"Thị trường vốn và thị trường tiền tệ đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ... đóng góp quan trọng trong việc huy động nguồn lực phục vụ phát triển của đất nước. Trong đó, khung khổ pháp lý thị trường vốn, thị trường tiền tệ thường xuyên được hoàn thiện và cập nhật để phù hợp với sự phát triển của thị trường và tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh mặt tích cực, cũng cần phải nhìn nhận, nhận diện, đánh giá thẳng thắn, khách quan những tồn tại nội tại của thị trường vốn để có giải pháp phát triển ổn định, căn cơ trước mắt cũng như lâu dài, thậm chí cần có những giải pháp mạnh để lành mạnh hóa thị trường.
Mọi người đều đặt câu hỏi tại sao lại có vụ việc phát hành trái phiếu như Tân Hoàng Minh, tại sao lại có vụ việc thao túng chứng khoán của Chủ tịch công ty FLC, hay công ty chứng khoán Trí Việt,... và sẽ có nhiều câu hỏi liên quan đến việc phát hành trái phiếu, đến thị trường chứng khoán...
Nếu chúng ta không làm quyết liệt, “con sâu làm rầu nồi canh” sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn, đến niềm tin nhà đầu tư trong và ngoài nước và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chúng ta phải suy nghĩ và hành động về việc đó.
Thời gian tới, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán và tiền tệ với quyết tâm cao lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư có hiệu quả.
Ai cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý. Tuy nhiên, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế".
"Niềm tin của nhà đầu tư được phản ánh thông qua tỷ lệ tin tiêu cực về thị trường trên không gian mạng. Chỉ khi niềm tin, tâm lý thị trường ổn định thì thị trường vốn mới phát triển ổn định.
Tuy nhiên, tỷ lệ này lại cơ bản phụ thuộc vào thông tin về thị trường trên không gian báo chí. Nếu báo chí viết quá lên thì cái quá lên này sẽ được khuếch đại trên không gian mạng và gây hoang mang, có thể dẫn đến nhà đầu tư rút vốn ồ ạt.
Bởi vậy, liều lượng thông tin phù hợp, cũng như sự phản ánh trung thực dòng chảy chính trên thị trường của các cơ quan báo chí sẽ góp phần làm ổn định thị trường. Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện công cụ giám sát và đo lường thông tin trên không gian báo chí, cũng như không gian mạng, có thể điều tiết cho phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, thị trường vốn là khá phức tạp, các phóng viên thiếu kiến thức thì rất khó viết tốt. Chính vì điều này, việc đào tạo, tập huấn cho phóng viên viết về thị trường vốn có ý nghĩa quan trọng.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức các lớp đào tạo phóng viên, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Sàn giao dịch chứng khoán sẽ cử chuyên viên đến giảng dạy.
Ngoài ra, việc thao túng thông tin trên không gian mạng của một số KOL xuyên tạc cũng tạo ra các xu thế sai lệch, gây tâm lý hoang mang. Việc xử lý hình sự vừa qua đối với một số người đưa tin sai lệch, xấu độc đã giúp cho thông tin trên không gian mạng trở về đúng với thực tế.
Bởi vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an xử lý hành chính và hình sự những trường hợp đưa thông tin sai lệch là cần thiết. Lúc cao điểm, thông tin tiêu cực về thị trường vốn là trên 35%, nay cơ bản là dưới 10%. Một phần là do các KOL xuyên tạc đã giảm đáng kể".
"Những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, quy mô giao dịch ngày càng tăng. Tuy nhiên, song hành với đó là sự xuất hiện của những hành vi thiếu minh bạch trên thị trường với nhiều thủ đoạn tinh vi phức tạp. Có thể gộp thành ba hành vi phổ biến.
Thứ nhất, việc chấp hành không đúng quy định của pháp luật về công bố các thông tin liên quan đến thị trường và giao dịch.
