Trước thách thức, khó khăn ngành công thương không chùn bước          - Ảnh 1
Trước thách thức, khó khăn ngành công thương không chùn bước          - Ảnh 2

Xin Bộ trưởng đánh giá tổng quan về những kết quả mà ngành công thương đã đạt được trong năm 2022, nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu?

Năm 2022, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã  hội trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường và dị biệt. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, năng lực nội tại, sức chống chịu, khả năng thích ứng còn hạn chế, lại đang trong quá trình phát triển và chuyển đổi với những tồn tại kéo dài từ trước chưa thể khắc phục triệt để… Điều này đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, linh hoạt, quyết liệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương cùng với những nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của nước ta đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, kinh tế tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát…

Trước thách thức, khó khăn ngành công thương không chùn bước          - Ảnh 3

Một trong những điểm sáng nổi bật nhất của nền kinh tế là xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đạt mức kỷ lục mới trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm và tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nền kinh tế sụt giảm. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 ước đạt 732 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu ước đạt 371,5 tỷ USD, tăng khoảng 10,5%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD dự kiến đạt 39 mặt hàng (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.  Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2021, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Một điểm sáng nữa là sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong nước với các chương trình kích cầu tiêu dùng. Dự kiến, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 tăng 21%, vượt xa mục tiêu 8% đặt ra. Tình hình sản xuất và cung ứng điện năng cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu, cũng là một điểm sáng đáng ghi nhận của ngành. 

Riêng  mặt hàng xăng dầu, năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số địa phương. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp kịp thời và hiệu quả nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Kết quả, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

Trước thách thức, khó khăn ngành công thương không chùn bước          - Ảnh 4

Bộ trưởng có dự báo như thế nào về tình hình kinh tế năm 2023?

Tôi cho rằng năm 2023, ngành công thương tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình xung đột Nga - Ukraine kéo dài, điều này khiến cho nguồn cung và giá cả năng lượng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng gay gắt, cùng với tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế và sụt giảm tăng trưởng toàn cầu vẫn là các mối nguy đối với an ninh kinh tế của các quốc gia. Các thị trường xuất nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, tiếp cận thị trường và vốn của các doanh nghiệp tiếp tục khó khăn.

Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi đáng ghi nhận, nhưng tăng trưởng đã có những dấu hiệu sụt giảm trong những tháng cuối năm 2022. Các tác động của kinh tế toàn cầu đối với nước ta là rất rõ rệt khi độ mở cửa của nền kinh tế ngày càng lớn sẽ tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Trước thách thức, khó khăn ngành công thương không chùn bước          - Ảnh 5

Thời gian qua, các hiệp định thương mại  tự do (FTA) đã trở thành đòn bẩy  cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, vậy Bộ trưởng kỳ vọng như thế nào đối với các FTA trong năm 2023?

Dấu ấn đặc biệt là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) đã giúp duy trì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đồng thời hạn chế phần nào những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến thương mại và kinh tế của đất nước.

Có thể nhận định rằng việc thực thi các FTA của Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2023, đặc biệt là ở các thị trường được đánh giá là còn tiềm năng và dư địa tận dụng FTA cho Việt Nam do tỷ lệ thị phần của ta trong nhiều ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu còn thấp, như Liên minh châu Âu với các ngành như thủy sản, gạo, dệt may, giày dép, rau quả tươi, rau củ quả chế biến (tỷ lệ thị phần các mặt hàng này của ta mới chỉ đạt lần lượt 4,2%, 2,7%, 3,8%, 20% và 2,7%) hay tương tự là Canada và Mexico với các ngành thủy sản, điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ.

Tôi tin rằng các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục chung tay để các FTA tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu tương xứng với tiềm năng của ta, tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong sự cân bằng với các doanh nghiệp FDI, góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.

Trước thách thức, khó khăn ngành công thương không chùn bước          - Ảnh 6

Năm 2023, ngành công thương đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 8-9%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong năm tới để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra?

Để khắc phục những khó khăn, thách thức và tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2023, ngành công thương sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, về sản xuất công nghiệp, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất trước các rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng. Ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là các mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hoặc trong dài hạn để có chính sách thúc đẩy nguồn cung phù hợp.

Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, tập trung tháo gỡ các khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh. Bộ cũng sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản thiết yếu như: xăng dầu, điện, than, phân bón...

Trước thách thức, khó khăn ngành công thương không chùn bước          - Ảnh 7

Thứ hai, về xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh khai thác các Hiệp định FTA đã ký kết, tập trung khai thác thị trường mới, chú trọng khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng... để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.

Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, ưu tiên nguồn lực cho phát triển thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ...

Thứ ba, về phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối, logistics tập trung khai thác tốt thị trường nội địa vẫn còn dư địa gia tăng trong bối cảnh thị trường nước ngoài đang có xu hướng bị thu hẹp. Thực hiện một cách quyết liệt, nhịp nhàng công tác đảm bảo cung - cầu hàng hóa trong nước, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu...

Đối với mặt hàng xăng dầu, chúng tôi sẽ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống; đồng thời khẩn trương rà soát, tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/CP và Nghị định số 95/2021CP của Chính phủ.

Trước thách thức, khó khăn ngành công thương không chùn bước          - Ảnh 8

VnEconomy 23/01/2023 10:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Trước thách thức, khó khăn ngành công thương không chùn bước          - Ảnh 9