Tạo cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào tăng trưởng xanh - Ảnh 1
Tạo cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào tăng trưởng xanh - Ảnh 2

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của khu vực tư nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua?

Tinh thần khởi nghiệp là một minh chứng rõ nét cho sự thành công của khu vực tư nhân trong việc đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong vòng 20 năm qua, kể từ khi Chính phủ quyết định Ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Tính đến nay, khu vực tư nhân đóng góp 45% GDP, 40% tổng vốn đầu tư và hơn 85% việc làm. Điều này cho thấy khu vực tư nhân đã góp phần không nhỏ thúc đẩy nền kinh tế như hiện nay. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa khả năng đóng góp cho tăng trưởng của khu vực tư nhân tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Hiện tại, Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi mô hình phát triển và đã từng bước thành công trong việc định hình trở thành một trung tâm sản xuất trong khu vực và thế giới. Việt Nam trở thành điểm đến của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Việt Nam cũng đã chuyển từ một nền kinh tế dựa chủ yếu vào nông nghiệp sang một nền kinh tế công nghiệp hóa và xuất khẩu. Câu hỏi hiện nay là Việt Nam sẽ làm gì trong tương lai?

Tạo cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào tăng trưởng xanh - Ảnh 3

Như ông chia sẻ, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới. Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển xanh và bền vững, khu vực tư nhân của Việt Nam có những cơ hội gì từ sự chuyển đổi này, thưa ông?

Để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần có sự thay đổi đột phá. Điều này bắt đầu từ việc cải cách một số chính sách để tạo ra môi trường pháp lý cho khu vực tư nhân hoạt động. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ cần cân bằng kỹ lưỡng giữa tham vọng tăng trưởng với các mục tiêu bền vững về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Trong hơn hai năm làm việc tại Việt Nam, tôi nhận thấy Chính phủ và khu vực tư nhân đang có sự đồng thuận về vấn đề này, vì vậy, câu hỏi không phải là có nên làm hay không, mà là: Làm thế nào để thực hiện mục tiêu? Điều này rất phổ biến bởi nhiều thị trường khác cũng đang trải qua giai đoạn chuyển đổi này. Đối với Việt Nam, IFC có thể giúp Việt Nam thiết lập các điều kiện thị trường và tìm ra những cơ hội, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng. Đây là một lĩnh vực đầy thách thức và Việt Nam đang xem xét kỹ lưỡng cho những kế hoạch sắp tới khi nhu cầu năng lượng trong những năm sắp tới sẽ tăng trung bình 8,5%/năm.

Để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, Việt Nam cần tăng cung điện, nhưng đồng thời cũng phải làm cho năng lượng xanh hơn. Cách duy nhất để thực hiện điều đó là thu hút thêm công nghệ và vốn, chủ yếu từ nước ngoài bởi vì quy mô đầu tư sẽ rất lớn.

Theo báo cáo khí hậu và phát triển của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam sẽ cần 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để đạt được tham vọng tăng trưởng bền vững, ít nhất một nửa lượng vốn đó phải đến từ khu vực tư nhân. Điều này là không dễ dàng và Việt Nam cần bắt đầu ngay từ các quy định của Chính phủ để khuyến khích đầu tư tư nhân, cả trong nước và nước ngoài, vào những lĩnh vực này.

Đây là một cơ hội lớn, mặc dù đầy thách thức, nhưng với vị trí hiện tại của Việt Nam và các kế hoạch sắp tới, triển vọng rất khả quan. Nếu Việt Nam không thực hiện quá trình chuyển đổi này thành công hoặc không đủ nhanh, Việt Nam sẽ đánh mất cơ hội phát triển.

Tạo cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào tăng trưởng xanh - Ảnh 4

Nhiều công ty tư nhân Việt Nam đã tự nguyện chuyển đổi để thích ứng với xu hướng kinh tế xanh. Từ kinh nghiệm của ông, đã có những sáng kiến nào đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững môi trường và tăng trưởng kinh tế không?

Năm ngoái, IFC đã cùng với WB hỗ trợ Ngân hàng BIDV phát hành trái phiếu xanh đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài ra, IFC cũng đã hỗ trợ ngân hàng thương mại tư nhân đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh. Đây là những điều mới mẻ và sáng tạo khi Việt Nam chưa có các quy định cụ thể về vấn đề này. Đây cũng là nỗ lực của IFC nhằm cố gắng kích hoạt những ý tưởng mới cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định cần được cụ thể hóa để tiến tới quy mô lớn hơn trong tương lai. Theo đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ một hệ thống quốc gia phân loại các dự án xanh.

Chẳng hạn, IFC đã phát triển một chương trình chứng nhận tòa nhà xanh - EDGE. Khi một tòa nhà đạt chứng nhận EDGE, dự án sẽ đủ điều kiện để được IFC cung cấp các khoản tín dụng hoặc hỗ trợ chủ đầu tư phát hành trái phiếu triển khai dự án. Đây là sự kết hợp giữa IFC và khu vực tư nhân Việt Nam nhằm hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Song IFC không thể tự làm điều đó nếu không có các quy định và quy tắc phù hợp để phát triển thị trường tới quy mô cần thiết để tạo ra sự khác biệt.

