09:03 20/07/2021

Thời của “bếp đám mây”

Lưu Hà

Đồ ăn giao tại nhà giờ đây không chỉ  là 1 – 2 món lẻ để thực khách “giải quyết” cho xong bữa, mà hoàn toàn có thể là một bữa tiệc đẳng cấp 4 – 5 sao được lên menu riêng phù hợp với mỗi gia đình...

Từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, người dân hạn chế đi ăn ngoài, vì vậy không ít nhà hàng trên khắp thế giới buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, cũng qua Covid-19, dịch vụ kinh doanh ăn uống theo mô hình “bếp đám mây” (cloud kitchen) và những bữa tiệc giao tận nhà lại chứng tỏ được ưu thế của nó trong kỷ nguyên số hóa.

XU HƯỚNG MỚI CỦA THẾ GIỚI

Không giống với gian bếp trong mỗi nhà hàng, “bếp đám mây” được xây dựng dựa trên mô hình on-demand, tức là có khả năng phục vụ khách hàng theo nhu cầu, mọi lúc mọi nơi. Các gian bếp chung này đóng vai trò như một địa điểm tập hợp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ F&B, nhưng các món ăn sau đó không phục vụ tại chỗ mà giao tận nhà qua yêu cầu cụ thể từ các app. Tính linh hoạt của mô hình này cho phép các bếp nấu tham gia không cần đến không gian hay chi phí cho trang trí cửa hàng mà chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm.

Theo Euromonitor International, đến năm 2030, thị trường “bếp đám mây” thế giới có thể trị giá 1.000 tỷ USD. Trong mô hình này, các nhóm đầu bếp hoạt động tập trung có thể cung cấp hàng loạt món ăn cho những nhà hàng muốn mở rộng dịch vụ giao đồ ăn, hay dành cho các thương hiệu chỉ hoạt động thông qua ứng dụng di động.

Trên thế giới, mô hình “cloud kitchen”  được xem là những startup khá hấp dẫn với giới đầu tư. Theo thông tin từ CNN, CloudKitchens, công ty có trụ sở tại Mỹ, đã nhận được hơn 400 triệu USD tiền góp vốn. Trong khi đó, Công ty Reef (Mỹ) đang chế biến thức ăn từ hàng ngàn bãi đỗ xe, thương hiệu Rebel Foods (Ấn Độ) điều hành các nhà “bếp đám mây” cho hơn 3.000 nhà hàng trực tuyến ở 35 thành phố tại đất nước đông dân thứ nhì hành tinh.

Các gian bếp chung này đóng vai trò như một địa điểm tập hợp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ F&B.
Các gian bếp chung này đóng vai trò như một địa điểm tập hợp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ F&B.

Theo nhận định của Công ty nghiên cứu thị trường JLL, các dịch vụ “bếp đám mây” có xu hướng nở rộ tại các quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh tại khu vực châu Á. Nơi xu hướng làm việc linh hoạt ngày càng phổ biến, các dịch vụ như “cloud kitchen”  đang lấp đầy nhu cầu thực của khách hàng.

Trên tờ Singapore Business Review, Neeraj Sundarajoo, một chuyên gia phát triển công nghệ trong ngành F&B chia sẻ, thông thường một nhà hàng sẽ phải giành từ 10 - 20% chi phí thuê mặt bằng, 30% cho chi phí nguyên liệu, 20 - 30% cho chi phí nhân sự. Một “cloud kitchen”  có thể tạo nên sự thay đổi đáng kể trong chi phí thuê mặt bằng và thuê nhân sự phục vụ tại chỗ.

“Những mô hình như cloud kitchen có thể là một hồi chuông báo tử cho các mô hình kinh doanh F&B truyền thống”, ông Sundarajoo nói. “Việc kinh doanh ngày càng dựa trên tín hiệu của dữ liệu vì chúng giúp cho doanh nghiệp nắm được xu hướng của khách hàng, điều này cũng đúng với ngành F&B trong kỷ nguyên số hóa”.

HỨA HẸN SẼ BÙNG NỔ TẠI VIỆT NAM

Theo đại diện JLL Việt Nam, các yếu tố nhân khẩu học ở các thành phố lớn ở Việt Nam cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình gian bếp chung do sự thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng. Thị trường bếp chung có thể sẽ chứng kiến nhiều sự đầu tư hơn từ các bên quan tâm khi người tiêu dùng chuyển sang dùng bữa tại nhà, ăn trưa tại văn phòng ngày càng nhiều, thậm chí ngay cả khi dịch Covid được khống chế.

Nằm trên đường Nguyễn Gia Trí, quận Bình Thạnh (Tp.HCM), Chef Station do chị Ninh Hoàng Ngân, một nhà sáng lập trẻ người Việt đầu tư, đã đi vào hoạt động cuối năm 2020. Tại Chef Station, mỗi đơn vị sẽ có một gian bếp riêng, được trang bị nội thất cơ bản, kèm máy nhận đơn.

Tại nhà bếp trung tâm này, các đầu bếp có thể tập trung vào việc nấu ăn, còn Chef Station sẽ lo việc thiết lập, điều hành cũng như tìm kiếm khách hàng, đối tác. Hiện tại, Chef Station đã triển khai hợp tác thành công với 4 thuơng hiệu: bánh canh Hai Nhiên, Cô Tấm, Chops và Made by CJ Foods.

 
Thời của “bếp đám mây” - Ảnh 1
Giờ đây, khách hàng không cần trực tiếp đến nhà hàng mới được thưởng thức những món ăn nấu bởi đầu bếp nhà hàng. Thay vào đó, họ chỉ cần đặt món, các món ăn sẽ được giao tận tay khách hàng ở bất cứ đâu, vào bất kỳ các bữa ăn trong ngày, với thực đơn từ bình dân cho tới cao cấp.

Mô hình “bếp đám mây” này không phải lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Năm 2019, Grab cũng đã đầu tư mở GrabKitchen tại Thủ Đức và hứa hẹn sẽ thêm nhiều địa điểm ở Tp.HCM. Khác hoàn toàn mô hình bếp trên mây của Grab, Chef Station... chỉ đơn thuần là bên thứ ba, có trách nhiệm tìm kiếm và kết nối khách hàng với nhà hàng, mô hình Tasty Kitchen lại chọn cách sở hữu và chịu trách nhiệm toàn bộ chuỗi quy trình khi quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu tư đội ngũ bếp chuyên nghiệp.

Tasty Kitchen cũng lựa chọn phân khúc khách hàng trung và cao cấp, khác hẳn phần còn lại của thị trường giao món ăn và đồ uống. Với mục tiêu là 20 nhà bếp hiện hữu, Tasty Kitchen mong muốn sẽ len lỏi mọi ngóc ngách của Tp.HCM, tạo nên xu hướng phục vụ từ các bữa ăn đến bữa tiệc tại gia với thực đơn được cá nhân hóa.

Trong tương lai gần, đối tượng Tasty Kitchen nhắm đến là khách hàng cá nhân với nhu cầu cao cấp hơn tại một số quận của Tp.HCM, nơi họ phục vụ tại nhà những bữa tiệc tiêu chuẩn 4 – 5 sao. 

Hồi tháng 6 mới đây, Công ty Cloud Kitchen Food Home với thương hiệu Cloud Cook cũng đã đến với một chương trình truyền hình để gọi vốn đầu tư. Với mô hình này, Cloud Cook dự tính sẽ thu tiền từ việc cho thuê các gian bếp tại bếp trung tâm, mỗi một gian bếp sẽ có chi phí từ 5 - 10 triệu đồng /tháng và mỗi trung tâm của Cloud Cook sẽ có tối đa 10 bếp.

Hiện Cloud Cook đang có hai điểm đang vận hành tại Hà Nội. Cuối cùng, dự án này nhận được sự chấp thuận của hai nhà đầu tư với tổng cộng là 6 tỷ đồng cho 40% cổ phần, với mong muốn tạo ra một điều gì đấy thật lớn lao cho ngành F&B của Việt Nam.

Các món ăn tại gian bếp chung không phục vụ tại chỗ mà giao tận nhà qua yêu cầu cụ thể từ các app.
Các món ăn tại gian bếp chung không phục vụ tại chỗ mà giao tận nhà qua yêu cầu cụ thể từ các app.

Có thể nói, “bếp đám mây” là một mô hình kinh doanh cực kỳ thú vị, mang đến cuộc cách mạng trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam trong thời gian tới, khi các khách hàng không cần trực tiếp đến nhà hàng mới được thưởng thức những món ăn nấu bởi đầu bếp nhà hàng. Thay vào đó, họ chỉ cần đặt món, các món ăn giao tận tay khách hàng ở bất cứ đâu, vào bất kỳ các bữa ăn trong ngày, với thực đơn từ bình dân cho tới cao cấp.

Một chuyên gia trong ngành cho rằng “ bếp đám mây” chỉ mới bước đầu xuất hiện ở Việt Nam,  nhưng trong tương lai, mô hình này sẽ phát triển mạnh vì rất tối ưu. Gian bếp chung được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong thời gian tới, như một bước hỗ trợ phát triển tất yếu của ngành thương mại điện tử giao gọi đồ ăn.

 
Theo các báo cáo của Công ty nghiên cứu Statistica, doanh thu từ giao thức ăn trực tuyến ở châu Á sẽ đạt 58,4 triệu USD trong năm nay và      dự kiến sẽ tăng 10,5% trong 4 năm tới. Từ một lĩnh vực ngách, giao   thức ăn đã trở thành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng mạnh của các      ứng dụng gọi xe.