“Các chuyên gia tham dự hội thảo góp ý sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam tổ chức đều cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn trước tiên là để thay đổi hành vi tiêu dùng, giúp giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia; hướng tới bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến thống nhất cơ quan soạn thảo chưa làm rõ hiệu quả, tác động của đề xuất tăng thuế tới hành vi tiêu dùng ở các khía cạnh: mức độ co giãn về giá, nguy cơ biến tướng hành vi khi tiêu dùng các sản phẩm phi chính thức vừa ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, vừa gây thất thu cho ngân sách.
Mặc dù mục tiêu hàng đầu của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều tiết hành vi tiêu dùng nhưng cũng phải tính toán lợi ích tổng thể của nền kinh tế khi tăng thuế. Đặc biệt, trong bối cảnh Quốc hội và Chính phủ đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao, bền vững là ưu tiên hàng đầu sau 5 năm nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, xung đột chính trị trên toàn cầu.
Theo kết quả nghiên cứu của Nhóm nghiên cứu độc lập, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Tổng Cục Thống kê và Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, trình bày tại hội thảo thì 2 phương án đánh thuế đối với đồ uống có cồn mà Bộ Tài chính đề xuất đều ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước trong trung – dài hạn.
Như vậy, các phương án tăng thuế đưa ra hiện nay có vẻ chưa đảm bảo đạt mục tiêu một cách bền vững, nên cần tìm ra phương án hài hòa hơn.
Hầu hết các ý kiến từ chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và hiệp hội, ngành hàng đều nhất trí việc đánh thuế phải đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân; nghĩa là góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định bền vững của ngành hàng, chuỗi giá trị sản xuất – thương mại liên quan đến ngành hàng và toàn bộ nền kinh tế. Việc tăng thuế không tạo ra cú sốc đối với bất kỳ chủ thể nào.
Do đó, tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm để đưa ra một phương án đánh thuế không gây sốc, gây ngợp cho các doanh nghiệp sản xuất, nhưng phải đảm bảo khả năng điều tiết hành vi tiêu dùng của người dân, hành vi sản xuất của doanh nghiệp.
Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn cứ thảo luận và ban hành đúng kế hoạch vào năm 2026 nhưng có thể lùi thời hạn hiệu lực lại. Thời gian lùi này Nhà nước có trách nhiệm truyền thông tới người tiêu dùng để hạn chế sử dụng rượu, bia. Đây cũng là khoảng thời gian để các doanh nghiệp chuẩn bị thích nghi với những quy định mới”.
“Với tư cách vừa là đại biểu Quốc hội và vừa là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nên tôi luôn đặt ra vấn đề về hài hòa lợi ích. Bởi, thực chất của vấn đề, Nhà nước muốn thu thuế nhanh và cao, ngược lại doanh nghiệp lại muốn dãn thời gian thu thuế và thu thuế ít hơn, điều này tồn tại ở mọi quốc gia trên thế giới, do đó, cần phải đưa ra tư vấn hài hòa lợi ích của cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Theo quan điểm của tôi, nếu đánh thuế theo phương án 1 là quá đột ngột. Trong thời điểm doanh nghiệp sau Covid-19, sau bão, cần sự hỗ trợ, “nuôi nấng”, thì lại đột ngột tăng thuế mạnh. Doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại đang rất yếu lại còn tiếp tục bồi thêm thuế như thế là không hợp lý. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong Hiệp hội đang rất khó khăn, phải đóng cửa. Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ phải “bơm thêm tiền” để “cứu sống” doanh nghiệp. Cho nên dù ở bất kỳ vai trò gì, tôi đều không ủng hộ phương án đầu tiên.
Mặt khác, với các doanh nghiệp chính thống ngoài hoạt động kinh doanh tốt, doanh nghiệp đóng thuế, họ còn đóng góp tích cực cho các hoạt động an sinh xã hội, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Sau giai đoạn khó khăn vừa qua mà lại đột ngột đánh thuế mạnh như thế thì doanh nghiệp khó có thể chịu nổi.
