14:07 06/03/2019

Ô nhiễm tiếng ồn -"sát thủ" tại đô thị

Hoài Phương

Tiếng ồn là một dạng ô nhiễm môi trường rất nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nhưng lại ít được quan tâm như các loại ô nhiễm khác.


Ô nhiễm tiếng ồn gia tăng tỉ lệ thuận với quá trình đô thị hóa. Ở Việt Nam, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đã khá nghiêm trọng, tuy nhiên phần đông người dân không hề biết là họ đang bị ô nhiễm. Theo kết quả nghiên cứu của Sở KHCN&MT, tại 12 đường và nút giao thông chính trên địa bàn Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 - 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 - 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3 - 75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10 - 20 dBA).Như vậy mức ồn giao thông hiện nay ở Hà Nội khá lớn, cao hơn chỉ số tiêu chuẩn cho phép đối với khu vực công cộng và khu dân cư (50 - 70dB vào ban ngày). Mức ồn giao thông càng lớn, phản ánh mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường càng cao, điều đó có nghĩa là chất lượng cuộc sống ngày càng giảm sút.Trên thế giới, từ lâu người dân đã rất bức xúc với việc ô nhiễm tiếng ồn. Ở châu Âu, Mỹ, Nhật… có những quy định rất khắt khe trong việc chống tiếng ồn trong các khu đô thị nên ngoài đường hầu như không có tiếng còi xe, tiếng rao hàng, tiếng âm nhạc vọng ra từ các cửa hiệu... Các loại tiếng ồn đều được khống chế trong quy định cho phép. Mặc dù các nước này có quy định khắt khe là thế nhưng vẫn có khá nhiều người bị stress và mắc bệnh do ô nhiễm tiếng ồn gây ra.
Ô nhiễm tiếng ồn -sát thủ tại đô thị - Ảnh 1.
Hiện nay, chúng ta hầu như không thể tìm được sự yên tĩnh hoàn toàn. Ngay cả khi bạn sống cách xa tiếng ồn từ các tuyến đường bay, giao thông và công trình xây dựng, ngôi nhà của bạn vẫn có thể lấp đầy bởi tiếng động từ máy tính và các thiết bị điện tử, từ tiếng rao hàng cho đến nhạc karaoke từ hàng xóm... Những âm thanh đó không chỉ gây khó chịu. Ngày càng có bằng chứng cho thấy tiếng ồn lâu dài phát ra trên 1 tần số nhất định có thể gây ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài đến sức khỏe con người, về thể chất lẫn tinh thần.– Ảnh hưởng tới thính giác.Theo nhà nghiên cứu A.J. Hudspeth, ĐH Y khoa California, sự tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn mạnh sẽ "đẵn, cắt, gọt" tan hoang những tế bào lông ở tai trong. Các tế bào này sẽ bị bứng gốc, hủy hoại. Đây là những tế bào có nhiệm vụ thu nhận các đợt sóng âm thanh, chuyển lên não bộ để được nhận rõ đó là âm thanh gì và từ đâu phát ra. Tiếng động mạnh cũng gây tổn thương cho dây thần kinh thính giác, đưa tới điếc tức thì và vĩnh viễn với cảm giác ù tai. Tiếp xúc với tiếng động đột ngột và liên tục có thể gây ra mất thính lực tạm thời, nhưng thường thì thính lực trở lại bình thường sau 16 – 18 giờ khi không còn tiếng động… Ảnh hưởng của tiếng động lên tai tùy thuộc ở cường độ của tiếng động và số lượng thời gian tiếp cận với chúng. Hậu quả có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn.– Với bệnh tim mạch.Tiếp xúc lâu ngày với tiếng ồn đưa tới thay đổi chức năng của hệ thần kinh tự chủ, làm tăng nhịp tim, huyết áp, sức cản mạch máu ngoại vi. Nhà khoa học Ying Ming Zhao và đồng nghiệp tại ĐH Bắc Kinh đã nghiên cứu hậu quả của tiếng ồn đối với hơn 1.000 công nhân dệt vải và thấy rằng sau 5 năm làm việc trong tiếng ồn, huyết áp của họ lên cao đáng kể. Nghiên cứu của TS. Wolfgang Babisch, Đức cho thấy liên tục nghe tiếng ồn giao thông ở mức độ 70dB có thể tăng rủi ro bệnh nhồi máu cơ tim.
Ô nhiễm tiếng ồn -sát thủ tại đô thị - Ảnh 2.
– Ảnh hưởng trên sự học hỏi của trẻ em.Mặc dù chưa có bằng chứng xác đáng nhưng nhiều nhận xét, nghiên cứu cho thấy tiếng ồn ảnh hưởng tới sự học hỏi của con em. Theo Sheldom Cohen, Đại học Oregon, trẻ em sống trong các căn phòng ở tầng thấp trong một cao ốc gần trục lộ giao thông có khó khăn tập đọc, làm toán, phân biệt chữ có âm tương tự, thực hiện các phép so sánh hình học… so với các em sống ở tầng trên cao, xa tiếng ồn.– Ảnh hưởng lên hành vi con người.Sống trong khu xóm ồn ào, nhiều tiếng động, con người trở nên bực bội, giận giữ, khó chịu, hay gây gổ, ít giao thiệp với lối xóm. Tiếng ồn có ảnh hưởng rất nhiều lên hành vi của con người kể cả sau khi không còn tiếng ồn. Tiếng ồn dường như cũng khiến con người giảm đặc tính giúp đỡ và tăng sự hung hổ, gây hấn. Một quan sát cho thấy, khi đang định giúp nhặt một vật rơi cho người khác mà có tiếng ồn dội tới, thì động tác giúp đỡ này có thể sẽ ngưng lại.