

Theo báo cáo Chỉ số Sức mạnh mềm toàn cầu vừa được công bố, Việt Nam đã tăng một bậc trên bảng xếp hạng, lên vị trí 52 trong số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá. Sự thăng hạng này của Việt Nam đến từ những yếu tố nào, thưa bà?
Để đánh giá vị thế của các quốc gia trên trường quốc tế, việc nắm bắt định nghĩa về sức mạnh mềm là rất quan trọng. Theo Brand Finance, công ty chuyên định giá quốc gia và thành phố, sức mạnh mềm được hiểu là khả năng một quốc gia tác động đến các quốc gia khác thông qua sức hút và sự thuyết phục, thay vì sử dụng áp lực hoặc vũ lực. Khả năng này chủ yếu dựa vào các yếu tố văn hóa và ngoại giao. Brand Finance đo lường sức mạnh mềm dựa trên ba yếu tố chính: mức độ thế giới biết đến quốc gia đó (familiarity), mức độ tin tưởng và trân trọng (reputation), khả năng ảnh hưởng (influence). Chín trụ cột được sử dụng để đánh giá các yếu tố này bao gồm: thương mại và kinh doanh, quan hệ quốc tế, giáo dục và khoa học, văn hóa và di sản, quản trị quốc gia, truyền thông, tính bền vững, con người và thành tích thể thao.
Khi áp dụng mô hình này cho Việt Nam, báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam có thế mạnh nổi trội nhất về mức độ quen thuộc trên phạm vi toàn cầu. Tiếp theo là uy tín - Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến và tôn trọng. Tuy nhiên, khả năng gây ảnh hưởng của Việt Nam vẫn còn hạn chế so với hai yếu tố kia, cho thấy một lĩnh vực cần tập trung cải thiện trong tương lai.
Phân tích sâu hơn các động lực thúc đẩy sức mạnh mềm của Việt Nam cho thấy thế mạnh lớn nhất nằm ở lĩnh vực kinh doanh và thương mại, phản ánh qua sự phát triển kinh tế và tăng trưởng GDP ấn tượng. Yếu tố con người Việt Nam cũng được đánh giá cao. Ngược lại, các khía cạnh như quản trị, giáo dục và khoa học - công nghệ (dù có kỳ vọng vào Nghị quyết 57), cùng với khả năng truyền thông quốc tế vẫn còn là điểm yếu. Việc giới thiệu ra thế giới những thành tựu và bản sắc của Việt Nam còn hạn chế.
Bất chấp những thách thức này, Việt Nam đã có bước tiến tích cực trong năm qua khi tăng một hạng, đạt vị trí 53 và lần đầu tiên vượt qua Philippines trong bảng xếp hạng sức mạnh mềm toàn cầu. Sự cải thiện này chủ yếu đến từ sự tăng điểm đáng kể ở chỉ số về con người, cùng với sự tăng trưởng về văn hóa, di sản và trình độ giáo dục. Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan (hạng 39), Indonesia (hạng 45) và đặc biệt là Singapore (hạng 20), Việt Nam vẫn còn một khoảng cách đáng kể cần thu hẹp.
Những hoạt động ngoại giao năng động, việc mở rộng quan hệ đối tác chiến lược và tổ chức các sự kiện quốc tế quy mô như APEC, ASEAN… đã góp phần nâng cao mức độ nhận biết về Việt Nam. Sự tham gia tích cực tại Liên hợp quốc, bao gồm Lực lượng gìn giữ hòa bình và vai trò trong Hội đồng Bảo an, đã củng cố thêm uy tín của quốc gia. Thêm vào đó, thế mạnh về kinh tế, thương mại, xuất khẩu cùng với sự vươn tầm quốc tế của các doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel, Vinfast… cũng góp phần quan trọng xây dựng sự quen thuộc và uy tín cho Việt Nam.
Trong lĩnh vực văn hóa, Việt Nam đã bắt đầu chú trọng hơn vào điện ảnh và ẩm thực. Tuy nhiên, các hoạt động quảng bá văn hóa nhìn chung còn rời rạc, mang tính tự phát và thiếu một chiến lược tổng thể cùng sự đầu tư bài bản như một số quốc gia khác, điển hình là chương trình quốc gia của Thái Lan nhằm tăng cường sức mạnh mềm. Điều này cho thấy sự cần thiết của một chương trình quốc gia có sự tham gia rộng rãi của toàn dân để phát huy tối đa sức mạnh văn hóa. Du lịch cũng là một trụ cột quan trọng, nhưng cần có chiến lược quảng bá cụ thể hơn tại các thị trường mục tiêu và tập trung vào chất lượng thay vì chỉ chạy theo số lượng.

