Rộng đường cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 1
Rộng đường cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 2

“Thuế là nguồn thu rất quan trọng, chiếm đến gần 90% nguồn thu của ngân sách. Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm khoảng 14% tổng thu thuế hàng năm, thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ được áp dụng vì mục tiêu thu ngân sách mà còn định hướng tiêu dùng, điều chỉnh hành vi của xã hội, qua đó đảm bảo an sinh xã hội, môi trường và sức khỏe nhân dân. Để đạt được các mục tiêu trên thì thuế chỉ là một trong những công cụ được Nhà nước sử dụng; ngoài ra, còn có biện pháp hành chính, các biện pháp truyền thông thay đổi nhận thức.

Kể từ khi đổi mới và hội nhập sâu rộng với quốc tế, Việt Nam đã liên tục cải cách các chính sách thuế trên tinh thần tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam. Khi cải cách một chính sách thuế, nên ưu tiên các mục tiêu là đơn giản hóa, dễ thi hành, dễ kiểm soát, minh bạch, hướng tới ổn định kinh tế - xã hội. Do đó, với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, tôi đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc nghiên cứu kỹ các vấn đề sau.

Thứ nhất, phải đặt việc sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong tổng thể của kế hoạch tài chính quốc gia.

Thứ hai, đối tượng chịu thuế, mức thuế suất phải được nghiên cứu phù hợp với bối cảnh thực tiễn của nền kinh tế; cơ sở nào để quy định thuế suất. Đây là những vấn đề rất khó nhưng phải tìm những căn nguyên để xác định cơ sở thuế suất cho phù hợp. Kể cả nếu tăng thuế cũng phải có lộ trình phù hợp để vừa điều tiết kinh tế - xã hội, vừa định hướng tiêu dùng.

Thứ ba, đối với phương pháp tính thuế, các chuyên gia thảo luận rất nhiều về phương pháp tuyệt đối, tương đối và phương pháp hỗn hợp. Tôi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sâu hơn về những ưu điểm, nhược điểm và tác động của những phương pháp này để có những đề xuất phù hợp.

Thứ tư, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần tính đến các xu hướng mới của kinh tế như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”.

Rộng đường cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 3

“Thực tế thực hiện thời gian qua cho thấy, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội và đạt được nhiều kết quả khích lệ, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và xã hội, trong đó có rượu, bia.

Rượu, bia nếu lạm dụng sẽ gây nhiều tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng đến đời sống xã hội, như: bạo lực, an ninh trật tự, an toàn giao thông...; bởi đồ uống có cồn (rượu, bia) có tính chất gây nghiện, do vậy dễ dẫn đến lạm dụng.

Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như mục tiêu đề ra của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.

Theo đánh giá, mặt hàng thuốc lá, bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2019; tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình sử dụng thuốc lá, rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng. Đồng thời, lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, rượu và bia vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như các chủ trương, chiến lược đã đề ra. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng này để giảm sử dụng, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Về định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sắp tới, Bộ Tài chính dự tính điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó có rượu, bia, để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng.

Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ tính thuế, giá tính thuế đối với trường hợp áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối, trường hợp áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (áp dụng đồng thời phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và phương pháp tính thuế tuyệt đối)”.

Rộng đường cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 4

“Việt Nam đã bước qua thời kỳ mò mẫm, làm chính sách theo kiểu “ném đá dò sông”, tức sai thì sửa. Hiện nay, khi trình độ phát triển của doanh nghiệp, nền kinh tế ngày càng cao đòi hỏi khi ban hành chính sách cần phải đánh giá và có sự tham gia của nhiều bên hơn để tránh rủi ro, biến động về chính sách.

Với chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, mục tiêu lớn nhất của loại thuế này là điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng và đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Việc chọn thuế suất bao nhiêu là một thách thức, bởi thuế suất quá cao tưởng chừng giúp tăng thu, nhưng nếu gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp sẽ không đạt được mục tiêu về thu ngân sách.