Song song với đó, việc đánh thuế càng cao thì nguy cơ hàng lậu lại càng nhiều. Người dân Việt Nam hiện vẫn còn nghèo, đa phần người uống bia là dân lao động, nên nếu không cẩn thận trong việc đánh thuế thì chính chúng ta đang làm hại người dân lao động.
Hội nghị này mặc dù không đưa ra được kết luận nhưng là cơ hội cho đại biểu Quốc hội như tôi nắm được trăn trở của doanh nghiệp, nắm được thực tại của xã hội. Đồng thời, thông qua những kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, chúng tôi sẽ có tiếng nói khách quan”.
“Ngành bia, rượu Việt Nam gắn liền với lịch sử văn hóa. Ngày xưa, rượu được sản xuất ra để phục vụ mục đích thờ cúng xuyên suốt quá trình hình thành đất nước, từ thời vua Hùng đến nay cũng đã mấy nghìn năm. Bác Hồ đã hai lần tới thăm và tham quan, quan tâm tới nhà máy rượu quốc gia. Mới đây, có ít nhất hai nguyên thủ quốc gia cũng đã tới Việt Nam và nâng ly. Tôi cho rằng đây chính là nét truyền thống, văn hóa của nước ta. Gần đây, tôi cũng được nhiều người hỏi về lễ hội bia. Như vậy, có thể thấy, người dân Việt Nam rất quan tâm đến rượu, bia. Tại một số quốc gia phát triển như Đức, họ quảng bá văn hóa sản xuất bia. Chẳng hạn, thị trưởng thành phố Munich cũng cắt băng khánh thành lễ hội bia.
Về vấn đề đánh thuế với bia, trước đây, đã có lúc người ta đánh thuế bia vì coi đây là mặt hàng xa xỉ. Gần đây có đánh thuế với bia vì coi đây là mặt hàng độc hại. Tuy nhiên, hiện nay bia có những loại bia có nồng độ cồn chỉ 4-5%, thậm chí có những loại bia 0%, nên trong khoa học, nhiều công trình nghiên cứu dài hàng nghìn trang chứng minh rằng nếu sử dụng bia hợp lý thì sẽ có lợi cho sức khỏe.
Khi chúng ta đưa ra những chính sách phù hợp thì sẽ thúc đẩy chung toàn nền kinh tế, nếu không phù hợp thì nó sẽ dẫn tới sự chuyển dịch tiêu cực. Ví dụ như những năm 90 của thế kỷ 20, cả nước ta uống bia Vạn Lực của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc người dân Việt Nam đóng thuế cho nước bạn. Sau đó, Việt Nam tự sản xuất trong nước, nhiều nhà máy mọc lên ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và được các lãnh đạo rất quan tâm tới ngành bia.
Nói như vậy để thấy ngành bia không có lỗi, mà bản thân ngành bia cũng đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và mục tiêu của cả nước. Hiện nay, ngành bia đang vào giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Nhiều đại biểu Quốc hội có hỏi tôi về tình hình các nhà máy bia ở các địa phương như thế nào rồi, bản thân họ cũng có sự lo lắng vì mỗi năm các nhà máy nộp ngân sách cả nghìn tỷ đồng cho địa phương.
Do đó, thay mặt Hiệp hội Rượu, Bia, Nước giải khát Việt Nam, tôi xin khuyến nghị chính thức với Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội rằng, chúng ta cần khoan sức dân, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2027. Bởi như chúng ta thấy, từ nay tới năm 2025 chưa chắc kinh tế đã ổn định. Như vậy, từ năm 2027, chúng tôi thống nhất tăng 5%; tiếp theo tới năm 2030, tăng tiếp lên 5% với lộ trình hai năm tăng 5% lên tổng số 15% như thông lệ từ xưa tới nay mà Nhà nước đã và đang làm với ngành đồ uống. Như thế, ngành bia và rượu vẫn phát triển”.
