Rộng cửa cơ hội tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu - Ảnh 1
Rộng cửa cơ hội tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu - Ảnh 2

Tại tọa đàm về công nghệ bán dẫn tổ chức tháng 12/2023, GS. Richard Henry Friend, Đại học Cambridge, nhấn mạnh: bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện tại. Từ hệ thống năng lượng, viễn thông, điện toán đều cần bán dẫn. Bán dẫn có vai trò quan trọng cho sự phát triển, đang mở ra nhiều cơ hội và thu hút nhiều ngành công nghiệp.

GS.Teck-Seng Low, Phó Chủ tịch cấp cao Đại học Quốc gia Singapore, dự đoán rằng công nghệ bán dẫn sẽ là “xương sống” phát triển nhiều ngành công nghiệp cũng như thu hút nhân tài cho các quốc gia.

Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...  Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam tổ chức mới đây, bà Linda Tan, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á, cho biết về một nghiên cứu  dự đoán thị trường bán dẫn Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,12% trong giai đoạn 2022-2027.

Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để có thể thâm nhập vào chuỗi cung ứng, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam có những lợi thế chủ chốt để nắm bắt cơ hội này với sự tham gia của các bên liên quan, thu hút đầu tư, phát triển hệ sinh thái bền vững.

Tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tỷ USD. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt mức 6,16 tỷ USD.

Năm 2023 đánh dấu một năm đầy sôi động của Việt Nam trong công nghiệp bán dẫn. Lĩnh vực bán dẫn Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn, thu hút sự quan tâm, hiện diện của những “ông lớn” hàng đầu trên thế giới.

Ông Trịnh Khắc Huề, Tổng giám đốc Tập đoàn Qorvo Việt Nam, nhận định: Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng để phát triển vi mạch, bán dẫn nhờ hệ thống chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, được đào tạo bài bản. Với nhiều yếu tố điều kiện thuận lợi trên, phát triển vi mạch bán dẫn tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu.

“Hiện nay, Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia vào lĩnh vực thiết bị vi mạch, đóng gói, thử nghiệm như Qorvo, Synopsis, Marvel, Renesas, Intel, Amkor, Hana Microns.... Các tập đoàn lớn này sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm và các kiến thức chuyên sâu cho các đối tác nội địa trong sáng tạo sản phẩm Make in Vietnam”, ông Huề nói.

Bên cạnh các dự án nước ngoài, Việt Nam có một số doanh nghiệp cũng tham gia vào việc nghiên cứu, sản xuất chip như FPT Semiconductor, CMC, Viettel. Đây sẽ là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu.

Rộng cửa cơ hội tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu - Ảnh 3

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam có các điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn với hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Minh Chính, rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam.

Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội vừa qua về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn,  chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi, trong đó tập trung đào tạo 50 - 100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn 2025-2030.

Hiện, chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 đang được xây dựng. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái bán dẫn khu vực, thu hút các doanh nghiệp bán dẫn trên toàn cầu và sản xuất, nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

Một điểm nhấn là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ vừa qua  đã nâng cấp quan hệ hai nước lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Tuyên bố chung của hai quốc gia đã xác định một trong các nội dung hợp tác chiến lược là về đổi mới sáng tạo, trong đó có phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ “gieo mầm” ban đầu trị giá 2 triệu USD.

Điều này được nhận định là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp trị giá hàng trăm tỷ USD.

Rộng cửa cơ hội tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu - Ảnh 4

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ tháng 9/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp xúc với các tập đoàn doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu của của Mỹ như Nvidia, Synopsys…

Chủ tịch Tập đoàn Nvidia mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI); đồng thời, kỳ vọng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn tại Đông Nam Á.  Chủ tịch Nvidia tin tưởng rằng Việt Nam sẽ là quê hương và trung tâm lớn nhất của Nvidia.

Bình luận về nhận định của Chủ tịch Nvidia khi làm việc tại Việt Nam, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ TP.HCM, cho rằng “Việt Nam có ba điều kiện để trở thành một quê hương thứ hai của Nvidia, đó là dữ liệu, tài nguyên con người và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ trực tiếp AI”.

Trong chương trình hoạt động song phương tại Nhật Bản tháng 12/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản về hợp tác phát triển vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái.  Thủ tướng đã đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn lớn lĩnh vực bán dẫn của Nhật Bản tăng cường hợp tác, đầu tư, phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn ở cả ba công đoạn thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chip và đóng gói, kiểm thử.

Có thể thấy Việt Nam đã và đang có những hành động mạnh mẽ cho hợp tác, phát triển ngành vi mạch bán dẫn; đồng thời, có những cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp ngành bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao sẽ được áp dụng những ưu đãi cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.

Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và ba khu công nghệ cao trên cả nước, sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. Đây sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam.

Rộng cửa cơ hội tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu - Ảnh 5

Theo các chuyên gia, việc Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… có chiến lược hợp tác với Việt Nam thời gian qua, đặc biệt liên quan đến bán dẫn, là cơ hội rất tốt để phát triển mạnh mẽ ngành này trong tương lai.

