Thời cơ vàng để phát triển công nghiệp bán dẫn - Ảnh 1
Thời cơ vàng để phát triển công nghiệp bán dẫn - Ảnh 2

“Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa tiềm năng để phát triển vi mạch, bán dẫn. Việt Nam đang xây dựng và sớm có chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, gắn liền với ngành công nghiệp điện tử. Đây là một kim chỉ nam cho sự phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Cơ hội rất nhiều nhưng thách thức, khó khăn cũng không nhỏ. Trước hết, Việt Nam chưa có hệ sinh thái toàn diện cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm: nhà cung cấp nội địa, công ty thiết kế sản phẩm, cơ sở đóng gói, testing, phân tích lỗi trong phát triển sản phẩm...

Lực lượng lao động tại Việt Nam dồi dào, nhưng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn. Do đó, Việt Nam đang tham gia ngành công nghiệp này ở công đoạn tương đối thấp.

Việt Nam cũng chưa có nhiều đội ngũ kỹ thuật ở mức tổng công trình sư có khả năng tham gia, làm chủ hoàn toàn thiết kế. Sự thiếu hụt lực lượng nhân sự chuyên môn cao sẽ làm quá trình phát triển và mở rộng diễn ra khó khăn hơn.

Việt Nam cũng chưa thực sự có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính đặc thù cho lĩnh vực bán dẫn phát triển. Trong khi đó, hiện nay nhiều quốc gia thế giới cũng như trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều có những chính sách tập trung đẩy mạnh đầu tư cho phát triển vi mạch bán dẫn, thu hút đầu tư để gia tăng vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Là quốc gia đi sau, Việt Nam cần lựa chọn những chiến lược phù hợp cho phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn dựa trên các lợi thế quốc gia, giúp phát triển bền vững. Thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn trong các khâu đóng gói, thử nghiệm sẽ là những công đoạn có yêu cầu chưa cao. Đây cũng là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực bán dẫn.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên tập trung đẩy mạnh phần thiết kế vi mạch, Design, Layout là những mảng đầu tư không lớn nhưng có thể mang lại nhiều giá trị.

Để phát triển lĩnh vực này, Việt Nam cũng nên có chính sách ưu đãi thuế như: thuế thu nhập cá nhân nhằm thu hút nhân tài chuyên môn sâu tham gia, đặc biệt là thiết kế IC Việt Nam đang có thế mạnh và mang lại nhiều giá trị. Ngoài ra, cần ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tương ứng với mức đầu tư R&D và đào tạo nhân lực thiết kế bán dẫn, tạo động lực cho các doanh nghiệp.

Lĩnh vực thiết kế vi mạch cũng cần phải gắn liền với ngành công nghiệp điện tử và chuyển đổi số. Vì vậy cần có chính sách thuế cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị điện tử sử dụng vi mạch (được thiết kế bởi các kỹ sư Việt Nam) hoặc các sản phẩm vi mạch Việt Nam. Điều này sẽ giúp vi mạch Việt Nam gắn liền với các sản phẩm điện tử Make in Vietnam.

Việt Nam cần phải tiếp tục phát triển nhân lực vi mạch bán dẫn và xác định đây là yếu tố quyết định thành công của ngành công nghiệp vi mạch. Theo đó, cần có chính sách hỗ trợ phát triển các trung tâm đào tạo nhân lực, tiếp cận theo hướng chuyên môn sâu, phù hợp nhu cầu doanh nghiệp, liên kết chặt chẽ giữa trường đào tạo và doanh nghiệp”.

Thời cơ vàng để phát triển công nghiệp bán dẫn - Ảnh 3

“Có thể nói Việt Nam đang tiến rất nhanh trong tiến trình công nghiệp hóa nói chung cũng như thu hút các nhà sản xuất bán dẫn nói riêng. Hiện nay do vấn đề về địa chính trị, có những nhà sản xuất đưa ra chiến lược chuyển cơ sở sản xuất từ một nước khác sang Việt Nam, nếu Việt Nam nắm bắt được cơ hội này sẽ rất tuyệt vời.

Vi điện tử và vật lý bán dẫn là cốt lõi của công nghệ số. Do đó, những quốc gia có nền công nghiệp vi điện tử lớn mạnh sẽ là nền tảng tốt để phát triển nhiều ngành công nghiệp khác, bao gồm ngành công nghiệp số. Đây sẽ là ngành rất quan trọng giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm tốt, giá trị cao và thúc đẩy tăng trưởng.

Đối với các nước có quỹ đất nhỏ như Singapore, phát triển những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng là bắt buộc.

Đến nay Singapore có số lượng nhà máy lớn thứ hai sau Đài Loan (Trung Quốc), với toàn bộ chuỗi giá trị thuộc sở hữu, từ nhà sản xuất thiết bị đến cung cấp hệ thống vật liệu. Chúng tôi còn nắm giữ hầu hết những trung tâm thiết kế vi mạch lớn như Qualcomm, Broadcom, Marvell, Media Tech…

Có thể nói, ngành vi điện tử và bán dẫn là một trong những ngành mũi nhọn giúp chúng tôi có được vị thế rất tốt.

Với Singapore, khi không có gì trong tay, chúng tôi thu hút các công ty nước ngoài vào đất nước mình để bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp điện tử. Từ đó, chúng tôi dần dần phát triển năng lực sản xuất để tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng. Đến nay chúng tôi có tất cả thành phần trong chuỗi giá trị ngành điện tử bán dẫn, từ công ty về lắp ráp cho tới thiết kế, đo lường, kiểm thử…

Ngành bán dẫn là một hệ sinh thái gồm nhiều mảng và có những mảng đòi hỏi đầu tư rất lớn, như FAB - nhà máy sản xuất chip khoảng 4-5 tỷ USD. Có thể Việt Nam cũng không sẵn sàng đầu tư vào đó mà để những “ông lớn” làm.

Singapore cũng vậy, đầu tiên các đơn vị xây FAB là những công ty nước ngoài, có tiềm lực tài chính. Sau đó chúng tôi tham gia vào từng phần trong chuỗi, dần nâng cao năng lực phát triển và tham gia sâu hơn. Singapore không đầu tư vào FAB, nhà máy sản xuất chip mà đầu tư lắp ráp, đo kiểm và dần chuyển sang phần thiết kế.

Hàng năm Singapore chi 5 tỷ USD cho nghiên cứu, nhưng số tiền này sẽ không hiệu quả nếu không có nhân lực tài năng để phát triển. Vì vậy, chiến lược thu hút nhân lực giỏi trong lĩnh vực bán dẫn là yếu tố tiên quyết khi Việt Nam muốn bắt tay thực sự vào phát triển ngành công nghiệp công nghệ này”.

Thời cơ vàng để phát triển công nghiệp bán dẫn - Ảnh 4

“Ngành bán dẫn là một chuỗi cung ứng rất lớn, các quốc gia đều có thể lựa chọn tham gia vào từng bước của ngành công nghiệp này. Việt Nam thực tế đã tham gia.

Việc tham gia có thể bắt đầu từ quá trình đóng gói các phần mềm, ứng dụng trong sản xuất bán dẫn, tiếp đó là phát triển phần mềm, sản xuất vật liệu phục vụ các mô hình máy tính lớn, máy lượng tử, sản xuất bán dẫn sinh học hay bán dẫn hữu cơ,...

Trong phát công nghiệp bán dẫn cần có một lộ trình tổng thể cấp quốc gia, điều này rất quan trọng. Khi có lộ trình, mọi người sẽ biết Việt Nam dự kiến làm gì. Trên cơ sở lộ trình quốc gia, các công ty trong nước cũng sẽ tham gia, đi theo định hướng chung của đất nước.

Về cách tiếp cận, Việt Nam có thể tìm kiếm liên kết hợp tác với các nước khác như Singapore, Vương quốc Anh, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) và nhiều công ty, quốc gia trên thế giới.

Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, yếu tố đầu tiên là nguồn tài chính đầu tư, đi kèm với đó là sự tiên phong trong ban hành các chính sách phát triển ngành. Việc tổ chức sự kiện kết nối trao đổi thông tin chuyên môn sâu giữa các chuyên gia, nhà khoa học bán dẫn trong và ngoài nước cũng rất quan trọng cho lộ trình phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách về thuế và chính sách khích lệ, khuyến khích đầu tư, phát triển ngành bán dẫn tại Việt Nam, từ đó sẽ thu hút các công ty đến Việt Nam sản xuất các linh phụ kiện, thiết bị của ngành bán dẫn…

Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng đáng kể. Một số công nghệ đóng gói chip tiên tiến của Intel đã được thực hiện tại Việt Nam. Với nguồn cung cấp năng lượng, lực lượng lao động dồi dào, trình độ cao và năng lực thu hút đầu tư mạnh mẽ, Việt Nam sẽ là một ứng cử viên triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn”.

Thời cơ vàng để phát triển công nghiệp bán dẫn - Ảnh 5

VnEconomy 10/02/2024 16:00

 

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thời cơ vàng để phát triển công nghiệp bán dẫn - Ảnh 6