Thưa ông, ngành kinh doanh du thuyền thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua thời gian bị đình trệ do dịch Covid-19. Để vượt qua được khó khăn và trở lại mạnh mẽ sau đại dịch, Paradise Vietnam đã ứng phó với những thách thức đó như thế nào?
Thật khó để nhớ lại những ngày tháng Vịnh Hạ Long hoàn toàn tê liệt vì dịch bệnh Covid-19. Cũng như các doanh nghiệp du lịch khác, Paradise Vietnam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Từ việc đang hoạt động với công suất lớn, hàng ngày đón tiếp 400 - 500 khách thì đột ngột chúng tôi phải dừng lại. Những chiếc tàu sang trọng và khách sạn phải đóng cửa, những khách đã đặt tour trước đó đều phải hủy. Hàng trăm cán bộ, công nhân viên không đảm bảo được thu nhập.
Trong giai đoạn hai năm dịch bệnh, Tập đoàn vẫn luôn nỗ lực đưa ra các phương án ứng phó để duy trì hoạt động kinh doanh như mô hình quản lý và vận hành linh hoạt, tinh giản nhân sự nhưng vẫn tiếp tục nâng cao tay nghề để đảm bảo dịch vụ.
Tôi nhớ rất rõ ngày du lịch được mở cửa trở lại hoàn toàn, ngày 15/3/2022, đó là ngày lịch sử của ngành du lịch, du thuyền và Vịnh Hạ Long. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự phục vụ, cơ sở vật chất, sản phẩm, dịch vụ để đón tiếp những đoàn khách quốc tế đầu tiên. Cảm giác lại được đón tiếp những khách hàng từ khắp mọi miền Tổ quốc cũng như khách quốc tế sau hơn 2 năm, đó là ngày rất hạnh phúc với không chỉ cá nhân tôi.
Nhưng giai đoạn hậu đại dịch hiện nay, chúng ta đang chứng kiến rất nhiều thách thức, ví dụ như giá xăng dầu tăng cao, lạm phát ở nhiều quốc gia khiến lượng khách tới Việt Nam chưa nhiều? Ông và Ban lãnh đạo Tập đoàn đã đặt ra những chiến lược hành động như thế nào để du thuyền luôn kín khách?
Với tôn chỉ kinh doanh thích ứng linh hoạt theo điều kiện thực tế, chúng tôi đã biến thách thức thành cơ hội, triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy hồi phục hoạt động kinh doanh. Cụ thể chúng tôi luôn đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ. Ví dụ như phát triển tour du thuyền cao cấp Paradise Elegance 2 ngày 1 đêm và 3 ngày 2 đêm khám phá vịnh Hạ Long. Đồng thời, triển khai các gói dịch vụ kết hợp, gói dịch vụ chuyên biệt trọn gói, khai thác trải nghiệm mới lạ, tạo sự tiện lợi và thu hút du khách.
Dự kiến trong đầu năm 2023, ngoài việc đưa du thuyền cao cấp 39 cabin Paradise Grand vận hành trở lại trên vịnh Lan Hạ, chúng tôi cũng sớm cho ra mắt dòng sản phẩm du thuyền nhà hàng lớn nhất Paradise Delight tại Hạ Long với sức chứa 360 khách. Đánh dấu bước khởi đầu cho loại hình du lịch kết hợp trải nghiệm ẩm thực fine-dining, thưởng thức show trình diễn nghệ thuật thực cảnh và ngắm cảnh Vịnh Hạ Long.
Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường xúc tiến, kết nối lại thị trường inbound. Doanh nghiệp đã tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ lớn trong nước và quốc tế như ITE Hồ Chí Minh, VITM Đà Nẵng, ITB Berlin (Đức), Fitur Madrid (Tây Ban Nha). Đồng thời, duy trì hoạt động các văn phòng đại diện ở nước ngoài (như các văn phòng tại Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản…) và triển khai các chuyến gặp gỡ, trao đổi phát triển hợp tác với các công ty lữ hành nước ngoài.
Hiện nay, Tập đoàn đã triển khai chính sách kích cầu du lịch hấp dẫn. Chẳng hạn như áp dụng chương trình khuyến mãi đến 40% toàn bộ tour du thuyền và nghỉ dưỡng tại khách sạn so với trước đây, xây dựng các combo ưu đãi kết hợp giữa du thuyền và khách sạn, combo theo gói phòng và các dịch vụ ăn uống, chính sách “early bird” - đặt chỗ sớm hưởng giá giảm sâu, chính sách chiết khấu hấp dẫn cho các đại lý du lịch…
Việt Nam, Singapore, Thái Lan… đang trong cuộc đua thu hút khách du lịch quốc tế. Việt Nam có nhiều lợi thế về thắng cảnh đẹp, tiêu biểu như Vịnh Hạ Long, nhưng xét về dịch vụ, sự chuyên nghiệp thì vẫn xếp sau các quốc gia trong khu vực. Theo ông, chúng ta cần bao nhiêu thời gian để bắt kịp và vượt qua đối thủ khu vực?
Đúng là so với một số quốc gia trong khu vực thì du lịch Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Điều này do nhiều yếu tố nhưng mà tôi tin trong thời gian tới, với sự nỗ lực, đồng lòng của các cấp, các ngành và doanh nghiệp, chắc chắn du lịch Việt Nam sẽ còn phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Cụ thể, trong thời gian tới, du lịch Hạ Long nói riêng, Việt Nam nói chung cần có những chính sách kích cầu, tạo đà cho sự bùng nổ sau thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, xung đột chính trị, suy thoái kinh tế. Cụ thể cần nới lỏng quy định về cấp visa, mở rộng thời hạn và các quốc gia được miễn thị thực, đầu tư nâng cấp hơn nữa hạ tầng dịch vụ du lịch, tăng cường các chính sách kiềm chế lạm phát, bình ổn giá để giảm chi phí đầu vào, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Vậy ông có những kiến nghị hay đề xuất cụ thể nào để phát triển mạnh hơn nữa hoạt động kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long?
Tuy thời gian qua, hoạt động kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long đã khởi sắc trở lại nhưng để đẩy mạnh và phát triển hơn nữa du lịch trên vịnh, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương cần triển khai một số các giải pháp như: đẩy mạnh xúc tiến quảng bá điểm đến đối với các thị trường khách quốc tế, kết nối đường bay, khai thác tối đa hiệu quả của sân bay Vân Đồn; xây dựng chính sách giảm giá vé tham quan, lưu trú với du thuyền để các đơn vị kinh doanh du lịch phát triển nhiều gói dịch vụ với giá thành cạnh tranh, thu hút du khách.
Đồng thời, cần nghiên cứu cho phép khai thác thêm, hình thành các tuyến, điểm tham quan, du lịch mới trên Vịnh Hạ Long, tạo điều kiện phát triển du lịch bền vững; phát triển thêm các hoạt động vui chơi giải trí, kinh tế đêm để giữ chân du khách lưu trú lâu hơn tại Hạ Long; tổ chức, đăng cai triển khai các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao quy mô tại địa phương để tăng cường thu hút khách du lịch đến Quảng Ninh…
Các doanh nghiệp du lịch, cần luôn chủ động tạo ra các gói sản phẩm mới, khai thác thêm trải nghiệm văn hóa, ẩm thực tại Vịnh Hạ Long, tuyến tour du lịch liên kết vùng cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút và giữ chân du khách bằng việc nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ nhân sự du lịch.
Trước những tín hiệu khả quan của thị trường du lịch, ông đặt kỳ vọng và dự báo như thế nào vào năm mới 2023?
Theo nhận định của nhiều đơn vị nghiên cứu và ghi nhận của các hãng du thuyền trên thế giới, ngành du thuyền toàn cầu trong năm 2022 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Một dự báo đầy triển vọng của Tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về thương mại công nghiệp du thuyền Cruise Lines International Association (CLIA) cũng cho thấy lượng khách trải nghiệm du thuyền có khả năng vượt qua mức trước dịch vào cuối năm 2023, thậm chí tăng 12% vào năm 2024.
Thực tế ghi nhận tại Việt Nam cho thấy, từ tháng 4/2022 đến nay, du lịch Việt Nam nói chung và Hạ Long nói riêng cũng đã đạt được những kết quả đáng mừng sau khi đại dịch được kiểm soát. Trong đó, du thuyền tham quan và lưu trú trên Vịnh Hạ Long và Lan Hạ đang trở thành lựa chọn được ưa chuộng của cả du khách quốc tế và du khách nội địa. Chúng tôi ghi nhận mức công suất phòng trung bình đạt 80 - 90% từ tháng 4/2022 đến nay và gần như đã kín chỗ các dịp lễ, Tết sắp tới.
Theo đà tăng trưởng này, chúng tôi kỳ vọng năm 2023 khi các nước nới lỏng quy định xuất nhập cảnh, mở lại và phát triển thêm nhiều chặng bay quốc tế, ngành du thuyền tại Việt Nam nói chung và du thuyền trên Vịnh Hạ Long nói riêng có thể chứng kiến sự tăng trưởng lượng khách quốc tế mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là dòng khách tổ chức hội nghị, sự kiện, MICE.
Với phương châm luôn hoàn thiện và phát triển mỗi ngày, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa trong 2023 và những năm tiếp theo.
VnEconomy 24/01/2023 07:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
07:00 24/01/2023