổ chức cho vay ngầm, ít được giám sát mới là những mắt xích yếu trong hệ thống. Nhưng lần khủng hoảng này, mắt xích yếu hóa ra lại là những bộ phận tưởng chừng bình thường và an toàn hơn: trái phiếu chính phủ, những ngân hàng quy mô nhỏ hơn và tiền gửi.

Việc đứt gãy những mắt xích này có thể không để lại hệ quả gì nghiêm trọng đối với nền kinh tế, nhưng nếu có, hệ quả sẽ là một trong hai kịch bản sau: các ngân hàng khu vực và quy mô nhỏ bị đặt vào một vị thế mong manh dễ đổ vỡ hơn; hoặc mạng lưới an toàn liên bang dành cho các ngân hàng phải được mở rộng, mở đường cho sự hình thành của những rủi ro mới về sau, theo nhận định của tờ Wall Street Journal.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 15 năm trước bắt nguồn từ những “ngân hàng ngầm” - tức là những công ty tài chính chịu sự điều tiết lỏng lẻo, các công ty môi giới chứng khoán và những công cụ đầu tư nằm ngoài bảng cân đối kế toán như chi nhánh của các công ty mẹ là ngân hàng. Những “ngân hàng ngầm” này đầu tư vào trái phiếu phát hành dựa trên các khoản vay thế chấp nhà dưới chuẩn và các sản phẩm chứng khoán phái sinh. Tiền để đầu tư là nguồn vốn bán buôn (wholesale funding) vốn dĩ rất khó lường như thương phiếu đảm bảo bằng tài sản, tài khoản khách hàng môi giới cấp cao và thoả thuận mua lại (repo).

Những bài học mới từ các vụ sụp đổ ngân hàng - Ảnh 3

Ngược lại, SVB đi theo một mô hình kinh doanh ngân hàng được cho là hết sức an toàn và có phần buồn tẻ: nhận tiền gửi - nguồn vốn ổn định hơn nhiều so với vốn bán buôn, rồi đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ và các chứng khoán bất động sản do liên bang đảm bảo. Những tài sản đó hầu như không có rủi ro vỡ nợ, khác hẳn với các tài sản thị trường mới nổi, các khoản vay dưới chuẩn hay bất động sản thương mại vốn là nguyên nhân dẫn tới những lần khủng hoảng trước kia.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ các nhà tài chính thường có khuynh hướng đặt cược quá nhiều vào một chiến lược an toàn, tới mức chiến lược đó không còn an toàn. Từ năm 2007 đến năm 2022, các ngân hàng ở Mỹ đã tăng tỷ trọng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ và các chứng khoán bất động sản do liên bang đảm bảo trong tổng tài sản lên 20% từ 12%. Cùng với đó, tỷ trọng của tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm tăng lên mức 45% từ 38% trong tổng tiền gửi nội địa. Đối với hai ngân hàng đã “sập tiệm” là SVB và Signature Bank, tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm lên tới tương ứng 94% và 90%, theo dữ liệu của S&P Global Market Intelligence.

Trái phiếu chính phủ Mỹ có thể không có rủi ro vỡ nợ, nhưng lại có rủi ro lãi suất: thị giá của tài sản này giảm khi lãi suất tăng, nhất là khi lãi suất tăng trở lại từ mức siêu thấp, và đó chính là những gì đã xảy ra. Một chỉ số của hãng tin Bloomberg đo giá trái phiếu kho bạc Mỹ đã giảm 13% trong năm ngoái, đánh dấu năm giảm mạnh nhất kể từ thập niên 1970, do Fed triển khai chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh tay để chống lạm phát.

Những bài học mới từ các vụ sụp đổ ngân hàng - Ảnh 4

Đối với các ngân hàng, vấn đề sẽ xảy ra nếu họ phải bán trái phiếu đó để lấy tiền trả lại tiền gửi của khách hàng. Đó chính là điều đã xảy ra với SVB. Signature cho vay nhiều hơn so với đầu tư trái phiếu, nhưng ngân hàng này cũng bị khách ồ ạt rút tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm.