Việc chọn lựa tính thuế theo phương pháp nào cũng phải dựa trên bằng chứng, đây là điều cực kỳ quan trọng. Với phương pháp này, hành vi của người tiêu dùng thay đổi thế nào, số thu ngân sách, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ảnh hưởng ra sao? Rất đáng tiếc, tại Việt Nam, sự kết hợp giữa người làm chính sách và nghiên cứu rất kém, lỏng lẻo, dẫn đến khi thảo luận chính sách không có bằng chứng. Tại các nước phát triển, khi làm chính sách, họ sử dụng rất nhiều nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu để làm bằng chứng, các đơn vị độc lập cũng nghiên cứu để chứng minh chính sách đó tác động ra sao khi thực thi.

Hơn nữa, tại Việt Nam, việc giấu thông tin, không liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu cũng gây nhiều bất cập và thiếu tính đồng bộ. Số thu ngân sách từ rượu, bia khó thu thập, nên khó thấy được tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp và các địa phương. Điều này dẫn đến cơ quan nghiên cứu cần số liệu thì không có, cơ quan quản lý có dữ liệu thì không có thời gian để làm. Để tránh tranh cãi và giúp công tác làm chính sách tốt hơn, cần sự kết hợp của các bên và có bằng chứng rành mạch, khi đó, sẽ không phải tranh luận đánh thuế theo cách nào, bởi mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm.

Thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tính thuế tương đối Việt Nam đang triển khai dễ áp dụng vì đơn giản, dễ hiểu, nhưng nếu thuế cao quá thì ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, thuế suất thấp quá thì hành vi không thay đổi.

Đánh thuế theo phương pháp tính thuế hỗn hợp hay tuyệt đối lại dẫn đến xung đột, do đó, phải xem xét kỹ lưỡng để nghiên cứu, ghi nhận ý kiến, tham vấn từ các bên khác nhau để cơ quan phê duyệt chính sách có bằng chứng rõ ràng trước khi ban hành chính sách”.

Rộng đường cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 5

“Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế tiêu thụ áp dụng đối với hàng hóa dựa trên nơi chúng được tiêu thụ, do đó áp dụng như nhau đối với hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu. Chúng khác với thuế quan (thuế hải quan) chỉ áp dụng cho sản phẩm nhập khẩu; trong đó, tăng thuế ảnh hưởng đến nơi sản xuất hàng hóa chứ không phải nơi tiêu thụ.

Hệ thống thuế đối với đồ uống có cồn ở Việt Nam được tóm tắt như sau: thứ nhất, Việt Nam áp dụng thuế VAT của rượu, áp dụng sớm trong chuỗi cung ứng theo giá xuất xưởng (sản xuất trong nước) hoặc giá CIF (nhập khẩu); thứ hai, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo giá trị, tăng theo thời gian, kết hợp với việc đơn giản hóa hệ thống thuế.

Trong hơn một thập kỷ qua, thuế tiêu thụ đặc biệt đã được áp dụng với đồ uống có cồn theo ba loại: (1) bia; (2) rượu khác có độ ABV<20% (rượu vang, đồ uống lên men khác, và rượu mùi); (3) rượu khác có độ ABV>20% (rượu chưng cất). Trong đó, ABV là độ rượu; đại diện cho độ mạnh của rượu tính theo phần trăm của tổng thể tích.

Thuế theo giá trị tại Việt Nam được áp dụng dựa trên giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, tác hại liên quan đến rượu không tương quan với giá trị. Chẳng hạn, một loại bia rẻ hơn có thể có nồng độ cồn cao hơn nhiều so với một loại bia đắt tiền hơn, trong khi lại được đánh thuế ít hơn. Tác hại của rượu bia thường sẽ tương quan với khối lượng, đặc biệt là khối lượng, độ mạnh của rượu, có nghĩa là các loại thuế tuyệt đối sẽ mang tính đại diện tốt hơn vì đánh vào chính tác hại của sản phẩm, đó là nồng độ cồn.