“Theo các chuyên gia, hiện nay bi cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp khó chồng khó thì không nên tăng thuế sốc. Theo tôi, cả cơ quan soạn thảo và các bên liên quan nên tiếp tục tích cực nghiên cứu đưa ra những minh chứng cụ thể về đánh giá tác động của các phương án tăng thuế để đại biểu Quốc hội có đầy đủ thông tin xác thực, đa chiều trước khi thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn. Bởi vì, vấn đề này liên quan đến cả thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chúng ta phải quan tâm đến cả hai khối doanh nghiệp.
Trong một vài năm tới, yêu cầu đáp ứng về xanh hóa đối với các doanh nghiệp là rất lớn; trong đó đồ uống là một trong những ngành nghề phải đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi xanh rất mạnh, đặc biệt liên quan đến đầu tư công nghệ và cải tiến quy trình, chất lượng sản phẩm. Do đó, chính sách thuế cũng cần tạo dư địa để doanh nghiệp có nguồn lực chuyển đổi sản xuất một cách bền vững.
Hành vi tiêu dùng của con người đâu phải chỉ quyết định bởi mỗi chuyện tăng giá? Do đó, muốn điều tiết hành vi thì dứt khoát phải tổng hòa nhiều biện pháp khác nhau, chứ không chỉ dừng lại ở việc tăng thuế”.
“Ngày 13/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2025 trong đó đặt ra mục tiêu rất cao. Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; hài hòa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
Vậy, những động lực nào giúp đạt được các mục tiêu tăng trưởng như vậy? Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất quan tâm đến sức khỏe của doanh nghiệp. Hiện nay, sức khỏe của các doanh nghiệp yếu trong khi sắp tới nhiều gánh nặng dồn lên; ví dụ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay những quy định liên quan đến trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPA).
Liên quan trực tiếp đến việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn, Chính phủ đặt ra 3 mục tiêu: (i) giảm tiêu dùng;(ii) tăng thu ngân sách một cách bền vững; (iii) cân đối giảm thiểu tác động xã hội, bao gồm tác động tới các ngành sản xuất, doanh nghiệp và người lao động.
Tuy nhiên, đánh giá tác động của các phương án tăng thuế mà cơ quan soạn thảo đề xuất chưa thuyết phục.
Mục tiêu trên hết của thuế tiêu thụ đặc biệt là giảm tiêu dùng (điều tiết, hạn chế sử dụng hàng hóa, dịch vụ có hại cho sức khỏe, môi trường, các mặt hàng xa xỉ). Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần bổ sung đánh giá tác động đối với việc tăng giá đối với người tiêu dùng và cả nhà sản xuất. Trong đó, làm rõ độ co giãn của cầu theo giá (price elasticity). Đánh giá nguy cơ hành vi của người tiêu dùng sẽ thay đổi sang phân khúc giá thấp hơn, hàng phi chính thức (hàng lậu, sản xuất thủ công, không kiểm soát được chất lượng và thu thuế) một cách định lượng. Lượng tiêu thụ đối với từng loại (chính thức, không chính thức) tăng, giảm như thế nào?
Liên quan đến hành vi của nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ chuyển tác động của việc tăng thuế đến người tiêu dùng như thế nào thông qua việc tăng giá (chuyển 100%, chuyển 50% hay tự chịu phí tổn này). Trong những tình huống như vậy thì doanh thu, sản lượng của nhà sản xuất thay đổi như thế nào?
Chúng ta đều biết, hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi rất lớn từ Nghị định 100, vậy việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có giúp thay đổi đáng kể hành vi của họ không?”.
“Các doanh nghiệp trong ngành đã có đóng góp lớn cho nền kinh tế. Với Heineken, năm 2023 đã tạo ra hơn 3.355 việc làm trực tiếp và hơn 172 nghìn việc làm gián tiếp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Trong việc làm gián tiếp, riêng lĩnh vực nhà hàng và khách sạn, Heineken đã tạo ra 54 nghìn việc làm, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động rải rác từ thành thị đến nông thôn, miền núi, vùng biển. Như vậy, cứ mỗi một việc làm chính thức tại Heineken thì tạo ra 51 việc làm trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Về GDP, năm 2023 Heineken đóng góp 0,5% tổng GDP quốc gia, đóng góp 2,1% tổng đóng góp ngân sách cho quốc gia, tương đương hơn 33 nghìn tỷ đồng.