Bà vừa đề cập việc các sự kiện quảng bá du lịch, văn hóa của Việt Nam còn rời rạc. Vậy theo bà, trong cách quản trị các hoạt động này, Việt Nam đang gặp phải những vấn đề hoặc hạn chế gì khiến cho việc quảng bá hình ảnh chưa thực sự hiệu quả?
Để tăng cường sức mạnh mềm, Việt Nam cần tập trung vào một số lĩnh vực chính.
Thứ nhất, nâng cao năng lực thiết kế mỹ thuật. So với các quốc gia như Nhật Bản hay Thái Lan, sản phẩm du lịch và cảnh quan của Việt Nam đôi khi còn thiếu bản sắc riêng, chưa tạo được sự khác biệt độc đáo, dù thiên nhiên rất đẹp. Do vậy, cần đầu tư và đào tạo bài bản hơn trong lĩnh vực này.
Thứ hai, cải thiện vấn đề quản trị. Việc thiếu quy trình chuyên nghiệp và các chuỗi dịch vụ (như nhà hàng) quy mô lớn đang hạn chế khả năng nhân rộng và phát triển các sản phẩm văn hóa, du lịch.
Thứ ba, trong lĩnh vực du lịch, cần nghiên cứu sâu hơn thị hiếu của du khách quốc tế, những người tìm kiếm trải nghiệm độc đáo. Việc tạo ra các sản phẩm du lịch vừa mang đậm bản sắc Việt vừa có hơi thở đương đại là rất quan trọng để tạo sự khác biệt so với các tour phổ thông. Đồng thời, Việt Nam cần có đại diện xúc tiến du lịch thường trực tại các thị trường trọng điểm và chuyển từ quảng bá thời vụ sang đầu tư chiến lược dài hạn, tập trung vào nâng cao quy mô và chất lượng các lễ hội văn hóa thay vì chỉ chạy theo số lượng sự kiện. Mô hình chương trình quốc gia phát triển sức mạnh mềm của Thái Lan là một ví dụ điển hình mà Việt Nam có thể tham khảo.

Báo cáo Chỉ số Sức mạnh mềm toàn cầu cũng lượng hóa giá trị thương hiệu của Việt Nam lên đến khoảng hơn 519 tỷ USD. Việc lượng hóa này được thực hiện như thế nào và nó phản ánh điều gì về vị thế của Việt Nam?
Việc xác định giá trị của thương hiệu quốc gia thường được thực hiện thông qua nhiều yếu tố đo lường phức tạp. Theo phương pháp của Brand Finance, giá trị này được dựa trên Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index - BSI), vốn đánh giá mức độ đầu tư vào thương hiệu, nhận thức của công chúng và chất lượng hàng hóa, dịch vụ. Đơn vị này cũng tính đến các yếu tố kinh tế như tỷ lệ bản quyền sử dụng thương hiệu và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đáng chú ý, khi so sánh vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia (hạng 32) với thứ hạng về GDP (khoảng hạng 40), có thể thấy sức mạnh mềm của Việt Nam đang tạo ra giá trị vượt trội so với năng lực kinh tế đơn thuần. Điều này cho thấy sự đóng góp quan trọng của các yếu tố như văn hóa, con người Việt Nam và chính sách ngoại giao trong việc nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia.

