Quy hoạch 5 phân vùng phát triển huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai
Theo đồ án quy hoạch xây dựng Vùng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Vùng huyện Long Thành sẽ được phân thành năm phân vùng phát triển xác định bởi địa giới hành chính, các tuyến giao thông chính và địa hình tự nhiên...
Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị thảo luận về quy hoạch Vùng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050, lấy ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện quy hoạch.
Năm phân Vùng phát triển vùng huyện Long Thành, bao gồm: Vùng đô thị thị trấn Long Thành mở rộng và Khu phức hợp công nghiệp đô thị - dịch vụ Long Thành; Vùng đô thị Bình, nằm phía đông bắc huyện Long Thành; Vùng dịch vụ thương mại - đô thị hỗn hợp phía tây huyện; Vùng khu vực chức năng đặc thù cảng hàng không quốc tế Long Thành; Vùng công nghiệp đô thị dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao phía nam sân bay Long Thành.
Mục tiêu của đồ án quy hoạch huyện Long Thành là sẽ xây dựng, nâng cấp Vùng huyện Long Thành lên đô thị loại IV vào năm 2025, đô thị loại III vào năm 2030. Đến năm 2030, Long Thành sẽ cơ bản trở thành huyện công nghiệp phát triển. Từ năm 2040 Long Thành sẽ trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp hiện đại, trung tâm thương mại dịch vụ chất lượng cao cấp quốc tế và vùng nông - lâm nghiệp phát triển bền vững.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện nay tỉnh đang xem xét kỹ lưỡng những vấn đề trong đồ án quy hoạch; bởi việc bố trí các phân khu chức năng nó liên quan đến rất nhiều đề, đặc biệt là giao thông.
Tham vấn ý kiến từ các nhà chuyên môn, các cơ quan chức năng, sở/ngành, ông Cao Tiến Dũng lưu ý, các khu chức năng được bố trí làm sao phải hết sức khoa học để không chồng chéo.
“Đặt cái gì ở đây, độ nén bao nhiêu, giao thông kết nối ra sao phải suy nghĩ. Nếu không tính toán khôn khéo trong đồ án sau này sẽ bị hậu quả rất lớn. Sân bay Long Thành khi hoàn chỉnh có lưu lượng và quy mô rất lớn vì vậy mọi tính toán phải hợp lý. Để phục vụ vận chuyển 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa sẽ có rất nhiều vấn đề đi kèm”, ông nói.
Về kết nối hạ tầng giao thông chiến lược, người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: Hai trọng điểm giao thông đi qua địa bàn, đó là đường hàng không đến sân bay Long Thành và đường hàng hải đến cảng biển khu vực Cái Mép. Sự dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp theo hai hành lang trục tuyến này là rất quan trọng. Đồng Nai phải tính toán kỹ cho mọi vấn đề liên quan trong quy hoạch.
Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai hiện có tổng diện tích 43.100 ha (431 km2) với 19 đơn vị hành chính, gồm thị trấn Long Thành và 18 xã là 18 Lộc An, Long An, Long Phước, Tân Hiệp, Phước Thái, Phước Bình, An Phước, Tam An, Tam Phước, Phước Tân, An Hòa, Long Hưng, Long Đức, Bình Sơn, Bình An, Suối Trầu, Cẩm Đường, Bàu Cạn. Cảng Hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã gồm Bình Sơn gần 2.000 ha, Suối Trầu trên 1.350 ha, Cẩm Đường trên 500 ha, Bàu Cạn gần 160 ha, Long An gần 660 ha và Long Phước trên 300 ha.
Nghị quyết số 673/NQ-UBTVQH14 ngày 10/4/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh lại một số đơn vị hành chính của huyện Long Thành và “xóa sổ” xã Suối Trầu. Vì vậy, hiện nay Long Thành có 1 thị trấn là thị trấn Long Thành và 13 xã gồm An Phước, Bàu Cạn, Bình An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Lộc An, Long An, Long Đức, Long Phước, Phước Bình, Phước Thái, Tam An và Tân Hiệp.
Trong 5 phân vùng quy hoạch huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xác định “vùng 4”, tức Vùng đặc thù sân bay Long Thành là “vùng hạt nhân”.
Theo Sở Xây dựng Đồng Nai, với diện tích hơn 9.000 ha và là vùng trung tâm của Long Thành, phân vùng chức năng đặc thù của sân bay Long Thành được quy hoạch với mục tiêu khai thác tối đa giá trị kinh tế do sân bay mang lại. Cụ thể, đó là việc phát triển mạnh các trung tâm dịch vụ cấp quốc tế, khu dân cư, ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghiệp liên quan đến hàng không, trong đó có khu dịch vụ logistics quốc tế chất lượng cao.
Trước đó, vào giữa tháng 12/2021, khi công bố quy hoạch mới vùng huyện Long Thành và xác định vùng đặc thù sân bay Long Thành là “vùng hạt nhân”, Sở Xây dựng Đồng Nai đã nói rõ: Sân bay Long Thành phát triển theo dự án riêng. Vùng bên ngoài sân bay lại bị giới hạn bởi hai loa tĩnh không nên bị hạn chế về chiều cao trong quá trình phát triển đô thị. Vì thế, đối với phân vùng chức năng đặc thù sân bay Long Thành được quy hoạch để phát triển về dịch vụ, các dịch vụ phục vụ cảng hàng không, logistics, văn phòng, các khu triển lãm,… phục vụ hội nghị, hội họp cho khách du lịch quốc tế là phù hợp.
Nhiều ý kiến của giới chuyên gia trong và ngoài nước nhận định rằng Đồng Nai có rất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp hàng không. Chẳng hạn việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ mở ra cơ hội mới cho các dịch vụ bảo dưỡng, đại tu, sửa chữa máy bay và các công nghiệp hỗ trợ khác.