Phân tích các hành vi vi phạm thì chủ yếu tập trung vào các hành vi như: công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán và các hành vi này chưa đến mức xử lý hình sự.
Đặc biệt là hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan cổ đông nội bộ vẫn diễn ra và có chiều hướng gia tăng phức tạp.
Thứ hai, tình trạng cung cấp, đưa thông tin sai lệch thất thiệt trên các trang mạng xã hội và lôi kéo các nhóm đầu tư, nhóm tư vấn mua bán gây thiệt hại cho nhà đầu tư có chiều hướng gia tăng.
Thứ ba, do tình hình dịch bệnh trong thời gian vừa qua kéo dài, dòng tiền nhàn rỗi chưa được đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều nhà đầu tư tập trung vào đầu tư chứng khoán, gây tiềm ẩn gia tăng nợ xấu và an toàn an ninh tiền tệ".
"Việc đánh giá tín nhiệm bắt buộc là cách tiếp cận rất phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển cũng như quốc gia láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia… Hệ thống này giúp đẩy mạnh minh bạch cũng như môi trường phát triển ổn định, đồng thời rất tốt cho nhà đầu tư.
Mặc dù thực tế cho thấy, các nhà đầu tư không nên xuống tiền khi chỉ nắm trong tay xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, xếp hạng tín nhiệm vẫn là thông tin tham khảo hữu ích để nhà đầu tư đưa ra quyết định.
Mặt khác, xếp hạng tín nhiệm cũng rất tốt cho nhà phát hành. Bởi lẽ, nó giúp cho nhà phát hành có những chuẩn mực nhất định để giảm rủi ro tín dụng xuống thấp nhất. Đồng thời, khi có xếp hạng, nhà phát hành cũng có điều kiện phát hành trái phiếu kỳ hạn dài hơn.
Hiện Việt Nam mới có 2 đơn vị xếp hạng tín nhiệm. Như vậy là ít so với quy mô thị trường đang có. Do đó, ADB đã làm việc và cam kết hỗ trợ trong lĩnh vực này để thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ổn định, phát triển bền vững".
"Quy mô trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm vừa qua, lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm và lớn hơn nhiều so với quy mô trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng.
Trong khi các trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng được niêm yết và giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thì tuyệt đại bộ phận các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ được lưu ký và giao dịch phân tán.
Do đó, nên sớm xem xét hình thành thị trường giao dịch tập trung đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Điều này sẽ làm tăng tính minh bạch của thị trường, tăng khả năng giám sát của các cơ quan quản lý, bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư.
VCB xin được đăng ký cung cấp dịch vụ ngân hàng thanh toán cho thị trường giao dịch tập trung trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Ngoài ra, bên cạnh việc tăng cường đào tạo, truyền thông cho công chúng về các kiến thức đầu tư từ phổ thông tới nâng cao, cần thiết phải hoàn thiện các cơ chế hậu kiểm và chế tài đi kèm đối với các doanh nghiệp phát hành, các tổ chức tham gia vào quy trình phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phải đủ sức răn đe để đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch, có kỷ cương, kỷ luật".
"Khi phát hành trái phiếu ở thị trường sơ cấp thì số nhà đầu tư là cá nhân tham gia chỉ có 8,6%, sau đó tất cả các trái phiếu ở thị trường sơ cấp lại được bán cho các đầu tư cá nhân ở thị trường thứ cấp, do đó can thiệp ở đây nên tập trung nhiều ở thị trường thứ cấp, cụ thể là việc làm rõ nhà đầu chuyên nghiệp là cá nhân.
Hiện tại, các điều kiện để một cá nhân trở thành nhà đầu tư chứng khoán rất dễ để đạt được về mặt luật pháp nhưng có thể không làm thay đổi bản chất của nhà đầu tư đó.
Điển hình, cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Vậy sau thời điểm đó thì như nào?