Việc công bố Chỉ số Sức mạnh mềm và giá trị thương hiệu của Việt Nam có tác động như thế nào đến việc nâng cao vị thế quốc tế và thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới?
Việc Việt Nam liên tục được xếp hạng cao về giá trị thương hiệu quốc gia và sức mạnh mềm mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều này trực tiếp củng cố độ uy tín và gia tăng niềm tin cho các nhà đầu tư. Ngày nay, các nhà đầu tư khi cân nhắc rót vốn vào một quốc gia không chỉ dựa trên cơ hội kinh tế đơn thuần, mà còn xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như tính bền vững, chất lượng nguồn nhân lực và mức độ tin cậy tổng thể.
Khi thương hiệu quốc gia được nhận diện mạnh mẽ, niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam càng được củng cố. Singapore là một minh chứng điển hình. Dù có quy mô địa lý nhỏ, quốc gia này sở hữu giá trị thương hiệu rất cao, vượt xa GDP thực tế, từ đó tạo dựng được mức độ tin cậy vượt trội trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu.

Theo bà, để tiếp tục nâng cao Chỉ số Sức mạnh mềm và giá trị thương hiệu, bên cạnh các chiến lược về du lịch, văn hóa… Việt Nam cần tập trung vào những yếu tố nào khác?
Điều cốt lõi là Việt Nam cần biết cách tận dụng hiệu quả những nguồn lực sẵn có và xây dựng hình ảnh về mình một cách thuyết phục để lan tỏa ra thế giới. Ví dụ, Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ là một nỗ lực mang tầm quốc gia. Chúng ta cần truyền thông mạnh mẽ về những thành quả đạt được từ nghị quyết này, tạo hiệu ứng tương tự như cách thế giới đã biết đến công cuộc Đổi mới lịch sử năm 1986. Trong kỷ nguyên mới này, việc định hình và quảng bá về sự phát triển công nghệ của Việt Nam là hết sức cần thiết để thế giới nhận biết và hiểu rõ.
Cần có một chiến lược truyền thông bài bản cho thương hiệu Việt Nam, hướng tới cả công chúng trong và ngoài nước. Chiến lược này không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận diện, mà còn phải xây dựng được độ tin cậy và gia tăng tầm ảnh hưởng. Cụ thể, cần tôn vinh các sáng kiến, bằng sáng chế về AI của Việt Nam trên trường quốc tế, tích cực tham gia các sự kiện công nghệ hàng đầu và phát triển các điểm đến công nghệ mang tầm quốc tế ngay tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các phong trào quốc gia như “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số” do Thủ tướng phát động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của toàn dân vào công cuộc phát triển khoa học, công nghệ.
Tóm lại, việc xây dựng các chương trình truyền thông về những nỗ lực cải cách, các chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và văn hóa là không thể thiếu. Đồng thời, vấn đề về cuộc tinh gọn bộ máy nhà nước, sáp nhập các tỉnh, thành phố, cũng cần được truyền tải một cách tích cực để xây dựng hình ảnh quốc gia hiệu quả. Cần có chiến lược xây dựng thương hiệu cho các đơn vị hành chính mới, giúp người dân và bạn bè quốc tế hiểu được lợi ích của việc này, tạo ra những câu chuyện hấp dẫn về các địa điểm mới.
Nhìn xa hơn, việc tinh gọn quy trình vận hành và quản trị, nếu được truyền thông thành công, sẽ là một điểm khác biệt đột phá của Việt Nam. Vấn đề này không chỉ truyền cảm hứng cho chính quyền mà còn lan tỏa đến từng doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy sự đồng lòng và hành động nhanh chóng, quyết liệt. Đây là lợi thế cạnh tranh không dễ gì các quốc gia khác có được. Hiện tại, Việt Nam cần một chiến lược truyền thông toàn diện, sử dụng những câu chuyện có sức thuyết phục để đưa thương hiệu quốc gia vươn ra thế giới.

VnEconomy 02/05/2025 19:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17+18-2025 phát hành ngày 28/4/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1374
