15:20 19/12/2016

Thuốc bôi, không thể tuỳ tiện…

PV

Thuốc bôi, không thể tuỳ tiện… - Ảnh 1

Thuốc bôi dùng ngoài là loại thuốc có từ xa xưa và thường được gọi là thuốc mỡ. Bởi trước đây, để tạo ra được dạng thuốc này, người ta dùng chủ yếu các tá dược là dầu, mỡ, sáp động vật và thực vật. Thuốc thu được thường ở dạng mềm, mịn, trơn nhờn gần giống như mỡ heo. Ngày nay, cùng với các tiến bộ của khoa học, tá dược dùng trong sản xuất dạng thuốc này cũng trở nên phong phú và có thể không còn trơn nhờn nữa, nhưng từ thuốc mỡ vẫn để chỉ chung dạng thuốc bôi dùng ngoài. Thuốc bôi ngoài da ảnh hưởng tới tuần hoàn da, gây giãn mạch hoặc co mạch. Tuỳ theo dạng thuốc và tá dược, thuốc sẽ ngấm vào da nhiều hay ít, nông hay sâu. Khi dùng thuốc bôi ngoài da cần chú ý đến tác dụng lý hoá học của thuốc như thuốc làm thay đổi pH của da, có thể ảnh hưởng đến quá trình oxy hoá khử trong tế bào, do sử dụng thuốc khử oxy hoặc nhượng oxy. Thuốc bôi ngoài da còn có tác dụng toàn thân, gây nên những biến đổi sinh học nhất định, do thuốc ngấm vào da, vào máu, tác động lên đầu dây thần kinh thụ cảm ngoại vi, hoặc tác động lên các trung tâm của thần kinh thực vật.  Như vậy, thuốc bôi ngoài da có cả tác dụng tại chỗ và và toàn thân, chỉ định và sử dụng thuốc bôi ngoài da cần hết sức cẩn thận. Sự hấp thu của thuốc qua da phụ thuộc vào trạng thái lớp sừng, lớp mỡ bao phủ lên da, trạng thái các phần phụ của da, độ kiềm toan của da, đặc tính của các hoạt chất được sử dụng, dạng thuốc và dung môi được dùng, phản ứng của các thuốc đó trên da và hiện tượng phân ly ion của chúng. Ảnh hưởng và tác dụng phối hợp các yếu tố trên sẽ quyết định mức hấp thu của da và tác dụng của các loại thuốc bôi ngoài da.

Thuốc bôi, không thể tuỳ tiện… - Ảnh 2

Cùng sử dụng để bôi ngoài da, nhưng thuốc mỡ có nhiều dạng khác nhau:
Dạng mỡ
Là dạng thuốc có thể chất mềm, thành phần cấu tạo nhiều tá dược thân dầu như: lanolin, vaselin, mỡ, sáp... Ưu điểm là có tác dụng dịu nhẹ đối với da và niêm mạc, nhưng nhược điểm là hạn chế sự trao đổi chất bình thường giữa chỗ bôi thuốc và môi trường bên ngoài, gây bẩn da quần áo và khó rửa sạch bằng nước. Dạng này thích hợp với loại da khô, sần sùi, sừng hóa.
Dạng kem
Cũng có thể chất mềm mịn. Tá dược là các chất nhũ tương chứa một lượng chất lỏng đáng kể. Dạng này không cản trở sự trao đổi chất bình thường giữa chỗ bôi thuốc và môi trường bên ngoài, không gây bẩn và dễ rửa. Tác dụng là làm dịu nhẹ và làm chỗ bôi thuốc được khô ráo mát mẻ, có khả năng hút các dịch tiết ra khỏi vết thương, giữ độ ẩm cần thiết cho da. Dạng thuốc này thuận lợi với các tổn thương có dịch rỉ hoặc dùng để bôi vào các hốc sâu như âm đạo.
Dạng gel
Có tá dược là các polymer thiên nhiên hoặc tổng hợp. Dạng này có ưu điểm dễ bám thành lớp mỏng lên da hoặc niêm mạc, không cản trở sự trao đổi chất bình thường giữa chỗ bôi thuốc và môi trường bên ngoài. Tác dụng làm dịu da, không gây bẩn quần áo, dễ rửa. Dạng gel này và các dạng khác như xịt, phun thích hợp với các tổn thương ở vùng có nhiều lông như da đầu hoặc nếp gấp (nách, bẹn). Đặc biệt, thuốc không thấm qua da lành, thích hợp vùng da hoặc niêm mạc bị tổn thương hay mẫn cảm với tá dược béo.
Dung dịch 
Hoạt chất được pha trong tá dược (thường là các dung môi lỏng) thành một chất lỏng đồng đều, không vón, không tủa. Tá dược thường là nước, cồn, các chất hoà tan dễ bốc hơi (ête, axêton, clorofoc, đôi khi dùng glycerin), các chất này ngấm mạnh. Dung dịch trong cồn lợi hơn dung dịch trong nước là ngấm sâu hơn và dễ bốc hơi hơn, nhưng nếu dùng loại cồn mạnh có thể gây kích thích da và khô da do tẩy mỡ quá nhiều. Cồn được dùng để hoà tan một số muối khoáng, nhiều chất hữu cơ, thảo mộc, cồn làm cô đặc albumin có tác dụng sát trùng.
Dung dịch bôi ngoài da thường được sử dụng bằng cách đắp gạc. Phủ lên vùng tổn thương 8 - 12 lớp gạc, liên tục tưới, giỏ dung dịch thuốc vào đó tạo môi trường ẩm ướt dung dịch thuốc trong vòng 24h - 72h. Đắp gạc có tác dụng làm giảm viêm nề, chống xung huyết, chống chảy nước, sát khuẩn, chống ngứa, sạch mủ, bở vẩy tiết.

Thuốc bôi, không thể tuỳ tiện… - Ảnh 3

Thuốc bôi, không thể tuỳ tiện… - Ảnh 4

Thuốc bột 
Có tác dụng làm mát da, chống xung huyết, giảm viêm, hút nước làm khô da, làm giảm cảm giác chủ quan (ngứa, nóng...). Tá dược thường dùng là hai loại bột: bột thảo mộc và bột khoáng chất. Bột thảo mộc thường dùng là bột gạo, bột mỳ, bột vỏ canh ki na, bột than . Bột gạo mịn hơn bột mỳ, có tác dụng hút nước rất mạnh. Bột cây canh ki na có tác dụng se da, sát trùng, hút nước mạnh. Bột than có khả năng hút nước, chống thối ruỗng khá tốt.
Trong từng chỉ định cụ thể, bác sỹ thường dùng thuốc bột rắc lên trên tổn thương đang viêm nhiều, cấp tính hoặc đang chảy nước. Thuốc bột còn dùng để rắc vào vết loét lâu lành. 
Thuốc bôi có chứa corticoid
Khi bôi, corticoid được hấp thu vào tế bào da. Corticoid ngăn chặn các tế bào da tạo ra các chất gây viêm khi da tiếp xúc với kích thích hay dị nguyên (tác nhân gây dị ứng). Khi có các chất gây viêm thì các mạch máu ở da giãn nở rồi sưng đỏ ngứa. Có các loại corticoid với tiềm năng khác nhau. Ví dụ: hydrocortison 1% có tiềm lực trung bình; triamcinolon acetonide 0,1%, betamethason valerate 0,1%, fluticason propionate có tiềm lực mạnh; clobetasol propionate 0,05% có tiềm lực rất mạnh... 
Khi dùng corticoid, thầy thuốc và bệnh nhân hay nghĩ đến tác dụng phụ. Tuy vậy, tác dụng phụ còn phụ thuộc vào tiềm lực của thuốc, thời gian sử dụng, vị trí và độ lớn của vùng da bôi. Hay gặp nhất là teo da (da mỏng đi), giãn mạch (mạch máu giãn nở và nổi rõ dưới da), mất sắc tố tạm thời ở vùng da bôi. Riêng da mặt mỏng, hấp thu corticoid rất dễ nên dễ gây tổn thương da do thuốc. Vì vậy, chỉ dùng corticoid có tiềm lực nhẹ và theo hướng dẫn của thầy thuốc. Không nên dùng corticoid ở phụ nữ có thai, cho con bú trừ khi có chỉ định của thầy thuốc.

Thuốc bôi, không thể tuỳ tiện… - Ảnh 5

Một số lưu ý khi dùng thuốc bôi ngoài da
-    Thuốc bôi không những có tác dụng tại chỗ mà còn có tác dụng toàn thân, thuốc bôi ngấm vào da, ngấm vào mạch máu, tác động vào thần kinh, qua đó tác động lên toàn bộ cơ thể (ví dụ: bôi mỡ salicylic diện rộng nên bệnh nhân thấy chóng mặt, nhức đầu...).
-    Sử dụng thuốc bôi ngoài da phải phù hợp với tính chất bệnh lý, giai đoạn bệnh, mức độ bệnh, vùng da, có khi cả tuổi, giới, thời tiết, nghề nghiệp. Ví dụ: eczema cấp đang trợt, chảy dịch, mủ, vảy tiết cần chỉ định dạng dung dịch đắp gạc, ngâm, rửa, thuốc màu... Eczema mãn dùng dạng mỡ giảm viêm, giảm cộm, bạt sừng, vùng nếp kẽ nên hạn chế bôi dạng mỡ gây lép nhép, bí da. Một số thuốc không bôi được ở vùng mặt, vùng sinh dục.
-    Với các bệnh căn nguyên bệnh sinh còn chưa rõ, nếu nhận định chính xác tổn thương, chỉ định thuốc bôi phù hợp có thể làm bệnh đỡ hoặc khỏi.
-    Với các tổn thương đang có nhiều dịch mủ, vẩy tiết nên cho ngâm rửa, đắp gạc các dung dịch sát khuẩn 1 - 3 - 5 ngày cho giảm viêm, sạch mủ, bở vảy tiết, sau đó chỉ định tiếp các thuốc bôi phù hợp với giai đoạn sau.
-    Không nên bôi một thuốc thời gian quá dài, cũng không nên liên tục thay thuốc làm khó đánh giá kết quả điều trị, cũng như nhận định chẩn đoán đúng sai... Thường một đợt bôi thuốc khoảng 10 - 15 ngày.
-    Theo dõi phản ứng da trong quá trình bôi thuốc vì có thể rất có thể da bạn bị dị ứng với một số loại thuốc.
 
Thuốc bôi ngoài da từ tự nhiên
1.    Mật ong
Mật ong nguyên chất là một chất kháng sinh tự nhiên tuyệt vời. Trong các nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu hệ thống y tế, Đại học Y dược đã chứng minh mật ong có tác dụng kháng khuẩn đối với một loạt vi khuẩn và nấm. Khi dùng mật ong làm thuốc bôi lên vết thương hở, chất hydrogen peroxide (oxy già) sẽ tự nhiên được sản sinh khi tiếp xúc với dịch cơ thể, và có khả năng sát trùng cho vết thương.
2.    Tinh dầu trà
Cũng theo trung tâm nghiên cứu hệ thống y tế, Đại học Y dược thì tinh dầu trà có tác dụng như một loại thuốc kháng khuẩn mạnh mẽ (đặc biệt với các loại nấm), vì vậy bạn có thể sử dụng trực tiếp cho bất kỳ vết thương nào.
3.    Tinh chất nghệ
Nghệ có tác dụng giúp nhanh lành vết thương, trị thâm, trị sẹo thường được dùng làm đẹp da. Trong các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: nghệ có tác dụng giúp nhanh lành vết thương, trị thâm, trị sẹo, làm đẹp da hiệu quả là vì trong củ nghệ có chứa hoạt chất curcumin. Hoạt chất curcumin có tác dụng làm hết thâm, liền sẹo, làm đẹp da hiệu quả cao trong thời gian ngắn. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc bôi vết thương hở từ thiên nhiên chú ý làm sạch vết thương và tinh chất bôi lên vết thương cần làm sạch, tránh để vết thương bị nhiễm trùng từ những thành phần này.
4.    Nước ép hành tây
Nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết hành tây cũng có thể dùng để chữa căn bệnh khó trị này. Tuy không thể tiêu diệt toàn bộ ky sinh trùng gây bệnh nấm da nhưng nước ép hành lại ức chế hiệu quả các hoạt động gya hại của chúng, giúp nấm không bị lây lan sang các vùng da khác. Ngoài cách ép hành tây lấy nước, bạn cũng có thể dùng phần nước luộc của chúng để chữa bệnh. Nếu ngại mùi hăng khó ngửi của hành bạn chỉ việc rửa kĩ da với nước sau mỗi đợt áp dụng.
 

Hoài Phương