Sẵn sàng đón làn sóng FDI mới - Ảnh 1
Sẵn sàng đón làn sóng FDI mới - Ảnh 2

Năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều dự báo cho thấy thu hút vốn FDI trong năm 2024 sẽ rất thuận lợi. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm nay?

Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi trong thu hút FDI. Đặc biệt, việc nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu vào Việt Nam. Năm 2023, vốn đầu tư từ một số đối tác châu Âu, như: Hà Lan, Đức chứng kiến sự nhảy vọt.

Bên cạnh các lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư như tình hình kinh tế, chính trị ổn định, vị trí thuận lợi cho hoạt động đầu tư, số lượng lớn hiệp định thương mại tự do đã ký kết, lực lượng lao động dồi dào, Việt Nam còn có tiềm lực về đất hiếm - loại nguyên vật liệu quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển vi mạch và điện tử.

Trong năm 2023, nhiều tập đoàn từ Mỹ đã tới Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư trong ngành đất hiếm và bán dẫn. Mới đây, ông John Neffeur, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) và lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Mỹ, như: Intel, Qualcom, Ampere, ARM,… đã tới Việt Nam tìm hiểu thị trường. Đặc biệt, ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới, cũng đã tới Việt Nam để lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất.

Các nhà đầu tư từ các quốc gia khác, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… cũng tăng cường các chuyến công tác tới Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao.

Sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao. Vì thế, dòng vốn đầu tư chất lượng đổ vào Việt Nam thời gian tới là rất hứa hẹn.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI mới - Ảnh 3

Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để đón dòng vốn FDI chất lượng cao. Ông đánh giá như thế nào về sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc hấp thụ dòng vốn này?

Những động thái chính sách gần đây như thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài để hướng tới mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030… cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng của Việt Nam để đón làn sóng đầu tư chất lượng này.

Nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng sẵn sàng không có nghĩa là chúng ta sẽ hấp thụ hết dòng vốn đầu tư. Năm 2008 khi Việt Nam tham gia WTO, vốn đăng ký tăng vọt lên mức kỷ lục hơn 64 tỷ USD. Đáng tiếc, chúng ta chưa đủ năng lực hấp thụ làn sóng FDI này nên mức giải ngân rất thấp.

Do vậy, cần rút kinh nghiệm từ bài học năm 2008 để tận dụng tốt hơn cơ hội, tạo bước ngoặt về chất trong thu hút FDI. Việt Nam đang được coi là một mắt xích quan trọng của chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu, có tiềm năng về đất hiếm và lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Để nắm bắt cơ hội, Việt Nam phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng và đảm bảo năng lượng ổn định, đặc biệt là năng lượng xanh. Nếu chuẩn bị tốt, năm 2024 sẽ là năm bắt đầu cho làn sóng FDI mới.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI mới - Ảnh 4

Như ông chia sẻ, không chỉ có các đối tác Mỹ, châu Âu… mà sự quan tâm của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam gần đây cũng gia tăng. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn rất ngại nhà đầu tư Trung Quốc? Quan điểm ông thế nào?

Hiện tượng đầu tư chui, đầu tư núp bóng thời gian qua khiến các địa phương e ngại với đầu tư từ Trung Quốc. Đây là điều có thể hiểu được.

Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng không phải cứ nhà đầu tư Trung Quốc là công nghệ thấp, là hao tốn tài nguyên và gây hại với môi trường. Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư, cho thấy các dự án đầu tư của Trung Quốc có quy mô lớn, công nghệ cao xuất hiện nhiều hơn. Điển hình như dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam có tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD, dự án sản xuất văn phòng phẩm của Deli có vốn đầu tư 270 triệu USD hay dự án sản xuất tấm tế bào quang điện BoViet có quy mô hơn 120 triệu USD.

Sự gia tăng của các dự án đầu tư mới trong năm 2023 đã đưa Trung Quốc lên vị trí thứ 4 trong số 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam (chỉ sau Singapore) với 4,47 tỷ USD. Nếu tính cả phần vốn của Hồng Kông, tổng vốn đầu tư đăng ký mới đến từ quốc gia này lên tới 8,87 tỷ USD, vượt cả Singapore (6,80 tỷ USD).

Vấn đề hiện nay của các địa phương là phải nâng cao khả năng thẩm định, đánh giá thông qua bộ lọc là các tiêu chí, quy định về môi trường, công nghệ… để lựa chọn dự án phù hợp. Không nên vì tâm lý e ngại mà bỏ lỡ những dự án đầu tư triển vọng, dự án có hàm lượng công nghệ cao, tác động lan tỏa tốt.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI mới - Ảnh 5

Dù có cơ hội, có lợi thế nhưng trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI gay gắt như hiện nay, theo ông, Việt Nam phải làm gì để thu hút FDI chất lượng cao?

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm, cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng trở nên gay gắt. Dù Việt Nam được coi là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu nhưng Ấn Độ, Indonesia… vẫn là những “đối thủ” trong thu hút đầu tư với chúng ta.

Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024 sẽ làm mất lợi thế ưu đãi thuế của Việt Nam nhưng cũng giúp giải quyết được câu chuyện chuyển giá trong hoạt động đầu tư FDI. Để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thuận lợi hơn, làm tốt công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo năng lượng ổn định và cần sớm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực chip và bán dẫn. Có như vậy, chúng ta mới có thể giữ chân các nhà đầu tư lớn FDI, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mới.

Năm 2024 được xem là thời cơ, bước ngoặt mới để tăng cả về số lượng và chất lượng thu hút đầu tư FDI. Vấn đề đặt ra là làm thế nào tận dụng tốt lợi thế của dòng vốn FDI của các nước và lãnh thổ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan từng làm để vươn lên thành nước phát triển.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI mới - Ảnh 6

Năm 2024 cũng được xem là điểm khởi đầu của làn sóng FDI thứ tư, do vậy Việt Nam cần giải pháp phù hợp để tiếp nhận vốn đầu tư FDI hiệu quả. Nghị quyết 50 đã nhấn mạnh tới việc chọn lọc kỹ hơn các dự án đầu tư theo hướng ưu tiên dự án FDI công nghệ cao, công nghệ nguồn, tạo liên kết và tạo lan tỏa với khu vực doanh nghiệp trong nước. Với Nghị quyết 50, đã đến lúc Việt Nam cần thực hiện quyền lựa chọn các đối tác để cùng nhau hợp tác phát triển nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, không phải thu hút vốn FDI bằng mọi giá.

Theo đó, chúng ta phải cạnh tranh bằng môi trường kinh doanh thuận lợi không rào cản, sự phát triển ổn định bền vững và chính sách hỗ trợ hợp lý. Cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng, bằng đổi mới sáng tạo và luật chơi mới, bằng thị trường công nghệ, thị trường lao động… với đội ngũ doanh nghiệp nội địa mạnh. Đặc biệt, Việt Nam cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu của các tập đoàn FDI ở phân khúc có công nghệ, giá trị cao hơn hiện nay.

Để thực hiện được, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: sử dụng nguồn thu từ thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới để hỗ trợ thu hút đầu tư FDI; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp FDI, tạo lập hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn, xử lý các vướng mắc liên quan tới mua bán điện…

Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua phát triển hạ tầng; đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo lao động; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút được nhà đầu tư FDI mới có chất lượng cao hơn.

Sẵn sàng đón làn sóng FDI mới - Ảnh 7

VnEconomy 11/04/2024 15:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2024 phát hành ngày 08/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Sẵn sàng đón làn sóng FDI mới - Ảnh 8