Ổn định thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp - Ảnh 1
Ổn định thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp - Ảnh 2

“Trước đây, quá trình sửa đổi Nghị định 83 và ban hành Nghị định 95 đã mất 2,5 năm, có sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, trải qua quá trình thảo luận, xin ý kiến rất dài. Hiện nay, tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận từ quá trình sửa đổi Nghị định 83 trước đây.

Tuy nhiên, năm 2022 là năm rất đặc biệt: những biến động của thị trường xăng dầu những năm qua mang tính chất dị biệt, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó, giá cả biến động biên độ mạnh, tần suất lớn, thời gian thay đổi nhiều.

Bình thường chu kỳ biến động theo hình sin nhưng năm vừa qua lại biến động hình parabol dựng ngược: 6 tháng đầu năm dựng đứng, 6 tháng cuối năm lại dốc ngược giảm mạnh, sự rủi ro thấy rõ.

Song đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước tư duy lại cách thức điều hành xăng dầu, sử dụng công cụ của Nhà nước thế nào, Nhà nước nên can thiệp đến đâu? 

Làm chính sách như người thợ may, đôi khi mốt là quần loe, lúc quần côn, khi thì quần ống đứng. Điều kiện đầu tư kinh doanh cũng vậy, lúc thì cắt giảm mạnh (giống như quần loe), lúc thì siết chặt (như quần côn), rồi lại quay về mốt quần ống đứng.

Nhiều vấn đề chúng ta đang loay hoay tìm hướng xử lý, nhẽ ra cơ quan quản lý không cần ngồi bàn, để thị trường thông minh làm tốt hơn. Đã đến lúc cần thay đổi tư duy dùng nguồn lực thực sự của Nhà nước để can thiệp vào thị trường”.

Ổn định thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp - Ảnh 3

“Các nước trên thế giới xây dựng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như kho dự trữ để can thiệp vào những tình huống cần thiết. Quỹ được hình thành dựa trên đóng góp của ngân sách nhà nước, doanh thu trích từ việc sản xuất dầu thô hoặc đều đặn trích lập số tiền rất nhỏ trong giá xăng dầu ở mỗi kỳ điều chỉnh…

Còn Nghị định 95 của nước ta quy định “Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước”.

Song quỹ này hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước, chi sau qua giá nên không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Quỹ bình ổn xăng dầu có xu hướng trích lập vào Quỹ khi giá ở kỳ điều hành trước giảm và ngược lại. Quỹ có vai trò điều hành giá quanh mức trung bình, “chống sốc” trong những kỳ biến động mạnh.

Qua khảo sát trong giai đoạn 2020-2022, chúng tôi nhận thấy mức độ biến động (đo bằng lệch chuẩn) của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn.

Mặt khác có thời điểm, cơ quan điều hành vẫn trích lập vào Quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu thế giới tăng. Tiêu biểu như năm 2022, giá xăng gần 30.000 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải đóng vào quỹ khiến giá xăng tiếp tục tăng. Còn hiện nay, giá xăng hơn 22.000 đồng/lít nhưng vẫn chi quỹ để bù vào giá.

Như vậy, nguyên tắc trích - chi không đảm bảo bình ổn giá và Quỹ bình ổn giá cũng chưa thực hiện tốt chức năng bình ổn giá. Việc điều hành Quỹ thời gian qua đã không đạt được mục tiêu bình ổn bởi sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng Quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng Quỹ, thậm chí mức độ biến động của giá khi sử dụng Quỹ còn lớn hơn.

Liên quan đến vấn đề tái phân phối thu nhập, trong giai đoạn 2020-2022, giá xăng E5RON92 có số lần chi quỹ nhiều hơn hẳn so với số lần trích lập, cụ thể có 46 lần chi quỹ, 35 lần trích lập. Dầu hỏa có 25 chi quỹ, 46 lần trích lập. Xăng RON95 có 36 lần chi quỹ và 41 lần trích lập. Dầu mazut có 22 lần chi quỹ, 50 lần trích lập.

Điều này cho thấy một bất cập khác của Quỹ là có tái phân phối thu nhập theo hướng làm gia tăng bất bình đẳng. Cụ thể, xăng E5 RON92 có số lần được chi quỹ nhiều hơn hẳn số lần phải trích lập, trong khi các loại dầu phải trích lập nhiều hơn chi. Điều này khiến người sử dụng dầu đang phải “trợ giá’’ cho những người dùng xăng.

