Những nguyên tắc dùng nồi ủ hiệu quả
Nồi ủ là một dụng cụ phải có trong gian bếp ngày nay. Ngoài việc tiết kiệm nhiên liệu, không cần điện hay gas, các bà nội trợ cũng đỡ tốn công canh bếp.
Nồi ủ tuy là khái niệm khá mới mẻ nhưng lại được các chị em yêu thích nhờ khả năng nấu nướng thần kỳ, đa dạng từ cháo, canh, thịt cho đến các món tráng miệng. Với nồi ủ, bạn không cần canh chừng sau khi đã cho nguyên liệu vào nồi mà có thể thảnh thơi làm những công việc khác. Nồi ủ sử dụng nhiệt sẵn có và nấu chậm thức ăn trong khi giữ thức ăn nóng và thức ăn sẵn sàng sau một vài giờ. Tuy nhiên, cũng như những thiết bị nhà bếp khác, vẫn có những lưu ý khi sử dụng nồi ủ bạn cần biết để không mắc phải sai lầm.Lưu ý 1: Nồi ủ phù hợp hơn cả với những món nấu nhiều nước.Mặc dù về cơ bản nồi ủ vẫn có thể dùng để nấu nhiều món ăn ít sử dụng nước như kho cá, thịt nhưng thế mạnh lớn nhất của nồi ủ vẫn là các món ăn sử dụng nhiều nước khi đun nấu như hầm xương nấu nước dùng, nấu cari, bò kho lượng lớn… Bởi vì thiết kế nồi chỉ đảm bảo hiệu quả giữ nhiệt tốt khi thức ăn trong nồi phải đạt khoảng từ 2/3 lòng nồi nấu trở lên. Nếu ít hơn, lượng nhiệt ủ sẽ bị giảm, thực ăn sẽ lâu chín nhừ hơn. Khi sử dụng nấu thức ăn với lượng ít khoảng 1/3 nồi, bạn sẽ cần phải căn chỉnh thời gian nấu trên bếp và thời gian ủ theo kinh nghiệm và tốt nhất nên ủ từ 2 lần trở lên để đảm bảo thức ăn đủ chín và nhừ.
Lưu ý 2: Cần đun nồi nấu trên bếp ít nhất từ 5 – 10 phút.Khi nấu món ăn bằng nồi ủ, chị em cần đun sôi thực phẩm trên bếp trong khoảng từ 5 – 10 phút để đảm bảo tiệt trùng cho thực phẩm (tránh làm thức ăn bị ôi thiu trong quá trình ủ thời gian dài khi nhiệt độ ủ giảm chỉ còn 50 độ C), đồng thời cũng đảm bảo tích đủ nhiệt để có thể làm chín thực phẩm. Riêng đối với những món ăn đặc biệt như bánh chưng, bánh tét… thì chị em cần đun trực tiếp trên bếp trong khoảng 15 – 30 phút, thậm chí là có thể lên tới 45 phút cho lần 1 rồi khoảng 2 tiếng sau lấy nồi nấu ra đun lại cho sôi trong 15 phút để ủ lần 2 thì bánh mới có thể đủ chín và dền bánh.Lưu ý 3: Nên đun nồi nấu thêm từ 2 – 3 lần để ủ lại khi cần thiết.Tuỳ theo khả năng giữ nhiệt của nồi mà bạn có thể đun thêm từ 1 – 2 lần hoặc hơn sau khi ủ lần 1 để có được độ nhừ nhuyễn cho các món ăn. Ví dụ như với món chè đỗ, nếu đun 1 lần thì hạt đỗ vẫn còn tương đối sượng. Khi đun lần 2 để ủ thì hạt đỗ tuy đã mềm, có thể tương đối bở nhưng vẫn chưa có được độ bở bung, mềm tan giúp phần nước chè trở nên sánh đặc như thông thường. Nếu thích đỗ bở bung tạo nước sánh thì sau khi ủ mềm đỗ lần 2, bạn có thể bỏ nồi chề ra đun riu riu trên bếp thêm khoảng 10 - 15 phút là được.
Lưu ý 4: Không nên tận dụng lòng nồi ủ để xào, rán thức ăn.Với loại nồi 1 đáy mỏng (thường dùng cho loại nồi ủ dung tích 2,5 lít) thì bạn tuyệt đối không dùng nồi nấu bên trong để đun/xào các món ít nước. Với loại nồi 1 đáy mỏng này bạn chỉ nên dùng để đun các món ăn có mức nước trong nồi cao khoảng từ 5cm trở lên.Lưu ý 5: Nên dùng lửa vừa.Bạn cần phải lưu ý canh lửa khi đun nồi nấu loại 1 đáy mỏng vì nếu dùng lửa quá lớn để đun, phần thức ăn sát đáy nồi có thể bị cháy xém. Ví dụ đun gạo nấu cháo thì lớp gạo lắng dưới đáy nồi dễ bị cháy nếu bạn không đảo gạo thường xuyên. Hầm chân giò heo hay luộc gà… mà đun lửa quá to để nước nhanh sôi thì lớp da heo, da gà chạm đáy nồi cũng có thể bị cháy xém. Do đó, trong quá trình đun nấu loại nồi 1 đáy mỏng trước khi ủ, bạn cần canh chừng đảo thức ăn thường xuyên, và nên dùng lửa vừa để đun sôi nước từ từ.