Theo tôi tìm hiểu, luật Chứng khoán của Mỹ năm 1933, sửa đổi năm 2010, nhà đầu tư đã được chỉ định thì phải có tài sản là 200.000 USD, trong 2 năm liên tiếp phải luôn duy trì, chứ không chỉ tại thời điểm đó. Năm 2020, họ lại sửa đổi sửa thêm lần nữa, bổ sung thêm quy định mới về năng lực chuyên môn… thì khi đó mới được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nhìn chung, nếu như nâng được chất lượng thực sự của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ có một lợi ích rất dài hạn. Đây là công cụ thị trường để tự họ sàng lọc mà không cần can thiệp về mặt chính sách".
"Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã tăng trưởng rất mạnh 10 năm qua, số lượng nhà phát hành tăng 8 lần, khối lượng tăng 23 lần. Tuy nhiên xét cả về tỷ lệ và khối lượng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với khu vực.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững, VBMA cùng các đối tác trong và ngoài nước đã có nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu thị trường, đối thoại với nhà chức trách về nội dung này và có nhiều đề xuất cụ thể. Các đề xuất tập trung theo ba nội dung chính.
Một là, các giải pháp để nâng cao chất lượng hàng hóa của trái phiếu doanh nghiệp, để trái phiếu doanh nghiệp minh bạch và bảo vệ các nhà đầu tư, đồng thời để các doanh nghiệp tiếp cận được vốn trung, dài hạn nhanh và có hiệu quả.
Hai là, các giải pháp để phát triển sâu và rộng số lượng và chất lượng nhà đầu tư như khuyến khích các nhà đầu tư cả cá nhân và tổ chức đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
Ba là, các giải pháp để phát triển hạ tầng cơ sở cho giao dịch thứ yếu trên cả sơ cấp và thứ cấp, các chương trình đào tạo, các biện pháp để công bố thông tin, minh bạch thông tin thị trường, áp dụng các công nghệ mới".
"Kinh tế thị trường không thể thiếu thị trường tài chính, bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Thị trường vốn phát triển lành mạnh là tiêu chí và điều kiện của một nền kinh tế thị trường phát triển bền vững. Các thành phần tham gia gồm có Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân trong và nước ngoài. Cơ quan quản lý nhà nước vừa có chức năng tạo lập thị trường, vừa có chức năng quản lý. Có nghĩa là vừa có vai trò xây dựng thể chế, vừa có vai trò trọng tài, vừa kiến tạo hỗ trợ, vừa giám sát và xử lý.
Khi tạo lập và thúc đẩy thị trường vốn sẽ khiến nền kinh tế phát triển. Doanh nghiệp phải tiếp tục được tạo điều kiện để huy động vốn và tín dụng thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu, nhưng phải khắc phục sự mất cân đối với thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển quá nóng và phát sinh tiêu cực thì nên can thiệp, quản lý sự phát triển này.
Vừa rồi, sự thất vọng của người dân qua vụ Tân Hoàng Minh và FLC, một số vụ khác, xử lý như vậy là nghiêm minh. Tuy nhiên, Tân Hoàng Minh và FLC cũng không đại diện cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, việc thắt chặt huy động vốn tín dụng thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu về mặt chính sách là chưa cần thiết. Xử lý kịp thời, hợp lý, nghiêm minh rất quan trọng.
Tuy nhiên, việc xử lý không nên làm đổ vỡ thị trường. Bởi lẽ, thị trường sẽ tự điều chỉnh, không nên có sự thay đổi đột ngột và đảo chiều về chính sách, tránh tiêu cực lớn hơn với thị trường. Phải rà soát, truy vết, vừa trên diện rộng, vừa trọng tâm, trọng điểm. Khi nào giám sát trên diện rộng, khi nào cần trọng tâm phải cần cách tiếp cận hợp lý, khoa học. Cần tránh dư luận tiêu cực và tâm lý hoang mang, sợ hãi".
VnEconomy 27/04/2022 06:00