Đề xuất các phương án tăng thuế của Bộ Tài chính lần này đều tác động rất tiêu cực, toàn diện trong tất cả các lĩnh vực. Trừ thuế gián thu tăng, ngược lại thuế trực thu giảm nhưng không bù nổi phần giảm của thuế giá trị gia tăng của ngành, đây là một điều hết sức đáng lo ngại.
Chuỗi giá trị các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu là đầu vào từ rất nhiều ngành như nông nghiệp, phân phối, giao thông… cũng sẽ bị tác động khi của các doanh nghiệp lớn thu hẹp sản xuất. Như vậy, chắc chắn các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ mất đi cơ hội tham gia vào sản xuất, thị trường và đóng góp cho GDP.
Bản thân doanh nghiệp chịu chi phí đầu vào cao như nguyên liệu, vận chuyển, logistics,… nếu gánh nặng tăng thuế lên nữa sẽ càng làm cho chi phí tăng cao, khi đó giá bán cũng phải tăng lên và vượt đỉnh của nhà đầu tư thì doanh nghiệp phải tính toán lại quy trình sản xuất, đầu tư của mình.
Trước đây, doanh nghiệp tính toán để đầu tư thiết bị, nâng cao công nghệ, kỹ thuật; nâng cao chất lượng sản phẩm thì giờ bị hạn chế, bị chặn lại. Khi đó doanh nghiệp không đầu tư nữa mà sẽ tính toán sản xuất ra sản phẩm có giá cả phù hợp và chất lượng cũng sẽ không được như mong muốn.
Một vấn đề khác đó là thương mại bất hợp pháp. Khi tăng thuế cao, giá sản phẩm tăng lên. Trong điều kiện thu nhập, điều kiện kinh tế hiện nay, người tiêu dùng sẽ tính toán chuyển sang sản phẩm hàng hóa phi thương mại, không đóng thuế, không an toàn vệ sinh thực phẩm… Điều này không chỉ rủi ro với xã hội mà còn gây thất thu ngân sách lớn cho cả doanh nghiệp và Nhà nước.
Vì vậy, đề nghị các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định. Chúng ta không thể đề ra một chính sách mà đi ngược lại với chủ trương tăng trưởng kinh tế. Trong tất cả các phương án đề xuất tăng thuế lần này đều sẽ làm giảm tăng trưởng: GDP giảm, lợi nhuận doanh nghiệp giảm, sản lượng ngành công nghiệp giảm, quy mô sản xuất có vấn đề, thu nhập người lao động giảm.
Chính sách cần cân nhắc tính hài hòa, hướng đến sự bền vững hơn là cố làm cho được một vấn đề gì đó mà chưa nhìn thấy đánh giá tác động toàn diện tiêu cực của nó và không chỉ trong trước mắt mà cả dài hạn.
Việc sửa đổi thuế lần này cần đảm bảo tính nguyên tắc giữ vững ổn định, hài hòa, nuôi dưỡng nguồn thu phù hợp với các kịch bản kinh tế. Hướng tới xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, có thể dự đoán được để củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong tình hình này.
Nếu sự thay đổi khó dự đoán được sẽ rất khó cho sự phát triển, khó cho tăng trưởng bền vững. Đặc biệt trong xây dựng chính sách cần có sự đánh giá tác động toàn diện.
Cần giãn, giảm tối đa việc tăng thuế để đảm bảo chính sách đưa ra hài hòa, hợp lý. Giãn việc tăng thuế đến năm 2027, giảm từ 15% xuống 5% sau đó cứ 2 năm tăng 1 lần, mỗi lần không quá 5%, đến 80% thì dừng lại ở năm 2031”.