Tạo cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào tăng trưởng xanh - Ảnh 5

Những thách thức chính mà khu vực tư nhân phải đối mặt khi thích ứng với xu hướng này là gì, thưa ông?

Tôi cho rằng có bốn vấn đề chính mà Việt Nam cần tập trung.

Một là, tầm quan trọng của khung pháp lý và quy định. Từ phía Chính phủ, tôi nghĩ rằng vai trò của đầu tư công tại Việt Nam rất quan trọng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông. Chẳng hạn như lưới truyền tải, đây là một hạn chế trong hệ thống năng lượng của Việt Nam mà chỉ có Chính phủ mới có thể khắc phục trên quy mô lớn. Cùng với đó, hệ thống giao thông vận tải, hệ thống đường sắt cũng như các hệ thống logistics cần được cải thiện nhanh chóng. Khu vực tư nhân có vai trò trong những lĩnh vực này, nhưng Chính phủ cần tham gia mạnh mẽ hơn vào khía cạnh pháp lý. Khi Chính phủ thiết lập khung pháp lý và quy định phù hợp, doanh nghiệp tư nhân sẽ có nhiều cơ hội mà không cần phải sử dụng đến các bảo lãnh của Chính phủ.

Hai là, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính. Chúng ta đã nói về việc cần ít nhất 184 tỷ USD từ khu vực tư nhân và làm thế nào để đạt được điều đó. Hiện tại, khoảng 80% lượng tiền tiết kiệm trong nước được gửi qua hệ thống ngân hàng, nhưng chỉ có dưới 5% nguồn vốn của ngân hàng được đầu tư vào tài sản xanh. Do đó, câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa dòng vốn có sẵn này chảy vào đầu tư xanh? Đây cũng là một phần quan trọng trong chiến lược của IFC cho Việt Nam.

Nếu muốn mở rộng quy mô và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực xanh, việc phát triển thị trường vốn là rất quan trọng với Việt Nam. Việc phát hành trái phiếu như trái phiếu xanh lá, trái phiếu xanh lam, trái phiếu liên kết bền vững là những công cụ mang lại nguồn vốn lớn cho các dự án. Việt Nam có thể thực hiện từng dự án riêng lẻ nhưng nếu nhà đầu tư quốc tế và trong nước có thể đổ vốn vào nhiều dự án đầu tư lớn, chúng sẽ được triển khai hiệu quả hơn nhiều so với việc thực hiện các dự án nhỏ lẻ.

Ba là, cơ sở hạ tầng. Nếu không có hạ tầng giao thông và hạ tầng điện đảm bảo với nhu cầu phát triển, tăng trưởng sẽ chậm lại do Việt Nam không thể tiếp tục xây dựng ngành sản xuất và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên một hệ thống hạ tầng không theo kịp và không hiện đại hóa.

Bốn là, phát triển kỹ năng và khả năng thích ứng của lực lượng lao động, yếu tố này có thể là quan trọng nhất. Hiện nay, có rất nhiều cuộc thảo luận về việc Việt Nam đang tiến lên chuỗi giá trị, không chỉ dựa vào kỹ năng thấp trong sản xuất may mặc mà còn chuyển sang lắp ráp và những ngành có giá trị gia tăng cao. Điều này đòi hỏi người lao động Việt Nam phải có kỹ năng cao hơn. Để làm được điều đó, Việt Nam cần lực lượng lao động có trình độ cao, thành thạo công nghệ, kỹ năng số, ngôn ngữ và khả năng học tập và thích nghi nhanh vì thế giới đang thay đổi rất nhanh.

Nếu tập trung vào bốn yếu tố này, Việt Nam sẽ có điều kiện tốt để nâng cao vị thế của nền kinh tế.

Tạo cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào tăng trưởng xanh - Ảnh 6

Nhiều công ty Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và đang hướng tới việc mở rộng ra toàn cầu. Vậy theo ông, động lực nào thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp?

Nhiều doanh nghiệp đang hợp tác với IFC nhằm nâng cao các tiêu chuẩn về ESG (môi trường, xã hội và quản trị) theo chuẩn mực quốc tế để đi ra toàn cầu. Bởi hiện nay, các công ty và nhà đầu tư quốc tế đang tìm kiếm những công ty đạt các tiêu chuẩn toàn cầu tại Việt Nam để hợp tác làm ăn. Các doanh nghiệp Việt Nam không nhất thiết phải đạt được điều đó ngay hôm nay, nhưng họ cần phải có tầm nhìn để trở thành tốt nhất.

