20:33 18/01/2024

Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn: Phương pháp nào là tối ưu?

Hoàng Lan

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận hệ thống thuế tuyệt đối là hiệu quả nhất đối với đồ uống có cồn vì thể hiện tương quan giữa mức độ cồn trong sản phẩm với số thuế phải nộp. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, việc chuyển đổi từ cơ cấu thuế tương đối sang tuyệt đối ngay sẽ phức tạp và gây xáo trộn. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị nên dịch chuyển dần từ tương đối sang hỗn hợp trước khi tiến đến hệ thống thuế tuyệt đối….

Đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội, chuyên gia tham dự hội thảo Thực trạng chính sách thuế đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và xu hướng cải cách.
Đại diện các cơ quan quản lý, hiệp hội, chuyên gia tham dự hội thảo Thực trạng chính sách thuế đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và xu hướng cải cách.

Ngày 18/1, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem) và Hội tư vấn thuế Việt Nam tổ chức Hội thảo "Thực trạng chính sách thuế đối với các sản phẩm đồ uống có cồn và xu hướng cải cách".

ĐA SỐ ÁP DỤNG PHƯƠNG PHÁP THUẾ HỖN HỢP VỚI ĐỒ UỐNG CÓ CỒN

Chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam, cho biết có 2 mục tiêu chính của thuế tiêu thụ đặc biệt.

Mục tiêu thứ nhất là Thuế tiêu thụ đặc biệt thường đánh trên một số nhóm mặt hàng, dịch vụ mà Chính phủ không khuyến khích tiêu dùng vì các lý do như: sức khỏe, môi trường, văn hóa, tác động xã hội…. Mục tiêu thứ hai là tăng nguồn thu ngân sách. Chính sách thuế được đưa ra để cân bằng giữa các mục tiêu và giảm thiểu các ảnh hưởng phụ khác như hành vi tránh thuế, hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, sự phát triển của ngành...

Hiện, các quốc gia trên thế giới đang áp dụng 3 phương pháp tính thuế, gồm: (1) cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm (thuế suất được xác định theo tỷ lệ % trên giá tính thuế, là giá xuất xưởng hoặc giá bán lẻ); (2) cơ cấu thuế tuyệt đối (mức thuế cố định tính trên đơn vị hàng hoá) và (3) cơ cấu thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế tính theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối).

Với đồ uống có cồn, Tổng giám đốc PwC thông tin hiện nay thông lệ quốc tế là phân loại và đánh thuế các sản phẩm theo nồng độ cồn.

Theo đó, các sản phẩm chính trên thị trường thực tế được phân loại vào 3 nhóm chính.

Nhóm 1: rượu chưng cất (brandy, whisky, gin, vodka, rum...).

Nhóm 2: rượu vang, rượu mùi (liqueur).

Nhóm 3: bia, nước táo lên men và một số đồ uống lên men khác.

“Việc phân loại và đánh thuế các sản phẩm theo nồng độ cồn giúp xác định hệ thống thuế và mức thuế suất phù hợp với từng nhóm sản phẩm; có thể hạn chế việc các nhà sản xuất phát triển các sản phẩm, quy trình sản xuất riêng để tối ưu mức thuế áp dụng”, bà Định Thị Quỳnh Vân nói.

Trong Báo cáo về thuế tiêu thụ đặc biệt  cho đồ uống có cồn công bố ngày 5/12/2023, WHO công nhận hệ thống thuế tuyệt đối là tối ưu nhất vì thể hiện tương quan giữa mức độ cồn trong sản phẩm với số thuế phải nộp.

Theo bà Vân, trên thế giới, hệ thống thuế tuyệt đối được áp dụng phổ biết nhất đối với đồ uống có cồn.

Liên minh Châu Âu (EU) yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ và đảm bảo hệ thống luật nội địa sẽ đánh thuế đồ uống có cồn theo hệ thống thuế tuyệt đối.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn: Phương pháp nào là tối ưu? - Ảnh 1
Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn: Phương pháp nào là tối ưu? - Ảnh 2

Tại khu vực Asean, nơi các quốc gia có quy mô kinh tế tương đương Việt Nam, đã có 6/10 nước chuyển dịch sang áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp/tuyệt đối với đồ uống có cồn. Trong đó, Singapore, Philipine, Indonesia và Brunei hiện cũng áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối cho đồ uống có cồn. Thái Lan và Malaysia đã chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp.

