Những lưu ý khi dùng trà dược
Khi dùng trà dược, bạn phải chú ý kết hợp hợp lý, tuỳ tính chất, thể chất và giai đoạn bệnh tật. Không nên uống trà dược ngay sau bữa ăn vì khi đến dạ dày, chất tanin trong trà sẽ làm protein trong thức ăn trở nên cứng...
Theo PGS.TS.DS Nguyễn Phương Dung, trưởng khoa y học cổ truyền kiêm trưởng bộ môn bào chế đông dược, đại học Y dược TP.HCM, để phòng bệnh, người bình thường có thể sử dụng trà có nguồn gốc thực phẩm từ rau, trái như: bí đao, đậu bắp, khổ qua, rau đắng… với liều tương đương lượng thực phẩm ăn hàng ngày. "Với những loại trà dược không phải là rau trái ăn hàng ngày như: hoa sơn trà, hoa tam thất, giảo cổ lam, thìa canh, bá bệnh, hoàn ngọc, diệp hạ châu, nha đam, lược vàng… thì không nên sử dụng thường xuyên. Đây là các dược liệu có tính năng chữa bệnh nhất định, có thể đưa đến tình trạng mất cân bằng do tính vị (nóng, lạnh, đắng, cay…) của chúng", DS Dung nói.
Tốt nhất, bạn cần đi khám bệnh trước, trong và sau khi uống trà dược. Không nên chỉ đọc cách dùng sản phẩm mà không có chỉ định của thầy thuốc. Ngay cả những người có bệnh khi dùng trà dược cũng phải thật cẩn thận, dùng sai có thể bệnh nặng hơn. Với người không có bệnh, tuỳ tiện uống nhiều trà dược có thể bị ngộ độc dược chất.DS Nguyễn Phương Dung cũng lưu ý người bệnh đang dùng thuốc điều trị theo y lệnh bác sĩ, dù sử dụng bất kỳ loại trà dược nào, cũng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc trực tiếp điều trị để tránh các tương tác không mong muốn làm giảm hiệu lực điều trị. Riêng phụ nữ mang thai và cho con bú nên sử dụng thực phẩm thay cho các dạng trà. Nếu đang điều trị bằng thuốc Tây, thời điểm uống trà (trà thảo dược, trà xanh, trà ô long…) tốt nhất là sau khi dùng thuốc 1 – 2 giờ, để tránh các thành phần tanin (có trong hầu hết các loại trà) cản trở việc hấp thu thuốc.
Còn theo Đông y, không nên uống thuốc lúc quá no hoặc quá đói: uống khi quá no sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc; còn uống lúc quá đói, thuốc kích thích niêm mạc đường tiêu hoá gây cồn cào khó chịu. Khi mua bất kỳ một loại trà nào, bạn cần xem kỹ xuất xứ, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng in trên bao bì. Nếu thảo dược được trồng không bảo đảm an toàn (sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, nguồn nước ô nhiễm…), hoặc quá trình sơ chế không đảm bảo vệ sinh, hướng dẫn sử dụng không đúng… sẽ tác hại đến sức khoẻ người dùng.Dưới đây là một số loại trà dược của y học cổ truyền
- Độc sâm tràNhân sâm thái phiến hoặc nghiền vụn, mỗi ngày dùng 3 - 9g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 10 phút thì dùng được, uống thay trà. Nếu không có sâm củ thì dùng trà sâm đóng gói sẵn thay thế. Có công dụng bổ khí cường thân, hồi phục sinh lực sau lao động rất tốt, đặc biệt là lao động cơ bắp. Người bị huyết áp cao không nên dùng.- Nhân sâm đại táo tràNhân sâm 3 - 5g thái phiến, đại táo 10 quả bỏ hột, hãm với nước sôi trong bình kín sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Có công dụng bổ khí sinh huyết.- Ngũ vị táo nhân kỷ tử trà
Ngũ vị tử 6g, kỷ tử 6g, toan táo nhân sao đen 6g. Các vị nghiền vụn hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Có công dụng định tâm an thần, kiện não ích trí, dùng rất tốt cho những người lao động trí óc dễ căng thẳng thần kinh.- Thủ ô đan sâm tràHà thủ ô chế 25g, đan sâm 25g, mật ong vừa đủ. Các vị tán vụn hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Có công dụng ích thận bổ can, hoạt huyết hóa ứ, dùng rất tốt cho những người bị thiểu năng mạch vành, cao huyết áp. Người có huyết áp thấp không nên dùng.- Thiên ma, cúc hoa tràThiên ma 10g, cúc hoa 10g, hòe hoa 3 - 5g. Tất cả đem hãm dùng hằng ngày. Bài thuốc có tác dụng ích khí, bổ âm, an thần, hạ áp, thanh can sáng mắt, mạnh gân cốt. Bài này dùng cho những người âm hư hỏa vượng tăng huyết áp, hoa mắt chóng mặt, xơ vữa động mạch, thị lực giảm do biến chứng tăng huyết áp và tiểu đường...- Mã đề thảo tràMã đề là vị thuốc có tính mát, vị ngọt, không độc có tác dụng làm mát cơ thể, làm tăng lượng nước tiểu góp phần đào thải chất độc, giúp đẩy lùi lượng nhiệt dư thừa ra khỏi cơ thể. Nếu dùng làm thuốc thông tiểu, giải độc thì lấy 10g xa tiền tử (hạt mã đề), 2g cam thảo, 600ml nước đem sắc và nấu sôi trong 30 phút chia 3 lần uống trong ngày. Ngoài ra, mã đề còn có tác dụng giải độc nên có thể chữa các bệnh lý mụn nhọt, bệnh về gan mật, bệnh lâu ngày, viêm amiđan, đau mắt đỏ, viêm bàng quang rất hay.