Ngoài ra, việc cởi mở đối với đầu tư nước ngoài và các ý tưởng mới cũng rất quan trọng. Nhiều công ty Việt Nam hiện nay vẫn do gia đình kiểm soát. Đôi khi, quá trình chuyển đổi từ công ty gia đình sang việc đưa những người bên ngoài vào, không nhất thiết là người nước ngoài, sẽ gặp khó khăn bởi tư duy truyền thống. Doanh nghiệp gia đình có thể cảm thấy mất kiểm soát nhưng điều này mang lại những ý tưởng mới, những đối tác mới. Rất khó để thay đổi với một công ty gia đình đã tồn tại nhiều năm nhưng đây là một cơ hội tốt cho doanh nghiệp gia đình thông qua cấu trúc lại cổ phần, hợp tác với các đối tác bên ngoài.

Tạo cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào tăng trưởng xanh - Ảnh 7

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các chính sách hiện tại ở Việt Nam trong việc khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào nền kinh tế xanh?

Thẳng thắn mà nói, vẫn còn nhiều việc phải làm. Đây là một quá trình đang diễn ra và cần tiếp tục đẩy mạnh. Chính phủ đã thành công trong việc đưa ra tầm nhìn cho đất nước, nhưng điều này cần thời gian để thực hiện. Bởi đây là một bước chuyển mới cho tất cả các quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tất cả chúng ta đều đang học hỏi.

Ví dụ, thị trường carbon có thể là một cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng lại chưa phát triển thực sự ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Việt Nam đang học hỏi cùng với tất cả các quốc gia khác. Định hướng đã được xác định rõ và giờ là lúc đẩy tiến độ nhanh hơn, đặc biệt trong khâu ra quyết định. Doanh nghiệp cần xác định chính xác những điểm hạn chế để tìm các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

Đồng thời, Chính phủ cần tuyên bố rằng đã đến lúc thay đổi, đưa mọi người vào một lộ trình cụ thể. Chẳng hạn như chính sách cụ thể nào, thay đổi hoặc sáng kiến nào mà Chính phủ cho rằng cần thiết để tăng cường đóng góp của khu vực tư nhân vào các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam?

Một điều mà tôi nghĩ đến và IFC thường nói đến là thỏa thuận mua bán điện cho các nhà đầu tư quốc tế. Thỏa thuận mua bán điện là hợp đồng mà nhà sản xuất điện sẽ ký với người mua điện. Ở Việt Nam hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ ký các hợp đồng này với người mua. Nhưng hầu hết các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm IFC, không coi thỏa thuận mua bán điện này là phù hợp cho các nhà đầu tư quốc tế, bởi cách đánh giá rủi ro có sự khác biệt. Các nhà đầu tư từ nước ngoài đang tìm kiếm các loại hợp đồng theo tiêu chuẩn toàn cầu. Do vậy, vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng.

Một ví dụ khác là năng lượng gió. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về cơ hội cho năng lượng gió ngoài khơi nhưng không có sự thay đổi nào diễn ra. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang có công nghệ rất quan ngại về vấn đề này và họ đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới ở các thị trường khác. Vì vậy, Việt Nam cần có những chuyển đổi mạnh mẽ để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong 5-10 năm nữa. Việc ra quyết định lúc này là rất cần thiết.

Tạo cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào tăng trưởng xanh - Ảnh 8

IFC đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển khu vực tư nhân. Trong thời gian tới, IFC có thể hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam như thế nào trong việc đổi mới và đầu tư vào các hoạt động bền vững, thưa ông?

Hiện tại, Việt Nam nằm trong top 10 danh mục đầu tư toàn cầu của IFC. Cam kết đầu tư tại Việt Nam có thể đạt mức 2 tỷ USD trong những năm tới. Năm 2023, IFC đã thực hiện khoảng 750 triệu USD đầu tư mới, trong đó 60% là các khoản đầu tư xanh theo cách mà chúng tôi tính toán. Tất cả chiến lược của IFC đều nhằm thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân vào tính bền vững và quá trình chuyển đổi xanh.

Ngoài ra, IFC có thể sẽ cam kết mới khoảng 400-500 triệu USD trong năm 2024 từ các công cụ xanh và bền vững khác nhau. IFC cũng đang xem xét các cơ hội đầu tư vào chuỗi cung ứng xanh và quá trình khử carbon cho các công ty sản xuất. Ngoài ra, chúng tôi có một chương trình rất toàn diện về các tòa nhà xanh.

Hiện tại, IFC đang hợp tác với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và đã giúp họ thiết lập một số tiêu chuẩn về ESG cho các công ty niêm yết. Tôi nghĩ rằng những điều này, cả ở cấp độ ngành, cấp độ vĩ mô, cũng như cấp độ doanh nghiệp đều rất quan trọng.

Chúng tôi muốn tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ đầu tư xanh từ khu vực tư nhân, đồng thời hỗ trợ các dự án đầu tư riêng lẻ của các doanh nghiệp tư nhân để kích thích dòng vốn đồng loạt từ các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường.

Tạo cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào tăng trưởng xanh - Ảnh 9

VnEconomy 13/10/2024 18:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 42-2024 phát hành ngày 14/10/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tạo cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào tăng trưởng xanh - Ảnh 10