Ước tính của Ngân hàng Thế giới sử dụng Chỉ số Phát triển thế giới của Ngân hàng Thế giới và Euromonitor (2023) cho thấy doanh số bán rượu tại Việt Nam đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, bất chấp việc tăng thuế. Theo đó, doanh số bán rượu bình quân đầu người tăng 142% (177% về giá trị tuyệt đối) từ năm 2008 đến năm 2022.

Xu hướng thuế rượu bia ở Việt Nam cho thấy khả năng chi trả cho rượu bia tăng nhanh do tăng trưởng kinh tế nhanh và chính sách thuế yếu kém. Do đó, Việt Nam cần cải cách thuế rượu, bia, trong đó có việc xem xét cơ cấu thuế và thuế suất.

Trên thế giới, thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn là một công cụ chính sách tài chính được thiết lập và đánh giá cao, được củng cố bởi một khung lý thuyết kinh tế chặt chẽ. Sắc thuế này tạo ra lợi ích tài chính và sức khỏe, thông qua việc tăng doanh thu thuế và cải thiện sức khỏe người dân, mà không có bằng chứng nào về tác động kinh tế bất lợi”.

Rộng đường cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 6

“Những năm qua, doanh nghiệp ngành đồ uống thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam tuân thủ tốt chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt và đóng góp vào ngân sách nhà nước khá lớn. Xu hướng cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn 2016-2018 đến nay cho thấy tính ổn định của chính sách. Nhà nước cũng giãn lộ trình tăng 5%/năm thay vì tăng 15% ngay lập tức như giai đoạn trước.

Tuy nhiên, tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với chế tài rất nặng khi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, lại ảnh hưởng lớn rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Hiệp hội không phủ nhận các ưu điểm của những phương pháp tiên tiến về thuế tiêu thụ đặc biệt hiện đang áp dụng tại các nước phát triển; tuy nhiên, khi cải cách chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, chúng tôi cho rằng cần phải có cơ sở khoa học, những đánh giá khách quan và nghiên cứu kỹ lưỡng điều kiện thực tế tại Việt Nam. Từ đó, ban hành chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa, đảm bảo các lợi ích của các bên. Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu và ban hành lộ trình tăng thuế thích hợp để chính sách có sự ổn định khi ban hành.

Việc thay đổi thuế suất, phương pháp tính thuế hay chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong ngành đồ uống, mà liên quan rất lớn đến các chuỗi ngành hàng khác. Cùng với sự phát triển của ngành đồ uống có cồn những năm qua, hệ sinh thái trong lĩnh vực nông nghiệp, kho vận, bao bì, dịch vụ phát triển một cách tương ứng, thu hút số lượng lớn lao động làm trong các lĩnh vực liên quan tới ngành rượu, bia”.

Rộng đường cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 7

“Heiniken Việt Nam là một doanh nghiệp Việt Nam được sở hữu 40% vốn nhà nước (tỷ lệ vốn nhà nước cao nhất trong số tất cả các doanh nghiệp bia có vốn đầu tư nước ngoài), với 6 nhà máy sản xuất tại Việt Nam, đóng góp không chỉ tiền thuế cho Nhà nước, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động tại địa phương, cũng như tất cả các hãng bia hiện nay đều có danh mục sản phẩm với nhiều phân khúc từ bia phổ thông đến bia cao cấp.

Sản phẩm của chúng tôi đều là các sản phẩm được sản xuất nội địa tại Việt Nam, bao gồm các sản phẩm thương hiệu quốc tế như Heineken, Tiger và các thương hiệu thuần việt như: Bia Việt, bia Bivina, bia Larue (đã có lịch sử phát triển hơn 100 năm).