Mặt khác, khi lãi suất tăng lên, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động tiền gửi nếu không muốn bị mất khách vào tay những ngân hàng trả lãi cao hơn hoặc các quỹ thị trường tiền tệ có lợi tức hấp dẫn hơn.

Các ngân hàng thương mại vẫn được cho là an toàn hơn so với các ngân hàng ngầm, vì chúng được điều tiết chặt chẽ hơn. Vậy vì sao Fed, cơ quan cùng với các nhà chức trách bang California làm nhiệm vụ giám sát SVB, lại để xảy ra đổ vỡ ở ngân hàng này? Tình thế mà SVB rơi vào không phải là không có tiền lệ: sự lệch pha giữa các khoản cho vay dài hạn và tiền gửi ngắn hạn chính là nguyên nhân gây sụp đổ nhiều quỹ tín dụng (S&L) ở Mỹ hồi cuối thập niên 1970, đầu những năm 1980. Sự phụ thuộc vào tiền gửi không thuộc diện bảo hiểm là nguồn cơn gây sụp đổ của các ngân hàng Continental Illionois vào năm 1984 và Bank of New England vào năm 1991.

Fed đã mất cảnh giác về việc lãi suất cần tăng bao nhiêu để chống lạm phát. Một kịch bản như vậy đã không hề có trong các bài kiểm tra sức ép (stress test) áp dụng đối với các ngân hàng lớn có tầm quan trọng đối với hệ thống toàn cầu. Dù vậy, lẽ ra các ngân hàng đã phải tự đánh giá năng lực chống chọi của mình trong một kịch bản như vậy.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed có lẽ đã có một ý nghĩ sai lầm rằng tiền gửi không được bảo hiểm là một nguồn vốn an toàn. “Kinh nghiệm từ lâu đã dạy các cơ quan giám sát một điều rằng tiền gửi không được bảo hiểm là tương đối ổn định, khác với tiền gửi được môi giới hoặc các dạng vốn bán buôn ngắn hạn”, ông Randal Quarles, một cựu Thống đốc Fed, tiết lộ và cho rằng quan niệm này cần phải thay đổi.

Những bài học mới từ các vụ sụp đổ ngân hàng - Ảnh 5

Cơ quan chức năng và các nhà làm luật đã nghĩ rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cho thấy các ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực là an toàn hơn so với các ngân hàng lớn. Nhỏ hơn, đơn giản hơn và ít mối ràng buộc hơn, các ngân hàng nhỏ và khu vực sẽ không lôi các định chế khác “chết chùm” nếu có lâm vào cảnh đổ vỡ. Ý nghĩ đó là cơ sở khiến Quốc hội Mỹ vào năm 2018 tăng ngưỡng tài sản mà ở đó các ngân hàng chịu các quy định ngặt nghèo hơn về vốn và thanh khoản lên 250 tỷ USD từ mức 50 tỷ USD.

Hiện chưa rõ thay đổi đó dẫn tới khác biệt như thế nào, vì các quy chế giám sát chỉ có ý nghĩa nếu được thực thi đầy đủ, và các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều thẩm quyền trong việc giám sát các ngân hàng nhỏ. Từ năm 2019, giới chức Fed đã cảnh báo ban lãnh đạo SVB về những mối lo của họ, nhưng lại không có những động thái quyết liệt hơn như yêu cầu SVB phải giảm tỷ trọng tiền gửi không được bảo lãnh hoặc tăng vốn. Sự lơi lỏng này xảy ra bất chấp nhiều tín hiệu cảnh báo như tốc độ tăng trưởng quá nhanh chóng, mức độ phụ thuộc lớn vào tiền gửi không được bảo hiểm từ một số ít lĩnh vực, lượng lớn tiền gửi liên quan đến các thương vụ đầu tư mạo hiểm và việc SVB không có một giám đốc quản lý rủi ro nào.

