Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp và khó lường, áp lực lạm phát ngày một gia tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn… ông nhận định như thế nào về “sức khỏe” của nền kinh tế của Việt Nam lúc này?
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế đã duy trì được mức tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tiếp. Đây là kết quả của những nỗ lực trong ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách vi mô (thông qua cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh) và thúc đẩy hội nhập (liên tục đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do) nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng.
Giai đoạn này, điều hành kinh tế thiên về phối hợp linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa, trong đó chính sách tài khóa có phần thắt chặt hơn. Cùng với đó, Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng bắt đầu được triển khai với trọng tâm nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ đó, chúng ta không những giữ vững được ổn định vĩ mô mà còn từng bước tăng cường được các yếu tố nền tảng của nền kinh tế.
Đáng tiếc, đại dịch Covid-19 đã làm “đứt gãy” nhịp tăng trưởng. Nền kinh tế đang chịu áp lực “ghê gớm” từ lạm phát bên ngoài và những rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô bên trong. Do vậy, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay.
Tuy nhiên, khác với 10 năm trước, năng lực và kinh nghiệm điều hành chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước ở thời điểm này đã có nhiều cải thiện so với trước. Thêm vào đó, chúng ta có dư địa chính sách tài khóa và một phần dư địa chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% nhưng vẫn giữ đà tăng trưởng cao và bền vững để tiếp tục tiến trình phục hồi và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội khác.
Với tình hình như vậy, chính sách điều hành kinh tế cụ thể nên theo hướng nào, thưa ông?
Lạm phát của Việt Nam hiện nay không cao như giai đoạn trước, thậm chí thuộc nhóm các quốc gia có mức lạm phát thấp trên thế giới nên mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam vẫn giữ ở mức cao.
Do vậy, để vừa phòng chống với các “cú sốc” từ bên ngoài cũng như những rủi ro từ bên trong, chúng ta phải tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, theo đuổi cải cách vi mô và triển khai các chương trình phục hồi kinh tế.
Nếu nhìn vào chính sách tài khóa và tiền tệ, hiện giờ có rất nhiều tranh cãi về nới room tín dụng song theo quan điểm của tôi, việc “siết” room tín dụng cũng có lý nhất là trong bối cảnh kết hợp với các biện pháp khác để chống lạm phát và bong bóng đầu cơ xuất hiện sau giai đoạn người dân và doanh nghiệp “đổ” tiền quá nhiều vào chứng khoán và bất động sản.
Việc điều chuyển hay chuyển hướng tiền tệ ra khỏi chứng khoán và bất động sản là rất khó. Do vậy, trên thực tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể tiếp cận tín dụng và đang rất thiếu vốn cho quá trình mở cửa và phục hồi sau giai đoạn tổn thất nghiêm trọng vì Covid-19.
Không có nguồn tiền xoay xở, doanh nghiệp lại phải đối mặt với đà leo theo thang của các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, chi phí lao động, chi phí logistics… Thậm chí, có những mặt hàng tăng giá gấp vài lần so với trước, tạo ra áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất và kinh doanh. Nếu không đáp ứng được lượng vốn tương ứng với mặt bằng giá mới, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, không thể phát triển, phục hồi và có nguy cơ thu hẹp hay phá sản.
Câu hỏi đặt ra lúc này là chúng ta nên làm thế nào để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa kiểm soát lạm phát?
Theo tôi, với áp lực lạm phát ngày một gia tăng, việc cung cấp những khoản tín dụng với lãi suất thấp cho doanh nghiệp là không hợp lý. Điều này buộc phải có các giải pháp hỗ trợ về tài khóa để tác động ngay tới doanh nghiệp và vực dậy nền kinh tế.
Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp nhưng những hỗ trợ này là chưa đủ so với nhu cầu. Thậm chí, nhiều khoản thu của chúng ta vẫn quá lớn, tăng 5-6 lần so với trước, gây “choáng” cho doanh nghiệp.
Trong khi phải chịu cú sốc giá từ bên ngoài lại gánh thêm cú sốc phí từ bên trong, nhiều doanh nghiệp đã không kịp trở tay, không có kế hoạch ứng phó kịp thời dẫn tới buộc phải thu hẹp hay không thể tiếp tục hoạt động và rút khỏi thị trường. Nguy cơ đình lạm dần hiển hiện nếu không có những chính sách phù hợp và kịp thời.
Vậy còn những giải pháp về cải cách môi trường kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp thì sao, thưa ông?