Với vai trò của một doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh bia tại Việt Nam và chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt như các doanh nghiệp sản xuất khác tại Việt Nam, Heiniken Việt Nam mong muốn đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng và các chính sách thuế nói chung, trên cơ sở xem xét lợi ích chung của toàn ngành và nền kinh tế, không phục vụ cho lợi ích riêng cho bất kỳ sản phẩm nào hay cho bản thân doanh nghiệp.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước phát triển đều đã và đang áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp và dịch chuyển sang hệ thống tuyệt đối cho đồ uống có cồn. Hiện nay, Chính phủ và Bộ Tài chính đang trong giai đoạn hoàn thiện đề xuất áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp cho sản phẩm thuốc lá với mục tiêu sẽ mở rộng cho các nhóm sản phẩm khác với mục tiêu giảm tiêu thụ các sản phẩm này.

Theo chúng tôi, phương pháp tính thuế hỗn hợp sẽ tạo thêm nhiều động lực để phát triển sản phẩm chất lượng cao, có nồng độ cồn thấp, góp phần đạt được mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân theo đúng chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 15/NQ-CP và Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong dài hạn, các nhà sản xuất sẽ có xu hướng đầu tư công nghệ, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chất lượng cao, từ đó giảm tác hại của việc tiêu thụ đồ uống có cồn đến sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh công bằng, bình đẳng và minh bạch giữa các doanh nghiệp trên thị trường.

Các sản phẩm của ngành bia có khung giá hẹp và số lượng sản phẩm ít hơn thuốc lá. Sản phẩm không chính ngạch của ngành bia rất nhỏ nên việc áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp sẽ đơn giản hơn và dễ đánh giá tác động hơn”.

Rộng đường cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 8

“Các chuyên gia chia sẻ, các nước phát triển đang áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối với đồ uống có cồn. Tuy nhiên, số lượng các nước đang áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối, hỗn hợp là bao nhiêu? Số quốc gia đang sử dụng phương pháp tính thuế tương đối như thế nào? Chúng tôi cũng đang rất mong chờ các nghiên cứu tiếp theo. Đặc biệt là thực tế ngành bia các nước đang áp dụng phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tương đối đang như thế nào?

Ngành bia ở Việt Nam có đóng góp lớn về giá trị văn hóa, ẩm thực thông qua hoạt động kinh doanh của mình, đặc biệt những thương hiệu bia lâu đời của quốc gia. Thực trạng ngành bia của Việt Nam hiện nay là 20% sản lượng ở phân khúc giá cao và 80% còn lại đang ở phân khúc giá bình dân. Tất cả các công ty đang sản xuất bia bình dân trên thị trường hiện nay đang thỏa mãn những tiêu chuẩn sản xuất quốc tế, đáp ứng về an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam, nghĩa là giá thấp không đồng nghĩa với chất lượng thấp. Bia Sài Gòn cũng nhiều năm giành được các giải thưởng chất lượng bia quốc tế.

Tác động của kinh tế suy thoái và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt) khiến chúng tôi kết thúc năm 2023 một cách cực kỳ tổn thương. Diễn biến của các chính sách thuế sắp ban hành cũng khiến cho chúng tôi cực kỳ lo lắng. Liệu các chính sách thuế của Nhà nước năm 2024 sẽ ảnh hưởng thế nào đến chúng tôi?

Trên tinh thần như vậy, chúng tôi kiến nghị: giữ nguyên cách tính thuế tương đối như đang có để đảm bảo sự ổn định cho thu thuế của Nhà nước và không gây xáo trộn, ảnh hưởng tiêu cực thêm nữa đối với các doanh nghiệp bia ở phân khúc bình dân. Nếu chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp hay phương pháp tính thuế tuyệt đối thì doanh nghiệp ở phân khúc này sẽ thiệt thòi hơn nhiều, đối diện nguy cơ đóng cửa. Nhà nước cũng sẽ mất nguồn thu thuế”.

Rộng đường cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 9

VnEconomy 22/01/2024 10:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03-2024 phát hành ngày 15-1-2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Rộng đường cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt - Ảnh 10