“Trong thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã phát huy vai trò, vị thế của mình để đóng góp vào công tác ngoại giao kinh tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, kịp thời hỗ trợ các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm trong nước.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ này dường như chỉ dành cho các doanh nghiệp sản xuất, bán hàng, còn các doanh nghiệp logistics vẫn chưa được chú trọng. Trong khi đó logistics có vai trò quan trọng, lúc thị trường cạnh tranh gay gắt, khi các nhà cung cấp ở quá gần nhau thì logistics chính là yếu tố quyết định sự thành bại, song vấn đề này lại chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.
Logistics Việt Nam hiện nay có nhiều hạn chế, như: chi phí logistics, chi phí lưu thông cao do chúng ta không tự chủ về hạ tầng, các doanh nghiệp FDI sở hữu lớn về hạ tầng logistics tại Việt Nam nên chi phí logistics không do chúng ta quyết định.
Bên cạnh đó, những mô hình logistics truyền thống hiện nay không còn phát huy được vai trò. Rất nhiều doanh nghiệp sử dụng sàn thương mại điện tử, nhưng Chính phủ chưa có chính sách đầy đủ về vấn đề này, nên việc triển khai các luồng hàng và tận dụng được thế mạnh mới về logistics thông qua thương mại điện tử là chưa làm được. Bài toán gắn kết lợi ích giữa người bán - người vận tải – người phân phối chưa giải được.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, doanh nghiệp logistics thuần Việt mong muốn có cổng kết nối, trong đó có cung cấp thông tin thị trường, đối tác tiềm năng, các hiệp định thương mại và chính sách ưu đãi, dự báo xu hướng kinh tế và rủi ro. Doanh nghiệp logistics cần được hỗ trợ mở rộng mạng lưới văn phòng chi nhánh tại các nguồn cung lớn và thị trường mới nổi: Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi... thông qua các sứ quán và lãnh sự quán. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm, hội thảo để kết nối doanh nghiệp; đưa ra các chương trình quảng bá sản phẩm ở thị trường nước ngoài.
Song, cần chú ý thay đổi phương thức kết nối và hợp tác thực chất hơn giữa các nhân sự chuyên trách của sứ quán, lãnh sự với SMEs và logistics Việt sao cho hiệu quả hơn. Hỗ trợ nguồn tài chính để các công ty logistics tổ chức các sự kiện quảng bá dịch vụ, tiếp cận trực tiếp khách hàng đầu nguồn, dần tiến đến đầu tư phát triển hạ tầng đón hàng, bảo quản hàng tại các thị trường trọng điểm.
Hỗ trợ tư vấn pháp luật liên quan đến kinh doanh quốc tế, giải quyết tranh chấp thương mại hoặc các vấn đề liên quan đến thị trường nước sở tại. Kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy hợp tác đầu tư. Hỗ trợ mở rộng kênh phân phối và chuỗi cung ứng. Đặc biệt gia tăng vai trò logistics trong chuỗi cung ứng để tìm mọi cách giữ nguồn lợi nhuận ở lại Việt Nam, phát triển hệ thống E-commerce thuần Việt để kiểm soát thị trường và hỗ trợ SMEs phát triển”.
“Nguồn lực nhân sự ở các văn phòng đại diện về ngoại giao kinh tế ở các quốc gia đều rất mỏng. Bộ phận về xúc tiến đầu tư tại Đức chỉ có 1 người chuyên trách, cả châu Âu chỉ có 2 người; tương tự, bộ phận xúc tiến thương mại cũng chỉ có 2 cán bộ. Do đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tập trung để tìm đúng thế mạnh, đúng bộ phận phù hợp ở các cơ quan đại diện ở nước ngoài.
Những nội dung, thông tin nào các doanh nghiệp có thể chủ động tìm kiếm trước thì nên chủ động tìm kiếm trước khi tiến hành gặp gỡ, trao đổi. Khi doanh nghiệp xảy ra những tranh chấp thương mại hoặc muốn tìm hiểu về văn hóa của doanh nghiệp ở nước sở tại thì các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới phát huy được thế mạnh và sẽ hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp.
Trước các chuyến xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, các doanh nghiệp cần chuẩn bị một cách kỹ càng và trao đổi trước với các cơ quan đại diện tại nước sở tại. Từ đó, các cơ quan đại diện có thể kết nối, làm việc với hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước bạn để tìm kiếm các đối tác phù hợp với ngành và thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước.
Để hoạt động kết nối mang tính thực chất thì ngay sau những buổi tiếp xúc, các chuyến xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp nên có những phản hồi lại với các cơ quan đại diện. Bởi dựa trên kinh nghiệm tổ chức nhiều các diễn đàn doanh nghiệp, chỉ có những doanh nghiệp rất quan tâm họ mới tới tham dự, do đó có thể số lượng doanh nghiệp tới sẽ ít hơn kỳ vọng nhưng họ đều là những người thực sự quan tâm và mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác”.
“Hiện nay, Đại Á Plastic đã xuất khẩu đến 48 quốc gia, thị trường chính là Trung Quốc, Ấn Độ, Bắc Phi, tới đây dự kiến sẽ sang Thổ Nhĩ Kỳ. Là doanh nghiệp nhỏ nên khi tham gia thị trường xuất khẩu thấy rất rộng lớn và thấy mình còn nhiều hạn chế, thách thức. Thách thức rất lớn là không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước mà cạnh tranh cả với doanh nghiệp nước ngoài.
