16:28 11/07/2022

Đề xuất giao VEC tự cân đối vốn cho cao tốc Bến Lức – Long Thành

Xuân Nghi

Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) được đề xuất giao tự cân đối vốn đối ứng nhằm tiếp tục triển khai dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành hiện đang bị đình trệ vì thiếu vốn...

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc dự án cao tốc Bắc Nãmay dựng được 79% khối lượng và ngừng lại từ năm 2019 đến nay.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành thuộc dự án cao tốc Bắc Nãmay dựng được 79% khối lượng và ngừng lại từ năm 2019 đến nay.

Tại dự thảo tờ trình lấy ý kiến Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), các bộ liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã đề xuất giao Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 nhằm tiếp tục triển khai dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại văn bản số 1795 ngày 5/10/2010 và được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án ngày 31/12/2014.

Dự án có chiều dài khoảng 57,8 km với tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD), gồm vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hơn 13.600 tỷ đồng; vốn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) gần 12.000 tỷ đồng và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 5.689 tỷ đồng.

Được khởi công xây dựng từ năm 2014 và dự kiến hoàn thành năm 2019, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành sau đó gặp nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý, bao gồm thủ tục bố trí vốn nên đã phải dừng thi công từ giữa năm 2019.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Quyết định số 2072/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc của VEC, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo số vốn đối ứng các dự án có sử dụng vốn ODA do VEC làm chủ đầu tư được cân đối, bố trí từ ngân sách nhà nước.

Từ đó, giai đoạn 2011 - 2018, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được bố trí hơn 3.882 tỷ đồng vốn đối ứng từ nguồn ngân sách nhà nước; số còn lại khoảng 1.807 tỷ đồng chưa được bố trí.

Sau đó, Chính phủ quyết định đồng ý chủ trương cho phép VEC được tiếp tục thực hiện Quyết định số 2072/QĐ-TTg. Dù vậy, từ năm 2019 đến nay, dự án đã không được giao kế hoạch vốn đối ứng cho phần còn lại. Nguyên nhân liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước và việc thực hiện Nghị định số 94/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương án giao VEC tự cân đối vốn đối ứng như đề xuất, sẽ không gặp một số vướng mắc khi VEC được chuyển từ Bộ Giao thông vận tải về CMSC; đồng thời đây là phương án khả thi.

Sơ đồ cao tốc Bến Lực - Long Thành.
Sơ đồ cao tốc Bến Lực - Long Thành.

Phân tích về tính khả thi của phương án tự cân đối vốn của VEC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong quá trình xử lý phương án bố trí vốn đối ứng cho dự án, để bảo đảm hiệu quả cũng như khả năng trả nợ, CMSC đã kiến nghị VEC tự bố trí vốn đối ứng cho dự án từ nguồn thu phí tại các dự án do VEC làm chủ đầu tư nhằm bù đắp nguồn vốn thiếu hụt tương ứng với giá trị vốn đối ứng giải ngân

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nói thêm, là theo báo cáo của VEC, lũy kế của 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư (cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây – NV) luôn dương nên VEC bảo đảm khả năng trả nợ.

Việc sử dụng vốn dư của hiệp định vay ADB lần 2 để hoàn thành các công việc chưa được thực hiện của hiệp định vay lần 1 của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được cấp có thẩm quyền xem xét. Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu cập nhật, tính toán lại phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án của VEC đảm bảo khả năng trả nợ của doanh nghiệp này.

Dựa vào các phân tích trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ thống nhất chủ trương giao VEC tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 để tiếp tục triển khai dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

 

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công xây dựng vào tháng 7/2014, là dự án trọng điểm quốc gia thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tuyến cao tốc này có chiều dài hơn 57,8 km đi qua địa phận TP.HCM, tỉnh Long An và tỉnh Đồng Nai. Dự án gồm 11 gói thầu xây lắp chính, sản lượng thi công đến nay đạt gần 79%.