“Để tăng thu ngân sách, điều quan trọng hơn là làm sao để nuôi dưỡng nguồn thu. Ở góc độ của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, điều chúng tôi lo lắng là chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt gửi đi những tín hiệu không được tích cực với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài. Trong giai đoạn kinh tế đang khó khăn, đặc biệt kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử cũng có rất nhiều thay đổi. Chắc chắn câu chuyện sẽ đặt ra nhiều hơn cho Việt Nam đó là về thuế quan, thâm hụt thương mại, hay mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong 2 năm vừa qua, chúng tôi quan sát thấy có khá nhiều sắc thuế được xây dựng và chuẩn bị ban hành. Khi xây dựng luật hoặc ban hành một sắc thuế thường chỉ nhìn trong một bối cảnh cụ thể liên quan đến sắc thuế và luật này mà không đặt trong một mối tương quan. Hiện, Việt Nam đang thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) cũng đang xây dựng, chính sách thuế giá trị gia tăng cũng thay đổi, không còn những ưu đãi, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục như giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, các trách nhiệm khác của doanh nghiệp cũng nhiều hơn khi phải đáp ứng yêu cầu về tuân thủ môi trường, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng nặng hơn.
Điều này dẫn tới tình trạng doanh nghiệp khó chồng khó và thuế chồng thuế. Với những nhà đầu tư nước ngoài đang làm ăn rất lâu tại Việt Nam hoặc những nhà đầu tư mới đang cân nhắc mở rộng thị trường và chọn điểm đến đầu tư mới, họ sẽ phải suy nghĩ rất nhiều.
Trong bối cảnh các nước trong khu vực đang cạnh tranh rất khốc liệt với Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài khi đưa ra rất nhiều chính sách ưu đãi, không chỉ về ưu đãi thuế, đất đai, mà ban hành những chính sách đột phá để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chúng ta cần nhìn nhận nếu tất cả những luật này cùng có tác động, có hiệu lực cùng lúc trong năm nay hoặc năm sau thì sẽ tác động như thế nào đến bức tranh kinh tế vĩ mô, đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, hay nỗ lực của lãnh đạo Việt Nam đang muốn gửi đi những tín hiệu rất tích cực rằng Việt Nam là một điểm đến đầu tư mới.
Đây là một trong những điều chúng tôi rất băn khoăn trong vai trò một hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và cũng đang tích cực hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư Hoa Kỳ đến Việt Nam”.
“Bia Sài Gòn trong mấy năm qua có hành trình rất chật vật, đi vào Covid-19 và đi ra khỏi Covid-19, sau đó chịu tác động của hậu Covid -19; cùng với đó là sự gián đoạn chuỗi cung ứng, biến động chính trị làm cho giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Hơn nữa, chúng tôi lại đối diện với chính sách thực thi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 làm rất chặt, rất nghiêm, ảnh hưởng mạnh tới sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp. Điều này doanh nghiệp cảm nhận thấy trực diện luôn, thậm chí vào những mùa bán được trước kia thì nay cũng rất khó bán. Lâu dài hơn, việc áp dụng Nghị định này ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt, điều này khiến sản lượng tiêu thụ bia và đồ uống có cồn sẽ giảm mạnh.
Như vậy, nếu áp dụng biện pháp tăng thuế theo dự thảo thì thực sự là một điều đáng lo ngại cho ngành bia và cho doanh nghiệp. Bởi đối với doanh nghiệp chính thống như Sabeco, khi tăng thuế, giá tăng, người tiêu dùng sẽ tìm đến những sản phẩm khác ở phân khúc thấp hơn, chất lượng kém hơn. Hơn nữa, khi sản lượng bán không nhiều thì hệ thống các nhà máy của Sabeco sẽ chuyển sang sản xuất cầm chừng, thậm chí đối diện với việc đóng cửa. Hiện nay có một số hệ thống nhà máy của Sabeco đã chuyển sang sản xuất cầm chừng và giảm lao động, điều này làm ảnh hưởng tới an sinh xã hội… Ngoài ra, các ngành phụ trợ cho Bia Sài Gòn cũng bị ảnh hưởng lớn, ảnh hưởng trực tiếp.