Xu hướng dịch chuyển cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Khu vực Đông Nam Á.
Xu hướng dịch chuyển cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt tại Khu vực Đông Nam Á.

Phương pháp luận của WHO và quốc tế hiện nay khi áp dụng cơ chế thuế hỗn hợp/ tuyệt đối là để đảm bảo các sản phẩm có mức ảnh hưởng đến sức khỏe tương đương nhau (nồng độ cồn tương đương) sẽ phải chịu mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt như nhau.

BA KHUYẾN NGHỊ KHI CẢI CÁCH CHÍNH SÁCH THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Từ kinh nghiệm thế giới, bà Đinh Thị Quỳnh Vân đưa ra 3 khuyến nghị đối với việc cải cách chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn.

Thứ nhất, xác định rõ mục tiêu và chiến lược dài hạn của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với từng nhóm hàng để xây dựng mô hình thuế và lộ trình cải cách phù hợp. Có thể áp dụng các mô hình khác nhau cho 3 nhóm đồ uống có cồn do sự đặc thù của từng nhóm.

Thứ hai, chuyển đổi từ cơ cấu thuế tương đối sang tuyệt đối ngay sẽ phức tạp và gây xáo trộn. Do đó, nên dịch chuyển dần từ tương đối sang hỗn hợp trước khi tiến đến hệ thống thuế tuyệt đối.

Thứ ba, cần xây dựng lộ trình cải cách thuế một cách rõ ràng minh bạch và dịch chuyển dần theo hướng hệ thống thuế mong muốn - ví dụ: tăng dần cấu phần tuyệt đối và giảm dần cấu phần tương đối.

Đồng tình với bà Vân, ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Đối ngoại Heineken Việt Nam, cho rằng việc thay đổi hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt từ tương đối theo tỷ lệ phần trăm sang hỗn hợp có thể sẽ có một số tác động đến thị trường tiêu thụ bia hiện nay.

“Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng nếu xây dựng một cách hợp lý, với sự tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với thị trường Việt Nam, thì hệ thống thuế hỗn hợp sẽ có những lợi thế rõ ràng trong việc thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước là giảm tác hại của việc tiêu thụ đồ uống có cồn, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững và khuyến khích sự phát triển của ngành bia”, ông Phúc nói.

Mỗi hệ thống thuế đều có tác động riêng, và khác nhau đến thị trường tiêu thụ và các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ uống có cồn. Mỗi một hệ thống thuế đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, không có hệ thống thuế nào là tối ưu tuyệt đối.

Với hệ thống thuế tương đối, chi phí thuế được tính theo giá bán sản phẩm, không phụ thuộc vào nồng độ cồn - tác nhân chính gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà Chính phủ và các cơ quan liên quan đang mong muốn giảm tiêu thụ. Khi đó, sản phẩm bia giá cao, nhưng nồng độ thấp, ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe hơn sản phẩm bia giá thấp, nồng độ cồn cao lại đang phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn. Như vậy, rõ ràng là hệ thống thuế tương đối đang tạo ra sự không công bằng về chi phí thuế giữa các sản phẩm có cùng mức nồng độ cồn.

"Với hệ thống hỗn hợp, cấu phần thuế tuyệt đối tuy có gây ra chênh lệch về tỷ lệ chi phí thuế trên doanh thu giữa các sản phẩm, phần chênh lệch này là không lớn do các sản phẩm có mức tiêu thụ lớn hiện đang có mức giá tương đồng. Nếu tỷ trọng của cấu phần tương đối và tuyệt đối được xây dựng hợp lý và có lộ trình rõ ràng, hệ thống thuế hỗn hợp có thể cân bằng được các nhược điểm của cả 2 hệ thống thuế tương đối và tuyệt đối”, ông Nguyễn Thanh Phúc phân tích.