Thuốc “trị thương” cho chuỗi cung ứng - Ảnh 1
Thuốc “trị thương” cho chuỗi cung ứng - Ảnh 2
Thuốc “trị thương” cho chuỗi cung ứng - Ảnh 3

Những biện pháp thắt chặt và cứng nhắc tại một số địa phương đang mang đến những hệ lụy khôn lường cho doanh nghiệp và người lao động. Điển hình là việc tắc nghẽn và đứt gãy lưu thông cung ứng nguyên liệu, hàng hóa cho sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối, tiêu dùng; hay người lao động không thể đến nhà máy do cản trở về giấy tờ đi đường...

Đối với sản xuất, các điều kiện của mô hình “3 tại chỗ” lại khóa chặt cánh cửa với đại đa số nhà máy do không thể đáp ứng cả về chi phí thực hiện hay thuyết phục người lao động. Các doanh nghiệp nếu có đáp ứng được tiêu chí này cũng gặp không ít khó khăn phát sinh để rồi nhận ra phương án này không thể thực hiện được lâu dài ở Việt Nam. Qua đó để thấy, dù bản chất phương án này là rất tốt, nhưng không thể áp dụng trong thời gian dài, và khi triển khai nếu cơ quan quản lý không nghĩ cho doanh nghiệp, không tạo điều kiện tối đa, linh hoạt, mà chỉ cứng nhắc “dừng – đóng” để chống dịch, thì sẽ tác động tiêu cực với doanh nghiệp.

Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn chế, doanh nghiệp và đặc biệt là người lao động không thể chỉ trông chờ vào hỗ trợ của Chính phủ nếu không được làm việc và tạo ra thu nhập cho mình. Như vậy giải pháp phong tỏa chặt và giãn cách như hiện nay sẽ không thể kéo dài. Lộ trình mở cửa nền kinh tế và sản xuất kinh doanh phụ thuộc nhiều yếu tố và kéo theo nhiều hệ lụy, cần phải chấp nhận rủi ro và đánh đổi giữa các tiêu chí.

Để giảm thiểu tử vong, Chính phủ cân nhắc tập trung nguồn lực y tế cho bệnh nhân nặng và ưu tiên vaccine cho đối tượng rủi ro tử vong cao (ví dụ như người cao tuổi) sau đó có thể bắt đầu mở cửa trở lại nhanh hơn tùy theo từng vùng, trong đó ưu tiên cho các khu vực kinh tế trọng điểm.

Giãn cách xã hội trong trường hợp cần thiết vẫn thực hiện nhưng với quy mô hạn chế. Chính phủ xây dựng những kịch bản dựa trên mức độ rủi ro và con số thống kê cụ thể hơn (nếu được), để người dân và doanh nghiệp có thể nắm bắt và có sự chuẩn bị nhất định, qua đó các địa phương áp dụng. Chính phủ cần thống nhất các quy tắc cơ bản để áp dụng nhất quán cho việc lưu thông hàng hóa, con người, cũng như các điều kiện và thủ tục đi kèm trong thời gian giãn cách.

Đối với doanh nghiệp, tùy từng kịch bản cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện hoạt động, trong đó chú trọng đến bố trí sản xuất, khoảng cách và số lượng lao động, thậm chí có thể yêu cầu doanh nghiệp giảm công suất nếu cần thiết. Ngoài ra, cần ban hành bộ quy tắc xử lý trong những tình huống phát sinh (người lao động đã tiêm được đi làm bình thường, nếu có ca nhiễm thì sao, xử lý F1, F2 không triệu chứng làm việc ở đâu…?). Điều quan trọng nhất là những điều kiện, quy tắc này chỉ ở mức độ đơn giản nhất và doanh nghiệp có thể kiểm soát được, qua đó trao thêm quyền tự chủ cho doanh nghiệp.

Tạo điều kiện tối đa, cấp phép linh hoạt và trong thời gian nhanh nhất đối với nhà quản lý và chuyên gia nhập cảnh, vì rõ ràng rủi ro lây nhiễm từ nước ngoài so với trong nước đã giảm thiểu tương đối đáng kể so với thời gian trước đây.

Lúc này là thời điểm các thị trường lớn của Việt Nam như châu Âu, Hoa Kỳ… đang phục hồi và tăng trưởng, đòi hỏi chuỗi cung ứng toàn cầu phải vận hành liên tục và không đứt quãng. Thực tế khảo sát các doanh nghiệp cho thấy một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp đã phải chuyển một phần sản xuất qua các quốc gia khác trong thời gian này để đáp ứng đơn hàng.

Nếu Việt Nam không thể có các giải pháp kịp thời để đáp ứng được các nhu cầu này, việc bị thay thế vai trò trong chuỗi cung ứng là hiện hữu, và sẽ không chỉ trong ngắn hạn.

Thuốc “trị thương” cho chuỗi cung ứng - Ảnh 4

So với các ngành sản xuất kinh doanh khác, ngành công nghệ thông tin có may mắn hơn vì trong thời gian giãn cách xã hội vẫn có thể duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ lợi thế là ngành công nghiệp dựa vào lao động trí tuệ và đang ứng dụng nhiều giải pháp, nền tảng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, giãn cách xã hội cũng mang lại rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Thứ nhất, ngành công nghệ thông tin phục vụ khách hàng, đối tác trong và ngoài nước thuộc tất cả các lĩnh vực hoạt động của kinh tế, xã hội, khi các khách hàng, đối tác không hoạt động hoặc khó khăn trong sản xuất kinh doanh, doanh thu sụt giảm, cũng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Nhiều khách hàng hạn chế hoặc thay đổi kế hoạch đầu tư cho công nghệ thông tin, ưu tiên dành nguồn lực đảm bảo cho sự tồn tại của doanh nghiệp nên một số công ty công nghệ giờ thậm chí phải chấp nhận chuyện đầu tư làm trước, nhận tiền sau.

Thứ hai, do hạn chế di chuyển cả trong nước và quốc tế, các hoạt động xúc tiến hợp tác, kinh doanh trực tiếp bị hạn chế, mặc dù hoạt động thúc đẩy bán hàng trực tuyến được đẩy mạnh.

Thứ ba, về nguồn vốn hoạt động, ngành phần mềm, công nghệ thông tin có đặc thù riêng về tư liệu sản xuất quan trọng nhất là con người, sản phẩm đặc thù nên rất khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng để triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, dù đang cung cấp dịch vụ cho tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, công nghệ thông tin vẫn không được xem là ngành thiết yếu, nên vẫn phải thực hiện làm việc từ xa 100% việc đảm bảo nền tảng, dịch vụ là rất khó khăn. Đấy là chưa kể không thể thực hiện các dự án với thị trường nước ngoài, yêu cầu bảo mật cao, phải bố trí ở một phòng riêng, đường Internet riêng.

Hiện nay, rất nhiều biện pháp đang được các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin thực hiện để thích ứng với giai đoạn “bình thường mới” như: Nâng cao hệ thống quản trị; Tăng cường đào tạo nội bộ nguồn nhân lực, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển; đẩy mạnh các hoạt động digital marketing… Đồng thời hầu hết doanh nghiệp đã đẩy nhanh, mạnh mẽ xu hướng SaaS – cung cấp phần mềm như một dịch vụ để có thể đưa công nghệ tới khách hàng dù giãn cách.

Để giúp tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành, VINASA kiến nghị Chính phủ đưa ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin vào danh sách các ngành thiết yếu, nhân lực được ưu tiên tiêm vaccine, giúp các doanh nghiệp trong ngành phục vụ các cơ quan của Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp được tốt hơn. Chính phủ có những cơ chế ưu tiên về vốn vay cho tất cả các doanh nghiệp trên toàn quốc giúp các doanh nghiệp có thể đảm bảo nguồn vốn hoạt động để vượt qua khó khăn của đại dịch; đồng thời có các cơ chế, chính sách thực tiễn để đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (động lực phát triển của nền kinh tế) ưu đãi về thuế, vốn vay, hỗ trợ tư vấn, đào tạo về chuyển đổi số…

Thuốc “trị thương” cho chuỗi cung ứng - Ảnh 5

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra căng thẳng, số ca nhiễm mới không hề có dấu hiệu suy giảm, hàng loạt tỉnh thành kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khiến kịch bản khôi phục đường bay nội địa và quý 3 bị đổ vỡ.

Về chủ trương, không hạn chế hoạt động vận chuyển hàng hóa để duy trì chuỗi cung ứng thông suốt trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các biện pháp cách ly gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng, sản xuất, khiến sản lượng vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không sụt giảm sâu. Các hãng bay đều lâm vào tình trạng khó khăn chung, mặc dù các doanh nghiệp đều đã tranh thủ tất cả khả năng, cắt giảm mọi chi phí, chuyển hướng vận chuyển hàng hoá bằng máy bay chở khách, nhưng doanh thu vẫn  giảm đến 99%, khiến dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng.

Dù các hãng cố gắng cắt giảm chi phí ở mức cao nhất, nhưng chi phí bảo dưỡng, chi phí duy trì đội hình máy bay vẫn không giảm. Bởi các doanh nghiệp luôn phải ở trạng thái sẵn sàng mở lại đường bay khi có thể, đảm bảo lực lượng tốt nhất, về tàu bay và nhân lực, chuẩn bị những kịch bản để khôi phục lại đường bay quốc tế, đường bay nội địa.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xin ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 03. Đây là tín hiệu tương đối tốt để mở rộng và kết nối về nguồn vốn giữa doanh nghiệp hàng không và ngân hàng, khi trước nay vẫn còn vướng về thủ tục. Để khơi thông hành lang pháp lý, cần kiến nghị của Chính phủ, Quốc hội, thì các hãng hàng không mới có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng, để duy trì hoạt động trước mắt. Ngoài ra, các hãng mong muốn tiếp cận các khoản vay dài hạn để sử dụng trong giai đoạn hậu phục hồi.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng có văn bản đề xuất Bộ Tài chính nới rộng mức giảm phí, lệ phí trong giai đoạn này khoảng 50%, chứ không dừng ở mức 10-20%. Chúng tôi dự báo các hãng phục hồi vào tháng 6 năm 2022, vì vậy, các chính sách cần kéo dài thời gian sau khi các hãng khôi phục, để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.

Thuốc “trị thương” cho chuỗi cung ứng - Ảnh 6

Hiện nay chính sách đối với các đối tác tài xế để có thể tham gia lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội trên địa bàn TP.HCM là quy định xét nghiệm định kỳ - hàng ngày đối với Vùng đỏ và 2 ngày/lần đối với Vùng xanh và Vùng cam. Doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ chủ trương xét nghiệm này, nhưng nếu yêu cầu doanh nghiệp chịu chi phí này sẽ tạo ra gánh nặng rất lớn đối với doanh nghiệp. Nếu chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ chi phí test nhanh Covid-19 sẽ là một bước gỡ khó và hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

Tại Hà Nội, chúng tôi kiến nghị chính quyền Thành phố Hà Nội xem xét cho phép các shipper của các hãng gọi xe công nghệ, trong đó có Gojek, được quay trở lại hoạt động để cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hoá thiết yếu, nhu yếu phẩm.

Một vấn đề nữa chúng tôi muốn đề xuất  tới các cơ quan của Chính phủ là tận dụng sức mạnh của công nghệ trong việc quản lý thông tin và điều phối việc lưu thông, di chuyển trên đường, giao nhận hàng hoá của các shipper.

Hiện tại, tại TP.HCM, chúng tôi đã chia sẻ và kết nối toàn bộ cơ sở dữ liệu của đối tác tài xế được phép lưu thông với các cơ quan chức năng, bao gồm thông tin cá nhân của tài xế, thông tin về phương tiện đăng ký, địa bàn hoạt động, tình trạng tiêm vaccine…

Trên cơ sở các thông tin này, Sở Công Thương cấp mã QR cho tài xế hoạt động, và lực lượng kiểm soát tại các chốt có thể dễ dàng quét mã này để quản lý, truy xuất, và xác nhận tình trạng hoạt động của tài xế một cách nhanh chóng, giúp hạn chế ùn tắc, giữ khoảng cách tại các chốt và tạo điều kiện để các tài xế có thể lưu thông, nhanh chóng giao nhận nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu, vận chuyển tới người tiêu dùng.

Nhưng trên thực tế, ngoài mã QR thì tài xế còn cần xuất trình các giấy tờ bổ sung, như giấy đi đường do doanh nghiệp cấp, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm nhanh, thẻ và băng đeo shipper. Những giấy tờ và thủ tục bổ sung này có phần trùng chéo, thậm chí khó xác thực thông tin, dẫn đến sự ùn ứ tại nhiều điểm kiểm soát, không đảm bảo nguyên tắc giãn cách và hạn chế hiệu quả của chuỗi cung ứng.

Chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng sẽ sớm tích hợp tất cả các thông tin cần kiểm soát trên một mã QR chung, để xóa bỏ rào cản trong thủ tục giấy tờ, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, truy xuất, kiểm tra và tăng độ chính xác thông tin từ đó giúp các tài xế lưu thông nhanh hơn trên đường.

Thuốc “trị thương” cho chuỗi cung ứng - Ảnh 7

Tại các doanh nghiệp điện tử phía Nam, hầu hết phải dừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”. Một số công ty cố gắng duy trì sản xuất ở mức 30% hoặc 50% nhưng tình trạng thực hiện “3 tại chỗ” khó có thể lâu dài, do tâm lý người lao động không muốn phải ăn ở tạm bợ tại công ty, cũng như việc duy trì công suất tối thiểu cũng khó đảm bảo đơn hàng với các đối tác.

Hơn nữa, chi phí doanh nghiệp tăng cao. Riêng chi phí test Covid-19 cho người lao động, trung bình doanh nghiệp phải chi thêm khoảng 3 triệu đồng/1người/1 tháng. Ngoài ra, còn các chi phí phòng dịch khác như: mua bổ sung thêm trang thiết bị phục vụ ăn ở cho lao động tại chỗ, chi phí sát trùng, khử khuẩn, vệ sinh công nghiệp... Thậm chí ngay cả khi doanh nghiệp phải đóng cửa vẫn có nhiều khoản chi phí phải trả như: trả lương ngừng việc cho người lao động, trả tiền thuê đất, trả lãi vay ngân hàng, chi phí điện, nước, hạ tầng để duy trì hệ thống máy móc thiết bị trong lúc dừng sản xuất...

Trước các khó khăn trên, cộng đồng doanh nghiệp ngành điện tử kiến nghị, cần cho người lao động các doanh nghiệp ngành điện tử được tiêm vaccine sớm nhất và nhanh nhất có thể. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp chủ động đưa ra các giải pháp tổ chức sản xuất an toàn trong mùa dịch và đăng ký thực hiện với chính quyền địa phương sở tại, thay vì áp dụng cứng nhắc các biện pháp “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm”. Cho phép doanh nghiệp được tự tổ chức test Covid-19 cho người lao động tại doanh nghiệp 1 tuần/1 lần và yêu cầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất an toàn với phương châm “vaccine + 5K”.

Hàng hóa, linh kiện, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của ngành điện tử cần được xem là hàng hóa thiết yếu, được đưa vào “luồng xanh” để vận chuyển, lưu thông.

Bên cạnh đó, đề xuất giảm 50% tất cả các loại thuế: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thu nhập cá nhân cho người lao động, thuế khác đồng thời xin giãn thời gian nộp từ 6 - 12 tháng. Giảm 50% tiền thuê đất cho hai năm 2020 và 2021 và xin giãn thời gian nộp 12 tháng vì chi phí này hiện tại là gánh nặng của doanh nghiệp.

Giãn thời gian trả nợ vay đến hạn cho doanh nghiệp từ 6-12 tháng, lãi suất vay giảm 30% so với lãi suất theo quy định thông thường đối với các khoản đã vay và khoản vay mới. Giảm 50% chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và xin giãn thời gian nộp từ 6 - 12 tháng. Giảm giá bán điện, nước, xăng.

Thuốc “trị thương” cho chuỗi cung ứng - Ảnh 8

Hiện nay vướng mắc lớn  nhất trong ngành logistics là lưu thông của phương tiện và con người. Chỉ đạo từ Chính phủ là đúng nhưng ở dưới cấp địa phương thực hiện chưa thống nhất.

Các địa phương tăng cường biện pháp kiểm tra kiểm soát với lái xe và phương tiện khi lưu thông trên đường. Khi phương tiện có lộ trình đi qua nhiều địa phương, nhưng địa phương không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ nên luôn tạo ra sự tắc nghẽn. Xe đi qua được hai, ba tỉnh nhưng đến tỉnh thứ tư thì  bị tắc do các quy định của địa phương đặt ra.

Khó khăn nữa với doanh nghiệp logistics hiện nay đó là gánh nặng về chi phí xét nghiệm. Chi phí xét nghiệm nCoV RT-PCR khoảng 750 nghìn đồng một lần, nếu test nhanh mất khoảng 330 ngàn đồng. Với những doanh nghiệp đông (con số hàng nghìn) lao động, riêng chi phí xét nghiệm  mất  cả tỷ đồng hàng tháng. Làm xét nghiệm mất 1 ngày, còn 2 ngày di chuyển, hết thời hạn 3 ngày lại phải xét nghiệm lại. Dở hơn  nữa là nếu xe đi từ Hà Nội lên biên giới mất cả tuần thậm chí 10-12 ngày, như vậy xét nghiệm kiểu gì?

Để gỡ vướng cho doanh nghiệp logistics lúc này, theo tôi giải pháp là phải thống nhất quy định từ Trung ương tới địa phương, “trên bảo dưới phải nghe”. Địa phương nếu có sáng tạo cũng không được làm xấu đi, không được khác, lệch với chỉ đạo ở của Chính phủ. Đồng thời, các quy định phải nhắm đến con người trên phương tiện chứ không nhắm đến phương tiện, hàng hoá.

Hiện tại người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn có thể mắc bệnh. Vì thế  chỉ cần yêu cầu tất cả những người cần thiết đi ra đường  phải có giấy xét nghiệm đang âm tính dù đã tiêm hay chưa tiêm vaccine!

Thuốc “trị thương” cho chuỗi cung ứng - Ảnh 9

Mô hình 4 xanh là một trong những mô hình đang được hầu hết cộng đồng doanh nghiệp quan tâm và hưởng ứng thực hiện. Tôi cho rằng, với cách tiếp cận và phương án triển khai đảm bảo i) Nhân lực xanh, ii) Cung đường xanh; iii) Vùng sản xuất/nơi làm việc xanh, và iv) Nơi ở xanh, sẽ phù hợp và khả thi hơn bởi phát huy được tính chủ động và linh hoạt của doanh nghiệp trong quản trị, điều hành dựa trên các điều kiện thực tế tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả và thành công của mô hình còn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của người lao động, nhất là tính tuân thủ và tôn trọng nguyên tắc đảm bảo an toàn (từ cá nhân đến tổ nhóm và dây chuyền sản xuất).

Bên cạnh đó, với cách tiếp cận mới của Chính phủ trong phòng chống đại dịch Covid-19 là “thích ứng và sống chung với virus”, từ góc độ đảm bảo chuỗi cung ứng, những giải pháp sau cũng cần được Chính phủ và doanh nghiệp quan tâm:

Thứ nhất, tối ưu sử dụng nguồn nguyên vật liệu, dịch vụ, gia công, nhân công lao động… tại chỗ hoặc trong phạm vi gần nhất có thể để giảm thiểu rủi ro.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình tìm kiếm công nghệ và triệt để ứng dụng số hóa và thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nền tảng công nghệ, tạo cơ hội việc làm từ xa để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động sẵn sàng duy trì làm việc từ xa.

Thứ tư, nghiên cứu, đầu tư xây dựng khu chế xuất tại những khu vực được quy hoạch đồng bộ giữa sản xuất, khu nhà ở công nhân, khu dịch vụ đảm bảo sản xuất an toàn và không có nguy cơ lây nhiễm chéo.

Thứ năm, hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng dạng hẹp (nội bộ) để chủ động SXKD và đa dạng hóa nguồn cung nguyên, phụ liệu, vật liệu đảm bảo sản xuất hàng hóa.

Thứ sáu, hướng dẫn, tuyên truyền nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và ý thức tự giác của người dân, người lao động và có cơ chế giám sát chặt chẽ vùng an toàn.

Thuốc “trị thương” cho chuỗi cung ứng - Ảnh 10
Trong thời gian qua, Tập đoàn Lộc Trời đã chủ động xây dựng và đề xuất các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ bà con nông dân và các địa phương giải quyết tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng đang bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19, bao gồm:

Tham gia chương trình “Kết nối cung cầu sản phẩm” của tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) với “7 cam kết của Lộc Trời”, như: Cam kết thu mua lúa tươi cho 2 giống lúa trồng nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long; Không tăng giá các vật tư nông nghiệp cho đến cuối năm 2021; Cấp tín dụng (thông qua vật tư nông nghiệp) cho các Liên hiệp HTX và các HTX, không tính lãi suất cho đến hết vụ; Tài trợ Kit-test nhanh Covid-19 cho nhân sự tham gia các hoạt động thu mua lúa và vận chuyển lúa ở một số tỉnh trọng điểm (Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang); Tổ chức xét nghiệm định kỳ hàng tuần cho toàn bộ nhân viên; Xây dựng qui trình mua lúa không tiếp xúc; Đảm bảo số lượng và chất lượng lúa gạo đối với các công ty xuất khẩu và nội địa đảm bảo đúng tiến độ giao hàng.

Đặc biệt, Tập đoàn Lộc Trời cũng đã đề xuất và nhận được sự ủng hộ của UBND, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang thực hiện mô hình liên kết Lộc Trời 123, hiện nay đang được triển khai ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, và sắp tới là trên địa bàn 11 huyện tại An Giang.

Đây là mô hình liên kết sản xuất lúa với bà con nông dân dựa trên nguyên lý: đơn hàng đi trước. Công ty tổ chức tìm kiếm, ký kết đơn hàng trước khi sản xuất; Lấy năng lực sấy của các nhà máy làm trung tâm để điều phối lịch xuống giống, loại giống, quy trình sản xuất theo các tiêu chí cụ thể của đơn hàng, thông qua hợp đồng liên kết với Liên hiệp HTX Thoại Sơn. Mô hình này sẽ giải quyết nỗi băn khoăn, lo ngại của bà con nông dân khi giá phân bón tăng, khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản mỗi thời điểm thu hoạch, nỗi lo không tìm được người mua nông sản hay mất giá khi được mùa; hay những khó khăn do Covid gây ra… như hiện nay.

Trong mô hình này, Lộc Trời cam kết đầu tư toàn bộ vốn sản xuất lúa cho các nông dân và HTX tham gia vào mô hình Lộc Trời 123 thông qua hình thức bao vật tư và dịch vụ nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đảm bảo lợi nhuận cố định cho nông dân ngay từ đầu vụ, giúp nông dân và HTX có thu nhập ổn định. Đồng thời, công ty còn áp dụng chính sách thưởng cho bà con nông dân tham gia vào sản xuất các đơn hàng lúa gạo xuất khẩu theo các tiêu chuẩn SRP (Tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững, tiêu chuẩn châu Âu, Nhật, Hàn, Mỹ…).

Thuốc “trị thương” cho chuỗi cung ứng - Ảnh 11