Do đó, nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ có những hệ lụy trực tiếp tới các nhà sản xuất như chúng tôi. Do đó, tôi đề xuất hai điểm:
Thứ nhất, cân nhắc lùi thời gian áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đến năm 2027.
Thứ hai, nghiên cứu kỹ lại mức tăng sao cho hợp lý, hài hòa giữa thu thuế, doanh nghiệp và người tiêu dùng”.
“Nhìn từ góc độ thuế, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ đặt trong phương diện tổng hòa ảnh hưởng đối với các chính sách thuế khác. Mục tiêu của các chính sách thuế nói chung không bao giờ nhằm mục tiêu giảm ngân sách. Theo đó, mục tiêu ngắn hạn phải đảm bảo thu ngân sách và mục tiêu dài hạn sẽ luôn nhằm mục tiêu tăng ngân sách. Việc tăng thuế có thay đổi hành vi người tiêu dùng hay không, tôi cho rằng cần có đánh giá riêng biệt, nhưng tăng sốc thuế suất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ và Bộ Tài chính là khi tăng thuế cao sẽ dẫn đến tăng giá sản phẩm, từ đó sẽ giảm mức tiêu thụ rượu, bia. Tính đến năm 2023, để bù đắp được phần chi phí thuế này, các doanh nghiệp tăng giá bán lẻ từ 20-30%, chưa kể tính đến yếu tố tăng giá các yếu tố đầu vào khác ngoài thuế.
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, chắc chắn các doanh nghiệp không thể nào chuyển hết phần chi phí thuế đó sang người tiêu dùng mà phải giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, để bù đắp phần chi phí thuế tăng lên. Trong dài hạn, khi lợi nhuận của nhà sản xuất giảm dẫn đến giảm nguồn thu ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, vì vậy, tác động lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu về thuế. Bên cạnh đó, khi lợi nhuận giảm, các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc thu hẹp sản xuất và ảnh hưởng đến người lao động. Ngoài vấn đề về an sinh xã hội phát sinh, số lượng việc làm giảm khiến nguồn thu về thuế thu nhập cá nhân giảm và đóng góp của các doanh nghiệp vào các quỹ bảo hiểm xã hội cũng sẽ giảm. Chúng ta cần phải cân nhắc xem đó có phải là mục tiêu trong dài hạn.
Do vừa giảm sản lượng, vừa giảm lợi nhuận sẽ gây ra thiệt hại “kép” cho những nhà sản xuất nhỏ với tiềm lực tài chính rất hạn chế. Về kiến nghị, chúng tôi cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt phải tăng theo lộ trình nhưng sẽ tăng như thế nào để vẫn đạt mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là điều chỉnh hành vi người tiêu dùng; đồng thời, từ góc độ thuế, tránh gây thiệt hại cho ngân sách”.
“Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định tinh thần là phải bứt phá, phải tăng trưởng, không chỉ nhiệm kỳ này mà cả nhiệm kỳ tới. Thêm vào đó, động lực tăng trưởng truyền thống phải tập trung vào đầu tư, tiêu dùng trong nước và cuối cùng mới là xuất khẩu. Trong những năm tới khi có sự ảnh hưởng của chính quyền Donald Trump, vấn đề kinh tế đối ngoại và xuất khẩu của Việt Nam sẽ có những biến động. Nhiều nghiên cứu tính toán cho thấy riêng chính sách tăng thuế thương mại của Mỹ lên toàn cầu có thể làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của Việt Nam trong cả nhiệm kỳ ông Trump làm Tổng thống là 1% nhưng đương nhiên có yếu tố tích cực 0,5%; cuối cùng, tăng trưởng vẫn giảm 0,5%
Nhìn từ động lực tăng trưởng cầu tiêu dùng trong nước, đến hết tháng 10/2024 tăng trưởng còn 8,5% nhưng trừ yếu tố lạm phát chỉ còn tăng trưởng 4,5%. Như vậy, nếu so với giai đoạn trước Covid-19 luôn duy trì từ 10-11%, cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng rất thấp. Về đầu tư, đến hết quý 3/2024, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội là 7%, trong đó khu vực tư nhân đóng góp 3,98%, cao hơn gấp đôi khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng 7% vẫn thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giai đoạn 2017 - 2019 (11,17%).