Hơn 10 năm tham gia vào thị trường xuất khẩu, chúng tôi thấy nhiều vấn đề cản trở doanh nghiệp Việt Nam tiến ra thị trường nước ngoài. Đặc biệt nhất là vấn đề tranh chấp thương mại khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có bộ phận pháp lý chuyên trách, nên không hiểu về những vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại, hay luật pháp nước mà mình xuất khẩu đến. Đây là “nỗi đau” của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, văn hóa kinh doanh cũng hạn chế. Đơn cử như thị trường Ấn Độ, vẫn là văn hóa kinh doanh của cá nhân bởi thông thường một sale làm việc với một ông chủ, nên chỉ có thông tin từ sale chứ không mang tính đại diện doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Đối với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp đang vấp phải tranh chấp thương mại kéo dài 2 năm nay, đến nay tòa đã phán quyết, đối tác đang bị phong tỏa tài khoản để trả cho Đại Á. Trung Quốc là thị trường pháp luật khá minh bạch nhưng khi sang đến thị trường Ấn Độ, Paskistan, Bangladesh thì thực sự khó khăn khi xảy ra tranh chấp thương mại.
Do đó, rất cần các cơ quan chính phủ, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có những định hướng, gợi ý cho từng thị trường để các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua đó có thể lường trước được những rủi ro về thương mại. Điều này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì chỉ 1-2 lô hàng không được thanh toán thì doanh nghiêp có thể phá sản hoặc rơi vào tình trạng khủng hoảng”.
“Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn ở thị trường Trung Quốc, tôi có một số từ khóa muốn gửi tới các doanh nghiệp Việt.
Một là, “thị trường”. Chúng ta đều thấy thị trường giờ đây thay đổi liên tục. Trung Quốc cũng không còn là một thị trường ưa chuộng giá rẻ như trước đây chúng ta từng nghĩ. Do đó, các doanh nghiệp muốn gia nhập bất kỳ thị trường nào đều cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị yếu thị trường cũng như văn hoá doanh nghiệp của những đối tác mà doanh nghiệp muốn hợp tác.
Hai là, “tốc độ lưu thông”. Việt Nam đang có lợi thế lớn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực ASEAN là có đường biên giới rộng với Trung Quốc. Tuy nhiên, năng lực logistics của các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự đáp ứng được tốc độ phát triển cũng như yêu cầu của thị trường của quốc gia tỷ dân.
Ba là, “chất lượng” và “sản lượng”. Hiện nay, chất lượng và sản lượng của các nông sản Made in Vietnam chưa bằng một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan. Do đó, các doanh nghiệp là cần áp dụng khoa học và công nghệ vào quy trình sản xuất để đảm bảo nâng cao chất lượng và sản lượng của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ thị trường.
Bốn là, “thành tín”. Đối với cả Việt Nam và Trung Quốc, “một lần bất tín” là “vạn lần bất tin”, vì vậy, một khi doanh nghiệp không tạo dựng được niềm tin trong mắt người tiêu dùng ngay từ giai đoạn đầu tiên đặt chân vào thị trường thì gần như chúng ta sẽ mất luôn cả thị trường đó. Trong bối cảnh cạnh tranh vô cùng khốc liệt, điều tiên quyết để có được sự hợp tác lâu dài phải xuất phát từ uy tín và niềm tin từ cả hai phía.
Năm là, “quy mô” và “quy phạm”. Thực tế chỉ ra, các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua hoặc đầu tư cho sản phẩm có chất lượng cao. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt bắt buộc phải tăng quy mô để đáp ứng được nhu cầu. Các doanh nghiệp Việt cần nhìn rộng hơn, hướng tới đích xa hơn thay vì bị che mờ bởi một số lợi ích trước mắt. Các đối tác Trung Quốc giờ đây muốn làm ăn lâu dài với các đối tác để xây dựng một hệ thống quy phạm chung, hướng tới phát triển bền vững.
Chúng tôi, với vai trò là cơ quan đại diện của Việt Nam tại Trung Quốc, sẽ là cầu nối để “kể” những câu chuyện của doanh nghiệp Việt Nam tới các doanh nghiệp Trung Quốc và ngược lại. Các cơ quan đại diện hay rộng hơn là Bộ Ngoại giao sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối hiệu quả với các đối tác nước ngoài”.
“Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây liên tục được mở rộng và cải thiện. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến thăm cấp Thủ tướng đầu tiên tới Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng năm, Thổ Nhĩ Kỹ có trận động đất lớn, ngay lập tức Chính phủ Việt Nam đã cử 2 đoàn cứu hộ sang nước bạn để hỗ trợ. Song song đó, nhiều buổi làm việc song phương giữa các bộ, ban, ngành được diễn ra, giúp mối quan hệ hợp tác ngày càng trở nên tốt đẹp.
Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, dù bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn tăng trưởng tích cực.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Việt Nam chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ với ASEAN và chiếm 0,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ với thế giới.
Về thương mại, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông và là cửa ngõ để Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và Nam Âu. Kim ngạch song phương năm 2023 đạt hơn 2 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 1,6 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Thổ Nhĩ Kỳ trong ASEAN.
Các sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu là các linh kiện máy móc, công nghệ từ các tập đoàn lớn. Do đó, vẫn còn rất nhiều dư địa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gia nhập vào thị trường này.
Một trong những khó khăn lớn của Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đó là vấn đề thanh toán. Đây là một cơ hội lớn cho các ngân hàng của Việt Nam có thể cân nhắc đầu tư phát triển về lĩnh vực này.
Song song đó, tôi cũng rất mong muốn nhận được thêm các thông tin từ phía các hiệp hội, các đối tác doanh nghiệp về địa bàn Thổ Nhĩ Kỳ, từ đó có thể tổ chức nhiều hơn các sự kiện hợp tác, xúc tiến thương mại tại thị trường quốc gia này”.
VnEconomy 08/01/2025 07:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 01-2025 phát hành ngày 06/01/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam