Thiếu hụt lao động khi “bình thường mới”: Giải pháp nào để giữ chân nguồn nhân lực? - Ảnh 1
Thiếu hụt lao động khi “bình thường mới”: Giải pháp nào để giữ chân nguồn nhân lực? - Ảnh 2

Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về đánh giá tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc cho thấy, trong số 22.764 doanh nghiệp có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ, với 30,6%. Trong đó, những tỉnh thiếu hụt cao là Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và TP.HCM là 31,8%.

Một số ngành báo cáo có sự thiếu hụt nhiều lao động nhất là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (55,6%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (51,7%), sản xuất trang phục (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), ngành dệt (39,5%).

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết thành phố hiện có trên 470.000 doanh nghiệp đang đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp FDI với hơn 3,2 triệu công nhân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 5 tháng qua tỷ lệ lao động nghỉ làm hưởng bảo hiểm thất nghiệp của TP.HCM khoảng trên 100.000 người và 500.000 lao động nghỉ làm.

Để đáp ứng nhu cầu lao động sau giãn cách, theo ông Tấn, thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức kết nối cung cầu lao động với Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Từ ngày 1/10 đến hết tháng 11/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM cũng tổ chức chương trình Tiếp sức người lao động với gói việc làm “3 trong 1” gồm: giới thiệu việc làm, hỗ trợ tìm nhà trọ, xét nghiệm Covid-19 miễn phí, nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm đến, ở lại thành phố làm việc.

Trong thời gian này, Trung tâm phối hợp với mạng lưới các đơn vị dịch vụ việc làm, công đoàn ở các tỉnh, thành trong cả nước để kết nối người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động. Những ngày đầu tháng 10, chương trình đã nhận được sự tham gia của trên 170 doanh nghiệp với hơn 50.000 vị trí tuyển dụng, việc làm.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho người lao động di chuyển trở lại TP.HCM làm việc, các đơn vị chức năng của thành phố cũng đã lên phương án phối hợp với các tỉnh, thành phố trong tổ chức vận chuyển, đưa người lao động đến thành phố làm việc trong tình hình mới được thuận lợi, đảm bảo an toàn phòng dịch.

Thiếu hụt lao động khi “bình thường mới”: Giải pháp nào để giữ chân nguồn nhân lực? - Ảnh 3

Tại một thị trường lao động sôi động khác cũng chịu tác động lớn của làn sóng dịch bệnh là Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cập nhật dự báo Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động.

Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Dương chia sẻ, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn bắt đầu hoạt động lại, vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện tốt vấn đề cung ứng lao động cho doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Đến nay, Bình Dương đã chi hỗ trợ nhà trọ, nhu yếu phẩm cho người dân và công nhân lao động với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, chi hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền khoảng 900 tỷ.

Ngoài ra, khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, tỉnh sẽ triển khai Nghị quyết 68 về hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại tay nghề cho người lao động, đồng thời chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để kết nối người lao động nhanh chóng tìm được việc làm và giải quyết vấn đề nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, giao thông được kết nối, tỉnh sẽ kết nối với các tỉnh, thành để điều tiết cung cầu lao động giữa các địa phương, đảm bảo vấn đề việc làm cho người lao động.

Thiếu hụt lao động khi “bình thường mới”: Giải pháp nào để giữ chân nguồn nhân lực? - Ảnh 4

GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ GIỮ CHÂN LAO ĐỘNG?

Làn sóng dịch bệnh quét qua để lại nhiều hệ lụy, với các doanh nghiệp thì bài toán trước mắt chính là thiếu hụt nguồn lao động lớn khi một lượng người đã di chuyển về quê. Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, việc dịch chuyển là nhu cầu chính đáng của người lao động, do đó các địa phương cần tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ để họ về quê.

Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, qua làn sóng “ồ ạt về quê” của người lao động lần này càng thể hiện rõ việc chăm lo, đầu tư cho người lao động, đặc biệt là lao động nhập cư tại các khu công nghiệp hiện nay chưa tương xứng với những đóng góp của họ với sự phát triển kinh tế tại các địa phương.

“Việc bất cân xứng giữa mức độ đóng góp của người lao động và mức độ đầu tư của chủ sử dụng lao động cũng như các địa phương là điều đã thấy từ 10-20 năm trước, nhưng hiện nay càng bộc lộ rõ hơn nữa. Đại dịch xuất hiện như một cơn gió lật tung những bất cập của thị trường lao động. Nhiều người đi làm xa quê, không chỉ lo cho cuộc sống của bản thân, mà còn gồng gánh kinh tế của cả gia đình ở quê nên cuộc sống vô cùng vất vả”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, làn sóng lao động đổ về quê sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động. Ghi nhận của Viện Công nhân và Công đoàn, thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam vẫn đang sản xuất cầm chừng ở công suất bằng 30 - 40%, nếu như tình trạng sản xuất khôi phục cao hơn sẽ rất khó khăn trong vấn đề lao động.

Ông Tiến nhận định, nếu để khôi phục đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phải mất từ 3-9 tháng, song để khôi phục nguồn nhân lực, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề, những vị trí lao động kỹ thuật, phụ trách chuyên môn sẽ phải gặp khó khăn và thời gian gấp 3 lần như thế. Thậm chí, nếu sau dịch, doanh nghiệp chỉ cần khôi phục sản xuất từ 70% trở lên, đã có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động phổ thông trầm trọng hơn trước rất nhiều.

Để thu hút và giữ chân được nguồn lao động, theo ông Tiến, doanh nghiệp cần có những cam kết rõ ràng hơn về mức lương, thưởng, tiền lương làm thêm giờ…cũng như đảm bảo người lao động có một điều kiện làm việc an toàn…

Thiếu hụt lao động khi “bình thường mới”: Giải pháp nào để giữ chân nguồn nhân lực? - Ảnh 5

Còn theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), sau khi người lao động rời TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam về quê, chính quyền địa phương cần thực hiện ngay các giải pháp về việc làm ngắn hạn. Đồng thời, cần khảo sát nhu cầu tìm việc của người lao động cũng như nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để có cơ sở dữ liệu kết nối việc làm, giúp người lao động sớm thoát khỏi tình trạng thất nghiệp.

Liên quan vấn đề này, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng thừa nhận, ở thời điểm hiện tại cả doanh nghiệp và người lao động đều khó khăn. Tuy nhiên, khi người lao động quay trở lại, doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ trong bối cảnh họ đã cạn kiệt sau nhiều tháng nghỉ làm.

“Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng nhằm khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư. Bộ cũng sẽ chỉ đạo các trường đào tạo, cả nhà nước và tư nhân, tập trung đào tạo lao động để cung cấp lao động cho nhu cầu của doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn làm sao để khai thông chuỗi cung ứng lao động, không chỉ lao động phục vụ trong nước mà cả lao động đi làm việc ở nước ngoài”, ông Bình nhấn mạnh.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện Bộ này đang khẩn trương xây dựng chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, nhằm xây dựng giải pháp giúp giữ chân người lao động, thu hút người lao động đã về quê tiếp tục quay trở lại thị trường lao động, và giải pháp hỗ trợ điều tiết bổ sung lực lượng lao động cho những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cấp bách và đặc thù cần phải ưu tiên.

Thiếu hụt lao động khi “bình thường mới”: Giải pháp nào để giữ chân nguồn nhân lực? - Ảnh 6