SVB và Signature có thể chỉ là những trường hợp ngoại lệ mà ở đó, sự sụp đổ của hai nhà băng này có thể không lan rộng. Nhưng sự sụp đổ kiểu tương tự của hai ngân hàng cũng có thể khiến người gửi tiền hoảng sợ và bắt đầu ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng khác. Yếu tố tâm lý có thể biến một ngân hàng khoẻ mạnh, đủ thanh khoản, đủ năng lực chi trả thành một nhà băng ốm yếu, kiệt thanh khoản và mất năng lực thanh toán chỉ sau 1 tuần.

Đối với những ngân hàng đã yếu sẵn, rủi ro sụp đổ theo càng lớn hơn. Đó chính là hiệu ứng domino - điều khiến nhà chức trách lo sợ và ngay lập tức vào cuộc bằng cách bảo lãnh cho toàn bộ tiền gửi ở SVB và Signature, cũng như bơm thêm thanh khoản vào hệ thống.

Những bài học mới từ các vụ sụp đổ ngân hàng - Ảnh 6

Sự đổ vỡ của Signature tiếp sau SVB chính là một biểu hiện của những quân cờ domino nối nhau đổ xuống. Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin CNBC rằng sau khi SVB sập, khách hàng của Signature hoảng loạn và đã rút 10 tỷ USD chỉ trong vòng 1 ngày. Việc rút tiền ồ ạt này nhanh chóng dẫn tới sự đổ vỡ của Signature - đánh dấu vụ sập ngân hàng lớn thứ ba trong lịch sử Mỹ, chỉ sau vụ SVB và vụ Washington Mutual vào năm 2008.

Sau các vụ sụp đổ ngân hàng ở Mỹ, chú ý đã đổ dồn vào Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ nhì Thụy Sỹ vốn đã chìm trong thua lỗ và bê bối tự gây ra từ mấy năm nay. Giới đầu tư lập tức đặt câu hỏi liệu Credit Suisse sẽ duy trì niềm tin của người gửi tiền bằng cách nào, vì chỉ trong vòng 3 tháng cuối cùng của năm 2022, khách hàng đã rút 110 tỷ USD khỏi nhà băng này. Chỉ trong vòng vài ngày, cuộc khủng hoảng ở Credit Suisse đã bị đẩy tới mức gần như không thể cứu vãn, nhất là sau khi Ngân hàng Saudi National Bank, nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse, tuyên bố không bơm thêm vốn. Chính phủ Thụy Sỹ đã buộc phải vào cuộc, sắp xếp để Ngân hàng UBS mua lại Credit Suisse bằng hơn 200 tỷ USD tiền bảo lãnh của Nhà nước.

Trở lại Mỹ, quân cờ domino tiếp theo có nguy cơ đổ xuống là một ngân hàng khu vực khác có tên First Republic Bank. Sau khi SVB và Signature Bank đổ vỡ, những khách hàng lo sợ đã rút mạnh tiền khỏi First Republic Bank và nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu ngân hàng này. Chỉ trong vòng khoảng nửa tháng, giá cổ phiếu First Republic Bank đã giảm gần 90%. Để ngăn sự lây lan trong hệ thống, 11 ngân hàng lớn của Mỹ (gồm: JPMorgan Chase, Bank of America, Goldman Sachs…) đã hợp tác gửi tổng cộng 30 tỷ USD vào First Republic Bank.

