Nỗ lực “nâng” Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố di sản và hiện đại - Ảnh 1
Nỗ lực “nâng” Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố di sản và hiện đại - Ảnh 2

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết XVI nhiệm kỳ 2020-2025 của Đại hội Đảng bộ tỉnh, Thừa Thiên - Huế đã có nhiều nỗ lực đổi mới tư duy, khai thác các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Đặc biệt, trong thời gian này tỉnh đã xây dựng và đang hoàn thiện đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Xin ông cho biết tiến độ của đề án đến thời điểm này?

Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến nay, tỉnh đang gấp rút hoàn thiện các quy hoạch, đặc biệt là đề án: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Bộ Xây dựng thẩm định (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 1/2024).

Về tiến độ của Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo xây dựng sớm hoàn thiện đề án, dự kiến hoàn thành quý 2/2024. Cùng với đề án này, UBND tỉnh đã thực hiện xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đảm bảo theo quy định tại Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15, Nghị quyết số 117/NQ-CP và đã trình Bộ Nội vụ thống nhất.

Dự kiến, Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế trình Bộ Nội vụ thẩm định, đảm bảo các bước theo tiến độ đề ra.

Qua đánh giá sơ bộ các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 và tiêu chuẩn hệ thống cơ sở hạ tầng đạt các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15, dự thảo Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản đảm bảo theo quy định, đồng thời đảm bảo phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế.

Nỗ lực “nâng” Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố di sản và hiện đại - Ảnh 3

Đề án đặt ra mục tiêu sớm đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Theo ông, đâu là giải pháp mang tính đột phá, chiến lược?

Trước hết phải khẳng định để đạt được mục tiêu sớm đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Có 3 nhóm giải pháp mang tính đột phá, chiến lược.

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 54-NQ/TW và Nghị quyết 83/NQ-CP bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân đã tạo sự đồng thuận, thống nhất trong ý chí và hành động, cùng nhau hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ hai, tỉnh đã tập trung huy động, sử dụng và phân bổ hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều dự án, công trình trọng điểm được đầu tư và đưa vào sử dụng hiệu quả, có tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới, làm thay đổi diện mạo đô thị và động lực cho phát triển bền vững; đồng thời, tập trung nguồn lực khắc phục, nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đáp ứng mô hình đô thị Trung ương.

Thứ ba, tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế nhằm phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại.

Cụ thể: hoàn thành và đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2 cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2; trùng tu, tôn tạo, bảo tồn các giá trị di tích, di sản văn hóa, đáp ứng mô hình đô thị thành phố trực thuộc Trung ương; thu hút các dự án đầu tư ngoài ngân sách theo hướng ưu tiên lựa chọn các tiêu chí cao về môi trường nhằm đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái; tạo nguồn thu ngân sách bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Nỗ lực “nâng” Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố di sản và hiện đại - Ảnh 4

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp mang tính đột phá, chiến lược nói trên, Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, đâu là những kết quả nổi bật mang tính cốt lõi làm “hành trang” để Thừa Thiên - Huế chuẩn bị bước vào thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng, phát triển của thành phố trực thuộc Trung ương mang tầm vóc mới, hiện đại, thưa ông?

Cũng như các địa phương khác của cả nước, năm 2023, tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khả năng tiếp cận nguồn vốn vay, thị trường xuất khẩu và đơn hàng sụt giảm. Nhiều dự án đầu tư, dự án bất động sản bị đình trệ, chậm triển khai; một số dự án sản xuất tạo động lực mới cho ngành công nghiệp chậm đưa vào hoạt động, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19,… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, đến nay, cùng với cả nước, kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phục hồi tích cực trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Cụ thể, năm 2023, có 13/14 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra: tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố cả nước và 9/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, cao hơn bình quân cả nước; cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; thu ngân sách nhà nước ước đạt 11.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 1.850 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 31.000 tỷ đồng; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 92,3% kế hoạch, xếp trong nhóm cao cả nước.

Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, có tác động lan tỏa, tạo không gian phát triển mới và động lực cho phát triển bền vững, như: Nhà ga hành khách T2 cảng Hàng không quốc tế Phú Bài, đường cao tốc Cam Lộ - Túy Loan và các dự án trọng điểm như tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2)...

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến rõ nét; từng bước phát huy được vị thế của trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh đạt nhiều kết quả khả quan... Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27%...

Những kết quả đạt được trong năm 2023 đã và sẽ tiếp tục tạo nền tảng vững chắc và là động lực mạnh mẽ để Thừa Thiên - Huế chuẩn bị bước vào thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng, phát triển của thành phố trực thuộc Trung ương mang tầm vóc mới hiện đại.

Nỗ lực “nâng” Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố di sản và hiện đại - Ảnh 5

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương... Vậy, các di sản cố đô và “bản sắc văn hóa Huế”, “con người Huế” sẽ được phát huy như thế nào cho sự phát triển mới?

Thừa Thiên - Huế được hình thành và phát triển hơn 700 năm nay, trải qua các giai đoạn văn hóa Sa huỳnh, Chăm pa, Thuận Hóa, Phú Xuân và gần đây nhất là văn hóa kinh kỳ dưới triều đại nhà Nguyễn. Nhờ đó, Thừa Thiên - Huế là vùng đất có bề dày về văn hóa lịch sử lâu đời, có hệ thống di sản, kiến trúc cung đình đồ sộ, hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, hàng chục làng nghề thủ công truyền thống, cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà thơ mộng như Hải Vân quan, Lăng Cô-vịnh đẹp tầm cỡ thế giới, đầm phá Tam Giang- Cầu Hai…

Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế là địa phương độc nhất của Việt Nam hiện còn lưu giữ 7 di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, trong đó có 5 di sản cung đình gồm: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc triều Nguyễn (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016) và 2 di sản dân gian gồm: Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (2016), Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ (2017) chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất và con người xứ Huế.

Nỗ lực “nâng” Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố di sản và hiện đại - Ảnh 6

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có gần 1.000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh và 10 nhóm hiện vật và hiện vật (gồm 35 hiện vật) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Thừa Thiên - Huế là vùng đất lưu giữ những giá trị nghệ thuật ẩm thực với gần 1.700 món ăn cung đình và dân gian độc đáo trên khoảng 3.000 món ăn của cả Việt Nam.

Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Vì vậy, thời gian tới, để thực hiện mục tiêu phát triển Thừa Thiên - Huế theo hướng trở thành đô thị hiện đại, văn minh, thân thiện, cởi mở chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh sẽ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế một cách bền vững, theo hướng “bảo tồn đi liền với phát triển”; phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế. Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển bền vững; khai thác các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch dịch vụ.

Bám sát tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đang chú trọng đầu tư xây dựng, hình thành các thiết chế, không gian văn hóa nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Huế xứng tầm như Quảng trường Văn hóa thể thao, Trung tâm Hội nghị quốc tế, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật, sắp xếp vườn tượng quốc tế...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn di sản, công nghiệp văn hóa, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

Nỗ lực “nâng” Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố di sản và hiện đại - Ảnh 7

Trong những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tập trung phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, với nhiều kết quả nổi bật. Xin ông cho biết Thừa Thiên - Huế đang thực hiện các bước chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử như thế nào? Việc thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh có được coi là trụ cột để Thừa Thiên - Huế phát triển thành đô thị hiện đại, văn minh, phát triển xanh, bền vững?

Thừa Thiên - Huế vẫn đang kiên trì với mục tiêu chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh. Đây là xu thế tất yếu trong thời kỳ hội nhập và phát triển về khoa học và công nghệ, là giải pháp quan trọng, cấp thiết làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây cũng là một trong những trụ cột để Thừa Thiên - Huế phát triển thành đô thị hiện đại, văn minh, phát triển xanh, bền vững.

Giai đoạn tiếp theo trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh, chính quyền điện tử là tiếp tục tăng cường hoạt động chuyển đổi số. Chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo chính là đi vào thực chất, các sản phẩm nền tảng, cổng dữ liệu mở phải được đưa vào triển khai, vận hành, chứng minh hiệu quả. Ngoài phục vụ chính quyền số, người dân sẽ được thụ hưởng các sản phẩm này thông qua các dịch vụ đô thị thông minh, đó chính là nền tảng Hue-S. Sau hơn 4 năm triển khai, Hue-S đã dần trở thành nền tảng số đặc thù kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền; trong nhiều năm liền các nền tảng số của Huế-S đều được vinh danh tại giải thưởng Sao Khuê.

Từ kết quả này, Thừa Thiên - Huế đã và đang ích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ về cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, phát triển dịch vụ đô thi thông minh trên quan điểm lấy người dân làm trung tâm; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi số.

Cùng với đó, các chương trình truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp về chuyển đổi số, phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ đô thị thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt trên Hue-S, dịch vụ công trực tuyến…

Tỉnh đang tiếp tục đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyên trách công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan Đảng và Nhà nước; đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển đô thị thông minh bền vững. Thừa Thiên - Huế xác định hạ tầng số, các nền tảng số cũng là một trong những nội dung được ưu tiên đầu tư, nâng cấp đảm bảo đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo.

Nỗ lực “nâng” Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố di sản và hiện đại - Ảnh 8

VnEconomy 13/02/2024 07:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Nỗ lực “nâng” Thừa Thiên - Huế trở thành Thành phố di sản và hiện đại - Ảnh 9