Quá trình sản xuất chip bán dẫn có 3 khâu chính, đó là: thiết kế, chế tạo, đóng gói và kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trước mắt, Việt Nam nên tập trung ưu tiên ở khâu thiết kế, khâu này sẽ đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao, Việt Nam đang có khoảng 5.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia nhận định, dư địa để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị là rất lớn. Việt Nam có những lợi thế so sánh như thiết kế vi mạch IC quy mô nhỏ, kiểm nghiệm, đóng gói với sự tham gia mạnh mẽ của các đối tác nước ngoài. Trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn, Việt Nam có thể xem xét tham gia ở những khâu phù hợp và có lợi thế. Về dài hạn, có thể biến Việt Nam trở thành nước mạnh trong lĩnh vực này.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang làm rất tốt phần thiết kế và nên tập trung vào khâu này. Điều đó sẽ giúp Việt Nam tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và từng bước làm chủ công nghệ.

Mặt khác, hiện khoảng 75% sản phẩm vi mạch bán dẫn trên thị trường trên 28nm. Đó là cơ hội cho các nước đang phát triển khi đủ kỹ sư có năng lực thiết kế, chế tạo những sản phẩm chip từ 28nm trở lên. Việt Nam có thể tham gia theo nhiều bước khác nhau, từ cung cấp nhân lực, dịch vụ, thiết kế từng phần tiến tới thiết kế toàn bộ.

Đông Nam Á là một trong những cứ điểm về đóng gói vi mạch bán dẫn. Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam có các nhà máy đóng gói vi mạch lớn, cung cấp 30-40% đóng gói sản phẩm vi mạch trên toàn cầu. Đó là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà máy đóng gói.

TS.Sadasivan Shankar, Đại học Stanford, Hoa Kỳ, phần đóng gói chip cũng đang là cơ hội cho Việt Nam nắm bắt. Các nước tham gia nên đi từ quy mô nhỏ để từng bước phát triển năng lực.

Nhìn bán dẫn ở góc độ phát triển ngành công nghiệp điện tử, tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2023, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (Vinasa), Tổng giám đốc FPT, nêu rõ: trong ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, phần thiết kế chỉ chiếm khoảng 550 tỷ USD, nhưng ngành công nghiệp điện tử sẽ là 3.500  tỷ USD và dự báo đến năm 2030 sẽ gần 5.000 tỷ USD. “Vì vậy, phát triển vi mạch bán dẫn cần gắn liền với công nghiệp điện tử”, ông Khoa nhấn mạnh.

Rộng cửa cơ hội tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu - Ảnh 6

Chip bán dẫn được ví như mạch máu trong nền kinh tế bởi trong các thiết bị điện tử đều có chip. Ngành công nghiệp điện tử đang phát triển chính là đầu ra cho chip. Mặt khác, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số cần đi song song phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi trong đó có chip bán dẫn.

Cùng quan điểm, ông Thi khẳng định điện tử và vi mạch bán dẫn phải đi với nhau. Bởi theo thống kê, chỉ với 1% điểm đóng góp, vi mạch bán dẫn sẽ tạo ra 7 lần tăng trưởng cho ngành điện tử.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn và có lợi thế để vươn lên trong ngành vi mạch bán dẫn. Tại châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đang đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cũng có đầy đủ lợi thế để nắm bắt cơ hội vàng.

Ông Khoa cho rằng: trong ngắn hạn cần tập trung vào thiết kế, đóng gói và kiểm thử; trong trung hạn sẽ cùng nhau xây dựng các tổ hợp, các chuỗi tham gia các công nghệ sản xuất chip (nhất là ở tầm 28nm trở lên); trong dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam cần làm chủ các công nghệ lõi và tập trung vào các lĩnh vực đang phát triển mạnh trên thế giới như năng lượng, xe điện, IoT và phải đưa AI vào trong chip.

Theo các chuyên gia, khi có các hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ thúc đẩy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra các di sản công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng chip trên toàn cầu.

Cánh cửa phát triển, tham gia hệ sinh thái bán dẫn đang rộng mở với Việt Nam, nhưng cũng còn nhiều điều cần phải làm. Trong đó, cần chú trọng củng cố phát triển hệ sinh thái ngành vi mạch bán dẫn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kiến tạo các điều kiện để hút nguồn nhân lực Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước, thu hút đầu tư điện tử vi mạch bán dẫn.

Mặc dù cơ hội lớn nhưng ngành vi mạch của Việt Nam cũng đang phải đối diện với những khó khăn, trong đó, rào cản lớn nhất là nguồn nhân lực đang rất thiếu, đặc biệt là các kỹ sư giỏi. Do đó, các chuyên gia cho rằng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cách tiếp cận phù hợp và thực tế nhất với Việt Nam hiện nay là phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đáp ứng nhu cầu. Với những lợi thế hiện nay, điều kiện hạ tầng sẵn sàng, khi có nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu sẽ thu hút được nhiều “đại bàng công nghệ hạ cánh”.

Rộng cửa cơ hội tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu - Ảnh 7

VnEconomy 12/02/2024 06:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Rộng cửa cơ hội tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu - Ảnh 8