Những bài học mới từ các vụ sụp đổ ngân hàng - Ảnh 7

Trong thời gian đại dịch, Mỹ đã triển khai quyết liệt các biện pháp kích thích bằng tài khóa và tiền tệ để vực dậy nền kinh tế từ đáy sâu do Covid-19 gây ra. Chính phủ Mỹ đã bơm vào nền kinh tế các gói kích cầu trị giá tổng cộng khoảng 5 nghìn tỷ USD. Cùng với đó, Fed hạ lãi suất về gần 0, duy trì lãi suất ở đáy này trong suốt 2 năm và chi mỗi tháng 120 tỷ USD để mua vào trái phiếu nhằm bơm tiền ra thị trường. Những nỗ lực này đã đưa nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ, nhưng đi kèm là một “tác dụng phụ”: lạm phát tăng chóng mặt, lập đỉnh của 4 thập kỷ ở mức hơn 9% vào mùa hè 2022. Để kéo lạm phát xuống, Fed không còn lựa chọn nào khác đành triển khai chiến dịch tăng lãi suất, với bước nhảy có lúc lên tới 0,75 điểm phần trăm mỗi lần tăng. Trong vòng 1 năm, lãi suất của Fed đã tăng 9 lần, với mức tăng tổng cộng là 4,75 điểm phần trăm.

Chính lãi suất tăng lên đã khiến cho mô hình kinh doanh của SVB không còn an toàn, vì lãi suất tăng làm trái phiếu kho bạc Mỹ mất giá. Khi SVB phải bán trái phiếu để thanh toán tiền gửi cho khách hàng, ngân hàng gánh thua lỗ. Từ “bữa tiệc tiền rẻ” đã dẫn tới lạm phát cao, kéo theo lãi suất tăng mạnh, và sự sụp đổ của ngân hàng.

Những bài học mới từ các vụ sụp đổ ngân hàng - Ảnh 8

Vậy làm thế nào để loại trừ rủi ro từ mô hình kinh doanh mà SVB đã theo đuổi? Theo ông Eric Rosengren, cựu Chủ tịch Fed Chi nhánh Boston, cơ quan chức năng có thể yêu cầu các ngân hàng nhỏ giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn tiền gửi không thuộc diện bảo lãnh bằng cách phát hành trái phiếu ưu tiên thấp (junior debt) để huy động vốn. Trái phiếu này có thể được chuyển đổi thành cổ phần hoặc xoá sổ trong trường hợp ngân hàng sụp đổ, như nhà chức trách Thuỵ Sỹ ghi bút toán về 0 đối với 17 tỷ USD trái phiếu AT1 của Credit Suisse trong vụ sáp nhập của ngân hàng này vào UBS. Dù vậy, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) vẫn phải bảo lãnh cho rủi ro thua lỗ của UBS và bơm thêm tiền cho UBS để thực hiện thương vụ này.

Nếu không có sự hậu thuẫn của Chính phủ Mỹ, các ngân hàng nhỏ hơn và ngân hàng khu vực ở Mỹ có thể mất một lượng lớn tiền gửi và khách hàng vào tay những ngân hàng được cho là “quá lớn để đổ vỡ”. Đối mặt với nguy cơ này, các ngân hàng tầm trung của Mỹ đang kêu gọi Chính phủ bảo hiểm cho toàn bộ tiền gửi ngân hàng trong vòng 2 năm.

Việc bảo hiểm tiền gửi một cách bao trùm chắc chắn sẽ giúp các ngân hàng giữ được trạng thái ổn định, nhưng đi kèm là một cái giá không rẻ. Khi đó, các ngân hàng sẽ hút bớt vốn từ những kênh đầu tư tương tự, chẳng hạn các quỹ tiền tệ vốn không được bảo lãnh. Cách làm đó về bản chất sẽ biến mỗi ngân hàng thành một doanh nghiệp do Chính phủ tài trợ, tương tự như hai công ty cho vay bất động sản khổng lồ Fannie Mae và Freddie Mac trước kia. Wall Street Journal cho rằng trong quá trình đó, một mục tiêu chủ chốt của quy chế giám sát hậu khủng hoảng tài chính sẽ tan thành mây khói: đó là khu vực nhà nước không bao giờ nên là “tấm đê chắn sóng” cho những thua lỗ mà sự ham thích rủi ro của khu vực tư nhân gây ra.

Những bài học mới từ các vụ sụp đổ ngân hàng - Ảnh 9

VnEconomy 27/03/2023 10:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 13-2023 phát hành ngày 27-03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Những bài học mới từ các vụ sụp đổ ngân hàng - Ảnh 10