Tôi cho rằng Quỹ chỉ nên hoạt động trong những tình huống đặc biệt khi Nhà nước muốn trợ giá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, sử dụng nguồn thu vượt dự toán từ các khoản thu liên quan đến xăng dầu. Đồng thời, cần rút ngắn thời gian điều hành giá và tái cấu trúc thị trường xăng dầu theo hướng cạnh tranh hơn”.

Ổn định thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp - Ảnh 4

“Từ năm 2021 đến nay, giá xăng dầu tăng cao đã khiến đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn do chi phí đánh bắt cao. Nhu cầu xăng, dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng 30- 60% (tùy thời điểm) so với cách đây 2 năm. Như vậy, chi phí nhiên liệu để đảm bảo cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45 - 60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề. Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 - 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 - 48%, nhưng giá bán hải sản tăng không đáng kể. Những khó khăn nêu trên dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá ngừng hoạt động khai thác thủy sản do thu không đủ bù chi phí đầu vào.

Từ giữa năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn đề nghị Chính phủ hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng.  Mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu của vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Sau đó, Chính phủ đã giao cho nhiều bộ, ngành (Bộ Công Thương, Bộ Tài chính) nghiên cứu đóng góp ý kiến về đề xuất này để trình lên Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay chính sách này vẫn chưa được ban hành.

Cần phải nhanh chóng hỗ trợ ngư dân đang chịu ảnh hưởng bởi giá xăng, dầu nhưng cần chính sách chung của Nhà nước, không thể tách biệt, mặc cho các tỉnh, thành phố tự làm. Nếu được hỗ trợ, quan tâm đúng lúc ngư dân sẽ mạnh dạn ra khơi và hiện diện trên biển nhiều hơn. Từ đó, góp phần giải quyết nguồn lao động đi biển vốn đang thất nghiệp vì tàu nằm bờ”.

Ổn định thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp - Ảnh 5

“Nghị định 83 và 95 hiện đang áp dụng, tôi cho rằng về cơ bản đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần nếu trùng vào thứ 7, chủ nhật hay ngày lễ, Tết phải lùi ngày lại, điều này gây ra nhiều bất cập nếu giá tăng lên. Hơn nữa, do chu kỳ nhập khẩu xăng dầu từ Trung Quốc, Hàn Quốc về Việt Nam cần khoảng 15-20 ngày. Do đó, đề nghị quay lại điều hành giá xăng dầu 15 ngày/lần nhưng có câu dự phòng là “trong trường hợp đặc biệt nếu giá biến động thì quyền điều hành là của Thủ tướng trên cơ sở tờ trình của Liên bộ Công Thương – Tài chính”.

Theo quan sát của tôi, giá dầu thế giới cứ 10 năm sẽ có một đợt biến động mạnh. Điển hình như năm 2022, căng thẳng Nga – Ukraine khiến giá dầu “nhảy múa”, chỉ trong hai tháng, giá mặt hàng này leo thang từ 70 USD/thùng lên 140 USD/thùng. Dưới tác động của giá dầu thế giới và sự cố ở nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, thị trường xăng dầu trong nước năm 2022 đã diễn biến dị biệt.

Nhưng khủng hoảng nào rồi cũng sẽ qua, giá dầu hiện đã xuống 75 USD/thùng và được dự báo có thể về mốc 65 USD/thùng. Trong điều kiện bình thường, giá mặt hàng này chỉ điều chỉnh 2-3%/ngày theo hình sin nhẹ nhàng chứ không có đỉnh dốc như giai đoạn qua, do vậy không nên rút ngắn kỳ điều chỉnh giá.

Theo tôi nên mở rộng quyền cho cửa hàng bán lẻ được lấy tối thiểu từ 3 nguồn nhằm tạo sự cạnh tranh về giá và đúng theo quy luật thị trường. Nếu một cây xăng chỉ lấy của một thương nhân phân phối hay một đầu mối, thì chắc chắn đến một lúc nào đó khi đầu mối bị đứt gãy cũng khó có đủ nguồn hàng.

Một vấn đề nữa, đó là không thể phủ nhận vai trò của các thương nhân phân phối. Nhiều luồng ý kiến cho rằng thương nhân phân phối chỉ là tầng lớp trung gian, ở giữa “ăn” lãi. Hiện nay toàn quốc có 33 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, trừ mấy tập đoàn lớn nhà nước có năng lực tài chính tốt, còn đa phần tiềm lực vốn tài chính của họ chỉ loanh quanh 500 tỷ đồng. Trong khi đó có khoảng 350 thương nhân phân phối, ít nhất mỗi thương nhân có 5 cây xăng, tổng vốn gần 100 tỷ đồng (cả vốn lưu động và vốn tài sản). Trong những tình huống xăng dầu khó khăn, khi giá dầu thô lên cao thì các đầu mối cũng không nhập được, lúc đó cần sự hỗ trợ, chia sẻ tài chính của các thương nhân phân phối. Rất nhiều thương nhân phân phối có năng lực tốt, họ bơm tiền cho đầu mối nhập khẩu. Điều này phát huy sức mạnh tập thể trong kinh doanh, giúp ổn định nguồn hàng xăng dầu tiêu thụ trong nước”.

Ổn định thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp - Ảnh 6

“Khi sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 nên đặt ngược vấn đề, tại sao trước đại dịch, thị trường xăng dầu hoạt động bình thường? Nhưng sau 2 năm dịch bệnh cùng với tình hình thế giới bất ổn đã bộc lộ hạn chế của chính sách điều hành và cần nhìn nhận hạn chế này để sửa đổi.

Có điều lạ, doanh nghiệp bị lỗ vẫn phải bán. Mà bán lại không được quyền ra giá, mà là người khác ra giá. Trong khi cung – cầu biến động liên tục nên cần phải có những điều chỉnh.

Chính vì thế, Ban soạn thảo Nghị định cần nghe, chắt lọc những ý kiến thực tế của doanh nghiệp khi điều chỉnh để doanh nghiệp sống, phát triển và đóng góp.

Vai trò của thương nhân phân phối xuyên suốt trong quá trình cung ứng xăng dầu cần được nhìn nhận đúng và đủ để tồn tại, để cung ứng. Trước đây được mua từ nhiều đầu mối, giờ chỉ được mua từ 3 đầu mối. Trước đây tất cả các thương nhân phân phối đều có quyền mua với nhau, giờ không được, điều này cho thấy thị trường bắt đầu có sự đứt gãy.

Do đó, không lấy được từ đầu mối thì phải điều hòa hàng từ thương nhân phân phối khác, chuyển hóa qua lại để có đủ hàng cung ứng, đảm bảo điều tiết nguồn hàng. Tôi đề nghị không nên khống chế thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng từ 3 đầu mối.

Thương nhân phân phối là “bà đỡ” tài chính cho thương nhân bán lẻ, nên thương nhân phân phối trong chuỗi cung ứng rất quan trọng. Vì vậy, tôi đề nghị để thương nhân phân phối được mua từ nhiều đầu mối và được mua với nhau như trước đây, như vậy thị trường sẽ ổn định.

Đồng thời, đề nghị điều hành giá nên trở lại là 15 ngày chứ không phải xuống 7 ngày. Nếu điều hành nhanh quá, tàu từ Nghi Sơn về TP.HCM đã mất 4 ngày, e rằng doanh nghiệp không đảm bảo được cân đối giá, báo cáo sổ sách, tình hình lưu chuyển hàng hóa”.

Ổn định thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp - Ảnh 7

“Trong thời gian qua có sự yếu kém trong quản lý nhà nước khi để đứt gãy thị trường quan trọng là xăng dầu. Thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh, giá dầu thô đã lên tới 140 USD/thùng, nhưng không xảy ra tình trạng “đá bóng” lẫn nhau như vừa rồi.

Nghị định 95 nhìn tổng thể có tới 11 vấn đề cần sửa đổi, nhưng có ba vấn đề tôi muốn góp ý. Đó là: công thức điều hành giá; mấu chốt là Nhà nước quyết định giá bán lẻ cuối cùng; xăng dầu là thị trường cạnh tranh, biến động từng giờ từng ngày. Điều hành mà lấy quá khứ méo mó để làm khung điều hành cho hiện tại và tương lai, nhưng ngay cả quá khứ không méo mó, là không hợp lý để điều hành.

Nói không quản xăng dầu thì giá sẽ ảnh hưởng đến lạm phát là lập luận phi lý. Nếu lo lạm phát thì giảm thuế sẽ có tác dụng hơn nhiều so với những thứ chúng ta đang làm hiện nay. Chúng ta nên quay lại thị trường để thị trường quyết định giá. 30 năm cải cách, rất nhiều lần chúng ta tự do hóa giá cả, đầu tiên là mặt hàng gạo. Khi tự do hoá, chẳng những người dân đủ gạo ăn mà chúng ta còn từ một đất nước thiếu ăn trở thành nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới.

Nói như vậy để thấy rằng với vấn đề xăng dầu, hãy để thị trường quyết định, đây là cách làm tốt nhất, không làm méo mó thị trường. Giá xăng dầu nên để thị trường quyết định, bỏ trần giá xăng dầu, bỏ Quỹ bình ổn giá và thậm chí tính đến bỏ luôn điều hành định kỳ 10 ngày để thị trường vận hành như ở các nước.

Về đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu trong mọi điều kiện, đây là trách nhiệm của Nhà nước, chứ không phải của doanh nghiệp. Nhà nước muốn đảm bảo cung cấp ổn định lâu dài thì cần thành lập quỹ dự trữ quốc gia, khi bất ổn thì bơm ra.

Trường hợp Nghị định không bỏ được các quy định mang tính rào cản, có thể “cởi trói” bằng cách quay về cơ chế lập hội đồng tính giá với sự tham gia của các bên (từ bán lẻ, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước) để xây dựng công thức tính giá và thuê công ty tư nhân xác định giá hàng ngày. Đây là sự thay đổi hoàn toàn về mặt tư duy trong quản lý nhà nước”.

Ổn định thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp - Ảnh 8

“Nhóm doanh nghiệp bán lẻ Hà Giang có 9.000/17.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước, tạo ra 27.000 việc làm. Nếu tính bình quân một cửa hàng xăng dầu đầu tư xây dựng khoảng 10 tỷ đồng thì tổng tài sản lên tới 90.000 tỷ đồng.

Ước tính số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ thời điểm cao điểm nhất là 900 tỷ đồng/tháng, lũy kế từ tháng 3/2022 đến nay thua lỗ khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp bán lẻ đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép, tạm ngưng kinh doanh.

Thị trường xăng dầu phải đảm bảo ổn định, công bằng, hài hòa lợi ích, vì vậy chúng tôi đề nghị đơn vị soạn thảo công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong xây dựng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi, giúp doanh nghiệp bán lẻ có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các thương nhân phân phối để đảm bảo sự công bằng.

Do kinh doanh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên lời hay lỗ vẫn phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Thời gian qua dù chịu mức chiết khấu bằng 0, thậm chí là chiết khấu âm nhưng doanh nghiệp bán lẻ vẫn phải duy trì kinh doanh.

Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi sau khi ký hợp đồng có thể bị chèn ép bởi nhà phân phối, cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận, bởi nếu không lấy hàng sẽ không thể lấy của nhà phân phối khác. Do đó doanh nghiệp bán lẻ bị kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu.

Trong khi đó, doanh nghiệp phân phối vừa nhập hàng để bán buôn, vừa có các cửa hàng bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ, qua đó được hưởng nhiều lợi ích như: lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức, chủ động được nguồn hàng, không bị xử phạt khi dừng bán hàng…

Ban soạn thảo cần quy định lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có phân biệt đối xử. Cụ thể, chi phí kinh doanh định mức nên chia thành 3 khâu, trong đó khâu bán lẻ khoảng từ 3-3,5%. Lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ từ 2-2,5%. Điều này tạo ra sự hài hòa lợi ích. Với mức này theo giá bán lẻ xăng dầu hiện nay và sau khi trừ các chi phí khoảng 100 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp bán lẻ lãi được khoảng 18 triệu đồng/tháng”.

Ổn định thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp - Ảnh 9

“Vì sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, tôi kiến nghị cần xác lập vị thế của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cao hơn, có vai trò lớn hơn nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu trên toàn quốc. Bởi vì cộng đồng bán lẻ tư nhân hiện đang chiếm thị phần lớn chuỗi cung ứng, nhất là phủ khắp cho vùng sâu vùng xa mà doanh nghiệp nhà nước không thể kham nổi hết.

Tuy nhiên, hầu như vừa qua doanh nghiệp bán lẻ luôn bị bỏ rơi tất cả dẫn đến thua lỗ kéo dài nặng nề. Nỗi bức xúc lại bị tăng thêm khi mà 2 thành phần doanh nghiệp cùng chung hệ thống nhưng quyết toán năm tài chính doanh nghiệp đầu mối lãi hàng ngàn tỷ đồng trong khi doanh nghiệp bán lẻ lỗ kinh khủng và đang ở trong tình trạng kiệt quệ không lối thoát, tâm lý luôn bị ức chế hoàn toàn. Do đó cần thực hiện một số giải pháp.

Thứ nhất, cần thiết phải quy định chiết khấu tối thiểu. Cần xem chiết khấu đây như là phí xăng dầu mà doanh nghiệp bán lẻ thu hộ thay vì trước đây nộp cho Nhà nước thì nay giữ lại để hoạt động và xem đây là công cụ giúp cho doanh nghiệp bán lẻ hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu trên thị trường thế giới.

Thứ hai, nhất quán quan điểm quy định cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở ít nhất là 3 nơi. Việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn sẽ tăng tính cạnh tranh về chiết khấu, đảm bảo được cho doanh nghiệp bán lẻ chủ động được nguồn hàng và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị đứt gãy nguồn hàng. Mặt khác là cải thiện giao dịch mà trước đây không có và được hưởng phần chiết khấu tăng thêm so với chiết khấu tối thiểu do cạnh tranh mang lại.

Thứ ba, Nhà nước nên cho doanh nghiệp đầu mối tự định giá lẻ. Quy định này giải quyết trăn trở của doanh nghiệp đầu mối. Sự thay đổi này sẽ đảm bảo các chi phí phát sinh được đưa vào đủ và đúng trong giá vốn kinh doanh theo diễn biến thị trường để giải quyết vấn đề mà doanh nghiệp đầu mối quan tâm là: doanh nghiệp đầu mối nhập về còn cao hơn cả giá bán lẻ thì doanh nghiệp đầu mối lấy nguồn lực ở đâu để chiết khấu cho khâu bán lẻ?

Chỉ khi giá bán được phản ánh đầy đủ tất cả các chi phí tạo nguồn từ giá mua, các chi phí phát sinh trong quá trình… thì mặc nhiên bán lẻ sẽ có chiết khấu. Vì vậy, nhất thiết phải cho phép doanh nghiệp đầu mối định giá bán lẻ.

Giảp pháp để có chiết khấu, theo tôi không có cách nào khác là chúng ta phải có nhìn nhận lại chi tiết từng khía cạnh của Nghị định đang áp dụng đang gặp vấn đề gì. Cái gì phức tạp nhất thì nên quy về vấn đề đơn giản nhất có thể để giải quyết, đó chính là chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở cần phải được chia rõ phần chi phí và lợi ích ở cả 3 khâu: doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ.    

Hiện nay chi phí lưu thông chung là 1.350 đồng/lít xăng gồm có lợi nhuận định mức là 300 đồng và chi phí lưu thông là 1.050 đồng/lít xăng. Thực ra chỉ cần phân chia trong công thức giá cơ sở đã xây dựng ra thành 3 phần ở các khâu theo tỷ lệ phù hợp với sự đóng góp trong cả hệ thống là vấn đề sẽ được giải quyết.

Trong Nghị định không ghi rõ tỷ lệ nên doanh nghiệp đầu mối hưởng hết khi họ lỗ, khi lãi thì doanh nghiệp đầu mối lại dùng để bù vào lỗ của chu kỳ trước. Do đó, đề nghị phân chia rõ tỷ lệ ở các khâu về chi phí lưu thông định mức và riêng khâu bán lẻ là cộng thêm 5%/giá bán thời điểm tương đương với 1.180 đ/lít theo giá hiện nay”.

Ổn định thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp - Ảnh 10

VnEconomy 28/02/2023 14:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 9-2023 phát hành ngày 27-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ổn định thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp - Ảnh 11