Nếu nhìn vào những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, chưa bao giờ cải cách thực thi ở cấp địa phương lại “dậm chân tại chỗ” như lúc này. Chỉ có một số thủ tục như khai sinh, khai tử, cấp giấy phép lái xe, đăng ký chuyển nhượng đất đai… là được tạo điều kiện, rút ngắn thời gian so với quy định.
Những thủ tục liên quan tới đầu tư, kinh doanh bị “bó cứng” bởi các quy định chồng chéo, mâu thuẫn và không hợp lý… Chuyện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở địa phương trở nên rất “xa xỉ”.
Quốc hội đã ban hành Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự) nhưng những vấn đề căn bản của đầu tư, kinh doanh liên quan tới đất đai, xây dựng, môi trường… vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp, khác biệt… giữa các văn bản pháp luật.
Hiện giờ, ở địa phương, một bộ phận công chức có tâm lý “không muốn làm”. Họ làm việc một cách thụ động và máy móc. Khi phát sinh vấn đề, họ không dám quyết mà sẽ gửi văn bản lấy ý kiến tới tất cả các sở ngành. Tinh thần đổi mới, sáng tạo, tìm cách thực hiện phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp ở địa phương đã không còn; linh hồn của PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) đã mất; cải cách vi mô vắng bóng.
Ngay như đầu tư công, Chính phủ thúc đẩy mãi, áp lực mãi nhưng giải ngân vẫn ở mức thấp. Địa phương không thể giải ngân vì quy định cứ “đụng nhau chan chát” nên họ không thể làm được. Phong trào cạnh tranh cải cách giữa các địa phương đang rất thấp, không có sáng kiến đổi mới đáng kể nào được ghi nhận từ đầu năm tới nay.
Như ông chia sẻ, trong khi khó khăn đang bao trùm như hiện nay thì doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng, thu vẫn quá cao và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đang vắng bóng. Vậy ông đánh giá như thế nào về sức khỏe của khu vực doanh nghiệp lúc này?
Sau giai đoạn tăng tốc phục hồi, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, thủy sản… lại tiếp tục đối mặt với khó khăn tới từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí nguyên vật liệu leo thang và đặc biệt là sự sút giảm đơn hàng so với thời kỳ trước. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ chưa ký kết được hợp đồng mới cho đầu năm sau.
Doanh nghiệp trong lĩnh vực tiêu dùng, ăn uống, khách sạn cũng đối mặt với triển vọng không mấy sáng sủa khi người dân thắt chặt chi tiêu sau giai đoạn “hè bùng nổ” do lo ngại lạm phát.
Trong khi đó, chi phí nhân công lại gia tăng khi doanh nghiệp buộc phải tăng lương để giữ chân người lao động khi cạnh tranh lao động trong một số ngành trở nên gay gắt. Lợi thế nhân công giá rẻ của Việt Nam dần không còn ưu thế so với các quốc gia trong khu vực.
Tiếp cận đất đai khó khăn cũng làm ảnh hưởng kế hoạch mở rộng sản xuất, nhà xưởng, kho bãi… của doanh nghiệp. Các quy định về đấu thầu, đấu giá đất đang “kìm chân” cơ hội của những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Doanh nghiệp trúng đấu thầu, đấu giá đa phần là những doanh nghiệp “đại gia” ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… thay vì là những doanh nghiệp bản địa.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng không có động thái đáng kể nào trong vài năm gần đây. Một nguồn lực lớn bị “chôn chân” tại chỗ mà không được đưa vào nền kinh tế để tạo lan tỏa, khơi thông các nguồn lực khác trong xã hội. Động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế nhà nước bị suy giảm đến mức báo động.
Hội nhập kinh tế quốc tế ở giai đoạn thế giới biến động như hiện nay cũng trở nên thách thức nhất là trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, và cách thức hội nhập, toàn cầu hóa có nhiều thay đổi. Tăng trưởng kinh tế suy giảm ở cấp độ toàn cầu. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam đang giảm tốc.
Những khó khăn này đang “bào mòn” sức khỏe của doanh nghiệp.
Vậy ông dự báo như thế nào về triển vọng nền kinh tế sắp tới?
Trong ngắn hạn, với những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, tôi tin rằng ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững.
Song vấn đề đặt ra hiện nay là những những động lực tăng trưởng đến từ hội nhập và cải cách vi mô. Hai “chân kiềng” này cần được tăng tốc xử lý hiệu quả để nhanh chóng phục hồi, duy trì tăng trưởng cao, bền vững.
VnEconomy 17/08/2022 13:00