Những con số minh họa nêu trên cho thấy chúng ta phải cân nhắc những giải pháp, chính sách nói chung và chính sách thuế nói riêng trong những bối cảnh cụ thể, đặc biệt là tác động đối với doanh nghiệp. Rõ ràng Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tới, tăng trưởng là rất quan trọng, chúng ta phải căn ke từng con số, yếu tố tác động đến tăng trưởng.
Tôi cho rằng chúng ta phải hài hòa chính sách, đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định để doanh nghiệp tự tin trong đầu tư, tăng trưởng tiêu dùng từ người dân. Như vậy mới đảm bảo mục tiêu của Chính phủ đặt ra là thúc đẩy tăng trưởng, bứt phá tăng trưởng trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ sau”.
“Tôi thấy còn một số vấn đề khá băn khoăn về đề xuất của Bộ Tài chính với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt. Cách tiếp cận để mặt hàng này đắt đỏ hơn và từ đó điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng là hướng đi lâu dài và đúng đắn. Tuy nhiên, rõ ràng thuế tiêu thụ đặc biệt không phải là công cụ thuế giúp tăng trưởng bền vững cho nguồn thu ngân sách, bởi công cụ thuế tiêu thụ đặc biệt từ trước đến nay và theo thông lệ quốc tế nhằm mục tiêu điều chỉnh hành vi người tiêu dùng giảm sử dụng những mặt hàng xa xỉ hay mặt hàng ảnh hưởng đến xã hội, môi sinh, môi trường.
Về mặt phương diện xây dựng pháp luật, khi một luật hoặc một quy định pháp luật đặt mục tiêu chưa hoàn toàn chính xác sẽ dẫn đến giải pháp, chính sách sẽ có vấn đề. Từ góc độ đó, tôi thấy rằng còn nhiều băn khoăn với những đề xuất này.
Cùng với đó, mục tiêu điều chỉnh hành vi người tiêu dùng vào thời điểm này cũng phải phân tích một cách thấu đáo hơn. Việc tăng thuế một cách mạnh mẽ như vậy chắc chắn sẽ hạn chế tiêu dùng nhưng phải phân tích sâu sắc hơn là liệu sẽ thay đổi hành vi với toàn bộ người tiêu dùng giống nhau hay không? Chúng ta vẫn coi toàn bộ người tiêu dùng tại Việt Nam giống nhau. Không phải như vậy!
GDP/người của Việt Nam ở mức thấp nên người có thu nhập cao có số lượng rất ít, còn lại phần lớn là người thu nhập thấp. Tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến phần lớn những người có thu nhập thấp hiện nay là người lao động, vùng sâu, vùng xa. Đây là những đối tượng chắc chắn sau này sẽ chuyển sang sử dụng những mặt hàng cấp thấp, chất lượng thấp, những mặt hàng không có nhãn hiệu. Hiện 63% lượng rượu tiêu thụ toàn quốc là rượu sản xuất không có nhãn hiệu, quy trình sản xuất không đúng chuẩn chắc chắn sẽ gây độc hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Điều này chúng ta sẽ phải phân tích sâu hơn.
Còn đối với những người có thu nhập cao, khi giá tăng chắc chắn sự nhạy cảm, co giãn của cầu với giá gần như không có vấn đề gì. Rộng hơn về mặt kinh tế, chắc chắn khu vực sản xuất phi chính thức sẽ gia tăng và điều này chúng ta không hề mong muốn”.
VnEconomy 18/11/2024 08:45
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47-2024 phát hành ngày 18/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam