Là người đứng đầu tập đoàn tiên phong trong thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị minh bạch), ông có thể chia sẻ về hành trình phát triển bền vững của SCG tại Việt Nam?
Bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam năm 1992, SCG đã luôn kiên định với cam kết nâng cao phúc lợi của cộng đồng tại Việt Nam. Cụ thể, khi được định hướng bởi các nguyên tắc phát triển bền vững, SCG luôn cố gắng thúc đẩy sự cân bằng và hài hòa giữa quá trình phát triển kinh tế và các cân nhắc về môi trường, xã hội.
SCG đã và đang áp dụng chiến lược ESG 4 Plus trong các hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm bốn cách tiếp cận chính: Hướng đến phát thải ròng bằng không (Set Net-Zero); Phát triển xanh (Go Green); Giảm bất bình đẳng (Reduce Inequality); Thúc đẩy hợp tác (Embrace Collaboration); Công bằng và minh bạch xuyên suốt tất cả các hoạt động. Cách tiếp cận này là kim chỉ nam cho tập đoàn, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chúng tôi đối với các tiêu chuẩn cao về trách nhiệm môi trường, phúc lợi xã hội và quản trị minh bạch.
Đến thời điểm này, có thể tự hào nói rằng các công ty thành viên của chúng tôi tại Việt Nam đã đi đầu trong việc triển khai các sáng kiến, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy tương lai bền vững của Việt Nam.
Với những nỗ lực trong hoạt động kinh doanh, SCG và các công ty thành viên vinh dự nhận được các giải thưởng liên quan đến phát triển bền vững, như: SCG được vinh danh là một trong 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu tại Việt Nam; Công ty TNHH Giấy Vina Kraft (VKPC) và Công ty TNHH Ngói bê tông SCG Việt Nam (CRVC) được vinh danh Top 100 Doanh nghiệp bền vững năm 2022. Các giải thưởng danh giá này chính là sự công nhận cho các chiến lược phát triển bền vững của SCG trong thời gian qua.
Được biết, trong nhiều năm qua SCG liên tiếp góp mặt trong bảng Chỉ số Phát triển bền vững của Dow Jones (DJSI). Mới đây, SCG cũng là công ty đầu tiên của Thái Lan đạt thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng này. Xin ông cho biết đâu là yếu tố cốt lõi để SCG duy trì được vị thế này?
Việc liên tiếp được thứ hạng cao trong Chỉ số bền vững Dow Jones (DJSI) xuất phát từ cam kết của SCG đối với các hoạt động bền vững, đặc biệt là tích hợp nguyên tắc ESG 4 Plus trong chiến lược tổng thể. Bằng cách áp dụng các sáng kiến chiến lược về môi trường, các chương trình trách nhiệm xã hội và các biện pháp quản trị minh bạch, chúng tôi luôn điều chỉnh hoạt động của mình phù hợp với các mục tiêu bền vững lâu dài.
Gần đây, SCG đã vinh dự được xếp hạng bởi ba chỉ số bền vững hàng đầu thế giới, bao gồm: số điểm cao nhất từ Chỉ số bền vững Dow Jones (DJSI) với tư cách là tập đoàn dẫn đầu ngành trong hạng mục vật liệu xây dựng; được Sustainalytics - công ty nghiên cứu, dữ liệu và xếp hạng ESG - đánh giá là công ty xếp hạng hàng đầu về ESG trong lĩnh vực công nghiệp và đạt hạng “AA” trong bảng xếp hạng tín nhiệm ESG của MSCI.
Những nỗ lực này thể hiện chiến lược quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và củng cố hoạt động kinh doanh bằng các giải pháp đổi mới và công nghệ kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh.
Xin ông cho biết những nỗ lực trong hành trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đã tác động trở lại hoạt động kinh doanh của SCG như thế nào?
Việc áp dụng các mục tiêu phát triển bền vững đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực đến hoạt động kinh doanh của SCG theo các khía cạnh sau:
Thứ nhất, việc SCG cân nhắc các Đại xu hướng trong chiến lược bền vững giúp nâng cao khả năng thích ứng với bối cảnh kinh doanh đang thay đổi liên tục.
Thứ hai, tăng cường năng lực cạnh tranh: cam kết phát triển bền vững nâng cao khả năng cạnh tranh của SCG, đáp ứng các kỳ vọng về đạo đức và thu hút người tiêu dùng và nhà đầu tư.
Thứ ba, vững bước tăng trưởng trong dài hạn: kế hoạch tăng trưởng dài hạn và bền vững của SCG dựa trên nền tảng thống nhất với các mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), hướng đến các giải pháp dành cho môi trường, xã hội và quản trị minh bạch. Chính các hoạt động với tính chất bền vững đã góp phần ổn định tài chính, giảm thiểu rủi ro liên quan đến các thách thức của môi trường và xã hội.
Thứ tư, tạo ra nhiều giá trị chung: những đóng góp của SCG cho các mục tiêu phát triển bền vững kiến tạo nhiều giá trị chung, thúc đẩy tác động tích cực đến cộng đồng và củng cố mối quan hệ với các đối tác hữu quan.
Là doanh nghiệp FDI nhưng SCG rất chú trọng hợp tác với Chính phủ và các bên liên quan của Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy, lan tỏa phát triển bền vững. Đâu là lý do thôi thúc SCG theo đuổi mục tiêu này, thưa ông?
SCG luôn cam kết trở thành doanh nghiệp công dân tốt tại địa phương nơi tập đoàn hoạt động. Chúng tôi tin rằng một quốc gia thịnh vượng là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, phúc lợi của người dân và bảo vệ môi trường - ba yếu tố chính của sự phát triển bền vững.
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng phát triển bền vững mang lại lợi ích cho tất cả các bên hữu quan. Để thúc đẩy sự tham gia rộng rãi, chúng tôi hy vọng có thể tạo ra nhiều diễn đàn chung hơn cho tất cả các bên có thể cùng tham gia và hợp tác hướng đến phát triển bền vững, như nỗ lực chung từ khu vực công và khối tư nhân trong việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn trong hai năm 2022 và 2023.
Nhìn từ đất nước Thái Lan trong chiến lược phát triển bền vững, theo ông, Việt Nam có thể rút ra bài học gì?
Việt Nam và Thái Lan có nhiều điểm chung về điều kiện kinh tế, nhân khẩu học và cam kết bền vững. Đây là tiền đề tạo nền tảng vững chắc cho hai nước trao đổi ý tưởng, kiến thức và công nghệ. Đặc biệt, Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi nếu tận dụng tốt những bài học rút ra từ Thái Lan.
Một ví dụ cụ thể đến từ dự án đang triển khai ở Thái Lan là “Saraburi Sandbox” - dự kiến sẽ là thành phố phát thải carbon thấp đầu tiên của Thái Lan và thúc đẩy nền kinh tế tại đây với nòng cốt là các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững và du lịch sinh thái.
Thử thách lớn nhất trong dự án này là Saraburi tập trung nhiều ngành công nghiệp nặng, đi kèm với các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Để thành công chuyển đổi dự án này thành một thành phố carbon thấp hoặc thành phố có phát thải ròng bằng 0, đòi hỏi nỗ lực đổi mới và hợp tác liên ngành.
Việt Nam đã có những chương trình, kế hoạch hành động nhằm hướng tới phát triển bền vững. Ông đánh giá như thế nào về các chính sách này đối với kinh tế tuần hoàn?
Tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tái khẳng định cam kết với các mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và nhanh chóng khởi xướng Kế hoạch Hành động quốc gia về Kinh tế tuần hoàn (NAPCE) vào năm trước. Vì vậy, chúng tôi đang trong quá trình thảo luận về lộ trình ngắn hạn để thúc đẩy kế hoạch này.
Đáng chú ý, hiện nay nhiều tổ chức và doanh nghiệp đã bắt đầu cam kết lâu dài trong việc liên tục hỗ trợ và thực hiện các chương trình phát triển bền vững, nhằm mục đích giáo dục và hướng dẫn cộng đồng về mục tiêu chung. Thành công này có được nhờ sự cởi mở và hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Sự hợp tác của nhiều bên khác nhau trong quá trình này sẽ góp phần điều chỉnh chính sách phù hợp hơn với tình hình thực tế và sẽ gặt hái được nhiều thành công trong thời gian ngắn.
Xin ông chia sẻ về thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới?
Hiện nay, SCG đang ưu tiên tăng tốc triển khai kinh tế tuần hoàn bằng cách đề xuất trong các chương trình nghị sự quốc gia. Với những chiến lược này, SCG và các công ty thành viên liên tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững và đạt được những kết quả đáng kể, như: bao bì xanh có khả năng tái chế 100%, nhựa polymer xanh.
Bên cạnh đó, ngành hóa dầu SCGC và bao bì SCGP của chúng tôi cũng phối hợp với các đối tác như CP Foods để phát triển các giải pháp bao bì thực phẩm thân thiện với môi trường.
VnEconomy 20/11/2023 15:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47-2023 phát hành ngày 20-11-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam